Đọc báo dùm bạnLướt web

Quy tắc trên bàn ăn – Phép lịch sự của người Nhật mà chúng ta nên học

Người Nhật nổi tiếng là rất quy củ và lịch sự, đặc biệt là trên bàn ăn. Quy tắc nghi thức ăn tối của họ còn phức tạp hơn nhiều so với những gì bạn biết. Đây là những gì bạn cần học hỏi ở người Nhật khi dùng bữa để không rơi vào những tình huống xấu hổ.

Đừng dùng khăn ướt lung tung

Nhiều nhà hàng cung cấp cho bạn một chiếc khăn ướt ngay sau khi bạn ngồi xuống ghế. Nhiều khi bạn rất nóng và cảm thấy khó chịu vì mồ hôi ra nhiều và chỉ muốn dùng khăn ướt để lau mặt và cổ. Tuy nhiên, người Nhật lại không làm vậy, với họ, khăn chỉ là để làm sạch tay bởi vì bạn sẽ ăn tất cả mọi thứ bằng tay. Sau khi dùng khăn lau tay xong, bạn chỉ cần gấp lại và đặt nó sang một bên.

Không bao giờ uống một mình

Sake và bia là đồ uống nổi tiếng tại các nhà hàng Nhật Bản , nhưng hãy thận trọng khi uống một mình. Bạn nên chờ đợi cốc của tất cả mọi người được rót đầy, sau đó một thành viên cụng ly với bạn hoặc chỉ đơn giản nói cạn ly. Sau khi nâng ly, hãy rót rượu mời lại người đó và sau đó uống nhưng luôn ở mức độ vừa phải vì rượu quá nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Người Nhật rất thích rót đồ uống cho nhau, vì vậy hãy chú ý và cho phép một người bạn rót đầy ly của bạn, sau đó hãy rót lại để đáp lễ họ.

Không chà đũa với nhau và đặt đũa dựng đứng trong bát cơm

Nếu bạn có thói quen khi xé cái đũa gỗ dùng một lần ra khỏi bao giấy và chà xát chúng lại với nhau để thoát khỏi những mảnh vụn thì hãy bỏ ngay. Đây là hành vi được coi là một sự xúc phạm, thể hiện bạn nghĩ rằng đũa có chất lượng kém. Nếu bạn tìm thấy một mảnh vỡ trong gỗ thì chỉ cần yêu cầu một đôi đũa mới.

Đôi khi bạn không biết phải làm gì trên bàn ăn và bắt đầu vô thức dựng đứng đôi đũa trong bát cơm. Tuy nhiên, dựng đũa thẳng đứng trong một bát cơm là một điều kiêng kị bởi vì trong các lễ tang ở Nhật, một bát gạo với đũa thẳng đứng sẽ được đặt trước quan tài của người quá cố. Thay vào đó, hãy đặt đũa của bạn lại với nhau ngay trước mặt bạn, song song với cạnh của bàn ăn.

Không bỏ thừa thức ăn

Nhiều người cho rằng để lại một ít thức ăn trên đĩa thể hiện bản thân là người không háu ăn, nhưng trong văn hoá Nhật Bản, đó là hành động không đẹp. Bỏ thừa thức ăn không chỉ lãng phí mà còn rất thô lỗ. Bữa ăn là tâm huyết của người làm ra nó, vì vậy, không ăn hết đồ trong bát là thể hiện thái độ không tôn trọng người nấu ăn.

Theo Nguyễn Linh
Trí thức trẻ

Bài liên quan

Back to top button