Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Người yêu dấu ơi,” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 20 thường niên năm A

“Người yêu dấu ơi,”

sao lòng se sắt đầy vơi?
Người yêu dấu ơi,
thu về tim vẫn đơn côi.
Người yêu dấu ơi,
khi ngàn sao đêm lấp lánh.
Tâm hồn bâng khuâng, nhớ ngày vui đã qua nhanh.”
(Vũ Đức Nghiêm – Gọi người yêu dấu)

(Mt 17: 5)

Dẫn nhập bài phiếm hôm nay, có bạn đề nghị bần đạo nên ghi lại một lần nữa bài “Gọi Người Yêu Dấu” của nhà soạn nhạc họ Vũ tên Nghiêm nhân ngày “N” đặc biệt ghi dấu sự kiện ông quá vãng. Ghi lại bài hát ấy ở đây, hôm nay, còn “Gọi người yêu dấu” của bạn và của tôi, nay đi vào vùng trời vĩnh-cửu, có thần hồn còn phảng phất đâu đây. Gọi “người yêu dấu”, là gọi thế này:

“Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương.

Thương đôi mắt sao trời lung linh.
Thương yêu ngón tay ngà xinh xinh.
Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình.

Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng…
Thương em mong manh như một cành lan.”
(Vũ Đức Nghiêm – bđd)

Như thế có nghĩa: cứ ới và gọi người yêu dấu của tôi và của bạn, để rồi ta “thương em mong manh như một cành lan”. “Thương đôi mắt sao trời”, “thương yêu ngón tay ngà”, “vòng tay ghi xiết ân tình”, “nét môi cười”, “tóc buông lơi”, và nhiều thứ.

Thương yêu và gọi như thế, còn là thương và yêu những người “yêu dấu muôn đời”, “nghẹn ngào không nói thành lời”, rồi cứ hát như sau:

“Gọi người yêu dấu xa vời.
Mà lòng lưu luyến bồi hồi.
Ngày biệt ly đành nhớ nhau thôi khi chiều nhẹ rơi…

Gọi người yêu dấu muôn đời.
Nghẹn ngào không nói thành lời.
Tình yêu xưa ngày tháng phai phôi biết bao giờ nguôi…”
(Vũ Đức Nghiêm – bđd)

Hãy cứ “yêu” và cứ “gọi” như thế mãi, ắt sẽ thấy những chuyện gọi nhau ơi ới nơi sự kiện “Biến Hình” trên chốn cao núi thánh vào hôm ấy, rất “Hiển Dung” như lời hỏi/đáp ghi lại ở bên dưới:

“Thưa Cha,
Có thể nào xin cha kể cho chúng con đây biết về Lễ lạy Phụng vụ có câu hỏi là: tại sao khi đi lễ, chúng con thấy nhiều năm có lễ Chúa Biến Hình Trên Núi” còn gọi là lễ “Hiển Dung” vào hôm 6/8 vừa qua lại được cử-hành vào Chúa Nhật? Thêm vào đó, nói về lịch-sử, thì các Lễ này lại được mừng kính vào buổi xưa hay chỉ mới đây thôi? Rất biết ơn cha.” (Thắc mắc của một giáo dân vẫn thường đi lễ trọng-thể và Chúa Nhật)

Như ta thừa biết, bổn đạo nào một khi đã siêng năng dự các lễ trọng-thể hay còn gọi là “lễ buộc”, thì được nhiên là đấng bậc vị vọng nhà ta rất lấy làm vui mà lấy giấy bút ra mà giải đáp. Giải đáp thắc mắc hôm nay, tuy hơi nặng phần chuyên môn về Phụng vụ; nhưng cũng đề cập chuyện giáo-sử nhất là về chuyện phụng-tự.

Thế nên, cũng xin chuyển đến bạn đọc/người thân đôi lời giải đáp, rất như sau:

“Để đáp trả câu đầu anh/chị hỏi, xin nói ngay ở đây, là: có nhiều Lễ đặc-biệt nói về Chúa cũng quan-trọng không ít khiến Thánh Bộ Phụng Vụ phải sắp xếp thay thế cho lễ ngày Chúa Nhật, như: Lễ Chúa Biến Hình (hay còn gọi là Lễ Hiển Dung), là một ví-dụ cụ-thể.

Khi tôi nói chữ “lễ trọng” là tôi đang sử-dụng ngôn-ngữ phụng-tự theo nghĩa chặt-chẽ để phân-biệt với các Lễ trọng-thể hoặc các lễ kính, lễ nhớ, vv.. Gọi là “Lễ trọng” vì được xếp vào hạng cao trọng nhất trong nghi-thức Phụng-vụ. Trong số các Lễ như thế, phải kể đến Lễ Đức Mẹ Về Trời, Lễ Truyền Tin, Lễ Thánh Cả Giuse, vv… Các lễ này, luôn được đặt tầm quan-trọng trước hoặc trên các lễ Chúa nhật.

Điều ta cần ghi nhớ là: khi các thánh-lễ phụng-vụ được cử hành vào ngày thường trong tuần, thì vào lễ ấy chỉ có 2 bài đọc gồm một bài Thánh Thư và 1 bài Phúc Âm thôi. Nhưng, khi lễ ấy lại rơi vào ngày Chúa Nhật thì thường bao gồm 3 bài đọc, tức 2 bài thánh thư và 1 Phúc Âm.

Ở Lễ Chúa Biến Hình mừng kính sự việc Chúa tỏ-hiện bản-chất thánh-thiêng của Ngài ở trên núi Tabor, trước mặt các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, lại có sự xuất-hiện của ông Môsê và Êlya nữa.

Khi ấy, diện-mạo Đức Kitô chói sáng như mặt trời, áo Ngài trở nên trắng toát, lòng lánh như tuyết. Khi ấy, lại có tiếng từ trời cao bảo rằng:  

“Này là Con Ta yêu dấu,
đẹp lòng Ta mọi đàng,
các người hãy nghe lời Ngài.”
(Mt 17: 5)

Sự-kiện này thật là quan-trọng, lâu nay được Hội thánh cho phép cử-hành từ thời rất sớm, cả ở Phương Đông lẫn Phương Tây. Riêng Giáo hội Đông Phương còn coi đây là Hội lễ trọng thể, nên được phép cử-hành một cách hoành-tráng, long trọng cả với Chính Thóng Giáo lẫn Công giáo theo nghi-thức Đông Phương.

Không mấy ai biết chắc lễ này khởi sự mừng kính từ bao giờ. Bách Khoa Tự Điển của Đạo Công Giáo có ghi như sau: “Giám mục người Armenia là Đức Grêgôriô Archarumi có ghi chép rằng: vào năm 609 thánh Grêgôriô Đấng Soi Sáng được coi là vị thánh đầu tiên cử hành lễ này; và thánh-nhân qua đời trước đó vào niên-đại trước hoặc sau năm 337. 

Đức Giám mục thành Arsharuni là người từng thay thế lễ hội của dân ngoại tôn-sùng thần Aphrodite mang tên là “Ánh Lửa Hồng” Giáo hội vẫn duy-trì tên gọi ấy vì Đức Kitô cũng đã công-khai mở rộng vinh-quang của Ngài như đoá Hồng Thiêng trên núi Tabor vậy.

Dù không mấy chắc chắn,Bách Khoa Tự Điển cũng có nói rằng: lễ này được mừng kính lần đầu vào thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm ở đâu đó thuộc châu Á, để thay cho lễ hội nào đó của dân ngoại.  Với Giáo hội nói tiếng La-tinh, thì lễ Chúa Biến Hình không được nhắc tới trước năm 850.

Và vào thế kỷ thứ 10, lễ hội ấy được du nhập vào phụng-vụ tại nhiều địa-phận và cử hành phần lớn vào ngày 6 tháng 8 như ta đang làm, ngày hôm nay.

Có điều chắc chắn là: vào năm 1456, Đức Giáo Hoàng Calixtô đệ Tam đã nới rộng ngày lễ này cho Giáo hội hoàn-vũ cốt để tưởng nhớ ngày quân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây Belgrade vào mồng 6 tháng 8 năm ấy. Chính Đức Giáo Hoàng Calixtô là đấng cảm-tác sáng-chế ra Kinh Thần Vụ cho lễ này. 

Đến năm 2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị lại đã đưa lời kinh ở Lễ Biến Hình vào Chuỗi Mân Côi Năm Sự Sáng để tăng thêm tính-cách quan-trọng của sự-kiện này. 

Lễ Chúa Biến Hình được là một trong 12 Lễ Trọng-thể ở Giáo hội Chính thống, đến độ các đấng bậc bến đó còn thiết-lập một ngày vọng kính trước Lễ và sau đó còn kéo dài thêm tuần bát nhật nữa. Bởi lẽ, theo sự hiểu biết/tính toán của Giáo hội Chính thống, thì Lễ này được cử-hành 40 ngày trước khi Lễ Suy tôn Thánh giá được tổ-chức vào ngày 14 tháng 9 để cho mọi người thấy là Đấng đã hy-sinh cuộc đời Ngài trên thập-tự chính là Đức Chúa.

Được coi là Lễ trọng, không chỉ vì những điều nói đến Đức Kitô mà thôi, nhưng cả đến Ba Ngôi Thiên Chúa nữa; bởi lẽ cả Ba Ngôi đều hiện-diện: vào hôm ấy có tiếng Chúa Cha vọng từ trời cao, có Ngôi Con đã biến hình và có Thánh Thần Chúa ngự trong đám mây vần vũ, nữa.

Theo nghĩa này, thì Chính Thống Giáo coi Lễ Biến Hình như Lễ Ngũ Tuần thu gọn, hoặc như Lễ HIển Linh, Chúa tỏ mình cho dân ngoại và Lễ Chúa chịu Phép Rửa hôm ấy có đủ Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện. Với Giáo hội Chính thống cũng như Giáo hội nói tiếng La tinh, thì Phụng vụ ngày Lễ Biến Hình thay thế thánh lễ Chúa Nhật khi rơi vào ngày Chủ nhật.

Thánh sử Mátthêu còn ghi lại là: Lế Chúa Biến Hình xảy ra vào 6 ngày sau khi Đức Ki tô cho các tông đồ Ngài biết rằng Ngài phải đi Giêrusalem chịu nạn, chịu chết nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ trổi dậy, Ngài muốn các môn đệ sửa-soạn cuộc thương khó và nỗi chết của Ngài bằng việc tỏ cho các vị ấy biết Ngài chính là Thiên Chúa thật.

Ngài còn cho biết: những ai muốn thành môn đệ Ngài, thì phải biết vác thánh-giá của Ngài mà theo Ngài; còn ai để mất sự sống vì Ngài sẽ tìm lại được sự sống ấy (Mt 16: 21; 24-25).

Vào lễ Chúa Biến Hình ta còn học được bài học quí giá nếu như ta bằng lòng vác thánh giá của mình và theo Đức Kitô, chắc chắn ta sẽ được diện-kiến Ngài vinh-hiển trên thiên-quốc.“ (X. CNS, A Portrait of the Universal Church, đăng trên The Catholic Weekly ngày 25/7/2017 tr.12)

Bàn về trình thuật Lễ Chúa Biến Hình (hoặc Hiển Dung), cũng là, theo cách nào đó, ta “Gọi Người Yêu Dấu” rất thân thương, gọi mọi người bằng tinh thần Biến Hình, Hiển Dung, trong mọi tình-huống.

Bàn về lời mời Gọi Người Yêu Dấu rất “Hiển Dung”, tưởng cũng nên cùng bàn với đấng bậc nhà mình, kèm thêm đôi chút về lời lẽ ở trình-thuật rất hay, rất đẹp và sâu-sắc, như sau:

“Trình thuật Chúa hiển dung mà chúng ta suy niệm hôm nay đóng một vai trò thật quan trọng trong hành trình của người môn đệ. Đức Giêsu cho các môn đệ ‘nếm một chút’ ánh sáng vinh hiển của Người. Ánh sáng đích thật này chỉ được tỏ bầy trọn vẹn qua biến cố Phục sinh, đó chính là cao điểm hành trình làm Con Thiên Chúa của Người. Nhưng trong phút giây này, trước mắt Người vẫn là hành trình khổ nạn chứ chưa phải là vinh quang.  

Có như vậy, chúng ta mới nhận ra việc Chúa yêu thương, săn sóc và lo lắng cho các môn đệ và chúng ta đến độ nào. Người hiểu các nỗi yếu đuối của chúng ta, Người biết lòng trí không ngay thẳng của những ai đang theo Người, Người còn biết rõ ý định sai lạc muốn tìm kiếm địa vị của Gioan và Giacôbê, v.v…  

Nhưng Người lại không hề thất vọng về họ. Người chuẩn bị cho các môn đệ và chúng ta đủ sức để đối diện và CÙNG ĐỒNG HÀNH với cuộc khổ nạn của Người bằng cách cho họ và chúng ta ‘nếm một chút’ vinh quang của Con Thiên Chúa. Kinh nghiệm độc nhất vô nhị này vô cùng quí giá, nó sẽ nâng đỡ chúng ta khi gặp nhưng hòan cảnh tuởng như là quá sức của mình.  

Thật vậy, kinh nghịệm ‘Hiển Dung’ sẽ nâng đỡ các môn đệ và chúng ta hiên ngang tiến vào vườn Giệt-si-ma-ni và sau cùng là đồi Can-vê để đồng hành với Đức Giêsu trên đường Thương Khó của Người. Và chúng ta tin rằng tất cả không dừng lại ở đó, nhưng còn mở ra một chân trời hạnh phúc và vinh hiển trong ngày Phục Sinh.  

Trong hành trình đức tin, những trải nghiệm ‘Chúa Hiển Dung’ rất quan trọng và cần thiết. Việc chiêm ngưỡng dung nhan rạng ngời sáng chói hơn ánh mặt trời của Đức Giêsu không làm chúng ta bị chóa mắt, hay quáng gà rồi không còn nhìn thấy những thực tại của trần gian nữa. Chúa không chỉ Thần Hiện như kinh nghiệm của Maisen và dân Israel xưa kia, Ngài đã trở thành người và cư ngụ giữa chúng ta. Đây cũng là chủ đề chính mà Đức Giêsu trong Matthew muốn trình bầy. Người chính là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta mọi nơi mọi lúc.

Vì thế, với những kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa – qua cầu nguyện, các biến cố xẩy đến trong đời – đều là hồng ân giúp chúng ta trở về với đời sống, đối diện với muôn ngàn thử thách, đắng cay bằng ánh sáng và con tim mới.

Với sự hiện diên của Đức Giêsu, không chỉ ở trên núi (Thánh), nhưng ở mọi giây phút của cuộc đời; chúng ta sẽ chấp nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan, sẵn sàng chiến đấu mà không ngại gian khổ, chấp nhận những bất toàn của chính bản thân để có thể thông cảm các nỗi yếu đuối và không hoàn hảo của người khác; rồi cùng đồng hành với nhau trên con đường mà Chúa đã đi qua.

Xin dung nhan của Chúa hiển dung hôm nay và nhất là Ánh Sáng Phục sinh của Đức Kitô luôn dẫn lối chỉ đường cho chúng ta, để chúng ta biết đón nhận và sống trọn vẹn những phút giây của cuộc sống và tiếp tục ‘bước theo’ và ‘cùng bước vào’ dấu chân của Đức Kitô đã bước qua.” (X. Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR, Bản Tin Giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi, Chúa Nhật Hiển Dung 06/8/2017)

Xem thế thì, “Gọi người yêu dấu” một cách thực tế trong đời, đôi lúc cũng làm cho người được gọi lại cứ ngơ ngẩn/vẩn vơ, như cậu truyện kể để minh-hoạ ở bên dưới:

Theo lệ ngày xưa, ai làm quan thì mua món gì cũng chỉ phải trả nửa giá tiền, trừ mua vàng phải trả đủ.

Một ông quan nọ vừa đến nhậm chứa, bảo hiệu vàng đem hai lạng đến bán cho ngài.

Chủ hiệu vàng nghe tiếng quan dữ như cọp, mới bẩm:

– Vàng mỗi lạng thực giá sáu chục đồng, song quan lớn thì trả một nửa cũng được.  Quan cầm hai lạng vàng xem, rồi ung dung bỏ một lạng vào túi. Chủ hiệu tưởng quan chỉ mua có một lạng, còn lạng kia trả lại, nên khi quan vào nhà trong, anh ta vẫn đứng đấy đợi trả tiền.  

Hồi lâu quan ra, thấy vậy mới hỏi:

– Mua bán xong rồi, còn đứng đấy làm gì? 

Chủ hiệu vàng đáp:

– Con chờ quan lớn trả tiền cho. 

Quan bảo:

– Tiền trả rồi, còn đòi gì nữa? 

Chủ hiệu vàng đáp:

– Hai lạng, quan trả lại một lạng, lấy một lạng. 

Quan nổi giận:

– Nhà ngươi lạ thật! Nhà ngươi bảo ta trả một nửa cũng được. Ta mua hai lạng, nhưng chỉ lấy một, trả lại một chẳng phải là đã trả một nửa là gì!!! (Trích truyện cười dân gian đăng trên mạng vi tính)

“Trả một nửa cũng được”, thực tế có thể xảy ra ở tình-huống dân gian mua bán vàng bạc hoặc thứ gì cũng thế. Với chuyện “Gọi người yêu dấu” không thể gọi một nửa hoặc yêu một nửa được. Đã yêu và đã gọi, là phải thực hiện trọn vẹn, suốt một đời người. Của bạn, của tôi và của bất cứ ai còn sống trên cõi đời, rất con người.

Thật ra thì, “Trả một nửa cũng được”, có thể trả bằng tiền bạc hoặc bằng tình tiết rất yêu thương, ta vẫn biết. Trả gì thì trả, hãy cứ trả hết mọi chuyện, chứ đừng trả, đừng trao “thánh-giá” mình đang gánh/vác cho người khác. Chí ít, là người mình không ưa, không thích suốt chuỗi đường dài cuộc đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc cũng tơ tưởng
Về thánh-giá
Người khác đang gánh vác
Chứ chẳng chơi.

Bài liên quan

Back to top button