Jer. Nguyễn Văn NộiSuy niệm

Của cải là con dao hai lưỡi | Jer. Nguyễn Văn Nội

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM C (25.09.2016)
[Am 6,1.4-7; 1 Tm 6,11a-16; Lc 16,19-31]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Câu châm ngôn: “Đồng tiền là tên dầy tớ hữu dụng nhưng lại là ông chủ tàn ác” có ý nói hai mặt (tốt/xấu) của đồng tiền nên được ví như con dao hai lưỡi. Có tiền, ngưòi ta có thể làm được nhiều việc lớn lao, phúc đức, cứu sống nhiều mạng người và thậm chí có được sự sống đời đời nếu biết dùng của cải làm việc bác ái và chia sẻ (đọc Mt 25). Nhưng có tiền mà không biết dùng hoặc tệ hơn nữa là ỷ vào nó mà làm hại người khác, thì người ta sẽ bị trừng phạt như những nhà cầm quyền Ít-ra-en thời ngôn sứ A-mốt hay như ông nhà giầu trong câu truyện dụ ngôn của Phúc Âm hôm nay. Vì thế, chúng ta cần phải cảnh giác với đồng tiền nằm trong tay chúng ta mà xử dụng nó sao cho đẹp lòng Thiên Chúa là Đấng đã ban nó cho chúng ta như những nén vàng nén bạc phải sinh lời sinh lãi.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Am 6,1.4-7):
Giờ đây chúng sẽ bị lưu đầy. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn.

1 Đức Chúa là Thiên Chúa các đạo binh phán thế này: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on, và sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri, họ là những nhà lãnh đạo của dân đứng đầu các dân khiến nhà Ít-ra-en phải đến cầu cạnh. 4 Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. 5 Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đa-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. 6 Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ! 7 Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Tm 6,11-16):
Hãy tuân giữ
điều răn của Chúa cho đến ngày Chúa chúng ta xuất hiện.

11 Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà. 12 Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng. 13 Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Ki-tô Giê-su là Đấng đã làm chứng trước toà tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền cho anh: 14 hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện. 15 Đấng sẽ cho Đức Ki-tô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. 16 Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời. A-men.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 16,19-31):
Con đã nhận phần phước con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.

19 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! 25 Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

27 “Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! 29 Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. 30 Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. 31 Ông Áp-ra-ham đáp:  “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”

31-cn26tn-4x3

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

3.1.1 Bài đọc 1 (Am 6,1.4-7) là một trích đoạn của Sách Ngôn sứ A-mốt cảnh cáo những người quyền cao chức trọng trong dân Ít-ra-en chỉ biết sống trong cảnh giầu sang nhung lụa mà chẳng quan tâm gì đến tình hình và vận mệnh của dân tộc. Hậu quả là đất nước họ sẽ bị ngoại bang xâm chiếm và bản thân họ sẽ phải bị lưu đầy khốn khổ.

– Qua đoạn Sách A-mốt trên (6,1.4-7) chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng rất công minh: những người cầm quyền đã được giao trọng trách cai trị dân, được hưởng những đặc quyền, đặc lợi về vật chất, thì họ có trách nhiệm phải chăm lo cho dân, cho đất nước. Sống thờ ơ với đời sống thường ngày của dân, với vận mệnh của đất nước, chỉ biết hưởng thụ mà không chu toàn trách nhiệm, thì họ đáng bị trừng phạt.

3.1.2 Bài đọc 2 (1 Tm 6,11-16) là những lời khuyên chân tình của Thánh Phao-lô dành cho ông Ti-mô-thê, một cộng sự thân cận của ngài. Lời khuyên có hai khía cạnh tiêu cực và tích cực. Khía cạnh tiêu cực là: “hãy tránh xa những điều đó” (là muốn làm giầu, ham tiền bạc); còn khía cạnh tích cực là: “hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa” Nói cách khác là kiên cường chiến đấu “cho được sự sống đời đời” mà Thiên Chúa chỉ ban cho những ai “giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách qua Chúa Giê-su Ki-tô.”

– Trong đoạn thư gửi ông Ti-mô-thê trên (6,11-16) chúng ta được Thánh Phao-lô dậy cho biết: Thiên Chúa là Đấng tốt lành thánh thiện và thưởng phạt công minh. Người yêu thương những con người sống đơn sơ, khó nghèo, thanh thoát (đối với địa vị, chức quyền và tiền bạc), giầu lòng tin và lòng mến.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 16,19-31) là câu chuyện dụ ngôn trong Phúc âm Lu-ca nêu lên hai ‘số phận’ hoàn toàn trái ngược nhau của hai người, cả ở đời này lẫn ở đời sau. Thật vậy, ông nhà giầu (ngày nay đuợc gọi là đại gia) có tiền của, bạc vàng, châu báu dư thừa, nhưng không được Chúa Giê-su đặt cho một cái tên. Còn anh chàng “nghèo rớt mồng tơi” thì lại có tên đàng hoàng: La-da-rô. Ông đại gia sống trong nhung lụa, tiệc tùng sa hoa, dư thừa và sung sướng ở đời này nhưng lại cô đơn, khốn khổ ở đời sau. Còn anh La-da-rô sau cuộc sống đói khổ, túng thiếu ở đời này, lại tràn trề hạnh phúc ở đời sau. Một hố ngăn cách “không thể san bằng” được dựng nên giữa hai con người, giữa hai thế giới. Nguyên nhân tạo ra hố sâu ngăn cách ấy không hẳn là sự giầu có, mà là việc ông nhà giầu kia “không chịu thấy” (tức không quan tâm giúp đỡ) “anh chàng La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông, thèm được ăn những thứ trên bàn ăn của ông nhà giầu rớt xuống.”

– Qua đoạn Phúc âm Lc 16,19-31 này chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng  công minh chính đại trong đối xử với mọi người: Mọi ân huệ (vật chất, tinh thần) Người ban đều kèm theo một trách nhiệm; và mọi khổ cực hay thiệt thòi chỉ là tạm thời và có thể là nhân tố đem lại hạnh phúc đời đời. Vì thế không thể chỉ có hưởng thụ mà không có đền đáp; không thể chỉ biết có mình mà không biết đến người chung quanh đang cần được chia sẻ, giúp đỡ. Cũng vì thế, không có khổ cực, thiệt thòi nào mà không được bù đắp, miễn đương sự sống công chính và tin tưởng vào sự công minh của Thiên Chúa.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa     

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm hai khía cạnh, khía cạnh tiêu cực (không nên/ không được) và khía cạnh tích cực (nên/phải):

* Khía cạnh tiêu cực là các Ki-tô hữu không nên/không được ham hố chức quyền, địa vị và tiền bạc mà phải cố gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, nhẫn nại và hiền hòa.

* Khía cạnh tích cực là các Ki-tô hữu phải biết dùng chức quyền, địa vị và của cải mà Thiên Chúa đã ban cho để tạo nên phúc đức bằng cách giúp đỡ những người nghèo khó, túng thiếu, bị thiệt thòi, kém may mắn …. sống  đầy dẫy trong xã hội.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng xét xử phân minh: người có công thì được thưởng, người có tội thì bị trừng phạt, không ở đời này thì ở đời sau, đúng như Chúa Giê-su đã dậy: nhận được nhiều thì phải yêu mến nhiều! nhận được “nhưng không” thì phải cho đi cách vô vị lợi!

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

Suy nghĩ một chút, tôi nghe thấy Lời Chúa mời tôi kiểm điểm về cách sử dụng chức quyền, địa vị và tiền bạc mà Chúa giao cho tôi:

* Trước sức quyến rũ của chức quyền, địa vị và của cải vật chất, tôi có thái độ nào: ham muốn, chạy theo và quỵ lụy hay cảnh giác, tự chủ và siêu thoát?

* Khi được Thiên Chúa ban chức quyền, địa vị và của cải vật chất, tôi đã dùng những thứ ấy để tạo nên phúc đức hay gây nên tội lỗi? tôi đã dùng những thứ ấy để giúp đỡ tha nhân, cộng đồng hay chỉ phục vụ bản thân và gia đình mình mà thôi?

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân, các nước, đang phải đương đầu với cảnh phân hóa giầu nghèo một cách trầm trọng, để những nước giầu và những người giầu biết chia sẻ của cải, phương tiện với những nước nghèo và những người nghèo khó túng thiếu trong xã hội, cộng đồng.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 «Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Tông Phan-xi-cô,  cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu biết sống theo lời khuyên của Thánh Phao-lô để làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 «Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết quảng đại chia sẻ của cải và tình thương với những người bất hạnh chung quanh.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 «Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on, và sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người cầm quyền các quốc gia biết chu toàn trách nhiệm chăm lo cho đất nước và đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Sàigòn ngày 15.09.2016
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Bài liên quan

Back to top button