Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Anselm Grün: Thu xếp thì giờ là nghệ thuật sống trong giây phút hiện tại

lavie.com, Sophie Bartczak, 2016-08-25

 Anselm Grün: Tu sĩ Dòng Biển Đức ở đan viện Münsterschwarzach,  Bavière (nước Đức), trị liệu gia và là một trong các tác giả sách thiêng liêng được đọc nhiều nhất thế giới.

Đứng trước các đòi hỏi không ngừng và nỗi sợ “không làm kịp”, đan sĩ Anselm Grün mời chúng ta làm các chọn lựa và dựa trên năng lực của mình trong niềm vui và tình yêu để giải stress.

Priest fun skate boardBáo Đời sống. Khi bị stress, chúng ta thường sợ “không làm kịp”. Từ đâu có nỗi sợ này và làm sao thoát được?

Anselm Grün: Sợ không bao giờ “làm kịp” và không bao giờ sẵn sàng thường có nguồn gốc từ tuổi thơ ấu. Rất nhiều người khi nhỏ cảm nhận mình không làm vừa lòng các mong chờ, các đòi hỏi của cha mẹ. Sau này, khi đến tuổi trưởng thành, nhất là trong công việc làm, có cảm tưởng như mình không ở tầm cao như mọi người mong muốn. Chúng ta có cảm nhận không bao giờ tốt cho đủ, cũng không bao giờ làm cho đủ. Để ra khỏi suy nghĩ này, đó là nguồn của lo âu thì bước đầu là phải làm hòa với đứa bé này, ôm lấy nó. Sau đó thì phải giã từ tính cầu toàn: tôi không cần phải làm cho hoàn hào, tôi không cần phải kiểm soát tất cả. Cuộc đời không thể nào kiểm soát được!

Để giảm stress, thì phải làm chậm lại và làm ít chuyện hơn? Làm sao từ bỏ và làm sao làm các lựa chọn này?

Anselm Grün:  Tôi không buộc phải làm ít hơn, nhưng tôi phải ở trong giây phút hiện tại, làm công việc của hiện tại hơn là nghĩ đến hàng trăm việc khác. Sau đó, tôi phải ấn định các ưu tiên: cái gì thật sự quan trọng? Đúng, tôi phải quyết định. Nếu tôi quyết định một chuyện gì thì khi nào tôi cũng phải bỏ một chuyện khác. Tôi tự giới hạn và tự hạn chế mình. Nhưng chỉ khi nào tôi buông bỏ bớt thì tôi mới hoàn toàn ở trong giây phút hiện tại với con người thật của tôi và với những gì tôi làm trong từng giây phút. Sau đó tôi bắt qua hành động và không nghĩ đến những chuyện có thể làm khác. Được như vậy và chỉ với điều kiện này, tôi mới thoát được stress. Khi tôi chỉ chú tâm vào một việc, thì việc này nó sẽ tự trôi chảy và tôi có bình an nội tâm.

Làm sao đáp ứng được các đời hỏi liên tục? Tại sao mình thường khó nói không?

Anselm Grün: Thường chúng ta không dám nói không vì chúng ta muốn được mọi người yêu và mến chuộng. Khi nói không, tôi sẽ có thể bị người khác ruồng bỏ hoặc không hiểu tôi. Dù vậy, một lời nói không sẽ mang đến sự rõ ràng. Đôi khi chúng ta nói “có” những chuyện mà chúng ta thật sự không mong muốn, vì chúng ta sợ người khác nghĩ mình không chịu đựng được hoặc không tham dự nhiều. Chúng ta cũng muốn tỏ ra mình có giá trị. Đương nhiên, trong đời sống cộng đoàn hay nghề nghiệp cũng có những việc bạc bẽo mà mình phải làm cho xong. Điều quan trọng là phải chấp nhận nó, rồi tìm cách thực hiện nó để nó có lợi cho chính mình. Như thế, tôi có thể lợi dụng, qua công việc hàng ngày hay những việc làm theo thông lệ để suy nghĩ hay chiêm niệm những gì làm mình chán. Và những việc bề ngoài tưởng là khô khan này, cuối cùng lại giúp mình thêm sức.

Theo cha, tự do và stress liên hệ với nhau. Tại sao?

Anselm Grün: Tôi chủ trương tự do nội tâm. Đứng trước áp lực của những đòi hỏi bên ngoài, tôi có tự do để trả lời. Tôi cũng tự do khi đứng trước áp lực phải biết hết mọi chuyện, phải biết tất cả mọi thông tin. Người thời nay đặt rất nhiều áp lực để thường xuyên tham khảo tất cả mọi thông tin trên máy cầm tay. Chúng ta cần tự do nội tâm riêng của mình! Tôi không tham dự tất cả, không biết hết mọi chuyện thời sự, không ở khắp mọi nơi. Tự do nội tâm này giúp tôi thoát khỏi được stress.

Quản lý thì giờ cho tốt: người ta nói về chuyện này rất nhiều, xem đó là chìa khóa chống stress. Cha nghĩ sao?

Anselm Grün: Sắp xếp thì giờ không có nghĩa là tôi dùng thì giờ tốt nhất có thể, tôi là người có năng lực làm việc cao. Theo tôi, sắp xếp thì giờ là nghệ thuật ở trong giây phút hiện tại. Quan trọng nhất là tìm một nhịp tốt để làm trong mọi công việc của mình. Nhà tâm lý học Carl Gustav Jung nói về điều này: “Ai làm việc theo một nhịp thì có thể làm việc hiệu quả và lâu dài.” Làm việc theo một nhịp tốt sẽ phát huy hết năng sức của mình. Mỗi người khi làm việc phải chăm chú vào nhịp của mình. Đâu là lúc sáng tạo của tôi? Đâu là lúc thích ứng nhất cho các công việc hiện tại? Như thế, khi tôi hoàn toàn ở trong giây phút hiện tại và khi tôi tìm được nhịp của tôi, tôi sẽ không bị stress.

Làm sao đối diện với những chuyện bất ngờ thường xuyên xảy ra?

Anselm Grün: Đời sống hàng ngày luôn có những sự kiện hay những công việc bất ngờ cần giải quyết. Chúng ta phải mềm dẽo và tùy cơ ứng biến. Tôi không buộc phải xong hôm nay tất cả những gì tôi đã ấn định. Nếu có một cái gì bất ngờ xảy đến, tôi không hốt hoảng và trong lòng tôi, tôi có thể tách ra khỏi chuyện bất ngờ. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách nào để giải quyết chuyện bất ngờ và ngược với các dự trù của chúng ta: vừa chuyển biến nó thành sự tận tâm và vừa tiếp nhận nó, và như thế cũng làm lợi cho người khác.

Thay đổi thường xuyên là lý do bị stress hay giúp tiến bộ?

Anselm Grün: Tôi thấy nhiều người thường xuyên bị áp lực vì họ luôn muốn thay đổi. Nhưng có một cái gì hung hăng cần thay đổi: Tôi phải là một người khác, tất cả phải rất khác. Chính qua sự chuyển biến nội tâm mà mình mới vượt lên sự luôn tìm tòi để thay đổi. Sự chuyển biến là một tiến trình thiêng liêng nhẹ nhàng hơn là sự thay đổi. Tôi mến con người được trở thành của tôi. Mỗi phần trong con người của tôi phải tồn tại. Tôi không lên án gì. Đó là như vậy. Nhưng tôi cũng chưa phải là một con người khác, con người có thể tồn tại qua bản chất sâu đậm của tôi. Mục đích của sự chuyển biến là tôi càng ngày càng trở nên chính là tôi, để mỗi ngày tôi mỗi giống hình ảnh Chúa đã tạo dựng tôi. Vậy sự chuyển biến là một tiến trình nội tâm, ngược với sự thay đổi là liên tục trong hành động. Tôi biết có nhiều người cứ mỗi ba năm thay đổi cách ăn uống hay lối sống. Nhưng nội tâm thì họ vẫn giống nhau và chẳng cho thấy con người thật của họ. Sự thay đổi liên miên như vậy chỉ dẫn đến sự hụt hẫng, bên Mỹ hay có những chương trình hướng dẫn thay đổi. Tôi có thấy một quyển sách có tựa Thay đổi cuộc sống trong bảy ngày! Theo tôi, đó là hoàn toàn vô nghĩa. Sứ điệp kitô đề nghị một chuyển biến. Sự chuyển biến xảy ra khi gặp gỡ với người khác và trong sự gặp gỡ với Chúa. Khi tôi thổ lộ sự thật của tôi với Chúa hay với người khác, có một cái gì trong tôi được chuyển biến.

Niềm vui và tình yêu sẽ là vũ khí tốt nhất để chống stress. Tại sao?

Anselm Grün: Vui vẻ là nguồn của sinh lực và sức mạnh. Nó làm giãn nở quả tim. Khi tôi vui, tôi không thấy stress và tôi thích thú làm việc. Dù mệt, nhưng tôi cảm thấy khỏe vì đó là cái mệt lành mạnh, tôi chỉ cần nghỉ ngơi là lại sức. Tình yêu không phải chỉ là một tình cảm. Như triết gia Platon đã nói, tình yêu là hiệu năng, là sức mạnh. Thánh Gioan nói Chúa là tình yêu: “Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Chúa và Chúa ở trong họ” (1Ga 4, 16). Nguồn của tình yêu ở trong đáy tâm hồn của chúng ta. Khi tôi múc ở nguồn này thì tôi không bao giờ kiệt sức, bởi vì nó thiêng liêng và không bao giờ cạn. Khi tôi làm cho ai vì tình thương là tôi đã nhận trở lại. Có nhiều người cho vì họ cần được biết ơn và được chấp nhận. Khi tôi cho vì buộc phải cho, thì tôi mệt, nhưng nếu tôi cho mà dựa vào nguồn tình yêu có trong lòng tôi, tôi không còn kiệt sức. Ngược lại, tất cả đều xuôi chảy và làm cho tôi được sinh động, được hạnh phúc.

Công thức chống stress của tôi

“Tôi làm việc nhiều nhưng tôi không cảm thấy stress. Tôi thuận theo cơ thể của tôi. Nếu tôi mệt, tôi nghỉ. Tôi thuận theo cảm nhận của tôi: khi tôi cảm thấy yếu sức, khi tôi cảm thấy mình hung hăng, khi đó tôi nhìn lại mình và biết nói không. Cho đến khi nào sinh lực của sự sống còn chảy trong tôi, khi tôi muốn đọc một bài diễn văn chẳng hạn, tôi không bị stress. Khi đó tôi biết ơn, cảm nhận sự sống tuôn chảy trong người mình, tôi có thể giúp người khác, chạm đến được tâm hồn họ, gần sự minh triết trong tâm hồn họ qua các sách của tôi hay qua bài nói chuyện của tôi. Đối với tôi, quan trọng là lắng nghe cả tâm hồn cả cơ thể của mình. Chúng là thước đo rất tốt. Và điều quan trọng trên hết, là hoàn toàn là một với những gì mình làm.”

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Bài liên quan

Back to top button