Quán ven đườngTrà Đá Đường

Tu xuất?

Tu xuất, vốn dân “thơ thẩn”  TỰ ĐIỂN ĐỜI THƯỜNG... văn chương thường ví von là “ta ru”. Trong đó, vừa có cái gì như buồn buồn cho một hành trình đã qua… lại vừa man mác có một chút gì đó tiếc nuối... nhưng cũng bàng bạc một chút hãnh diện ít nhiều khi mà người “ta ru” đã được hưởng một nền tảng giáo dục huấn luyện chuẩn mực nhất định nào đấy… có thể đang làm nên chính con người mình….và khi đã.. yên bề gia thất họ cũng cảm thấy vui khi… được “mừng thằng bạn mình” được làm cha… hay thậm chí làm… Đức Cha, hoặc “con nhỏ rất thân cùng lớp với mình” làm bề trên nhà, hay bề trên tổng quyền…! Theo thói thường, dân “ta ru” dễ bị lên án chung là phản bội lại ơn Chúa… hay thế này thế nọ. Tuy nhiên, công minh mà xét, thì mỗi người có một hoàn cảnh… đáng thương khác nhau.. và sức đón nhận ơn Chúa cách khác nhau… mà chỉ có… Chúa biết rõ và… người huấn luyện có thể biết một phần ..và chính đương sự có thể khi… về… già sẽ hiểu rõ mình hơn! Dưới đây là tâm tư -có lẽ là- của một người “ ta ru”, rất chân tình và tha thiết đang trải lòng mình ra trước vấn đề tế nhị… dễ làm mủi lòng và mặc cảm này! Hy vọng mỗi người chúng ta có cái nhìn rộng mở và lạc quan hơn về vấn đề này.

Có lẽ từ thời các Thầy giảng xa xưa, cụm từ “Tu xuất”, “Thầy xuất”, “Nhà thầy” đã được bà con giáo dân cũng như hàng giáo sĩ dành cho những người đã có một thời gian tu học trong các chủng viện, nhà dòng với ít nhiều mỉa mai, châm biếm. Ngày nay, cuộc sống đã khác, giáo dân không còn quanh quẩn bên giáo xứ nhưng “vẫn dai dẳng tồn tại một vài ý nghĩ sai lầm, ít nhất là thiếu công bằng về giới tu xuất”. Người chủng sinh trở về gia đình, không tu học nữa là y như rằng sẽ bị gán cho là “ham mê sự thế gian”! Hơn bốn mươi năm trước khi vào Tiểu Chủng viện, chúng tôi mới là những cậu bé 10, 11 tuổi và một năm, thời gian ở trong nhà trường nhiều gấp ba lần ở thế gian nên có biết mặt mũi “sự thế gian” như thế nào đâu mà ham mê! Có nhiều chú về lúc 14-15 tuổi, chắc chắn chưa có dịp thấy nhãn tiền “sự thế gian”, ấy vậy mà cứ phải mang danh “thầy xuất ham mê sự thế gian” cho tới già với tất cả hàm ý chẳng hay ho gì. Lại có người nghĩ rằng những ai đã “ăn cơm nhà Đức Chúa Trời” mà bỏ về thế gian thì thế nào cũng phải “trả lẽ trước mặt Chúa” và nếu như trong giáo xứ có gia đình anh chị em cựu tu nào đó sống không hạnh phúc hoặc nghèo khổ thì rất dễ bị chụp mũ là “Chúa phạt”! Thời chúng tôi vào Chủng viện đều có đóng tu phí. Nhiều hay ít cũng là đóng góp. Và nếu như cơm nhà Chúa có “chất lượng hơn hẳn” cơm thế gian đi nữa thì chắc chắn cũng không vì thế mà Chúa bắt những ai đã có thời gian ăn cơm nhà Ngài phải trả món nợ kia một cách nặng nề và dai dẳng như lối suy nghĩ của một số người. Trong thực tế, nhìn chung, anh em cựu tu đều có cuộc sống gia đình êm ấm, ổn định. Nhiều người đã rất thành đạt, có địa vị cao trong xã hội. Tùy theo môi trường làm việc, anh em ấy vẫn âm thầm sống đạo, truyền giáo với những phương cách riêng rất hiệu quả. Tất cả đều giữ gìn những kỷ niệm khó quên của những năm tháng sống trong Chủng viện, nhà dòng với tâm tình yêu mến, biết ơn. Ở một góc nhìn nào đó, đi theo Chúa cũng như tham dự một cuộc chạy đua đường dài, bao giờ cũng chỉ một số ít về đến đích mặc dù ở điểm xuất phát đã có rất đông người. Ngày xưa, các chú nhỏ vừa học xong cấp một xin vào Chủng viện đi tu thường do gợi ý của các cha, các dì phước ở xóm đạo, đôi khi các em đi tu vì những lý do rất ngộ nghĩnh: Thích đá banh, thích mặc đồng phục trắng. Có mấy chú đi tu chỉ vì thích sợi chuỗi dài kêu sột soạt của các cha Đaminh, Chúa Cứu Thế đeo bên hông! Có mấy ai biết rằng mình đang bắt đầu một cuộc chạy đua mà chỉ với ý thích thôi, chưa đủ. Đến năm 17-18 tuổi, người chủng sinh – qua sách vở tu đức, qua trao đổi với cha linh hướng – bắt đầu nhận ra con đường mình đang đi thì cũng chính là lúc họ nhìn lại mình, suy nghĩ, lựa chọn… Trong một tờ nội san viết về tâm tư của một đệ tử trước quyết định lên nhà tập tôi đọc được mấy câu thơ: “Con gục đầu bâng khuâng suy nghĩ. Đây, lạy Chúa, những tháng ngày khủng hoảng của đời con…” Câu thơ hồn nhiên tuổi học trò đã phần nào cho thấy những suy tư, ray rứt của người thanh niên trước lúc quyết định mặc áo dòng lên Đại Chủng viện, Nhà tập, hoặc rẽ qua con đường khác. Có người quyết định thật nhẹ nhàng; nhưng với nhiều bạn đây không phải là một quyết định dễ dàng. Phần đông anh em rất ngại khi đã mặc áo dòng rồi lại cởi ra trở về đời. Thế nhưng nhiều anh em đã rất thật với lòng mình, can đảm chọn con đường khác. Cũng có nhiều trường hợp không dứt khoát, phân vân trong quyết định, nhà trường sẵn sàng để anh em về gia đình, học lên đại học một thời gian gọi là “đi thử” để tiếp tục tìm hiểu. Trước những ngã đường, người chủng sinh vừa lắng nghe tiếng Chúa mời gọi vừa nhìn lại con đường đã qua cùng những suy tính cho cuộc hành trình dài trước mặt chắc chắn không trải toàn hoa hồng, thảm đỏ… Như thế việc hồi tục của người chủng sinh là kết quả của những chuỗi ngày suy nghĩ, cầu nguyện, bàn bạc chứ đâu chỉ là những quyết định bồng bột, nông cạn của tuổi trẻ vì những ham mê, quyến rũ nhất thời nào đó. Với những bạn này, không phải họ không tin vào sự nâng đỡ, dìu dắt của Chúa nhưng hơn ai hết, họ hiểu rõ chính mình và con đường mình đang đi. Chúng ta thông cảm và – có thể là hơi cường điệu – nể phục những con người ấy. Đã không thiếu những cá nhân do chưa đủ chín chắn trong suy nghĩ, vững vàng trong quyết định để rồi khi trở thành linh mục, giáo sĩ đã không đủ bản lĩnh vượt qua những thử thách, gây bao tiếng xấu cho giáo hội. Bên cạnh đó nhiều anh em thôi việc tu học vì những lý do hoàn toàn khách quan như thiếu sức khỏe, không theo kịp việc học hành… Đặc biệt biến cố 1975 đã khiến một số đông anh em bỏ dở con đường mình đã chọn mà tôi biết trong số ấy có nhiều anh em nếu được tiếp tục đào tạo sẽ trở thành những linh mục, giáo sĩ tốt, rất tốt cho giáo hội. Bằng chứng có những anh em khi bước chân ra đời đã phục vụ Giáo hội một cách tích cực và say mê. Người thì tham gia vào ban hành giáo trong giáo xứ, hoặc phụ trách ca đoàn… Kẻ thì trở thành nhạc sĩ, văn sĩ để tiếp tục lý tưởng mang Chúa đến cho mọi người. Ngay trong mái trường chủng viện ngày xưa mà tôi tu học cũng đã có những anh em bây giờ trở thành những nhạc sĩ tên tuổi làm cho nền thánh ca của giáo hội ngày càng phong phú để chuyển biến nhạc thành lời ca, tâm tình cầu nguyện. Những sáng tác của họ đã nâng nhiều tâm hồn lên cùng Chúa, và giúp Kitô hữu tham dự Phụng vụ cách tích cực hơn, đồng thời cảm nghiệm sâu xa được tình yêu vô vị lợi của Ngài. Những đóng góp đó thực tế không nhỏ. Việc người tu sinh bỏ dở con đường mình đi không có nghĩa là họ đã bỏ cuộc. Vì cuộc sống của người giáo dân vẫn là một cuộc chạy đua để thắng cái xấu, cái “con người cũ”. “Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít”, (câu nói quen thuộc trong nhà đạo khi nói về ơn Thiên triệu); nhưng chúng ta lại không quen nhìn khía cạnh tích cực của câu nói ấy. Anh em xuất tu trở về xứ đạo, cứ để họ hòa nhập vào cộng đồng dân Chúa, đừng nhìn họ như một “giới”, một “thành phần” nào khác và chắc cũng không cần phải cầu nguyện cách riêng cho họ. Muối, men trong họ có thể mặn, nhạt hơn người khác cũng là chuyện bình thường, không sao cả. Và như thế chắc là sẽ có ý nghĩa hơn việc hàng năm chúng ta góp vào quỹ Thánh Phêrô vài ba chục ngàn đồng để rồi cứ giữ mãi cách nhìn thiếu thân thiện, lối suy nghĩ cũ kỹ, đôi lúc rất hàm hồ đối với những người anh em mà đáng lẽ, thay vì mặc cảm, họ luôn “vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi… là dân tu xuất”.

Văn Quyền.Vianney-source: svhaiha.org

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button