Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

XIN VỚI NIỀM XÁC TÍN | NVT

 SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN C
(Lc.18,1-8)
***

 XIN VỚI NIỀM XÁC TÍN

000001aa020xin

1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”

6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
______________

SUY NIỆM

XIN VỚI NIỀM XÁC TÍN

1. Trong đời thường

+ Kẻ xin

Xin – thể hiện lòng khiêm nhường.

Xưa, có một vị quan lớn đến thăn nhà một bạn nghèo. Người bạn nghèo chỉ có bình trà nhạt tiếp khách. Vì căn nhà chật, chiếc bàn dưới bếp kê gần bên, ông thấy trên đĩa có mấy củ khoai lang, trước khi về ông xin vài củ khoai. Người bạn nghèo ngại ngùng, ông quan nói: “Tôi thích ăn khoai lắm. Lâu quá rồi không ăn, nhìn thấy là thèm:… Cười cười, rồi quan nói tiếp: “Nhớ hồi nhỏ tụi mình cùng ăn khoai nướng… ngon và vui làm sao!”. Nghe chuyện quan lớn xin khoai lang, dân làng ai cũng thương mến và cảm phục.

Xin – nói lên lòng tôn trọng và vâng phục.

Cuộc sống có kẻ trên người dưới. Đó là quy luật trật tự xã hội. Có khi không xin, người trên cũng phải cho, nhưng lên tiếng xin thể hiện lòng tôn trọng và vâng phục.

Một cậu học trò bị tai nạn, thầy cô đến thăm, ai cũng biết cậu học trò đó không thể đí học. Nhưng cậu học trò sau khi tỉnh và khỏe lại, cậu viết đơn xin phép nghỉ học.

Xin – nói lên tình liên đới

Không ai có đầy đủ tất cả. “Thạch sùng còn thiếu cái mẻ kho”. Khi biết xin đúng cách, người ta có quan hệ với nhau thân thiện trong tình liên đới.

Bà Năm trồng mấy cây chanh trong vườn. Chúng rất sai trái, nhưng giá chanh rất rẻ, đâu bán buôn gì, có khi nó rụng đầy mặt đất. Mẹ tôi đi chợ mua đồ ăn về làm bữa cơm, nhằm món cần chanh, mẹ không bao giờ mua chanh, mẹ về sang nhà bà năm, cách mấy trăm thước để chỉ xin bà năm một vài trái chanh. Mẹ tôi bảo, qua xin bà năm, bà vui lắm, đích thân bà ra vườn hái, không cho mẹ tôi nhặt mấy trái chanh rụng. Mẹ thỉnh thoảng gặp người ta bán cau trầu, thế là mẹ mua tặng bà năm. Bà ăn trầu dữ lắm, nên gọi là “bà năm trầu”. Tính ra, việc làm của mẹ còn tốn tiền tốn công hơn việc mua mấy trái chanh ở chợ. Nhưng mẹ nói đó là cơ hội sống tình chòm xóm.

000001aa021xin05

+ Người cho

Cho – thể hiện sứ mệnh thiêng liêng cao cả.

Người cho tự thấy tiếng gọi thiêng liêng tận sâu thẳm tâm hồn rằng phải dùng những gì mình có cứu giúp đồng loại. Nhiều người “cho đi” mạng sống đã tự nguyện  liều mình cứu giúp người khác trong thiên tai, hỏa hoạn, chiến chinh… Nhiều người hết lòng đùm bọc, nâng đỡ, che chở anh em đồng loại khi anh em gặp cơn bỉ cực khốn cùng…

Cho – thể hiện sự thanh thoát tâm hồn

Người cho không đắm chìm trong sự tom góp để hưởng thụ. Người cho lấy bác ái, từ bi, hy sinh, phục vụ làm niềm vui cho cuộc sống của mình. Lòng họ an lành, tâm hồn họ thanh thoát…thứ giá trị không bao giờ mất trong cuộc đời họ.

Cho – thể hiện con tim nhân loại

Lịch sử con người cho thấy, những con người mang con tim biết “cho đi” đều là những “con tim vĩ đại” đánh động lòng người và mãi mãi là mẫu gương và là biểu tượng cho “con tim nhân loại”. Thí dụ: Ðức Cha Jean Cassaigne: Vị Giám Mục Của Người Cùi. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta: Người Mẹ Của Người Nghèo…

Từ cái nhìn “xin-cho” trong cuộc sống đời thường, chúng ta suy ngẫm sâu hơn về ý nghĩa “xin-cho” trong đời sống Đức Tin.

2.Trong đời sống Đức Tin

+ Con người xin.

Xin gì, và xin thế nào, chúng ta đã được chính Chúa Giêsu chỉ dạy bằng chính cuộc đời Ngải, và đặc biệt là Kinh Lạy Cha.

Xin – là Khiêm nhường đối với Thiên Chúa.

Tránh xa sự kiêu ngạo của nguyên tổ Adam-Eva muốn gây dựng một thế giới theo ý riêng mình không cần có sự can thiệp của Thiên Chúa vì “con người sẽ trở nên thông minh như những thần linh” như lời hứa hẹn của ma quỷ, Chúa Giêsu dạy con người xây dựng thế giới theo thánh ý Thiên Chúa. Một thế giới biết tôn vinh Thiên Chúa và sống nhờ nguồn sống tình yêu Thiên Chúa. “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Kinh Lạy Cha).

Biết khiêm nhường, con người mới nhận ra được “Tất Cả Là Hồng Ân Thiên Chúa”.

Xin – là Biết sống Tôn Thờ và Cảm Tạ Thiên Chúa.

Con người tự hào về những sáng tạo tuyệt tác, những công trình tuyệt vời, nhưng, những gì con người tàn phá cũng có thể đến tuyệt vọng. Hãy nhìn sự tàn phá môi trường, hãy nhìn những sáng tạo phương tiện chiến tranh… Sức mạnh phá hoại của con người gấp vạn lần sức mạnh xây dựng.

Nên, cần có sự cân bằng, chừng mực, nó không phải chỉ là chuyện vật chất, mà còn là – nhất là – sự cân bằng, chừng mực của cách sống con người. Thời gian dành cho miếng cơm manh áo, thời gian dành cho lương thực tâm hồn, thời gian dành cho sự chăm sóc nuôi dưỡng tinh thần. Hơn hết, đối với người có Đức Tin, thời gian dành cho những giá trị tâm linh, thời gian dành cho Thiên Chúa. “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Kinh Lạy Cha).

Xin – là biết sống Tình huynh đệ trong Gia Đình Thiên Chúa

Không ai là một hòn đảo, nên con người rất cần có nhau. Không ai là hoàn hảo, nên mọi người đừng loại trừ nhau. Vậy, sợi giây liên kết không gì khác, chính là Tình Yêu Thiên Chúa. Mọi người cùng là anh em với nhau, có cùng một Thiên Chúa là Cha. “Và (xin Cha) tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. (Kinh Lạy Cha).  Chúng ta không mắc nợ nhau điều gì nữa, trừ ra tình thương mến. “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, trừ ra tình thương mến! (Rm 13,8)”.

+ Thiên Chúa ban ơn

Hồng ân Thiên Chúa bao la…

Tin Mừng hôm nay củng cố thêm Đức Tin cho chúng ta về Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. (Lc.18,7).

Chúa hiểu con người cần gì. Ngài ban ơn cho những cái con người cần chứ không phải những cái con người muốn. Vì, những gì con người muốn không phải luôn luôn là những điều tốt dẹp cho chính con người.

 “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt.7,7-11).

000001aa21xin02

3. Xin với niềm xác tín

Trong dòng chảy cuộc đời, nước mắt nụ cười hòa theo đời mưa nắng, vinh nhục… Làm sao con tim yếu đuối, thể xác mỏi mòn, có thể luôn đứng vững trước thử thách gian truân?

Có nhiều lúc ta như cánh chim không biết đậu ở nơi đâu, nhưng cũng không biết bay về đâu. Và, như thế, ta tìm đâu ra lẽ sống?

Có thể, một lúc nào đó, ta lắng nghe tiếng Chúa hỏi trong lòng ta, như đã từng hỏi các môn đệ: “Cả con (anh em) nữa, con (anh em) cũng muốn bỏ đi hay sao ?”(Ga 6, 67). Có chắc gì ta sẽ trả lời được như Phêrô không: “ ThưaThầy, bỏ Thầy thì (chúng) con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” ( Ga 6,68 ).

Xin với niềm tin ta mới không mất Đức Tin.

Xin với niềm tin yêu phó thác ta mới trung kiên bước theo Chúa trọn đời ta.

Chỉ có thời gian mới chứng minh được lòng chung thủy. Và, chỉ có lòng chung thủy mới bền vững với thời gian.

“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc.18,8).

Chúa hỏi như vậy, làm chúng ta nhớ lại câu hỏi của Chúa đối với Phêrô và Phê rô đã chân thành trả lời câu hỏi của Chúa.

Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần : Anh có yêu mến Thầy không ? Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy”. (Ga 21, 15-19).

Nói theo cách nói Phêrô, Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết “chúng con cần đến Chúa”, chúng con vẫn hằng nguyện cầu cùng Chúa. Chúng con vẫn luôn xin ơn huệ Chúa. Sự yếu đuối con người vẫn còn đó. Chúa biết chúng con yếu đuối, nhưng, chúng con luôn tín thác vào Chúa, mọi lúc, mọi nơi, và cho đến muôn đời. Chúa biết chúng con yêu mến Chúa.

Lạy Chúa,

“Chúng con nguyện danh Cha cả sáng,
Nước Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_____________
Bạn có thể xem thêm bài suy niệm năm 2013 tại Địa Chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/359-xin-la-the-hien-niem-tin

Bài liên quan

Back to top button