Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Ấu dâm: Tất cả giám mục Chi-lê đệ đơn lên Đức Giáo hoàng xin từ chức

Đức Phanxicô cho biết, các “tài liệu có thể gây nguy hiểm” đã được các nhà chức trách giáo hội tiêu hủy, ngài công nhận có một sự phá sản tập thể của Giáo hội Chi-lê.

lemonde.fr, Cécile Chambraud, 2018-05-18

Ngày thứ sáu 18 tháng 5-2018, tất cả các giám mục Chi-lê có mặt tại Rôma đã đệ đơn từ chức lên Đức Giáo hoàng. Ngày thứ ba 15 tháng 5, các giám mục Chi-lê được Đức Giáo hoàng triệu tập về Rôma đã được ngài đưa cho họ một bản văn mười trang trong đó ngài viết trắng đen: từ nhiều năm nay, Giáo hội công giáo Chi-lê đã dung dưỡng “nhiều tình huống lạm dụng quyền lực, uy quyền và tình dục”.

Biên bản ghi nhận – nội dung được đài truyền hình Chi-lê T13 phát  ngày thứ năm 17 tháng 5 -, dựa trên các sự việc được gom lại trong một biên bản (không công bố) 2.300 trang được hai điều tra viên của Đức Phanxicô qua Chi-lê thu thập ở các nạn nhân bị lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền uy của Giáo hội công giáo Chi-lê.

Tài liệu ghi lại sự việc các tu sĩ bị trục xuất ra khỏi Dòng của họ vì “tác phong vô đạo đức” lại được các địa phận khác đón nhận cho giữ các chức vụ “tiếp xúc hàng ngày và trực tiếp với các trẻ vị thành niên”.

Và các lời tố cáo này lại bị vội vã cho là “không đúng sự thật” trong khi nó chứng tỏ cho thấy đây là các “chỉ dẫn nghiêm trọng về tội phạm”. Các vụ này bị xếp qua một bên mà không có một cuộc điều tra nào. Đã có các áp lực trên các điều tra viên và các “tài liệu có thể gây nguy hiểm” bị tiêu hủy.

Mặt khác, tài liệu cho thấy các giám mục hay các bề trên Dòng đã giao công việc điều hành chủng viện hay nhà tập cho các “linh mục bị nghi là đồng tính và có đời sống tình dục tích cực”, vi phạm các quy tắc của giáo hội.

Trong vòng ba ngày, từ thứ ba đến thứ năm, Đức Phanxicô đã gặp kín 34 giám mục Chi-lê trong bốn buổi xét mình về hiện thực các sự kiện.

Một bản thông báo của các giám mục Chi-lê đã được đọc trước giới báo chí: “Chúng tôi, tất cả các giám mục hiện đang có mặt ở Rôma, chúng tôi đã làm đơn xin từ chức và đệ lên Đức Thánh Cha để ngài tự do định liệu cho mỗi người chúng tôi. Chúng tôi xin lỗi vì các đau khổ đã gây ra cho các nạn nhân, cho Đức Giáo hoàng, cho dân Chúa và cho đất nước chúng tôi do các hành vi sai lầm và các thiếu sót chúng tôi đã vi phạm”.

“Chúng tôi cám ơn các nạn nhân vì sự kiên trì và can cảm của họ, dù đã gặp các khó khăn rất lớn về phương diện cá nhân, tinh thần, xã hội và gia đình mà họ đã phải đương đầu, nhiều khi lại còn bị cộng đồng Giáo hội không thông cảm và tấn công. Chúng tôi xin lỗi họ và xin họ giúp đỡ để chúng tôi tiếp tục tiến bước trên con đường chữa trị các vết thương để có thể được lành”.

Các trường hợp lạm dụng trong các trường học công giáo

Vào lúc này, chúng ta chưa biết liệu Đức Giáo hoàng có chấp nhận vụ từ chức tập thể này hay không, hay một số giám mục trong số họ. Dù sao cho đến bây giờ rõ ràng là vấn đề đã vượt quá phạm vi của vụ lạm dụng tình dục của linh mục Fernando Karadima, dù vụ này cũng đã rất nặng. Linh mục Fernando Karadima là linh mục ở giáo phận Santiago có sức thu hút rất mạnh, đã đào tạo nhiều linh mục, giám mục và bị Giáo hội công giáo lên án về các tội tấn công tình dục trong nhiều năm.

Trong những năm gần đây, nhiều vụ lạm dụng tình dục trong các trường học công giáo cũng đã được đưa ra ánh sáng.  Trong bản văn này, Đức Giáo hoàng có nêu lên “nhiều” vụ lạm dụng này. Ngài mô tả, thực tế cho thấy, rõ ràng có một sự phá sản tập thể của Giáo hội này. Ngài khẳng định: “Tất cả chúng ta đều có can dự vào, và tôi là người đầu tiên”.

Trong thực tế, trong nhiều năm, Đức Giáo hoàng cũng đã từ chối nghe một vài cựu nạn nhân của linh mục Fernando Karadima, nhất là khi họ tố cáo giám mục Juan Barros, một trong những người thân cận của linh mục Karadima, đã bao che các vụ lạm dụng này trong giáo hội. Chính Đức Phanxicô cho những người xin xét lại vụ bổ nhiệm giám mục Barros vào giáo phận Osorno là “vu khống”. Sau đó ngài công nhận đã không có được thông tin chính xác về các nạn nhân, trong khi đã có một bức thư của một trong các nạn nhân này đã gởi cho ngài từ năm 2015.

Trong bản văn gởi hội đồng giám mục Chi-lê, Đức Phanxicô cũng nhắc lại, trong quá khứ Giáo hội Chi-lê đã “can đảm” dấn thân và chấp nhận rủi ro để bảo vệ đàn chiên của mình. Ngài phản đối sự thay đổi của Giáo hội ngày nay, giáo hội tích cực đã biến qua “thành giáo hội tự quy”: “Đau đớn và đáng xấu hổ cho những vụ lạm dụng trên các trẻ vị thành niên, lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm của các chức sắc trong Giáo hội cũng như cách mà các tình trạng này được xử lý, làm nổi bật lên sự thay đổi này của trọng tâm giáo hội”. 

“Một cái gì đó trong cơ thể giáo hội bị bệnh” 

Ngài mô tả một giáo hội phục vụ người khác biến thành một thể chế ung hoại của các cá nhân, các nhóm tự cho mình “là người duy nhất nói lên ý Chúa”. Đức Phanxicô khẳng định, loại ”tâm lý ưu tú” này cuối cùng tạo nên các “trung tâm khép kín dẫn đến loại tâm linh tự mê và độc tài”. Đức Phanxicô tóm tắt: “Một cái gì đó trong cơ thể giáo hội đã bị bệnh”, ngài cũng nói đến sự “đồi bại” của hàng giáo sĩ. 

“Cổ động chống lại văn hóa lạm dụng”

Để thoát ra khỏi sự lệch lạc tập thể này, ngài chủ trương mở thể chế ra và làm việc với “nhiều cơ quan khác nhau trong xã hội để chống lại loại văn hóa lạm dụng”. Ngài nhấn mạnh, theo quan điểm của mình, việc chỉ thay đổi nhân sự (có nghĩa là các giám mục) thì chưa đủ để giải quyết các vấn đề cơ bản và sâu xa như vậy. Ngài viết: “Đó là điều phải làm, nhưng như vậy thì chưa đủ. Phải đi xa hơn. Sẽ là thiếu trách nhiệm về phần chúng ta nếu chúng ta không đào sâu để tìm gốc rễ và cơ cấu đã cho phép các sự kiện này xảy ra và tiếp tục”.

Ngài giải thích, không phải chỉ thay đổi nhân sự là xong, như thế là tạo ảo tưởng cho rằng đã giải quyết xong vấn đề trong khi các vấn đề này vẫn kéo dài, vẫn còn tồn tại.

Ngài kết luận, “để không bao giờ xảy ra nữa, phải xem vấn đề này là của tất cả chứ không phải chỉ là vấn đề của một số người”.

Nói cách khác, các giám mục Chi-lê sẽ có trách nhiệm tập thể trong các lệch lạc này, không ai được miễn trừ trong vụ này. Bây giờ phần việc của Đức Giáo hoàng là ngài phải đưa ra các cải cách “ngắn hạn, trung hạn và dài hạn” như ngài đã hứa với các nạn nhân của các vụ lạm dụng này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Tất cả 34 Giám Mục Chile đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha

 

 

Bài liên quan

Back to top button