Đọc báo dùm bạnLướt web

15 cây cổ thụ đặc biệt được xem như báu vật của nước Mỹ 

Từ cây lớn nhất thế giới cho đến những cây đã tồn tại không biết là bao nhiêu năm trước khi con tàu ‘Hoa tháng Năm’ (Mayflower) đưa những người Anh đầu tiên đặt chân lên châu Mỹ, những sinh mệnh phi thường này quả thực là báu vật quốc gia của nước Mỹ.

Nhưng đôi khi độ nổi tiếng của những cái cây này lại không tương xứng với tầm vóc thực sự của chúng, một số thực sự được xem là biểu tượng của một quốc gia. Có những cây đã hàng ngàn năm tuổi, là chứng nhân lịch sử, chứng kiến không biết bao nhiêu thế hệ con người đến rồi đi. Chúng là những cột mốc, là nguồn gốc của nhiều truyền thuyết. Chúng miệt mài đóng góp cho môi trường và cung cấp cho chúng ta thức ăn cùng bóng mát. Nếu không có chúng liệu chúng ta có thể tồn tại được đến bây giờ chăng?

Thế nhưng, đôi khi con người lại không xem chúng là những tượng đài sống và siêu anh hùng thân thiện với thiên nhiên như chúng đáng được nhận! Vậy nên trong một nỗ lực thể hiện tình yêu với cây xanh, Tree Hugger đã tập hợp những cái cây ngoạn mục nhất nước Mỹ. Tất cả cây cối đều đáng được trân trọng, và những cái cây đặc biệt sau đây chỉ là một vài trong số nhiều cây rất đáng trân quý ấy.

1. Cây sồi Thiên thần (Angel Oak): Ngôi nhà phương Nam hoàn hảo

(Ảnh: pixabay.com)

Cây sồi khổng lồ phương Nam này nằm trên đảo Johns gần Charleston, Nam Carolina, nó có lẽ không phải là cây sồi già nhất hoặc lớn nhất trên đất nước này, nhưng vẻ vương giả của nó thì thật khó có cây nào vượt qua. Thêm vào đó, 400 – 500 năm lịch sử dưới chân nó là một con số khiến chúng ta phải nể  phục.

Cây sồi đẹp như trong truyện cổ tích này cao hơn 20 m, đây là một con số rất ấn tượng với họ nhà sồi vì chúng thường có xu hướng phát triển tán ra xung quanh hơn là theo phương thẳng đứng. Nhánh dài nhất của nó vươn xa tới 57 m. Tán lá phủ bóng 1.600 m2. Cây sồi Thiên thần được đặt tên theo dòng họ từng sở hữu khu đất này là Justus và Martha Waight Angel. Hiện cây sồi là tài sản của thành phố Charleston.

Truyền thuyết địa phương kể rằng bóng ma của những người nô lệ trước đây vẫn đang ngày ngày lượn qua lại quanh cái cây. Sự sống sót qua rất nhiều thảm họa tự nhiên cũng như các kế hoạch phát triển đất đai rất có thể là minh chứng cho sự bảo vệ của của những hồn ma nô lệ dành cho cây sồi.

2. Cây Sống sót (Survivor Tree): Cây lê callery
kiên cường trụ vững trong ngày 11/9

(Ảnh: Amusing Planet)

Khi những công nhân dọn dẹp phát hiện ra phần thân đã cháy thành than của cây lê này dưới đống gạch vụn 1 tháng sau thảm họa 11/9, họ không hy vọng rằng nó có thể sống sót. Chỉ với đúng 1 cành còn có dấu hiệu của sự sống, cây lê kiên cường này được gửi đi phục hồi dưới sự chăm sóc của Bộ phận Quản lý Công viên và Giải trí thành phố New York.

Sau 9 năm được chăm sóc tại một vườn cây ở Bronx, Cây Sống sót này được đưa về trồng tại Bảo tàng và Đài tưởng niệm 11/9 Quốc Gia. Nó đã vươn lên mạnh mẽ ở một nơi trang nghiêm với đầy ắp những kỷ niệm và ngập tràn sự sống này. “Những phiến lá non tơ mọc ra từ gốc cây xương xẩu, tạo ra sự phân chia ranh giới có thể nhìn thấy bằng mắt thường giữa quá khứ và hiện tại”, Bảo tàng viết, “Hôm nay, cái cây này đứng tại đây như một lời nhắc nhở về sức bật, khát vọng sinh tồn và tái sinh.”

3. Wi’áaşal: Cây sồi thiêng cổ kính và to lớn

 (Ảnh: Roger Honberger/Old Temecula)

Ở Teculuma, California, tại vùng đất dành riêng cho người da đỏ Pechanga, Cây sồi Vĩ đại – hay người Pechanga gọi nó là Wi’áaşal – đứng sừng sững và uy nghiêm. Trên trang web của người Pechanga viết:

“Với người Pechanga, vùng đất và Cây sồi Vĩ Đại đứng trên nó mang ý nghĩa vượt qua cả sự tồn tại vật chất. Cây sồi Vĩ đại là hiện thân của đặc điểm và tính cách người Pechanga: sức mạnh, trí tuệ, trường thọ và lòng quả cảm.”

Cái sồi thuộc họ Quercus agrifolia phi thường này là một cây duyên hải bản địa sinh trưởng tự nhiên lớn nhất ở miền Tây, địa phương tập trung rất nhiều cây sồi huyền thoại. Cây có chu vi thân cây hơn 6m và chiều cao hơn 30 m, cành lớn nhất của Wi’áaşal chạm mặt đất “chống đỡ sức nặng của cây và tạo ra vòm lá làm nơi trú ẩn cho không biết bao nhiêu thế hệ con người và động vật”. Cây sồi Vĩ đại cũng có độ tuổi đáng ngưỡng mộ – hơn 1.000 năm tuổi (một số người cho rằng cây có thể đã gần 2.000 tuổi), nó là một trong những cây sồi già nhất còn sống ở Hoa Kỳ.

Mặc dù vậy, cây vẫn tiếp tục cho ra hạt sồi, loại thực phẩm quan trọng của người California trong hàng thiên niên kỷ trước khi những người châu Âu xuất hiện. Khi những cây con mọc lên dưới vòm lá, chúng được chuyển sang sinh trưởng trong chậu. Khi đủ lớn, những “đứa con” của Wi’áaşal sẽ được trồng ở các nơi khác trong khu bảo tồn này, với mong ước rằng rất nhiều thế hệ Wi’áaşal nữa sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển. Giá như mọi cây cỏ đều được tôn trọng như thế.

4. Cây sồi Jackson: “Cây sở hữu chính nó”

(Ảnh: Reddit)

Cây sồi ở Athens, Georgia này còn giàu có hơn nhiều người Mỹ. Cái “cây sở hữu chính nó” này là một cây sồi trắng họ Quercus alba. Về lý mà nói, cây sồi đang sở hữu chính bản thân mình và cả vùng đất có bán kính 2,4 m quanh gốc của nó. Người chủ của khu đất này, William H. Jackson, yêu quý cây sồi đến mức cho nó quyền tự trị sau khi ông chết. Cây sồi vì vậy cũng được đặt theo theo tên người chủ của nó. Theo truyền thuyết, trong chứng thư có viết:

“Vì tình yêu vĩ đại của tôi dành cho cây sồi này và mong muốn tha thiết của tôi để nó được bảo vệ mãi mãi, tôi quyết định chuyển nhượng cho cái cây này toàn bộ quyền sở hữu bản thân và toàn bộ vùng đất trong bán kính 2.4m quanh gốc của nó.” – William H. Jackson.

Thật xúc động! Nhưng không may, cây gốc được trồng vào khoảng thời gian giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 18 đã bị đổ ngã trong một trận bão năm 1942. Không chấp nhận điều này, những người dân ở Athens đã trồng một cái cây mới từ hạt của cây mẹ tại cùng vị trí, và gọi nó là “Con trai của Cây sở hữu chính nó”.

5. Cây Chandelier: Người khổng lồ cổ đại cho xe chui qua

(Ảnh: blogspot.com)

Người ta khoét một cái lỗ khổng lồ xuyên qua thân của cây tùng bách khổng lồ họ Sequoia sempervirens 2.000 năm tuổi này để thúc đẩy du lịch xe hơi. Có lẽ như vậy vẫn còn tốt hơn là bị chặt hạ để lấy gỗ, vốn là số phận của rất nhiều cây gỗ lớn ở California trong thế kỷ 19.

Thật bất ngờ là một số cây “đường hầm” này có thể sống sót được sau màn “đục lỗ”, như cây Chandelier quý phái đang sống trong một khu vườn tùng bách thuộc sở hữu tư nhân ở Leggett, California này. Với chiều cao 84m và đường kính gần 5m, các tán lá duyên dáng của nó trông giống như một chiếc đèn treo nhiều ngọn; mặc dù thân đèn bị khoét mất một miếng lớn. Thật biết ơn là bây giờ ở đây người ta không còn lấy đi những khối gỗ lớn của những cái cây 2.000 năm tuổi nữa.

6. Cây lê Endicott: Ra quả từ năm 1630

(Ảnh: Doug Peabody)

Cây lê Endicott là cây ăn quả đầu tiên được trồng bởi những người định cư châu Âu, cây Lê châu Âu vạm vỡ họ Pyrus communis này được trồng bởi John Endecott, thủ hiến vùng thuộc địa Vịnh Massachusetts vào những năm 1630. Cây lê con được người ta mang đến đất nước này từ bờ bên kia Đại Tây Dương. Trước khi trồng, Endicott nói: “Tôi hy vọng rằng cái cây sẽ yêu mến vùng đất của thế giới cũ này và chắc chắn là nó sẽ còn sống sót sau khi chúng ta đã ra đi”. Gần 400 năm sau, nó không những sống mà còn tiếp tục kết trái.

7. Tướng Sherman: Cây lớn nhất thế giới

(Ảnh: General Sherman)

Là cây cao quý nhất trong số những người khổng lồ, ‘bậc vương giả vĩ đại’ đến từ Công viên Quốc gia Sequoia National Park ở California này là cây một thân lớn nhất về thể tích còn sống trên Trái Đất. Được đặt tên là Tướng Sherman, cây củ tùng vĩ đại họ Sequoiadendron giganteum này không phải là cây cao nhất, cũng không phải là cây rộng nhất hay già nhất – nhưng với chiều cao 84m, đường kính 7,6m và tổng thể tích thân ước tính 1.487 m3, nó là cái cây có thể tích lớn nhất. Và với tuổi thọ trong khoảng từ 2.300 đến 2.700 năm, nó cũng là một trong những cái cây sống lâu nhất đang làm đẹp cho thế giới này. Thật khâm phục!

8. “Cây Du treo cổ”: Cây lâu đời nhất Manhattan

 (Ảnh: Wikimedia Commos)

Cây Du Anh quốc oai vệ họ Ulmus minor nằm ở góc phía tây bắc Quảng trường Washington của thành phố New York được đặt cho một cái tên đầy sát khí nhưng rất có thể sự thật không phải như vậy. Mặc dù được gọi là “Cây Du treo cổ” hay “Cây treo người”, nhưng chưa hề có ghi chép nào về việc xử tử phạm nhân trên cây này.

“Cây Du treo cổ” nằm trong một trang trại tư nhân trước khi thành phố mua lại khu đất này năm 1827 và xây dựng quảng trường cùng năm đó. Người ta nói rằng khu vực này đã từng là nơi chôn cất các nô lệ bị chết vì bệnh sốt vàng. Cây du này cao 33,5m và có đường kính 142cm. Năm 1989, Bộ phận Quản lý Công viên và Giải trí thành phố New York cho biết cây du đã 310 năm tuổi, và nó là cây lâu năm nhất ở Manhattan.

1 2Trang sau

Bài liên quan

Back to top button