Chuyện phiếm Gã SiêuVăn - Nghệ

Mỗi năm đến hè | Chuyện phiếm Gã Siêu

NghiHe

Hôm nay, gã viết bài này theo đơn đặt hàng của một anh bạn bên Mỹ, muốn về Việt Nam nghỉ hè. Nói tới mùa hè, đôi mắt gã lim dim, bâng khuâng tơ tưởng tới thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Lúc bấy giờ, mùa hè sao mà đẹp đẽ và nên thơ quá chừng, nó đã khấy động tâm can và làm bừng lên những tình cảm vui buồn lẫn lộn, nhưng chắc chắn niềm vui phải nhiều hơn nỗi buồn. Niềm vui lớn nhất là được “tung hê” sách vở, được nghỉ ngơi thảnh thơi, đầu óc thoáng đãng, không còn phải bận tâm với những bài học, bài làm, bài thi. Và nếu ở nội trú, thì lại còn được trở về nhà với ba với má, với chị với em, tha hồ mà bắt nạt. Riêng nỗi buồn thì chỉ phơn phớt và thoảng qua như gió thổi, vì phải giã từ mái trường thân yêu, xa rời thày cô và bè bạn. Vì thế, những ngày trước khi nghỉ hè, dân học trò thường chuyền tay nhau những tập “lưu bút ngày xanh”,  ghi lại những tình cảm thân thươngnhất của mình. Có khi hai đứa cùng ở một xóm, đi cùng một đường, ngày nào cũng đụng mặt nhau, thế mà khi thò bút viết cũng phải làm ra vẻ lâm ly bi đát như sắp sửa ngàn trùng xa cách, đúng như một bài hát đã diễn tả: Mỗi khi đến hè lòng man mác buồn.

Khi đã khôn lớn và bước chân xuống cuộc đời, không hiểu người khác ra sao, chứ phần gã thì chả còn biết hè hiếc là cái gì cả. Ngày nọ nối kiếp ngày kia, quần quật kéo cày, tối tăm cả mặt mũi. Rảnh dăm ba phút, thì chỉ kịp bắn một điều thuốc lào mà thả hồn theo khói. Tối về đánh một giấc cho tới sáng, rồi điệp khúc buồn lại tiếp nối. Bên cạnh nhà gã có một thằng bạn, tên là Cam. Hắn đi dạy học ở phương xa, thỉnh thoảng được về phép thăm vợ thăm con. Chỉ những ngày hè mới thực sự thong dong, tha hồ mà hú hí. Vì thế, cứ mỗi mùa hè, hắn lại hì hục nặn đúc một tác phẩm trình làng, đến độ “vợ quen dạ” năm nào cũng cho ra lò một nhóc tì để đời, khiến lũ con nít trong xóm hát vang mỗi đêm trăng sáng: Mỗi năm đến hè bà Cam có bầu…

Bây giờ thì gã xin nghiêm chỉnh suy nghĩ tí chút về sự nghỉ ngơi và gã bỗng nhận ra rằng Đức Chúa Trời quả là một người cha nhân từ và dịu hiền. Theo sách Sáng thế ký, sau sáu ngày tạo dựng thì ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Dĩ nhiên, đã là Đức Chúa trời thì chả cần phải nghỉ ngơi, nhưng sở dĩ sách Sáng thế ký ghi lại như vậy là để nêu gương cho con người. Thực vậy, trên đỉnh núi Sinai, Thiên Chúa đã truyền cho ông Môisen mười điều răn, trong đó điều răn thứ ba được qui định rành mạch như sau: Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh. Như vậy, sự nghỉ ngơi trong ngày sabát khởi nguồn từ Thiên Chúa và nếu con người có nghỉ ngơi thì cũng chỉ là bắt chước Thiên Chúa mà thôi. Đối với người Do thái, cứ bảy ngày lại có một ngày nghỉ và được gọi là ngày sabát. Cứ bảy năm lại có một năm nghỉ và được gọi là năm sabát. Cứ sau bảy lần bảy năm, nghĩa là sau bốn mươi chín năm, thì năm thứ năm mươi sẽ là năm nghỉ và được gọi là năm thánh, năm toàn xá. Nghĩ cũng sướng. Một trong những việc chính yếu trong ngày sabát, trong năm sabát, cũng như trong năm thánh hay năm toàn xá là nghỉ ngơi. Không phải chỉ con người mới nghỉ ngơi mà cả ruộng đất cũng được nghỉ ngơi nữa, chứ không như chúng ta hôm nay: làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, rồi lại còn lợi dụng tối đa, múc cạn kiệt cả nguồn tài nguyên thiên nhiên theo kiểu: vắt cù chày ra nước, đãi cứt sáo lấy hạt đa.

Chúa Giêsu cũng vậy. Sau khi các môn đi thực tập truyền giáo trở về và đang huyên thuyên “báo cáo” những thành tích gặt hái được, thì Ngài đã lên tiếng khuyên nhủ: Các con hãy tìm nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút. Xem đó, gã thấy Đức Chúa Trời quả là khôn ngoan và lòng lành vô cùng khi đòi buộc chúng ta phải nghỉ ngơi. Thực vậy, con người không phải là một cái máy, bởi vì cái máy có thể chạy liền tù tì hai mươi bốn trên hai mươi bốn, nếu bộ phận nào hỏng hóc thì lập tức được thay thế. Con người thì khác. Nếu hỏng hóc thì có nhiều nguy cơ ngỏm củ tỉ chứ khó mà thay thế. Và hơn thế nữa, yếu tố con người mới là yếu tố quan trọng. Lao động phải phục vụ cho con người, chứ không phải con người phục vụ cho lao động. Vì vậy, phải biết tổ chức sao cho cuộc sống này còn đáng sống một tí chứ.

Bản nhạc có nốt trầm nốt bổng, có dấu ngân dấu lặng. Nếu chỉ toàn nốt bổng thì sẽ đinh tai và nhức óc. Nếu chỉ toàn dấu ngân thì sẽ dài cổ ra đứt hơi mà chết. Cây cung có lúc căng lúc chùng. Nếu lúc nào cũng căng thì chẳng bao lâu sẽ gẫy. Con người cũng vậy, có giờ làm việc thì cũng có giờ nghỉ ngơi. Nếu cứ miệt mài lao động, làm việc mãi, làm việc hoài thì chẳng mấy chốc mà phát khùng, phát điên. Những năm trước, đi đâu cũng đụng phải cái khẩu hiệu: Lao động là vinh quang. Những kẻ thối mồm còn phệu thêm vào đó, chẳng hạn như: Lang thang thì chết đói, hay nói thì ở tù, lù khù thì sống lâu. Thế mà hôm nay, nhà nước cũng đã phải qui định: mỗi tuần làm việc năm ngày. Thứ bảy và chúa nhật nghỉ khỏe re. Chỉ khổ cho dân buôn thúng bán mẹt. Nghỉ làm thì cũng có nghĩa là treo niêu và nghỉ ăn luôn. Bởi chưng: Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho. Vì thế, ai phè phỡn, nghỉ ngơi mặc ai, còn ta, ta vẫn phải ra sức kéo cày kiếm cơm nuôi vợ nuôi con.

Dân Nhật, những năm trước đây đã lao động cật lực để tái thiết đất nước sau cuộc thế chiến thứ hai. Họ đã hùng hục làm việc bất kể ngày và đêm. Khi nền kinh tế đã ổn định thì cũng chính là lúc họ nhận ra dân mình có nhiều người bị “stress”, hay nói nôm nói na là bị căng thẳng thần kinh, bị khủng hoảng tâm lý và thích làm người cõi trên. Vì thế ngày nay, dân Nhật đã “xì tốp” bớt cái nhịp điệu sản xuất, dành nhiều thời giờ hơn cho sự nghỉ ngơi. Và dân Nhật là dân đi nghỉ hè nhiều nhất ở nước ngoài. Và như thế, nghỉ ngơi là một nhu cầu chính đáng, phải đạo và sinh nhiều ơn ích, nhất là đối với những người đã làm việc cật lực. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra, đó là phải sử dụng thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi như thế nào?

Một cô nàng ở bên Mỹ có lần đã tâm sự “mí” gã như sau: Là người vợ, mình chỉ mong đến những ngày nghỉ cuối tuần để đi mua sắn những sự lỉnh kỉnh cần thiết cho gia đình, rồi giặt giũ, sắp xếp lại cho ngăn nắp trật tự và nhất là mọi người sẽ xum họp, gặp mặt nhau đông đủ. Thế nhưng, cái mơ ước nhỏ nhoi và bình thường này cũng chẳng thực hiện được, bởi vì từ thứ bảy tới sáng thứ hai, anh ấy đều lặn mất tăm, biệt vô âm tín. Anh ấy cùng với những người bạn ngồi rút xì phé hay binh xập xám với nhau, chả còn giây phút nào để mắt ngó ngàng tới nhà cửa và gia đình. Có những chuyện mình cần tâm sự với anh ấy mà chẳng được. Có những lúc mình cần một bờ vai để tựa đầu mà cũng chẳng thấy. Dĩ nhiên anh ấy có quyền xả hơi sau những ngày vất vả mệt mỏi. Nhưng xả hơi theo kiểu này thì xem ra có phần không êm.

Những ngày đầu khi mới đặt chân lên vùng đất lạ, người Việt chúng ta thường lao mình vào chuyện kiếm tiền để sớm ổn định cuộc sống và nếu còn dư được chút đỉnh, liền gửi về giúp đỡ cho những người thân yêu còn trụ lại trên quê hương này. Vì thế, ngoài giờ lao động chính thức, còn phải cố gắng làm thêm, để tích lũy cho mình tí tiền còm. Chả ai dám nghĩ đến chuyện đi nghỉ hè. Bây giờ cuộc sống tương đối sáng sủa, nên nhiều người đã lên chương trình cho mùa hè của mình. Chương trình ấy lệ thuộc vào cái ngân sách, cái hào bao của gia đình. Nhiều tiền thì đi xa. Ít tiền thì đi gần.

Nếu kinh tế đang hồi khủng hoảng, ngân sách bị thâm thủng. Đầu vào thì ít mà đầu ra thì lại nhiều. Kiếm chả được bao nhiêu, chẳng đủ bù lỗ cho những nhu cầu cần thiết, ấy là gã chả dám nói đến những kiểu tiêu xài con nhà lính tính nhà quan, vung tay quá trán khiến cho công nợ chồng chất. Trong trường hợp như thế, thì chỉ có nước nghỉ hè tại nhà. Nghĩa là đóng cửa lại, nằm ngủ cho đã con mắt. Đọc mấy cuốn sách, để làm đẹp cho cuộc đời, làm giàu cho kiến thức. Viết mấy bức thư, để nối lại nhịp cầu tình cảm với những người thân quen rải rắc khắp bốn phương trời.

Khá hơn một tí, thì dẫn vợ con, bàu đoàn thê tử đi chơi chỗ này chỗ khác. Nào là lên núi để được thở hút những lọn khí trong lành. Nào là xuống biển để được đùa dỡn với những ngọn sóng. Nào là thăm các khu vực giải trí như “Disney Land”… để cả nhà được vui vẻ.

Tuy nhiên, có người lại thích đếm những bước chân âm thầm. Lặng lẽ đi tìm những cảm giác mạnh, còn hơn là xem phim kinh dị toát mồ hôi lạnh của Hitchcook, bằng cách chui vào những sòng bạc, vật lộn với đỏ đen, để rồi khi ra khỏi đó, thân hình phờ phạc và theo cách diễn tả của ngắm mười lăm sự thương khó thì: Con mắt thì lõm vào, mặt mũi thì xanh xao, chẳng còn hình tượng người ta nữa. Đau hơn cả là đã nướng toàn bộ số tiền được chắt chiu qua bao  nhiêu ngày tháng gian nan cực khổ đổ mồ hôi hột, không phải chỉ của mình mà nhiều khi còn cả của vợ con nữa. Vì thế, cha ông chúng ta ngày xưa vốn thường cảnh cáo: Cờ bạc là bác thẳng bần, o quần bán bán hết, ngồi trần tô hô. Nếu may mắn có số  đỏ viếng thăm, có thần tài phò trợ, thì số tiền kiếm được ở sòng bạc cũng chả làm nên trò trống, hay cơm cháo gì, bởi vì người ta sẽ tiêu phung tiêu phí, rốt cuộc của thiên lại giả địa mà thôi: Tiền buôn tiền bán thì để trong nhà, tiền cờ tiền bạc để ra ngoài đường. Lắm lúc nằm vắt chân lên trán thấy mình đã quá dại, liền hối hận và dốc quyết chừa bỏ, thế nhưng rồi chứng nào vẫn tật nấy, chó đen vẫn giữ mực và mèo vẫn hoàn mèo mà thôi, bởi vì: Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm.

Còn bây giờ, nếu dằn túi được một xấp tiền khá bộn, theo kiểu “xu hào rủng rỉnh mán ngồi xe”, thì thiên hạ có quyền nghĩ tới chuyện đi nghỉ hè ở nước ngoài. Nếu cắm dùi tại Thụy sĩ, thì làm một vòng Châu Âu hay bay qua Mỹ. Còn nếu ở Mỹ thì vù sang Châu Âu. Đây quả là một sự lý thú, bởi vì: Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ, biết ngày nào khôn. Tuy nhiên, phần lớn những chuyến ra nước ngoài như vậy, thường là để thăm họ hàng hay bè bạn. Mục đích của việc thăm viếng này quả thực tốt đẹp vì nó bắc được một nhịp cầu cảm thông, hâm nóng lại những tình cảm phần nào đã nguội lạnh, phai nhạt vì sinh kế và công ăn việc làm. Thế nhưng, nhiều lúc nó cũng đã gây nên những phiền toái và tế nhị.

Người Việt mình vốn trọng tình nghĩa và sống theo tình cảm, nên khi có bạn đến thăm, thì chẳng nỡ lòng nào để bạn khăn gói quả mướp ra ngoài khách sạn mà ở. Thể nào cũng phải níu kéo để bạn lưu lại tại nhà mình, rồi lại còn phải chén thù chén tạc “mí” nhau, không chừng còn phải nằm ghếch chân lên nhau mà tâm sự vụn. Thôi thì đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện ngày xưa đến chuyện hôm nay, từ chuyện người quen đến chuyện kẻ lạ ở khắp tứ phương thiên hạ, từ chuyện trong nước đến chuyện ngoài nước, từ chuyện chính chị chính em đến chuyện thầm kín riêng tư. Như thế nó mới vơi nỗi nhớ và đáng đồng tiền bát gạo cho một chuyến đi. Bạn đến chơi đây, ta với ta.

Tuy nhiên, nếu chỉ lưu lại một hai ngày thì xem ra mọi sự đều tốt đẹp bởi vì thoang thoảng hoa nhài thì lại thơm lâu. Thế nhưng, có người đã tính toán hơi kỹ, lấy nhà của bạn làm nhà của mình cho đỡ tốn tiền khách sạn cùng trăm thứ bà giằng khác nữa, lấy điện thoại của bạn làm điện thoại của mình, lấy xe cộ của bạn làm xe cộ của mình, thiếu điều muốn lấy vợ của bạn làm bạn của mình nữa mà thôi….khiến cho sinh hoạt của gia đình bạn bị xáo trộn. Một khi sinh hoạt bị xáo trộn, thì sẽ trở nên gánh nặng. Người ta muốn tống khứ vị khách bất đắc dĩ này đi mà chẳng dám mở mồm mở miệng, hay chẳng dám nói nên lời, khiến cho bầu khí trở nên ngột ngạt và căng thẳng. Tình cảm ngày đầu tay bắt mặt mừng tươi hồng thế nào thì nay bỗng tàn tạ và héo úa. Gia đình bạn ấm ức, tức như bị bò điên Ăng lê đá mà vẫn phải cắn răng chịu vậy. Đôi khi vì thế mà vợ chồng bạn lườm nguýt và âm thầm cấu véo lẫn nhau.

Theo gã thấy, thì hiện nay về thăm quê hương là cái mốt đi nghỉ hè tiện lợi mọi bề. Một là được nghỉ ngơi, nhất là ở những miền nông thôn khỉ ho cò gáy mà bầu khí còn tinh nguyên, chưa bị ô nhiễm. Hai là được thăm lại quê hương cùng với những người họ hàng bà con và bè bạn thân thích. Ba là giá cả phải chăng, không đến độ bị cứa cổ hay bị đút đầu vô máy chém. Bốn là góp được phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng đất nước, bởi vì những đồng tiền được mang về, nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp giúp cho xứ sở này tươi đẹp hơn.

Tuy nhiên, không phải là không có những lạm dụng đáng tiếc đã xảy ra. Thực vậy, hẳn ai cũng đã biết sự chênh lệch về mức sống giữa bên nớ và bên ni. Hơn thế nữa, đồng đô la lại có giá. Thành thử , với một dúm đô la trong tay, người ta có thể tiêu xài vung vít, theo kiểu nhất dạ đế vương, tha hồ mà mua sắm, tha hồ mà ăn chơi phè phỡn, kể cả việc tha hồ mà lấy vợ, lấy chồng.

Có những ông chồng, khi ở nước ngoài thì một lòng một dạ chung thủy với vợ con. Nhưng khi về thăm quê hương, xa vợ xa con thì lại sinh tật, kiếm tí bồ nhí để vừa được giải sầu, vừa được chăm sóc, lại vừa đỡ tốn tiền mà còn bảo đảm an toàn, không lo bệnh nọ hay sợ tật kia. Lúc nào họ cũng sẵn sàng mở miệng hô lớn: Nhất phu nhất phụ. Nhưng trong thực tế thì họ lại thực hiện ý đồ đến tối: Mỗi mụ một nơi. Khi ở bên Mỹ thì chỉ có một vợ. Còn lúc ở Việt Nam thì cũng chỉ có một vợ mà thôi. Báo chí tại Việt Nam gần đây có đăng tải một vụ như thế với hàng tít lớn : “Hỗn loạn trong tiệc cưới của chàng Việt kiều”. Đại khái như thế này :

“Lúc đó là 19 giờ 15 phút ngày 16 tháng 4 năm 2000, chú rể Lê văn Nhân và cô dâu đang niềm nở chào đón quan khách đến dự đám cưới của mình tại lầu 1, khách sạn New World, bỗng xuất hiện một người đàn bà ẵm theo hai đứa con, sấn xổ bước tới chỗ cô dâu chú rể. Nhìn thấy bà ta, chú rể giật thót người, nhưng vẫn giả lả nói cười với khách. Người đàn bà ấy tên là Nguyễn thị Hồng quát to: Anh tính sao? Anh tưởng mẹ con tôi không về Việt Nam được hay sao mà tổ chức đám cưới rình rang thế này? Bị chất vấn bằng những lời chì chiết, đay nghiến, chú rể gân cổ sửng cồ: Tôi không biết bà là ai. Đoạn anh ta xô đẩy ba mẹ con chị Hồng ra ngoài. Thấy vậy, nhân viên bảo vệ khách sạn liền đến can thiệp. Chị Hồng tay cầm xấp ảnh, miệng không ngớt giải thích và chứng mình cho mọi người hiểu rằng chị là vợ chính thức của chú rể, rồi xông vào giằng co với cô dâu. Tình huống diễn ra khá phức tạp, bởi đi theo ba mẹ con chị Hồng có gần một trăm đàn bà con gái, trong số đó có hơn chục người đã xông thẳng vào đám cưới. Đến nước này, cô dâu và chú rể phải vội vàng thối lui vào phía trong. Nhờ sự có mặt kịp thời của Công an phường Bến thành, tình trạng lộn xộn, bát nháo tại đám cưới mới chấm dứt.

Nội vụ đã được Công an phường làm rõ ngay sau đó. Lê văn Nhân, sinh năm 1972, định cư ở Mỹ, kết hôn với Nguyễn thị Hồng vào ngày 18.2.1995 tại Mỹ và đã có với nhau hai mặt con. Chị Hồng than thở: Anh Nhân mới sinh tật từ trước tết đến nay. Tôi và gia đình của anh đều khuyên nhủ anh bỏ ý định cưới nữ nghệ sĩ U.T. làm bé, nhưng anh đã bỏ ngoài tai. Được biết, sau bốn lần về Việt Nam và làm quen với nghệ sĩ hài U.T, Lê văn Nhân đã sắp đặt kế hoạch cưới… chui. Đoạn tường thuật kể trên, gã xin mượn tạm trong báo Công An thành phố. Câu chuyện còn dài, nhưng bằng đó mà thôi cũng đủ cho thấy có những kẻ xấu lạm dụng những ngày nghỉ ngơi, trở về quê hương để thực hiện những ý đồ mời ám, khiến cho con sâu làm rầu nồi canh.

Để kết thúc, gã xin ghi lại một mẩu chuyện nho nhỏ như sau:

Khi về già, tướng Wellington ngày kia đã trở lại thăm làng cũ. Ông đưa mắt nhìn khoảng sân trường xưa, nơi trước kia ông đã chơi đùa với bè bạn. Rồi với một dáng bộ suy nghĩ, ông nói: Chính tại nơi đây, tôi đã thắng được Napoléon. Qua lời này, ông muốn bảo rằng: Chính tại sân chơi này, tôi đã học được những bài học quí giá của lòng can đảm, tự tin, kỷ luật, cộng tác và yêu thương, nhờ đó sau này trong cuộc đời tôi đã chiến thắng được những khó khăn, kể cả việc chiến thắng Napoléon tại Waterloo.

Người Việt Nam chúng ta thường bảo: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Như vậy, cũng phải học cả nghỉ ngơi nữa. Là dân có đạo, chúng ta sẽ nói: Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, thì cũng phải làm vì danh Đức Kitô. Như vậy, cũng phải nghỉ ngơi vì Đức Kitô nữa.

Dù là kẻ khố rách áo ôm, vai nặng chân trơn, đang tán hươu tán vượn tới đây, thì bỗng nghe thấy giọng hát trong trẻo của quí vị nhi đồng trên truyền hình với bài “Hè về” của Hùng Lân: Hè về trong khóm trúc mền đầu bờ, hè về trong tiếng sáo diều dật dờ, hè về gieo ánh tơ. Lòng gã bỗng rộn lên một niềm vui dạt dào, cứ tưởng như mình đang khăn gói quả mướp lên đường đi nghỉ hè.

Bài liên quan

Back to top button