Đọc báo dùm bạnLướt web

Vì sao Nhật Bản có xu hướng nổi loạn trong kiến trúc nhà ở?

Nhật Bản thường gây chú ý với loại hình nhà ở nổi loạn, mà hầu hết chúng ta sẽ ngạc nhiên khi chủ nhà có thể chấp nhận cho các kiến trúc sư thiết kế những ngôi nhà như vậy. Vậy những lí do nào khiến cho kiến trúc nhà ở Nhật Bản có xu hướng nổi loạn như thế?

House NA / KTS Sou Fujimoto

Nhật Bản nổi tiếng về loại hình kiến trúc nhà ở cấp tiến (loại hình nhà ở với tư tưởng cởi mở). Nhưng theo kiến trúc sư Alastair Towsend, thiên hướng cho những loại hình khác biệt, độc đáo này là do đặc trưng nền kinh tế bất động sản kỳ quái của nước này, cũng như sự sáng tạo của những nhà thiết kế.

Trên các trang kiến trúc, chúng ta thấy một dòng chảy của những ngôi nhà cấp tiến tại Nhật Bản. Những ngôi nhà này, được thiết kế chủ yếu bởi những kiến trúc sư trẻ tuổi, thường gây ra sự bối rối cho độc giả. Có vẻ như ở Nhật Bản, mọi thứ đều được cho phép: cầu thang và ban công không có tay vịn, những căn phòng cởi mở với môi trường xung quanh, hoặc những ngôi nhà không có cửa sổ.

Những mâu thuẫn kì quặc, mỉa mai, không nghiêm túc hoặc đề xuất có vẻ cực đoan lôi cuốn sự chú ý của độc giả, nó khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Chuyện gì xảy ra tại Nhật Bản? Những tấm hình du lịch từ cộng đồng blog và mạng xã hội được lan truyền thu hút sự chú ý của những kiến trúc sư bên ngoài Nhật Bản. Sau cùng, tại Nhật Bản, đất nước với số lượng kiến trúc sư theo đầu người khá cao, việc nổi bật trong đám đông chính là chìa khóa để những kiến trúc sư trẻ tiến lên phía trước. Nhưng điều gì thôi thúc những khách hàng của họ, những người chọn lựa những vẻ bề ngoài kỳ dị cho phong cách sống của họ?

House T / KTS Hiroyuki Shinozaki

Một ngôi nhà độc đáo yêu cầu một khách hàng độc đáo, người mà sẵn lòng đón nhận nó, hoặc có thể bỏ qua một hoặc một vài rủi ro: sự riêng tư, sự thoải mái, hiệu quả và tính thẩm mỹ,… Nhưng đối tượng thử nghiệm không nhất thiết phải là những ngôi biệt thự sang trọng dành cho tầng lớp thượng lưu giàu có mà rất nhiều trong đó là những ngôi nhà nhỏ của tầng lớp trung lưu, không phải loại hình mà chúng ta mong chờ tìm thấy những thiết kế hiện đại táo bạo. Vậy, điều gì đã khiến Nhật Bản khuyến khích những rủi ro thường nhật như vậy?

Ở phương Tây, sự khác biệt về chuẩn mực xã hội có thể làm mất đi giá trị của ngôi nhà, vì nó thể hiện sự không thiết thực và không phù hợp để bán lại trong tương lai. Những quyết định thiết kế táo bạo có thể mang lại sự rủi ro về đầu tư, cho nên khách hàng thường phải giảm nhẹ thẩm mỹ cá nhân và tính lập dị của mình.

House in Saijo / Suppose Design

Ít nhất đó là logic của người phương Tây, sự thực dụng được ghi nhận một cách chính thức. Còn gì an toàn như nhà ở, phải không? Nhưng khi đến Nhật Bản thì quan điểm hoàn toàn trái ngược bởi vì người Nhật không mong chờ việc bán đi ngôi nhà của họ.

Những ngôi nhà tại Nhật bị mất giá một cách nhanh chóng giống như hàng tiêu dùng – xe hơi, tủ lạnh, gậy đánh golf,… Sau 15 năm, một ngôi nhà thông thường sẽ mất hết giá trị và bị phá hủy trung bình sau 30 năm nó được xây dựng. Theo một bài báo của Viện nghiên cứu Nomura, đây chính là trở ngại lớn nhất cho kinh tế của những gia đình Nhật. Theo thống kê, khoản mất đi này tương đương với tổn thất hàng năm là 4% tổng GDP của Nhật Bản, chưa kể đến cả núi rác chất thải xây dựng.

Và mặc cho sự suy giảm dân số, thị trường nhà ở vẫn ổn định. Theo số liệu thống kê, 87% nhà bán ở Nhật Bản là nhà mới (so với các nước phương Tây chỉ từ 11-34%). Điều này đặt tổng số nhà mới ở Nhật Bản ngang hàng với Mỹ, mặc dù dân số chỉ bằng 1/3 dân số của Mỹ. Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao người Nhật không coi trọng ngôi nhà cũ của họ?

Kumagai House / Hiroshi Kuno

Không cần dùng đến những lời nói sáo rỗng, chỉ nhìn vào nền văn hóa một chút cũng sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc.

Trước tiên, Nhật Bản sùng bái những điều mới mẻ. Mức độ nghiêm trọng của những trận động đất thường xuyên xảy ra đã dạy họ biết trân trọng những ngôi nhà. Và sự vô thường trở thành tiềm thức văn hóa và những giá trị tín ngưỡng (tiêu biểu như ngôi đền Thần đạo Ise, cứ sau mỗi 20 năm lại được trùng tu, xây dựng lại). Tuy nhiên, những sự thật lặp đi lặp lại này đã thất bại trong việc đưa ra cơ sở kinh tế hợp lý cho việc sụt giảm giá trị bất động sản đã từ rất lâu của Nhật Bản. Tâm lý sử dụng một lần đối với nhà ở dường như đi ngược lại với quan điểm tài chính của phương Tây.

Ở quốc gia đang trong cơn sốt công nghiệp hóa và tái thiết xây dựng lại các thành phố bị tàn phá do chiến tranh thế giới II, ngành xây dựng nhà ở Nhật Bản nhanh chóng sinh ra những căn nhà khung gỗ rẻ, chất lượng thấp, xây dựng kém chất lượng, không có vật liệu cách nhiệt hay gia cố địa chấn. Những ngôi nhà cũ từ thời kỳ này được cho là không đạt tiêu chuẩn, thậm chí độc hại, và việc đầu tư trùng tu cải tạo chúng là việc làm vô ích. Vì vậy, thay vì bảo trì hay nâng cấp, hầu hết đơn giản là phá bỏ chúng.

House of Awa-cho / Container Design

Thâm hụt ngân sách từ sự sụp đổ của bong bóng kinh tế Nhật Bản vào cuối những năm 80, sau đó, giá đất thổi lên nhanh chóng, các tòa nhà được coi như những công trình tạm thời. Nhận thức này vẫn tồn tại cho đến ngày nay, một phần là do các chính sách bình ổn giá bất động sản, mặc cho suy thoái kinh tế và suy giảm dân số trong nhiều năm.

Chất lượng của các ngôi nhà điển hình hiện nay hầu hết được làm từ vật liệu đúc sẵn – dù được cải thiện rất nhiều, nhưng những quan niệm trước đó về nhà ở vẫn nằm trong suy nghĩ logic thị trường. Tuy nhiên dù có cải tạo thì ngôi nhà vẫn không là nơi trú ngụ vĩnh viễn, như phương Tây, nơi việc mua đi bán lại nhà ở vài lần trong đời là chuyện bình thường.

House N / Sou Fujimoto

Người lao động Nhật thường làm một công việc đến suốt đời do thu nhập ổn định và hiếm khi tìm kiếm một công việc mới. Mặc dù điều này đang bắt đầu thay đổi nhưng công việc với mức lương ổn định là điều kiện tiên quyết để được trả góp mà người đi vay có thể trả dần trong quá trình làm việc. Việc hưởng chênh lệch từ việc mua đi bán lại là một câu hỏi do tâm lí không muốn mua những ngôi nhà cũ và thường thì bất động sản mà họ sỡ hữu ngày càng tụt giá, cuối cùng chỉ còn lại giá trị của mảnh đất. Nói cách khác, hơi tiêu cực thì đó là qui định. Do đó, bất ổn về mặt kinh tế và địa lí là một thực tế khó thay đổi cho hầu hết những người sở hữu nhà ở Nhật Bản.

So sánh với nhiều nền kinh tế phát triển khác, những nơi mà chủ yếu người giàu có thuê kiến trúc sư, thì ở Nhật Bản, nhiều người trẻ lần đầu sở hữu nhà đã mua đất và thuê kiến trúc sư xây cho họ ngôi nhà mới, có lẽ bởi vì với những lí do kinh tế nêu trên, họ hiểu và chấp nhận sống hết cuộc đời của mình trong ngôi nhà.

Vậy thị trường bất động sản kì quặc ảnh hưởng thế nào đến kiến trúc Nhật Bản? Khách hàng không cần phải bận tâm suy nghĩ những người mua nhà của mình nghĩ gì trong 8-10 năm tới. Điều này cho họ và các kiến trúc sư một sự tự do cá nhân cao hơn.

House in Kohoku / Torafu

Khi không có giá trị tài sản để bảo vệ, ở Nhật, nhìn chung thường thiếu kế hoạch giám sát hoặc khuyến khích bảo vệ và gìn giữ đặc trưng địa phương. Những người hàng xóm hầu như không có cơ hội để phản ánh về thẩm mỹ cho những gì được xây dựng bên cạnh. Đây là một điều có lợi cho sự sáng tạo của kiến trúc sư nhưng bên cạnh đó nó cũng làm suy giảm động lực tâp thể để duy trì và làm đẹp cho cộng đồng như lên tiếng về bảo vệ cây xanh hoặc hạ ngầm đường dây điện.

Sự tự do trong xây dựng nhà ở là biểu hiện cao của cá nhân về phong cách sống, hương vị và khát vọng, nó khiến cho Nhật Bản trở thành môi trường màu mỡ cho các kiến trúc sư và khách hàng của họ thử nghiệm những giới hạn trong thiết kế nhà ở.

Với các kiến trúc sư, các vụ kiện tụng dân sự là rất hiếm gặp, không như châu Âu và châu Mỹ, Điều đó khiến cho kiến trúc sư ở Nhật mạo hiểm hơn.

House in Hiro / Suppose Design

Những khách hàng trẻ của kiến trúc có thể cởi mở hơn trước những hành động mang tính rủi ro theo yêu cầu của kiến trúc sư, những người mà mỗi dự án lại đưa ra một cơ hội để thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo mới mà khách hàng chính là người sẽ ở suốt cuộc đời của mình trong ngôi nhà ấy.

Có vẻ như các gia đình ở Nhật làm việc cật lực và tiết kiệm để xây dựng một ngôi nhà chỉ để thấy khoản đầu tư của họ sẽ nhanh chóng biến mất trong 15 năm tiếp theo. Bị kìm hãm, nhưng vẫn cần một nơi để sống và nuôi gia đình, không còn ngạc nhiên khi khách hàng Nhật đòi lại quyền kiểm soát và âm thầm nổi loạn theo cách tốt nhất mà họ có thể – đó là thông qua thiết kế.

Bên cạnh đó, sau cùng thì chúng cũng bị phá bỏ mà thôi.

Library House / Shinichi Ogawa

Bài liên quan

Back to top button