Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Hãy sống bớt sợ hãi

rock springer in Greece.

Ronald Rolheiser, 2012-10-28

Chúng ta sống quá sợ hãi Thiên Chúa. Sự sợ hãi có nhiều khía cạnh, từ mê tín ngây ngô, sợ bị áp chế vì quá thận trọng, sợ đầy tính trí tuệ vì quá cầu kỳ. Cuối cùng, tất cả chúng ta đều đấu tranh để giữ tin rằng Thiên Chúa là người cuối cùng mà chúng ta phải cảm thấy sợ hãi. Nhưng mỗi người theo cách riêng của mình, ai cũng chống chọi với nỗi sợ Thiên Chúa.

Tất nhiên là có nỗi sợ lành mạnh, không chỉ sợ Chúa mà còn sợ bất cứ ai chúng ta yêu. Kinh Thánh nói cho chúng ta biết rằng “kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của trí khôn ngoan”, nhưng sợ, trong trường hợp này không được hiểu theo nghĩa sợ trừng phạt hay sợ độc đoán. Kính sợ Thiên Chúa theo ý thức lành mạnh về cơ bản là niềm sợ trong tình yêu, sợ không được sống với sự tôn sùng và kính trọng thích đáng với người mà chúng ta yêu, ấy là, sợ xâm phạm vào cái ranh giới thích đáng của tình yêu. Tuy nhiên, kính sợ không phải là sợ lửa địa ngục, như người ta vẫn thường hiểu như thế. Sợ hãi đối nghịch với lòng tin và là dấu chỉ cho thấy tình yêu của chúng ta có vấn đề. Chúng ta không sợ điều mà chúng ta yêu và điều thật sự yêu chúng ta.

Toàn bộ cốt lõi của đức tin Kitô giáo mời gọi chúng ta hướng đến Chúa trong sự thân mật hơn là sợ hãi. Thật vậy, trong Kinh Thánh, gần như mọi lần Thiên Chúa xuất hiện trong đời sống bình thường, dù qua thiên thần, một hiện tượng đặc biệt, hay qua Đức Kitô Phục Sinh, lời đầu tiên luôn luôn là: “Đừng sợ!” Tiêu chuẩn thông thường để xác định một lời xuất phát từ tình yêu, đó là việc xoa dịu nỗi sợ chứ không phải làm tăng nỗi sợ.

Ý thức như thế, tôi muốn đưa ra mười nguyên tắc, bắt nguồn từ chính con người và những mặc khải của Chúa Giêsu, và tôi hy vọng nó có thể giúp các bạn có được cái nhìn tinh tuyền về Thiên Chúa, để nhờ đó đức tin chúng ta sẽ loại bỏ nỗi sợ thay vì tăng cường nó.

Tôi xin mở đầu bằng một câu chuyện, mặc dù là một chuyện có thật, nhưng các bạn có thể dùng như một dụ ngôn để trình bày và làm nổi bật nhiều nỗi sợ vô ý thức về Thiên Chúa: Sợ rằng Thiên Chúa không thông hiểu và thông cảm như chúng ta. Sợ rằng Thiên Chúa không quãng đại bằng chúng ta. Sợ rằng Thiên Chúa không hiểu được tâm can con người và không thể phân biệt được giữa tình trạng bị tổn thương với sự lạnh nhạt, giữa non nớt và tội lỗi. Sợ rằng Thiên Chúa chỉ cho chúng ta một cơ hội và không chấp nhận bất kỳ sơ suất lầm lỗi và bội ước nào của chúng ta. Sợ rằng Thiên Chúa không tôn trọng cá tính nhân bản của chúng ta, rằng Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta theo một kiểu nhưng lại muốn chúng ta, để được cứu rỗi, thì phải sống theo kiểu khác. Sợ rằng Thiên Chúa như một bạo chúa nhỏ nhen, e ngại những thành quả của chúng ta đe dọa Ngài. Sợ rằng Thiên Chúa, như một lãnh tụ mỏng manh, e ngại những hoài nghi và thắc mắc của chúng ta lật đổ Ngài. Sợ rằng Thiên Chúa không thể đứng vững trước những dò xét trí thức và văn hóa của chúng ta, và theo cách nào đó cần được tách biệt ra và được bảo vệ như một kẻ học việc lóng ngóng vậy. Sợ rằng, so với chúng ta, thì Thiên Chúa thiếu quan tâm đến cuộc sống của chúng ta, và thiếu lo lắng cho ơn cứu rỗi và cho những người thân thuộc của chúng ta. Và một điều nữa, là sợ rằng, cũng như chúng ta, Thiên Chúa cũng bất lực trước sự bất lực về đạo đức như chúng ta.

Và đây là câu chuyện dụ ngôn của tôi: Một vài năm trước, tôi đi dự đám tang của một người bạn trẻ, mất vì tai nạn giao thông. Vào giờ chết của anh, nhìn bề ngoài, thì mối liên hệ với giáo hội và giáo lý rất kém: Anh không đi nhà thờ thường xuyên, chung sống với bạn gái chưa có hôn thú, chẳng quan tâm mấy đến người nghèo hay các vấn đề lớn của cộng đồng, đơn giản, anh dự phần vào giáo hội và giáo lý một cách khá là nghèo nàn. Nhưng tất cả người quen biết anh đều nhận thức được sự tốt đẹp căn bản và tâm hồn tuyệt vời của anh. Anh chẳng có chút gì gọi là ác tâm và hẳn thiên đàng sẽ bớt lung linh hơn nếu anh không được ở đó. Sau khi các nghi thức an táng được cử hành, một trong những người dì của anh nói với tôi: “Nó thật là một người tốt, nếu tôi là người quản cổng Thiên Đàng, chắc chắn tôi sẽ cho nó vào.” Tôi cũng quả quyết với cô, là chắc chắn, Thiên Chúa cũng cảm thấy như thế, bởi sự hiểu biết và lòng bao dung của Ngài hoàn toàn vượt xa chúng ta.

Vậy còn mười nguyên tắc để mời gọi chúng ta sống bớt sợ hãi hơn là gì?

  1. Sự thấu suốt và hiểu biết của Thiên Chúa vượt trên chúng ta.
  2. Sự cảm thông và tha thứ của Thiên Chúa vượt trên chúng ta.
  3. Thiên Chúa tôn trọng tự nhiên, tôn trọng bản chất con người và thiên hướng bẩm tính của chúng ta.
  4. Thiên Chúa là người cha nhân từ, chứ không phải người cha dọa nạt
  5. Thiên Chúa có thể giải quyết những vấn nạn, hoài nghi và giận dữ của chúng ta.
  6. Thiên Chúa dò thấy tâm tư và có thể phân ra được khác biệt giữa tổn thương và ác tâm.
  7. Thiên Chúa cho chúng ta không chỉ một cơ hội, và khi chúng ta đóng lại một cánh cửa, Ngài luôn mở ra một cánh cửa khác.
  8. Thiên Chúa khao khát cho chúng ta và những người chúng ta yêu thương được cứu độ, và Ngài còn khao khát điều này hơn chúng ta nữa.
  9. Thiên Chúa là Đấng tạo thành những gì tốt đẹp.
  10. Thiên Chúa có thể, và thật sự đã, xuống tận địa ngục để cứu chúng ta.

“Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.” (1 Ga 4, 18)

J.B. Thái Hòa dịch

Bài liên quan

Back to top button