Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Lễ Hiện Xuống: BÙNG CHÁY LỬA TÌNH YÊU | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG B-15

(Ga.20,19-23)
***
BÙNG CHÁY LỬA TÌNH YÊU

 

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! ” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

_____________

SUY NIỆM

BÙNG CHÁY LỬA TÌNH YÊU

Chúa Thánh Thần qua biểu tượng Lửa và Gió.

Thiên Chúa Ba Ngôi vô hình, nhưng con người có thể nhận ra Thiên Chúa nhờ mạc khải trọn vẹn của Chúa Giêsu Kitô.

Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, ta có thể hiểu được Chúa Cha qua Chúa Con, Chúa Con xuống thế làm người, nên ta cũng dễ hiểu được Ngài.

Chúa Con trở nên hữu hình mà người ta cảm nghiệm được, người ta có thể nhìn tận mắt Ngôi Lời Hằng Hữu và tay của họ có thể đụng chạm vào Ngài (tc. 1 Jn 1:1). Việc làm chứng của những người đó cũng là những bằng chứng vững chắc cho các thế hệ Kitô hữu sau này. Chúa Cha hiển lộ trong Chúa Con trong khi vẫn vô hình và trong siêu việt tính khôn tả. Chúa Giêsu nói: “Người nào thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Jn 14:9). Hơn nữa, như lời Thánh Phaolô (Eph 3:15), nhờ tính cách tương tự, mặc dầu không hoàn hảo, trong cương vị làm cha của nhân loại, chúng ta có thể hiểu tạm đủ “cương vị làm cha” trong lãnh vực thần linh của cương vị phụ thân hằng tự hữu.  (ĐTC. Gioan Phaolô II Buổi gặp chung 17.10.1990).

Tuy nhiên, trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngôi Ba Thánh Thần vẫn “ẩn dật vô hình” vì “tri thức nhân loại liên quan đến Ngài thì quá hạn hẹp”.

Trái lại, Ngôi Chúa Thánh Linh sâu xa hơn vượt ra ngoài nhận thức của chúng ta. Đối với chúng ta Ngôi Ba là Thiên Chúa ẩn dật vô hình. Sở dĩ chúng ta chỉ biết Chúa Thánh Linh đến được như thế là vì những loại suy trong tri thức nhân loại liên quan đến Ngài thì quá hạn hẹp. Chúng ta không thể hiểu căn nguyên tại sao tình yêu lại tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta mà tình yêu đó vốn là phản ảnh Tình Yêu tự hữu, là hành động tự tri của chính Thiên Chúa. (ĐTC. Gioan Phaolô II Buổi gặp chung 17.10.1990).

Thế nên, con người tìm những “biểu tượng về Chúa Thánh Thần” trong Kinh Thánh để hiểu về Ngài nhiều hơn, như  Nước, Dầu, Chim Câu, Lửa, Gió

Dùng cách so sánh việc biểu lộ tình yêu của nhân loại với nhau, chúng ta có thể hiểu Chúa Thánh Linh dùng những hành động biểu tượng để minh họa năng động tính tự hữu và Ngôi Vị Thiên Chúa của Ngài. (ĐTC. Gioan Phaolô II Buổi gặp chung 17.10.1990).

Ở đây, chúng ta nói về Chúa Thánh Thần, qua hai biểu tượng GióLửa, từ một biến cố căn bản trong mạc khải về Chúa Thánh Thần”.

GIÓ

Như thế gió chính là biểu tượng mà con người cảm nhận được khi Chúa Thánh Linh hiện xuống, một biến cố căn bản trong mạc khải về Chúa Thánh Linh: “Và bất thình lình từ trời cao đến một tiếng động tựa cơn gió mạnh, và tràn ngập khắp ngôi nhà nơi các ngài tụ họp (cùng với Đức Maria)” (Cv 2,2). (ĐTC. Gioan Phaolô II Buổi gặp chung 17.10.1990).

Gió có nhiều ý nghĩa. Là hơi thở, là sức sống, sức mạnh…

ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. (St.2,7).

Cũng từ ngữ “gió” được dùng để chỉ hơi thở, một biểu tượng quyền năng Thiên Chúa phục hồi sự sống các bộ khô cốt trong lời tiên tri của ngôn sứ Ezekiel: “Hỡi Thần Khí, gió từ bốn hướng, hãy tới và hà hơi (thổi hơi) vào những người bị giết chết này để chúng được hồi sinh” (Ez 37:9). (ĐTC. Gioan Phaolô II Buổi gặp chung 17.10.1990).

“Ngài hà hơi (thở hơi) vào” các ông và nói “Anh em hãy đón nhận Chúa Thánh Linh” (Jn 20:22-23).

Gió có sức mạnh và hướng đi riêng, không ai có thể xoay hướng đi của gió. Điều ấy gợi cho chúng hình ảnh về sự “phó thác”. Mọi sự diễn ra trong đời ta, ta luôn từ đó tìm hiểu thánh ý Chúa và phó thác vào sự an bài của Tình Yêu Thiên Chúa.

Trong các văn bản Phúc Âm và các văn bản khác nữa, gió thường được mô tả như một người đến và đi. Chúa Giêsu dùng thí dụ gió để nói về Ngôi Chúa Thánh Linh và Ngài bàn luận (về gió) theo cách thức này trong cuộc đàm thoại với ông Nicodemus: “Gió muốn thổi đi đâu thì thổi và người ta có thể nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu tới và đi đâu, và người nào bởi Thánh Linh sinh ra cũng vậy” (Jn 3:8). Chúng ta được thừa nhận là con cái Thiên Chúa, tức là “sinh ra bởi Thánh Linh,” mà hành động của Chúa Thánh Linh được so sánh với gió. Chúa Giêsu dùng biểu tượng này để làm nổi bật toàn thể tính cách tự phát về lòng nhân từ và hành động của Chúa Thánh Linh, nhờ đó chúng ta được làm cho trở nên những người thông phần trong sự sống Thiên Chúa. Dường như biểu tượng gió tạo ra năng động tính siêu nhiên đặc biệt mà qua đó chính Thiên Chúa đến gần chúng ta để biến đổi nội tâm chúng ta, thánh hóa và, theo một ý nghĩa nào đó, như lời các thánh Giáo Phụ, để thần linh hóa chúng ta. (ĐTC. Gioan Phaolô II Buổi gặp chung 17.10.1990).

LỬA

Một biến cố căn bản trong mạc khải về Chúa Thánh Linh, ta thấy sự hiện diện của “Lửa”. “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. (Cv.2.1-4).

Cũng như biểu tượng “Gió”, Lửa cũng mang nhiều ý nghĩa. Phép Rửa, sức mạnh hủy diệt, sưởi ấm, soi sáng, hăng say nhiệt thành, thanh tẩy để thánh hóa…

Thêm nữa, hành động và Ngôi Vị Thiên Chúa của Chúa Thánh Linh cũng được nói đến bằng biểu tượng lửa. Chúng ta biết ông Gioan Tẩy Giả loan báo tại sông Jordan: “Ngài (Chúa Kitô) sẽ rửa anh chị em bằng Thánh Linh và lửa” (Mt 3:11). Lửa là nguồn sức nóng ấm và ánh sáng, nhưng lửa cũng là sức mạnh hủy diệt. Vì lý do này các Sách Phúc Âm nói tới “ném vào lửa” cây nào không sinh hoa trái (Mt 3:10; tc. Jn 15:6); và “trấu đốt trong lửa không hề tắt” (Mt 3:12). Phép Rửa “trong Chúa Thánh Linh và lửa” cho thấy sức thanh tẩy của lửa. Đây là lửa huyền nhiệm mô tả đòi hỏi sự thánh thiện và thanh sạch mà Thánh Linh Thiên Chúa là quản chủ. (ĐTC. Gioan Phaolô II Buổi gặp chung 17.10.1990).

Bùng cháy lửa tình yêu.          

Ngôi vị của Chúa Thánh Thần trong Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu. Và Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng Tình Yêu.

Chúa Giê su mạc khải cho nhân loại về Thiên Chúa Tình Yêu, và trung tâm của những lời Giáo huấn của Chúa Giê su là “Thiên Chúa yêu thương nhân loại” – Thiên Chúa là một người Cha giàu lòng thương xót.

Chính Chúa Giêsu đã tóm gọn Giới Luật Yêu Thương của Ngài rất rõ ràng:

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12, 28b-34).

Trong cuộc sống đời thường, không ai sống mà không có tình yêu. Trong cuộc đời, không ai có thể làm việc thành công mà không có sức mạnh của tình yêu. Trong ngôn ngữ thường ngày, ta vẫn diễn tả tình yêu bằng những từ ngữ “có lửa”. Một tình yêu bùng cháy, một tấm lòng nhiệt thành, bầu nhiệt huyết, mái ấm gia đình, thắp sáng niềm tin…

Ngược lại, nếu tình yêu đã mất, ta thường diễn tả bằng những từ ngữ “mất lửa”. Một tình yêu băng giá, trái tim mùa đông, tâm hồn nguội lạnh, thái độ lạnh lùng, tình người lạnh lẽo, niềm tin tăm tối…

Lửa cần có gió. Nếu lửa chỉ tồn tại “âm ỉ”, mà không có gió thổi vào, nó không đủ dưỡng khí để sống còn, nó yếu dần, và đi đến lịm tắt…

Nếu lửa được thông gió, được gió thổi vào, nó bùng cháy mãnh liệt… Gió đem đến dồi dào dưỡng khí cho ngọn lửa bùng cháy tối đa… Và như thế, con tim mới được nuôi dưỡng một tình yêu mãnh liệt như lòng Chúa mong muốn nơi con người Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Và “hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”.(Mc 12, 28b-34).

Từ đó, tất cả những việc làm của chúng ta, vì Chúa và vì tha nhân, mới được mạnh mẽ, không mệt mỏi, không sợ hãi, vượt qua tất cả mọi trở ngại, và tìm thấy niềm vui bất tận trong Tình Yêu Thiên Chúa.

Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.(2Cr.4,9-10).

Chúng ta chỉ có thể có một con tim bùng cháy lửa tình yêu thật sự, nếu ta biết đón nhận Chúa Thánh Thần, Ngôi Vị Tình Yêu trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thế giới chỉ bùng cháy lên lửa tình yêu thật sự, nếu con người biết đón nhận Chúa Thánh Thần. Nếu thế giới không bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu như lòng Chúa mong ước, “Thầy tới đem lửa xuống thế gian và hết lòng mong mỏi cho lửa đó cháy bừng lên!” (Lc 12:49) để xây dựng một thế giới hòa bình hạnh phúc, thì, thế giới sẽ bùng cháy “khói lửa chiến tranh hận thù” đem lại đổ nát tang thương.

Chính Chúa Giêsu nói: “Thầy tới đem lửa xuống thế gian và hết lòng mong mỏi cho lửa đó cháy bừng lên!” (Lc 12:49). Nối tiếp theo ý này, chúng ta bàn về lửa yêu thương của Thiên Chúa “đã được trút vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Linh” (Rom 5:5). Vào ngày Lễ Hiện Xuống “những lưỡi lửa” xuất hiện trên đầu các tông đồ, những lưỡi lửa đó có nghĩa là Chúa Thánh Linh đã đem tới ơn tham dự vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Thomas nói lửa tình yêu, lửa mà Chúa Giêsu đã đem xuống thế gian, là “một thứ tham dự vào Chúa Thánh Linh” (participatio quaedam Spiritus Sancti; Summa Theol., II-II, q. 23, a. 3, ad 3). Theo nghĩa này lửa là biểu tượng của Chúa Thánh Linh mà Ngôi Vị của Ngài trong Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu. (ĐTC. Gioan Phaolô II Buổi gặp chung 17.10.1990).

Lạy Chúa,

“Anh chị em đừng dập tắt Thánh Thần” (1Th.5,9).
Nhưng bao lần con nguội lạnh…

Xin luôn yêu thương con…
giữa dòng đời cô quạnh,
xin thổi bùng cháy trong con,
Ngọn Lửa Tình Yêu của Ngài…

Để một đời mang tin yêu,
đến mọi bến bờ cuộc sống…
để mọi con tim đều cháy bỏng
Tình Yêu Thiên Chúa vô bờ…  

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_____________________
Nếu bạn muốn xem bài suy niệm khác mời bạn vào địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/652-le-hien-xuong-nam-b-binh-an

 

 

 

 

         

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button