Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

HÃY ĐI | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH B

LỄ THĂNG THIÊN
(Mc.16,15-20)
***
HÃY ĐI

(15) Khi ấy Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. (17) Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

(19) Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
______________

SUY NIỆM

HÃY ĐI

Hãy đi…

Đời người là một chuyến đi.

Chúa Giê-su không có nơi “định cư”. “Con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu qua đêm”(Mt 8,20).

Bước đi cuộc đời như bước thời gian, không có lúc dừng lại. Đi là một động thái tiến lên. Không ai sống với mục đích đi lùi lại, nếu có lùi lại, cũng là để chờ cơ hội tiến lên.

Đi là thăng tiến. Dừng lại làm sao thăng tiến. Đi là cuộc hành trình. Cuộc hành trình nào cũng có có điểm đến. Đi là hoàn thành ý nghĩa sống, không ai sinh ra nằm yên đó chờ chết. Ý nghĩa sống của cuộc đời không phải là đi đến chỗ chết. Đi là tìm “vùng đất sống”. “Vùng đất sống” tìm thấy là “địa đàng tìm thấy”, đó là “một cõi đi về” (TCS), đi tìm về nguồn đích thực của con người.

Khắp tứ phương thiên hạ

Đã không “định cư” thì không “khoanh vùng” ở một  nơi nào cố định. Trong cuộc đời, biết bao kẻ đi đến nhiều xứ sở xa xăm, vì cuộc sống, vì muốn tiến thân, vì đi tìm tự do, vì khát vọng vươn lên…

Lý tưởng càng cao, bước chân con người càng xa. Hoài bão càng lớn, chân trời nhắm tới càng rộng.

  Loan báo Tin Mừng

 

“Tin Mừng” là một “Kho Tàng” vô giá. Người khám phá ra kho tàng cũng là người phân phát kho tàng ấy.

“Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. (Mt.13,44).

“Kho tàng Nước Trời” không giống như “kho tàng vật chất”, Kho tàng Nước Trời không có sự mất mát và lo âu, ngược lại, luôn phong phú và bình an.

Bài thơ “Viên Ngọc Quí Giá Nhất”của thi hào Tagore có nội dung như sau:

Sanathan cầu nguyện đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp:

– Ta không có gì cả. Ta đã cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi.

Người thanh niên tiếp tục nài nỉ:

– Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.

Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quí mà ông đã tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.

Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quí. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin:

– Thưa ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quí hơn mọi viên ngọc quí. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải.

Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.

Vâng, được đi theo nhà hiền triết mới chính là viên ngọc quý thật sự, là kho tàng thật sự. Vì một lẽ sống còn: – “Nhà hiền triết ấy biết đâu là giá trị đích thực”.

Cho mọi loài thọ tạo

Tin Mừng không dành riêng cho ai. Tin Mừng là một kho tàng mà người phám phá ra kho tàng ấy có nhiệm vụ phải phân phát cho mọi người.

“nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không có lý do gì để tôi tự hào, mà đó là một nhiệm vụ tôi phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cor 9:16)

Nhiệm vụ của người sở hữu kho tàng Tin Mừng là phải mang kho tàng đến cho mọi người, dù những người nghe có đón nhận hay không.

Tin Mừng phải được rao giảng ở bất cứ nơi đâu và bất cứ hạng người nào.

Tin Mừng được công bố giữa một rừng hoa đang đón chào hay trước những nồng súng đã lên đạn.

Tin Mừng được rao giảng thân tình với những người bạn và cũng được trình bày đầy kiên nhẫn trước những kẻ chống đối.

Thiên Chúa ban phát Lời Ngài như người gieo giống tung gieo những hạt giống một cách hào phóng. Không dè sẻn, không tính toán, không phân biệt, không lựa chọn, kể cả những người không muốn nghe. Vì Lời Chúa là Lời Hằng Sống, Thiên Chúa muốn cho mọi người được sống.

Người cho mặt trời mọc lên soi cho kẻ lành cũng như người dữ. Và cho mưa rơi xuống trên cả người công chính lẫn kẻ gian ác” (Mt 5, 45).

Đoạn kết: Trên Trời, dưới Đất.

Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì kìa hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh  và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv.1,9-11).

Sao còn đứng nhìn lên trời ?

Có phải các ông chưa tỉnh mộng ? Có phải còn nuối tiếc ? Có phải ước mơ đã không thành ? Có phải tất cả đến rồi đi như một chuyện tình dang dỡ ? Có phải tựa như một câu chuyện sử thi cực kỳ hấp dẫn nhưng đoạn kết không… “có hậu” ?

Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thày, có phải bây giờ là lúc Thày khôi phục vương quốc Ít-ra-en không” (Cv.1,11).

Còn hơn thế nữa ! Không có “khôi phục vương quốc Ít-ra-en” theo kiểu trần thế, mà khôi phục “Vương quốc Tình Yêu” cho Ít-ra-en và cho cả Thế giới.
 
Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thày tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”(Cv.1,11).

Đức Giê-su Ki-tô, Ngài đã đến thế gian, mang thân phận con người, Ngài sống như con người, để con người sống như Ngài.

“Người sống trọn thân phận con người như chúng con, chỉ trừ tội lỗi” (Kinh Tiền Tụng CN VII TN).

Chính những “thú vui trần gian” hoàn toàn đắm chìm trong đam mê thế tục, đang đưa trần gian đến chỗ tan nát. Những “thú vui trần gian” hướng vọng về Thiên Đàng, mới làm cho trần gian thêm đẹp tươi  và hạnh phúc.

Hướng về Trời để suy ngẫm về những giá trị vĩnh cửu, mà nếu không có Thiên Đàng – Vương Quốc Vĩnh hằng của Thiên Chúa – thì trần gian chỉ là ảo ảnh.

Hướng vế Trời để định hướng cho một cuộc sống tốt đẹp ở trần gian; sống một cuộc đời tốt đẹp ở trần gian, để được về Trời, đó là “Con đường Giê-su, con đường Chân Lý, con đường Sự Sống, con đường Hạnh Phúc”.

“Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).

Nên, Chúa Thăng Thiên không phải là tàn cơn mộng đẹp, mà là cơn mộng đẹp bắt đầu trở thành hiện thực: Mở đầu một thế giới yêu thương do chính bàn tay con người ra sức xây dựng dưới ánh sáng Lời Chúa, từ tảng đá Hội Thánh Giê-su, cho đến khi Vinh Quang Thiên Chúa ngự trị vạn vật, như lời nguyện cầu mà Chúa Giê-su đã dạy con người: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

“Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv.1,9-11).

Lạy Chúa,

Nếu Ngài trở lại bây giờ,
Nhìn thấy hiện trạng Thế Giới hôm nay,
Ngài có buồn không ?
Lạy Chúa,

Trời cao vời vợi,
lòng người thấp bé,
Đời muôn gánh nặng,
Sức người yếu đuối…

Xin thương xót chúng con ! Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
_____________

Bạn có thể xem bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/646-le-thang-thien-ra-di-rao-giang-tin-mung

 

 

Bài liên quan

Back to top button