Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CÁT BỤI | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
THỨ TƯ LỄ TRO
(Mt.6,1-6,16-18)


CÁT BỤI

 (1) “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

 (5) “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

 (16) “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.
___________

SUY NIỆM

CÁT BỤI

Cát bụi…

Trong nghi thức xức tro, chủ tế đọc lời nguyện, có đoạn: “Xin dủ thương nghe lời chúng con cầu nguyện và thánh hóa nắm tro mà chúng con sẽ xức lên đầu để tỏ dấu nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi” (…).

Rồi sau đó, khi xức tro, linh mục nói: “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi”.

Thân phận con người là tro bụi, sẽ trở về bụi tro, đó là niềm đau mà tiếng than thở của con người đã vang lên từ rất sớm ở mọi nơi và mọi thời. Trăm năm còn có gì đâu, Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.  (CONK).

Thân phận con người mỏng manh chóng qua thì ai cũng thấy, nhưng đứng trước thân phận thật của mình như vậy, con người có suy nghĩ và thái độ nào, thì “phản ứng” của con người khác nhau. Nó đưa đến những nhân sinh quan có khi rất khác biệt, thậm chí đối lập nhau.

Có một nhân sinh quan nổi bật đã đem lại cho nhiều người niềm cảm hứng, đó là luồng tư tưởng không nhìn nhận con người nhỏ bé. Theo đó, sức mạnh con người tiềm ẩn rất lớn lao, con người vươn lên  và có thể thay thế Thiên Chúa. Khoa học tiến bộ không ngừng khám phá, và một ngày nào đó, tuy có thể còn rất xa, nhưng sẽ đến, con người có thể tự tìm ra “bí quyết” để con người bất tử.

Nghe qua, thật hấp dẫn… Thôi thì, chúc mừng cho những người có niềm tin và chờ đợi ngày bất tử ấy ! Nhưng đáng tiếc, vấn đề con người không chỉ là “cát bụi” của thân xác, nó còn có thứ cát bụi của tinh thần. Bao nhiêu ước mơ tan rã theo mây khói. Hạnh phúc cuộc đời nhiều khi chỉ là ảo ảnh. “Thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thiên cẩu” (Đỗ Phủ). Có gì tồn tại mãi trong cuộc đời này. Thân xác còn sống đó mà “tâm hồn” đã hóa ra cát bụi, thì sống cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Nhiều người đã đi tìm cái chết vì không còn lẽ sống. Đâu phải đợi “cái chết của thể xác” đến mới là “chết” đâu, nhiều người “sống” mà như đã chết tự bao giờ. Từ “cát bụi” ở đây diễn tả một sự hiện diện không còn ý nghĩa sống. Sự hiện hữu không gắn liền mạch sống với Thiên Chúa. Đó là một thứ nền “văn minh cát bụi”, “nền văn minh sự chết” !

…được yêu thương.

“… nắm tro mà chúng con sẽ xức lên đầu để tỏ dấu nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi”.(Lời nguyện Lễ Tro).

Nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi” là thái độ khiêm tốn của con người, khác với thái độ “kiêu căng” muốn thay thế Thiên Chúa hay không cần có Thiên Chúa.

Nhìn nhận mình là cát bụi” để hiểu vì sao “cát bụi này” lại trở nên tuyệt vời để vào đời một kiếp rong chơi, quyền năng nào đã “hóa kiếp” nó và đưa nó từ vô nghĩa để trở nên “nhân linh ư vạn vật” ?

Nhìn nhận mình là cát bụi” để hiểu nguyên nhân nào “cát bụi này” lại trở nên thật “tuyệt vời”, biết suy tư, có một sức sống kỳ diệu, tuyệt vời đến mức “nhân linh ư vạn vật” đến thế, vậy mà một ngày nào đó bất chợt mất đi tất cả, trở về “nguyên hình” cát bụi ?

Có “tất cả” là nhờ được Chúa yêu thương

Mất “tất cả” là vì xa lìa tình yêu Thiên Chúa.

Trở về bên Chúa.

Khi xức tro, linh mục cũng có thể nói một câu nói khác: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”.

Đó là Hồng Ân của Tình Yêu Thiên Chúa, và như thế, con người không kết thúc sự sống của mình trong vô nghĩa !

“Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi”. “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”.

Từ cát bụi”, đến sám hối”, đến đón nhận Lời Chúa”, là cuộc hành trình Đức Tin đến bến bờ Cứu Rỗi.

Chính từ cát bụi, mà con người nghiệm ra Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người lớn lao đến thế nào !

Nên khi nghĩ về thân phận, người Công Giáo luôn nhìn về ánh sáng Đức Ki-tô, Ánh sáng Thập Giá và Phục Sinh.

Nên dù mang thân cát bụi, người có niềm tin vào Đức Ki-tô không oằn oại rên siết trong tuyệt vọng, nhưng luôn vững niềm tin yêu vào Tình Yêu Thiên Chúa.

Thiên Chúa – Người Cha Nhân Hậu – Ðấng thấu suốt những gì kín đáo – hiểu được sự yếu đuối của con người, hiểu được lòng thành tâm sám hối và cố gắng vươn lên của con người, sẽ tha thứ, đỡ nâng và nhận con người về làm con cái trong Nhà Cha, Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng của Ngài. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

__________________________

BÀI ĐỌC THÊM

Ý NGHĨA NGÀY LỄ TRO

Tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa


Mt 6,1-6.16-18

Tác giả Walter Brueggman có ý kiến như sau : Không nên nhìn công thức “Con là bụi tro, con sẽ trở về với bụi tro”, như một lời tuyên án hoặc nguyền rủa, hay việc rắc tro lên đầu chỉ nguyên liên hệ với tội luỵ. Ông muốn suy tư nó trong ánh sáng các câu châm ngôn đầy khôn ngoan. Nó khích lệ chúng ta nhìn lại số phận hay chết của nhân loại. Có bốn điều luôn phải ghi nhớ :

1- Về căn bản và gốc gác, loài người là một tạo vật phát xuất từ bùn đất, lệ thuộc chặt chẽ vào thực tại và giới hạn của vật chất.

2- Nó chia sẻ với đất mẹ và các thụ tạo khác bởi đất mà ra những phẩm chất giống nhau của đời sống thực vật.

3- Đất chẳng thể tự khởi động. Nắm thân tro bụi của con người cũng vậy. Tự thân nó bất động và không có sự sống. “Tro bụi” đâu có tính nhân loại?

4- Vậy thì tính “sống động” của mỗi cá nhân hoàn toàn lệ thuộc vào “hơi thở” của Thượng Đế. Hơi thở này được Thiên Chúa ban cho một cách nhưng không, tuỳ vào lượng hải hà của Ngài, chẳng cần một lý do nào cả. Tuy nhiên con người không bao giờ có thể chiếm đoạt làm tài sản riêng. Nó là của Thiên Chúa.

Do đó, nhân loại là những chủ thể lệ thuộc, dễ bị thương tổn, từng giây từng phút phụ thuộc vào “hơi thở” của Thiên Chúa mà sống. Nói cách khác, khả năng “sống còn” của loài người đến từ Thượng Đế. Chúng ta không có quyền lựa chọn tình trạng này, nhưng cũng không phải là hình phạt có liên hệ với tội lỗi. Đây là ý nghĩa cơ bản của từ “nhân loại”. Chúng ta sống từng giây từng phút bằng lượng hải hà của Đức Chúa Trời. Hai ông bà Nguyên tổ trong Vườn địa đàng đã muốn thoát ra khỏi số phận này để trở nên giống Tạo hoá. Lễ tro kêu gọi chúng ta nhớ lại tính chất “thụ tạo” của mình mà chúng ta thường xuyên lãng quên. Chúng ta phải luôn hồi tâm xác định lại căn tính, tôn trọng những giới hạn tự nhiên, không ngang ngược vượt qua để trở thành Thượng Đế!

Lễ tro cũng là ngày để chúng ta suy ngẫm về Thiên Chúa. Thánh vịnh 103, 14 phát biểu như sau: “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ ta chỉ là cát bụi”. Hành động rắc tro lên đầu thể hiện nội dung trên. Thiên Chúa vẫn thấu rõ từ thuở ban đầu, chúng ta được Ngài tạo lên từ cát bụi. Ngài nhớ rõ và chúng ta cũng được bảo cho biết như vậy. Bởi đó Ngài trung tín với ý định của mình, không từ bỏ chúng ta, dù rằng chúng ta đã phạm tội. Một khi tội lỗi được nhận ra như mối nguy hiểm gây chết chóc, luôn đe doạ loài người thì Ngài đã phát minh ra phương thế xoá bỏ. Cho nên điều quan trọng hiện thời trong ngày lễ hôm nay là hành động tha thứ vô biên của lòng Thiên Chúa trung tín và xót thương. Chúng ta là cát bụi và sẽ chết trong tọi luỵ của mình là điều làm cho Ngài quan tâm hơn cả. Các câu thơ Thánh vịnh 103 chung quanh câu 14 đều nói lên cùng tư tưởng đó. Ví dụ : “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (103, 12).

Cho nên công thức xức tro kêu gọi chúng ta tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng thấu rõ nhu cầu thiêng liêng mỗi người và định vị rõ ràng số phận loài người trước tôn nhan Ngài. Nhân loại thường mắc thứ bệnh tai hại là mất trí nhớ. Thế giới tiêu thụ hiện thời có khuynh hướng làm cho căn bệnh thêm nạng hơn. Chúng ta mau quên quá khứ và không nhớ ơn gọi của tương lai. Quên tính chất thụ tạo căn bản. Quên hình hài mỏng manh của mình. Tưởng mình quyền năng hơn thực tại, có thể thu quén cho mình mọi thứ, bởi trên đầu không có ai lo liệu cho. Tưởng mình tránh lé được tử thần bằng sức riêng. Tưởng mình đã chiến thắng sự chết. Chúng ta mắc bệnh quên lãng nặng nề, đã lạc xa ơn kêu gọi nguyên thuỷ của mình, tức phục vụ. Vườn địa đàng, các thú vật và cây cối được trao phó cho loài người trông nom.

Hơn nữa, chúng ta còn hay quên rằng Thiên Chúa vẫn nhớ. Ngài liên tục tạo dựng, liên tục săn sóc, liên tục thở hơi để chúng ta được sống. Ngài luôn luôn kêu mời, bảo vệ và nuôi sống muôn loài. Thực tế, hàng ngày chúng ta được tình yêu dịu ngọt của Thiên Chúa bao bọc, Đấng mong muốn điều lành cho chúng ta hơn lòng chúng ta khao khát. Chủ đề của lễ tro là “hãy nhớ” về cả hiện tại, quá khứ và tương lại. Đây không phải là mệnh lệnh nhẹ ký mà là rất nghiêm chỉnh, không phải để gây thoải mái, dễ chịu mà để chúng ta đổi mới cuộc đời.

Hôm nay, một cuộc chiến không khoan nhượng đã khởi sự, ngõ hầu xác định lại căn cước mỗi người. Căn cước hay bị bỏ bê hoặc lãng quên. Một cuộc chiến tranh giữa não trạng hối cải với não trạng tiêu thụ, tinh thần thần phục gặp rắn già kiêu ngạo, lòng trung thành gặp nết xấu phản bội. Với tro bụi trên đầu, chúng ta được lôi kéo về những điều căn bản, ấp ủ những lý tưởng cao thượng, bỏ đi những ích kỷ nhỏ nhen. Tro bụi trên đầu sẽ ghi khắc nội dung Tin mừng vào da thịt, sức mạnh thiêng liêng trong yếu đuối, vinh quang trong thân phận thấp hèn. Amen.

Lm. Jude Siciliano op

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button