Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Ở Đây Đang Thiếu Gì ? | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN C
(Lc.16,1-13)
***

 Ở ĐÂY… ĐANG THIẾU GÌ ?

000001ax001tonthotien 1 Khi ấy Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!

5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? 6 Người ấy đáp:  “Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. 7 Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.

8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

9 “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

_____________

SUY NIỆM

Ở ĐÂY… ĐANG THIẾU GÌ?

  1. Thu tiền.

Có tiền thì có của, nên tiền của đi đôi. Có của thì sống sung túc, thụ hưởng, nhàn hạ, hay tiến bước trên con đường công danh thênh thang nhờ “mua quan bán tước”, hay nhờ nó mà “tự tung tự tác”, bất cần ai và cũng chẳng sợ ai, vì “đa kim ngân phá luật lệ”,  nên rất cần, rất cần và rất cần… Có vẻ như “tiền” có thể làm nên tất cả. Vì thế, người ta ra sức làm sao thu vén được tiền càng nhiều càng tốt, bất kể những cách làm ra tiền bất chính.

Thí dụ một cách thu tiền sau đây:

Chiều 24-4-2009, phía đầu chiếc xe CSGT màu trắng, người đại úy dí ngón tay trỏ vào tập biên bản, người vi phạm hiểu ý, “nhằn” ngay trong túi ra một tờ polyme màu xanh. Người đại úy lật mấy trang biên bản lên, người vi phạm vội vã nhét tờ 100.000 đ vào đó. Bỗng, một cơn gió vô tình thốc tới làm mấy trang biên bản bay tốc lên, tờ 100.000đ bay vèo theo gió, chờn vờn đậu xuống vỉa hè cách đó một quãng. Người đại úy vội vã chạy theo, vội vã cúi xuống nhặt, rồi khoan thai đút vào túi… Tờ 100.000đ màu xanh giờ đã nằm yên trong túi quần “ông” đại uý (Bài CSGT “làm luật” ngay tại Hà Nội, báo Khoa học & Đời sống, Thứ Ba ngày 5-5-2009).

Kiếm ra “tiền của” kiểu “không minh bạch” cũng có thể đọc thấy trong Kinh Thánh.

Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ…  

Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’

‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ (Mt.23,13-22).

  1. Chi tiền.

Đã có thu, thì có chi.

Thường tình, khi đã có cuộc sống giàu có, sung túc, người ta nghĩ ngay đến chuyện ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi cho đã… Sống mà không hưởng thụ thì cuộc sống có nghĩa lý gì?

“Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”.(Lc.12,16-21).

Đã nhắm tới mục đích đời người là tận hưởng, thì không thể thoát ra được cái vòng ích kỷ để đến với tha nhân. Cái tôi bản ngã hẹp hòi đầy dục vọng thấp hèn không thể có đôi mắt tâm hồn thiện lương để biết xót xa với những thiếu thốn và khổ đau của đồng loại.

000001ax003tonthotienw

“Có một người nghèo khó tên là Lagiarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giầu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông nhà giầu rớt xuống mà ăn cho no.” (Luca 16: 20-21)

Mối nguy hiễm cho con người là thế !

Thu tiền thì luôn bị cám dỗ thu tiền bất chính.
Chi tiền thì luôn bị cám dỗ chi tiền cho những thứ hưởng thụ xa hoa ích kỷ.

  1. “Ở đây thiếu gì thì mua về”.

Câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm về đề tài hôm nay.

Mạnh Thường Quân nuôi hơn 3000 thực khách nên chi phí rất nhiều, bổng lộc không đủ chi dụng, phải dựa vào tiền thuê đất đai ở Bích Thành do vua phong, nhưng có một năm không thu được tiền về, mới cử Phùng Hoan đi đòi.  Trước khi đi Phùng Hoan hỏi rằng: “Khi tôi trở về, ông có muốn tôi đem quà gì về không?”  Mạnh Thường Quân ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Thì ông cứ xem ở đây thiếu thứ gì thì  đem về,” Phùng Hoan đến Bích Thành mới biết năm đó bị thiên tai mất mùa, nông dân thiếu lương thực ăn khổ cực hết chỗ nói.  Phùng Hoan bèn tập họp họ lại, rồi đốt hết mọi giấy tờ vay nợ, khiến mọi người vô cùng cảm động.  Phùng Hoan trở về nói lại đúng sự thực.  Mạnh Thường Quân nổi giận: “Trước khi đi ông nói sẽ đem quà về, nay ở đâu?”  Phùng Hoan đáp: “Ông đã nói ở đây thiếu gì thì mua về, nhưng tôi thấy ở đây chẳng thiếu gì cả, chỉ thiếu có tình nghĩa mà thôi, nay tôi đã đem tình nghĩa về đây.”  Mạnh Thường Quân nghe vậy khóc cười không được, liền phất tay áo đi ra.

 
Hai năm sau, Tề Dẫn Vương tin nghe lời bịa đặt của hai nước Tần, Sở, rất lo lắng Mạnh Thường Quân công cao lấn chúa, gây uy hiếp tới vương vị của mình, bèn thu ấn tể tướng của Mạnh Thường Quân. Các môn khách thấy vậy, đều theo nhau bỏ đi, duy chỉ có Phùng Hoan là còn ở lại.  Mạnh Thường Quân đành trở về cố cư ở Bích Thành.  Dân trong thành nghe tin ông trở về, liền dắt già cõng trẻ ra ngoài 100 dặm để đón.  Mạnh Thường Quân nhìn thấy cảnh tượng này, rơm rớm nước mắt nói với Phùng Hoan: “Tình nghĩa mà ông đã đem cho tôi, nay tôi đã thực sự cảm nhận được rồi”. 

Câu chuyện gợi cho chúng ta hình ảnh “tên quản gia bất lương” đã hành động khôn khéo để được tồn tại. Điều gì đã khiến hắn hành động “khôn khéo” như thế?   “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. “Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (Lc.16.8). Rõ ràng anh ta thấy cuộc sống luôn cần tình thương. Việc làm của anh ta xem ra là một việc làm “nghĩa hiệp”, nhưng anh ta lấy tiền của người khác, ông chủ, để “mua” lấy tình thương cho anh ta, một cuộc trao đổi mà anh ta nhờ “khéo léo” chứ không tốn một xu nào để được người ta nhớ ơn và đùm bọc sau này.

Trong câu chuyện Mạnh Thường Quân thì khác. Mạnh Thường Quân nhờ một môn khách (người có tài năng được giới quý tộc thời phong kiến coi trọng và nuôi dưỡng trong nhà, để khi cần thiết thì dùng đến – từ cũ.) khôn ngoan trung thành “mua” về cho chủ nhân – bằng chính đồng tiền của chủ nhân – “tình nghĩa” mà “nơi đây” – đại gia đình họ chung sống – đang thiếu. Phùng Hoan đáp: “Ông đã nói ở đây thiếu gì thì mua về, nhưng tôi thấy ở đây chẳng thiếu gì cả, chỉ thiếu có tình nghĩa mà thôi, nay tôi đã đem tình nghĩa về đây.”  Và, kết quả của việc “mua lấy tình nghĩa ấy” thật tốt đẹp biết bao cho Mạnh Thường Quân. “Dân trong thành nghe tin ông trở về, liền dắt già cõng trẻ ra ngoài 100 dặm để đón.  Mạnh Thường Quân nhìn thấy cảnh tượng này, rơm rớm nước mắt nói với Phùng Hoan: “Tình nghĩa mà ông đã đem cho tôi, nay tôi đã thực sự cảm nhận được rồi”. 

000001ax002tonthotienw

4. Ở đây đang thiếu gì?

Mượn câu nói của Mạnh Thường Huân với Phùng Hoan: “Thì ông cứ xem ở đây thiếu thứ gì thì  đem về”, ta có thể thử hỏi: – Ở đây đang thiếu gì?”.

Ở đây… ”

– Ở ngay tại lòng ta.
– Ở gia đình. Ở thôn xóm. Ở đoàn thể. Ở Giáo xứ. Ở quê hương. Ở Đất Nước…

Ở đây…”

– Ở Thế Giới hôm nay. Ở “mái nhà chung nhân loại” này.

– Có phải chăng ta thiếu Tình Thương, thiếu Tình Nghĩa?

– Có phải chăng ta thiếu Tình Yêu đối với Thiên Chúa, nên cội nguồn Tình Yêu con người với nhau đã cạn kiệt, tình người trở nên lạnh lùng? – Hận thù tràn ngập, giàu có bom đạn, nghèo nàn tình thương, chia rẽ, tranh giành, cấu xé, tan nát…

Ở đây… không thiếu gì, chỉ thiếu tình nghĩa… vì tôn thờ tiền của thì không thể có bóng dáng tình yêu trong con tim nhân loại.  

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc.16,13).

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con nên một…
trong Tình Yêu Thiên Chúa. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

___________________

Bạn có thể xem thêm bài suy niệm cũ năm C 2013 tại Địa Chỉ:

http://thegioiriengtu.com/dung-chan/343-chi-lam-toi-thien-chua

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button