Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 21 mùa thường niên C 21.8.2016

saigon

“Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên”
như giòng sông nước quẩn quanh buồn,
như người đi cách mặt xa long,
ta hỏi thầm em có nhớ không.
(Nguyễn Đình Toàn – Sàigòn Niềm Nhớ Không Tên)

(Mt 19: 16-22)

Vâng. Chính thế. Với nhà thơ và đồng thời là nghệ-sĩ viết nhạc này, thì “Niềm nhớ” ấy cũng là của bạn, của tôi một thời Sài-gòn diễn-tả bằng những giòng chảy đầy chữ viết sau đây:

“Sài Gòn ơi! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao
trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
sáng đời tươi thắm vạn sắc màu
nay còn gì đâu…

Ai đã xa nhớ hàng me già, thu công viên hoa vàng tượng đá
thôi hết rồi mộng ước xa xôi, theo giòng đời trôi…

Sài Gòn ơi! Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi
tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Những quầy hoa quán nhạc đêm về
Còn rộn ràng giọng hát Khánh Ly

Sài Gòn ơi! Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau
Nhớ Phạm Duy với tình ca sầu
mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
mất từng con phố đổi tên đường
khi hẹn nhau ta lạc lối tìm
ôi tình buồn như đã sống thêm

Sài Gòn ơi! Tôi mất người như người đã mất tôi
như trường xưa mất tuổi thiên thần
hy vọng xa hay mộng ước gần
Đã lìa tan

Trăng ơi trăng có còn chăng là
Sao ơi sao, sao mờ lệ nhớ

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như hàng cây lá đỏ trông tìm
Mắt trời trong cánh nhỏ chim hiền
Đã ngậm sầu ngang môi lắng im

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như mộ bia đá lạnh hương nguyền
Như trời sâu đã bỏ đất sầu.
Còn gì đâu…”
(Nguyễn Đình Toàn – bđd)

Nhà thơ đây, đã cảm-kích viết thành lời những tâm-tình tư-riêng khi Sàigòn là “Hòn Ngọc Viễn-Đông” rất từ lâu nay bị mất cả tên lẫn tuổi trở-thành tên-gọi của một cá-nhân có tiểu-sử và gốc-nguồn mãi tận đâu đâu.

Mất tên tuổi của Sàigòn, nghệ-sĩ ta lại diễn-tả cho tôi và cho bạn tâm-tình như đã mất tất cả mọi thứ trong đời, như lời một tác-giả nổi danh khác, từng hát lên những lời đau-đớn rất như sau:

“Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng.

Sài gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường
Đưòng ngày xưa, mưa có ướt ngập lối đường về
Rồi mùa thu, lá còn đổ xuống công viên
Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng
Hay đã khóc thương cho người yêu

Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua, từng kiếp sống quên thời gian
Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay
Tôi gọi tên em mãi thôi.

Sài gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê
Phố phường vạn ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.”
(Nam Lộc – Vĩnh-biệt Sàigòn)

Thế mới biết, với người đời mới chỉ mất mỗi cái tên cũng đã là mất tất cả, trong đời mình rồi! Với nhà Đạo, có những trường-hợp đạo-giáo của ta cũng chỉ mất đi ý-nghĩa của buổi Tiệc thánh rất “Misa” thôi, cũng như thể mất tất cả, với nhiều người như lời hỏi/đáp ở bên dưới:

“Thưa Cha,

Con thừa biết là ta không được phép làm lao-động dù tay chân hay trí-óc vào Ngày-của-Chúa bao giờ. Nhưng theo con, chuyện này không dễ gì thực-hiện được. Nay, con chỉ muốn hỏi cha xem: đâu là những thứ ta được phép làm, và thứ gì không được phép như thế trong ngày Chúa nhật, đây?” (Câu hỏi từ một giáo-dân không ghi tên).

Không ghi tên, hay mất tên cùng tuổi cũng không thành vấn-đề. Chỉ cần người ấy cho biết đại ý câu chuyện mình muốn vấn-nạn là thế nào, tự khắc đấng bậc vị vọng của Giáo xứ hay giáo-phận sẽ có ngay một giải-đáp rất bài-bản như sau:

“Trả lời cho anh/chị câu hỏi này, tôi mượn sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từng đưa ra chuẩn-mực chung hầu dẫn-dắt chúng ta biết mà sống sao cho đúng bổn-phận của người có Đạo, vào các ngày Chúa Nhật, như sau:

“Vào các ngày Chúa-Nhật và các ngày nghỉ lễ theo luật buộc, thì tín-hữu Công-giáo phải tự-chế mình, không tham-gia làm các công-việc hoặc hoạt-động nào khả dĩ gây ngăn-trở cho việc phụng-thờ ta còn nợ Chúa.

Đó, là niềm vui đích-thực trong một ngày ta dành cho Chúa, tức: thực-hiện công-tác từ-thiện nào đó; và ta phải sống thật sự thư-giãn cả xác lẫn hồn. Nhiều người, lại cứ nại cớ là mình có nhu-cầu lo cho gia-đình cốt ý để hợp-thức-hoá việc thoái-thác chuyện nghỉ-ngơi vào ngày Chúa Nhật. Là tín-hữu đi Đạo, ta phải nhìn-nhận ra rằng: việc nại cớ/thoái-thác này khác không đưa ta về với thói-quen có thành-kiến với Đạo của mình, hoặc với đời sống gia-đình và sức khoẻ của mình nữa.” (X. GLHTCG đoạn #2185)

Như sách Giáo-Lý Hội-thánh Công-giáo có nói: gia-đình Công-giáo chúng ta cũng cần làm đôi ba việc vào ngày-của-Chúa, như: cần nấu-nướng, dọn-dẹp nhà cửa cho ngăn-nắp, thay tã cho con nhỏ, vv…

Dù sao thì, ta cũng nên tránh các công-việc nào đòi hỏi mình phải bỏ ra quá nhiều thì-giớ, và khả dĩ làm được vào ngày hoặc giờ nào khác, tốt hơn. Chẳng hạn như: giặt-giũ, chợ/búa, mua sắm, sơn/sửa garage, hoặc cử ngõ trong/ngoài nhà, hoặc làm vườn, vv… Với một số người, thì chỉ vào ngày Chúa-nhật, họ mới có thể làm một số việc thôi. Vậy thì, họ vẫn có thể tiếp-tục làm như thế.

Về sinh-hoạt cộng-đồng, sách Giáo-Lý Hội-thánh Công-giáo cũng dạy rằng: các sinh-hoạt truyền-thống như: thể-dục/thể-thao, phục-vụ nhà hàng, và các công-việc cần-thiết như việc phục-vụ dân-chúng này/khác đòi hỏi một số người phải làm việc cả vào ngày Chúa-nhật, nhưng mọi người phải lo để giờ ra mà nghỉ-ngơi.” (GLHTCG #2187)

Rõ ràng là, các khách-sạn, nhà hàng, nơi giải-trí công-cộng, các buổi thi-đấu thể-thao, vv.. đòi hỏi giới-chức hoặc nhân-viên phải làm việc cả vào ngày Chúa-nhật như: các dịch-vụ xã-hội như ở sở cảnh-sát, khu cấp-cứu ở các nhà thương, xe chữa lửa, công-tác chăm-lo cho bậc cao niên, …

Nếu tín-hữu đạo Công-giáo được chia phiên trực hoặc các việc khẩn-cấp đúng vào ngày Chúa-nhật, thì họ đương-nhiên phải tuân-giữ, nhưng cũng đừng nên biến những chúng thành công việc thường-xuyên, đều-đặn xảy ra mỗi tuần. Dĩ nhiên, ta vẫn phải để giờ ra mà tham-dự thánh-lễ vào chiều thứ Bảy hoặc CHúa-nhật.

Điều quan-trọng là ta phải tuân-giữ những gì mà sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo khuyên dạy, là: tất cả các tín-hữu Công-giáo đều phải tránh không được đòi-hỏi cách công cần-thiết bắt người khác làm việc việc cách sao đó khiến họ không giữ được bổn-phận chu-toàn luật dạy về Ngày-của-Chúa. (X. GLHTCG #2187)

Điều này nhắm đến các vị Giám-đốc Công-ty hoặc các Chủ-nhân-ông chia phiên mướn nhân-viên dưới trướng của mình theo cách nào đó để họ có thì giờ nghỉ-ngơi/tĩnh dưỡng một chút vào ngày Chúa-nhật, vào mỗi tháng. Việc này còn nhắm đến cá-nhân những ai không buộc phải làm công-việc mậu-dịch hoặc thuê-mướn người làm việc cho mình vào các ngày-của-Chúa. Cả vào khi các nhà mậu-dịch muốn đi làm ngày Chúa-nhật, thì ít ra cũng là điều tốt đẹp để ta đề-nghị các vị ấy hãy bỏ giờ ra mà ở với gia-đình, hoặc sinh-hoạt cộng-đồng nhà thờ, cùng chòm xóm, vv…

Hẳn ai cũng rõ, những năm tháng gần đây, ngày càng có nhiều dịch-vụ và/hoặc cửa hàng bán buôn/mậu-dịch vẫn mở cửa cả vào ngày-của-Chúa. Thế nên, Đức Chúa của ta đã dần-dà bị đẩy lùi ra khỏi ngày/tháng của Ngài, từ lâu lắm rồi. Mọi người, ai cũng nên bảo-vệ thời-gian mình đang có để nghỉ-ngơi/tĩnh-dưỡng mà lo chuyện phụng-thờ Thiên Chúa, thế mới phải.

Còn lại, là vấn-đề hỏi rằng: có nên khích-lệ hoặc lo bảo-trợ cho sinh-hoạt nào đó vào ngày-của- Chúa hay không? Câu trả lời ở đây, là; Ngoại trừ chuyện đi nhà thờ dự lễ là việc cực-kỳ quan-trọng, ta còn có bổn-phận phải bỏ giờ ra mà ở với gia-đình/họ hàng mà trên thực-tế những ngày khác trong tuần, thật khó mà thực-hiện.

Lại nữa, sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo cũng có dạy: Ngày Chúa-nhật là thời-gian để ta suy-tư, lặng thinh cầu nguyện, trau-dồi trí-não và làm việc chiêm-niệm, có thế mời giúp Kitô-hữu chúng ta lớn lên trong cuộc sống nội-tâm của mỗi người.” (X. GLHTCG #2186)

Cuối cùng, theo truyền-thống, Chúa-nhật là ngày để tín-hữu ta nghĩ về người khác, lo cho người khác như làm thiện-nguyện, chăm-lo/săn-sóc hỏi thăm kể liệt, người đau ốm và các bậc cao-niên không còn sức-lực khoặc không có điều-kiện tham-gia sinh-hoạt nhà thờ/nhà thánh được…” (X. Lm John Flader, What sorts of things should we be avoiding on the day of rest? The Catholic Weekly 29/5/2016 Question time, tr.18)

Thật ra thì, có hỏi nhiều câu hơn nữa gửi đấng bậc ngồi toà về giáo-luật và phụng-vụ những câu tựa như thế, khác nào người hỏi cứ phải chạy đến với tác-giả nhạc-bản trích ở trên mà bảo: “Sao bác lại có thể đặt được những ca-từ hay như thế?” Hoặc, hay là hay như thế này:

“Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
mất từng con phố đổi tên đường
khi hẹn nhau ta lạc lối tìm
ôi tình buồn như đã sống thêm

Sài Gòn ơi! Tôi mất người như người đã mất tôi
như trường xưa mất tuổi thiên thần
hy vọng xa hay mộng ước gần
Đã lìa tan

Trăng ơi trăng có còn chăng là
Sao ơi sao, sao mờ lệ nhớ

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như hàng cây lá đỏ trông tìm
Mắt trời trong cánh nhỏ chim hiền
Đã ngậm sầu ngang môi lắng im

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như mộ bia đá lạnh hương nguyền
Như trời sâu đã bỏ đất sầu.
Còn gì đâu…”
(Nguyễn Đình Toàn – bđd)

Nghe câu đáp-trả của đấng bậc vị vọng về chuyện “ta phải làm gì vào ngày-của-Chúa hoặc ngày nghỉ lễ trọng theo luật buộc, bần-đạo đây là nhớ đến câu truyện kể có mẩu đối-thoại thuộc loại “bỏ túi” giữa hai thành-viên đi Đạo rất “Công-giáo” sau đây:

“Truyện đây, là đối-đáp ngăn ngắn giữa Ông Sáu và Bà Tám, nghe rất quen:

Ông Sáu: Tám à. Anh Sáu đây, là đàn ông không đi nhà thờ ngày Chúa Nhật, nghe còn được chứ Tám bay là đàn-bà thì vì lý-do gì mà không đi thế?

Bà Tám:  Anh Sáu à! Anh biết có một mà hỗng biết mười. Anh Sáu cứ hỏi mọi người xem Sáu nói dzậy nghe có được không? Đi nhà thờ, thì ai cũng như ai, chứ liên-can gì đến đàn ông/đàn bà. Thôi được, Sáu cứ nói trước đi, vì lý-do gì mà Sáu không đi lễ bữa nào hết trọi dzậy?

Ông Sáu: Tám là đàn em, nói trước “qua” đây nghe coi có được không đã.

Bà Tám: Ừ! nói thì nói, có gì đâu mà phải sợ. Tám tui đây ít đi nhà thờ nhiều như trước là vì lúc này mấy ông cha ở nhà thờ giảng gì mà khó nghe lọt tại quá à. Bữa nào ỗng cũng bắt đàn bà bọn tui đọc kinh in ít thôi, để còn giờ ra mà học giáo-lý cho biết, như người ta. Nghe giảng riết rồi thấy chán phèo, bỏ lễ ít ngày cho mấy ỗng thấy sẽ bớt nói, bớt khuyên lơn người khác, chứ anh Sáu.

Ông Sáu: Thì ra là như thế! Còn lý-do của bọn anh í à? Bọn anh đây, độ rày cũng ít đến nhà thờ dự lễ là vì tuần nào có đi cũng thấy: hết cha xứ rồi đến mấy ông trong ban mục-vụ cứ hô hào bà con góp tiền miết. Bữa, thì kêu giúp xây tháp chuông, bữa, lại biểu để sửa lại chặng đàng thánh giá… Xây với sửa riết rồi cháy túi giáo-dân bọn anh thôi. Mà sao, họ đạo này có bao nhiêu người đâu mà mấy cha cứ là xây cất chi cho nhiều, dzậy há?

Bà Tám:  Cái đó thì Tám tui đàn em không biết gì. Nhưng, bọn này không chịu bỏ thói quen đọc kinh lần chuỗi trước giờ lễ, có thế thôi. Còn, chuyện học giáo-lý thêm thì bọn tụi em đó Sáu, thấy hết nhét được thứ gì vô trong đầu nữa rồi… Chết mồ! Bọn nhỏ tới rước kìa. Thôi, anh Sáu bỏ qua cho đàn em nhen.      

Ông Sáu: Hãy khoan đã. Còn cái vụ quyên tiền từ-thiện ở nhà thờ quá trời nhiều, thì Tám nghĩ sao đây?

Bà Tám: Quá tải rồi anh Sáu ơi. Nuôi báo cô nhiêu đó đứa, lấy đâu ra nữa mà từ-thiện với từ-ác chứ! Thôi Tám tui dzề nhen anh Sáu…

Ông Sáu: Tui thiệt chịu thua mấy bà rồi đó, nhen…”
(Truyện nghe được từ hàng rào nhà thờ nọ)

Truyện kể nghe giở dang, nhưng không dở. Nghe rồi, viết lại ở đây để may ra có chú “nhạn là đà” nơi nào đó nghe rồi chỉnh sửa, cũng rất được. Thế mới biết, bàn dân thiên-hạ đi nhà thờ nghe cha giảng tuy thấy “không được mấy” mà ai dám lên tiếng đâu chứ. Nhiều vị cứ sợ “Cha” biết được giáo-dân nói xấu mấy ông cha sẽ doạ “dứt phép thông công” thì khốn một đời đi Đạo!

Truyện kể về nhà Đạo, nhiều khi nghe rồi thấy quen quen. Quen, thì quen quá mà cũng chẳng làm được gì nên chuyện. Thay vào đó, ta nghe truyện ở ngoài đời có khi còn hấp-dẫn hơn chuyện trong Đạo, cũng không chừng.

Nói gì thì nói, trước khi nhờ bầu bạn kể thêm câu truyện đời khác, bần đạo đây lại cũng xin mời bạn và mời tôi, ta đi vào vườn hoa Lời Vàng của bậc thánh-hiền từng có những điều hay như sau:

Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giêsu rằng:

“Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt
để được hưởng sự sống đời đời?”
Đức Giêsu đáp:
“Sao anh hỏi tôi về điều tốt?
Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi.
Nếu anh muốn vào cõi sống,
thì hãy giữ các điều răn.”
Người ấy hỏi: “Điều răn nào?”
Đức Giêsu đáp:
“Ngươi không được giết người.
Ngươi không được ngoại tình.
Ngươi không được trộm cắp.
Ngươi không được làm chứng gian.
Ngươi phải thờ cha kính mẹ”,
và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.”
Người thanh niên ấy nói:
“Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ,
tôi còn thiếu điều gì nữa không?”
Đức Giêsu đáp:
“Nếu anh muốn nên hoàn thiện,
thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời.
Rồi hãy đến theo tôi.”

(Mt 19: 16-22) 

Và thánh Mátthêu Tin Mừng còn kể tiếp:

Nghe lời đó,
người thanh niên buồn rầu bỏ đi,
vì anh ta có nhiều của cải.”
(Mt 19: 23)

Tin Mừng kết-luận truyện kể về người thanh-niên giàu có đã “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Nói thế tức bảo rằng: nhiều người được gọi là giàu có, vẫn không muốn mất-mát điều gì, dù chỉ mỗi tĩnh-từ “giàu có”, mà thôi. Huống chi, cả hai nghệ-sĩ ngoài đời ta vừa kể đều khóc lên khi thấy tên gọi “Sàigòn” xưa, nay mất rồi.

Để minh-hoạ cho những điều đại loại như thế, nay mời bạn/mời tôi ta nghe thêm truyện kể cũng dễ nể ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Mẹ gọi điện cho dì, hắt vào máy điện thoại những tiếng gắt gỏng: “Để bà ở bên ấy thêm một tuần nữa thì đã sao? Rồi thì tôi trông bà bù hai tuần. Liền hai tuần được chưa? Tôi có việc nếu không tôi chẳng phải tốn hơi nhờ dì…” 

Dì chắc chắn có gắt gỏng lại. Tính dì nóng nảy hơn mẹ nhiều. Từ trước đến nay dì chưa thua mẹ miếng nào. Kể từ khi bà bước sang tuổi 90, không tự chăm sóc bản thân được nữa, dì và mẹ thỏa thuận với nhau mỗi người trông nom bà một tuần. Cũng kể từ đó bà như quả bóng bị đá từ đầu sân này sang đầu sân kia và ngược lại. Mẹ và dì nói nhau trong điện thoại suốt nửa tiếng đồng hồ. Mặt mẹ đỏ phừng phừng, hai hàng lông mày của mẹ rướn lên hết cỡ. Mẹ nhắc lại một số lỗi lầm điển hình của dì. Rồi mẹ kết luận: “Mày chỉ được cái bộ mồm!” 

Bố theo dõi cuộc trò chuyện của hai chị em mẹ, lẩm bẩm “chị em mà như chó với mèo!” Mẹ chưa rảnh tay để hục hặc với bố ngay lúc ấy. Kết thúc cuộc điện thoại mẹ quay sang bốdằn từng tiếng:

“Việc của chị em tôi không bận gì đến ông!” Bố im lặng. Bố im lặng nghĩa là bố thây kệ, mọi chuyện muốn ra sao thì ra. Dù có biết điều gì đó nên nói bố cũng chẳng thèm hé răng. Một tuần trôi qua. Việc bận của mẹ là việc đi chùa theo kiểu đi “tour”. Đi mười bảy chùa trong một tuần. Ăn chay toàn diện. Thành tâm cúng lễ. Tối chủ nhật mẹ mới về nhà. Không ăn uống, chỉ tắm rửa qua quýt mẹ lăn ra ngủ. Bố thây kệ. 

Bố không nói với mẹ rằng sáng thứ hai, sau khi mẹ đã lên xe đi cùng đoàn hành hương, dì gọi điện tới, cáu gắt, nói rằng mẹ nhất định phải sang đón bà, vì dì cũng bận. Và vì tuần đó là phiên mẹ trông bà. Dì không đời nào chịu bị buộc chân ở nhà trong khi mẹ cố tình trốn tránh trách nhiệm. Mẹ ích kỷ, còn dì không phải là người dễ nhân nhượng trước sự ích kỷ.

Đấy là tất cả những gì bố biết được qua cú điện thoại bố buộc phải nghe trong lúc mẹ vắng nhà. Bố vẫn nhớ những lời dì nói trong điện thoại. Nhưng bố kệ, không nói lại cho mẹ biết. 

Ngày thứ hai của tuần tiếp theo bắt đầu. Ngày thứ hai bắt đầu phiên mẹ trông bà, và mẹ sẽ trông bà hai tuần liền để bù cho cả tuần trước mẹ đi chùa. Đến tận tối vẫn chưa thấy dì đưa bà sang nhà mẹ. Mẹ vẫn tức dì, không gọi điện sang nhà dì hỏi tại sao lại như vậy. Cũng có khi mẹ nghĩ cứ để dì trông bà được bao lâu thì trông, khi nào dì đưa bà sang thì khiấy đến lượt mẹ, việc gì phải lăn tăn. 

Một tháng rưỡi trôi qua. Bà chưa được đưa sang nhà mẹ. Mẹ và dì vẫn giận nhau, không ai gọi điện cho ai. Thế rồi một hôm trước cổng nhà mẹ xuất hiện cậu con cả của dì. Cậu ta sinh sống ở nước ngoài, lần này đưa vợ chưa cưới về ra mắt gia đình.

“Chào bác, cháu đưa một nửa của cháu sang chào bà và hai bác đây ạ”.

Cậu ta vừa cười vừa nói với mẹtrong lúc mẹ mở cổng. Mẹ gật đầu chào, hơi hé miệng cười lấy lệ.

“Bà đâu hả bác?” Mẹ cười thành tiếng.

“Thằng này, đi Tây về biết hỏi nỡm nhỉ!” “Bà ở trên gác ạ? Không phải gọi bà xuống đâu ạ. Chúng cháu lên chào bà”. Cậu ta nói, cầm tay vợ chưa cưới kéo lên cầu thang. 

Mẹ đứng khựng lại như người bị sét đánh. “Bà vẫn ở bên ấy mà? Bên nhà cháu chứ đâu”. “Hì hì, bác cứ đùa!”. “Không, bà vẫn ở bên ấy mà”. Mẹ đứng ở chân cầu thang, nhìn quanh ngơ ngác như người mất trí. Thế rồi bốn cái máy di động cùng hoạt động một lúc. Tiếng bấm máy tít tít. Mẹ kêu trời bằng giọng thất thanh. Cậu con cả nhà dì dắt bạn gái lao ra cổng. Chuông điện thoại reo. Tiếng dì kêu khóc ở đầu dây bên kia nghe váng cả óc. Dì kêu: “Ôi giời ơi là giời. Mẹ tôi đi đâu hả giời. Sáng thứ hai đó, mẹ xách túi quần áo đi ra ngõ, bảo “Mẹ về bên kia đây. Chị cả mày đón mẹ ở ngoài ngõ kia rồi”. Tôi đang bận trông chảo cá rán, chẳng ngó ra được. Cứ ngỡ mẹ được đón sang bên ấy rồi. Ai ngờ! Ối mẹ ơi, giờ này mẹ ở đâu, mẹ ơi!”

Suốt nửa năm trời người của hai nhà chúng tôi đi tìm bà khắp nơi. Chúng tôi đăng tin tìm bà trên nhiều tờ báo giấy, báo điện tử, đăng tin cả trên truyền hình. Chẳng ai biết bà đangở đâu. Cách đây hai tuần, bỗng nhiên có một người đàn ông tìm đến nhà tôi gặp mẹ. Ông ấy đưa cho mẹ xem một tờ báo có đăng tin bà tôi mất tích.

Rồi ông ấy lấy từ trong chiếc ba lô đã cũ ra một chiếc túi vải. Mẹ tôi trông thấy chiếc túi vải, bật khóc nức nở. Chiếc túi vải đó là túi đựng quần áo của bà. Chính tay người đàn ông đó đã đặt bà vào chiếc quan tài mà ông tự bỏ tiền ra mua sau khi phát hiện bà tôi nằm còng queo trước cổng nhà ông, không động cựa và không còn thở. Chiều muộn hôm đó, tại một nghĩa trang cách nhà chúng tôi gần 60km, mẹ tôi và dì, hai đứa con gái của bà tôi, khóc ngất (truyện nghe được ở trên mạng vi-tính, rất tin-học)

Nghe truyện rồi, lại cũng mời bạn và mời tôi ta nghe hát thêm câu ca làm điểm tựa mà nhớ về đời người, kẻo quá “muộn” như đầu đề của truyện kể, những hát rằng:

“Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như hàng cây lá đỏ trông tìm
Mắt trời trong cánh nhỏ chim hiền
Đã ngậm sầu ngang môi lắng im
Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như mộ bia đá lạnh hương nguyền
Như trời sâu đã bỏ đất sầu.
Còn gì đâu…”
(Nguyễn Đình Toàn – bđd)

Trần Ngọc Mười Hai
Đã nhiều lần
cũng thấy có mất mát tựa như thế.
Và thấy buồn. 

Bài liên quan

Back to top button