Quán ven đườngTrà Đá Đường

Houston, xin gởi lời chào vĩnh biệt!

Một chút kỷ niệm nhớ Cha Phêrô Nguyễn văn Thơm.

Một chiều Chúa nhật nọ, tôi đến dự lễ ở nhà thờ Huyện Sỹ. Khi có dịp, tôi thích đến nhìn khung cảnh cổ kính. Nhưng lần này, thêm một lý do: Nghe đâu thầy Thơm đang giúp ở đây.

Giữa những năm 80 xưa, tôi sinh sống ở Vĩnh Long. Có nghe phong thanh thầy Thơm vượt biên không thành; đang tá túc ở nhà thờ Huyện Sỹ.

Nhà Thờ Huyện Sĩ

Dự lễ chiều hôm đó, tôi lên quỳ gần cung thánh. Đến giờ rước lễ, thấy thầy Thơm từ phòng thánh đi ra phụ trao Mình Thánh, tôi đinh ninh thầy đang giúp ở đây. Nhưng chuyện sau đó đã gây nên từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

Tan lễ, tôi ra sớm một chút cho chắc. Xế chiều hôm đó, có mưa lớn. Lễ xong, trời muốn tối. Thấy bóng thầy, tôi kêu lớn từ xa. Lâu ngày mới gặp lại, hai người thật mừng rỡ.

Thơm với tôi là bạn cùng lớp từ hồi mới vô Chủng viện, năm 1962. Ít gặp nhau từ giữa năm 1971 về sau khi Thơm lên ĐCV Xuân Bích Vĩnh Long. Tôi ra Đà Lạt. Thời gian sau 1975 còn lung tung hơn nữa. Rồi từ 1980, gần như mạnh ai nấy bay nấy nhảy…

Chiều tối nay, hai đứa gặp lại thì như đã tan đàn xẻ nghé. Tôi vừa có gia đình đôi ba năm. Thơm thì cố tìm cách đi mà cứ trật vuột. Khổ nỗi là quay về gia đình thì không được. Ở Sài gòn thì trà trộn được, nhưng lông bông. Phải lo càng sớm càng tốt. Không dây dưa được. Tình hình an ninh rất khó khăn.

Thơm dẫn tôi vô chào cha sở rồi hai anh em cùng đi ra ngoài đường. Tôi thích vì nghĩ rằng lâu ngày gặp lại, hai đứa đi chơi một lúc. Không ngờ, đi bụi  luôn…tới sáng.

Thả bộ từ nhà thờ Huyện Sỹ tới bùng binh gần nhà thờ Kỳ Đồng. Thời đó, còn nhiều quán phở hay bún bò huế của người Bắc năm tư (1954). Hai đứa vào một quán ở góc Lê Văn Duyệt với Trần Quốc Toản. Ăn xong, kêu một tô xương súp và một chai rượu mùi. Rượu mùi là loại rượu quốc doanh nấu từ khoai mì hay bọt đường gì đó; có thêm chút mùi cho dễ uống!!

Cha Lương Thủ Hơn, người gốc Quang Diệu

Hai đứa ngồi chơi, uống rượu bằng cái ly trứng chim. Bình tĩnh ngồi trò chuyện, những gì trong ruột trong gan mới bắt đầu nói với nhau. Lâu lắm rồi mới được mày tao một đêm, như hồi nào. Thơm nói tụi mình ngồi đây cho tới khi nào đóng cửa quán thì mới đi (?). Đơn giản vì không có chỗ nào để ở cả!! Mới lên Sài gòn, ban ngày thì tá túc đỡ ở Huyện Sỹ. May là cha sở họ đạo này là người gốc gác Quang Diệu hay Cù Lao Dài gì đó, thuộc Địa phận Vĩnh Long. Thơm nói lụp chụp nên tôi chỉ nhớ tên ngài là cha Hơn. Không biết tên Thánh tên Họ là gì!

Cha Hơn giúp được ban ngày. Ban đêm khó khăn vì có thể bị xét hộ khẩu nên không ở được. Cha giúp cho bằng cách nhờ một người giáo dân tốt bụng nào đó cho ngủ tạm. Gia đình đó cho ngủ với hai điều kiện: Phải sau 12 giờ đêm mới được tới; và phải ra đi trước khi trời sáng, khoảng bốn hay năm giờ tùy thời tiết.

Hai đứa ngồi dai dẳng cho đến khi hết rượu. Tôi nhớ, ra khỏi quán là hơn 11 giờ đêm. Bây giờ, Thơm mới dẫn đi. Phần thì ban đêm, phần thì hai lúa lên thành, tôi không nhớ mình được dẫn đi đâu. Cuối cùng là men theo hông một ngôi nhà tường dài chừng hai mươi mét. Phía cuối nhà là một gian nhỏ bằng gỗ cũ kỹ, nằm bên ngoài ngôi nhà. Bên trong chỉ có một món đồ duy nhất là cái giường. Trên giường, chỉ có một cái gối.

Nằm trên giường nhìn ra, thấy rõ bên ngoài hơn. Cửa để mở, trên trời có chút trăng, tôi mới thấy được ngay trước cửa là một cái ao tù. Vậy là gian phòng này giống như một cái nhà sàn nhỏ nằm khuất ở phía cuối một ngôi nhà tường khá dài. Không biết lúc đó là mấy giờ đêm. Nhưng hai đứa cứ nói chuyện lai rai. Có lẽ cả hai đều hiểu là với giường chiếu này, cũng không ngủ được. Thôi nói chuyện một đêm bù lại hàng chục năm trước. Vả lại, vài ba tiếng đồng hồ nữa thì cũng phải đi rồi.

Đó là một trong đôi lần tôi gặp lại một người bạn học cũ lúc còn kẹt ở lại. Hoàn cảnh của bạn rối như tơ vò.

Một thời gian sau, được tin Thơm đang ở Đài Loan. Có luôn hình ảnh trên một trang báo. Hàng chữ chú thich nói rằng Thơm đang đứng với một nhóm. Trong đó, có Đức Giám mục, người Đài Loan và một số chủng sinh nữa. Được vậy thì còn mơ ước gì nữa? Dù có bắt đầu lại, cũng là thênh thang bước đi.

Thời buổi lúc bấy giờ, một người gởi được hình về cho thấy đang sống ở ngoại quốc thì hầu như ai cũng muốn khoe. Được người ta biết nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Mỗi khi xem được những tấm hình như vậy, tôi có cảm giác ngoại quốc là một phương nào đó rất xa, ở mãi đâu đâu. Đừng mơ để khỏi thất vọng. Nhất là cứ vài tuần thì nghe tin có nhiều xác người trôi dạt vào bờ biển nào đó. May mắn hơn là được ở tù; dù sao cũng còn sống. Hải ngoại là một chuyện xa vời không phải vì đường xa trăm ngàn cây số. Hỏi tại sao thì nhiều “tại vì” không kế xiết. Câu nói mà ai cũng biết và chắc chắn sẽ lưu truyền muôn đời là: “Nếu cây cột đèn mà biết đi…”

Đùng một cái, năm 2007, tôi nhận được email của cha Thơm. Nội dung thư nói là mới qua Mỹ. Nhưng… đang nhem nhúm một tình thế không thuận lợi. Cha Thơm nói khó tìm được một nhà thờ hay khu nhà chung nào đó để xin gia nhập.

Vòng xanh: Nguyễn Toàn Đông | Vòng tròn đỏ: Nguyễn Văn Thơm. Tiểu Chủng Viện P. Minh

2007 là năm thứ sáu tôi đến Mỹ. Chưa được là “ma cũ”! Muốn vững chãi (nếu làm được), phải mười năm trở lên. Cơm áo hằng ngày trong quãng thời gian này là chuyện sống còn. Không có nhiều thời gian để nhớ hết mọi chuyện. Thành ra, khi nhớ khi quên. Trong tình cảnh như vậy, tôi nhớ ra bạn sống ở hải ngoại đã trên dưới hai mươi năm. Đường đi nước bước xứ người đã sành sỏi, tôi mới bằng học trò của bạn. Email qua lại, chỉ là những lời an ủi nhau…

Cuối cùng, mười mấy năm qua, cuộc đời đã không yên hàn như mong đợi từ cái ngày định mệnh trước đây khi rời Đài Loan.

Những câu chuyện sơ sài nghe biết được về bạn chỉ là những chuyện phớt phớt ngoài da. Nay kiếm việc làm này. Mai kiếm việc làm khác. Ngoài đời, ai cũng phải vậy thôi. Nhưng với bạn là cả một vấn nạn ngàn cân. Ăn cơm dưới đất; nghĩ chuyện trên trời.

Suốt mười mấy năm, không rõ được bao nhiêu ngày vui. Nhưng chắc hơn là có rất nhiều ngày buồn. Cuộc sống tréo ngoe. Hằng ngày, phải giữ cho tinh thần thế nào để sáng vác ô đi tối vác về. Chuyện nghe tưởng dễ như trở bàn tay. Nhưng kinh nghiệm cuộc đời cho thấy từ thứ hai đến thứ sáu là một cuộc đấu trí gắt gao với chính bản thân nếu muốn có một nhịp sống quân bình trong cái xã hội đầy sự quay cuồng hôm nay.

Tôi không biết nhiều những gì đã xảy ra trong quá khứ của bạn. Cái biết rõ hơn là tính khí của bạn. Nên tôi tin rằng bạn đã từng biết số phận mình là vậy. Dù ngậm ngùi, nhưng lặng lẽ chịu đựng vì biết mọi chuyện đã muộn màng hết rồi.

Giờ đây, khi mọi chuyện đã kết thúc, có lẽ đây là lúc để được lắng nghe một cao kiến nào đó chỉ dạy phải hiểu thế nào cho đúng một cuộc đời khá hy hữu như của Cha Thơm.

Bách Tùng Cao Nguyên 21.5.2020.
Ng. Toàn Đông.

Bài liên quan

Back to top button