Chuyện phiếm Gã SiêuVăn - Nghệ

Nhỏ và to | Chuyện Phiếm Gã Siêu

Lâu rồi, gã có đọc một bài viết, hình như của Bs Phạm Hồng Quang trên báo Tuổi Trẻ Cười thì phải? Bài viết mang tựa đề “To và nhỏ”, đại khái như thế này:

“Ở một đất nước rất nhỏ, có một thủ đô rất to.
Trong thủ đô rất to, có những con đường rất nhỏ.
Trên những con đường rất nhỏ, có những biệt thự rất to.
Những biệt thự rất to, toàn của các cô vợ nhỏ.
Các cô vợ nhỏ là của các ông quan rất to.
Các ông quan rất to, có những chiếc cặp rất nhỏ.
Trong những chiếc cặp rất nhỏ, có các dự án rất to.
Các dự án rất to, nhưng mang lại hiệu quả rất nhỏ.
Hiệu quả rất nhỏ, nhưng thất thoát rất to.
Thất thoát rất to, nhưng tìm ra rất nhỏ.
Tìm ra rất nhỏ, nhưng xử lại rất to.
Xử rất to, nhưng kết quả rất nhỏ…

Tiếp nối bài viết trên, hôm nay gã cũng muốn tán một chút về đề tài to và nhỏ. Ngày xưa, dọc theo quãng đường từ thác Prenn lên Đàlạt, gã thấy bên vệ đường có nhiều tấm bảng gỗ màu xanh với những hàng chữ, đại khái như:  Phòng cháy hơn chữa cháy.  Lửa cháy rừng điêu tàn. Thực vậy, chỉ cần một mẩu thuốc lá của một du khách bất cẩn ném xuống, là có thể tạo nên một đám cháy lớn, thiêu huỷ cả một cánh rừng, bởi vì ước vọng của tàn lửa là đốt cháy và đốt cháy không ngừng. Một đám cháy lớn đã khởi đi từ một tàn lửa nhỏ. Phải chăng đó cũng chính là quy luật của cuộc sống.

Phàm đã là người sống trong cuộc đời, thì ai cũng ước mơ. Và ước mơ nào thì cũng tốt đẹp và hoành tráng. Tuy nhiên, người ta lại thường hay quên mất rằng: Để ước mơ tốt đẹp và hoành tráng ấy trở thành sự thật, cần phải được bắt đầu bằng những việc nhỏ. Bình thường, đời người là một chuỗi những việc nhỏ đan chen vào nhau. Nếu tấm vải tượng trưng cho cuộc đời, thì mỗi việc nhỏ chính là một sợi chỉ vô danh đã dệt nên tấm vải ấy. Không có những sợi chỉ, thì cũng chẳng có được tấm vải.

Hồi còn bé, gã đã say mê đọc truyện các thánh Tử đạo và mong ước một ngày nào đó mình sẽ đưa cổ ra cho “bọn quân dữ” chém một nhát, hay đưa thân ra cho chúng bắn một phát, thế là nghiễm nhiên gã có tên trong sổ bộ các vị anh hùng tử đạo, được cả và thiên hạ mộ mến. Thế nhưng, lớn lên một chút, gã nhận thấy mộng ước như vậy chỉ là điều viển vông và hão huyền như đi trên mây trên gió, bởi vì hiện nay chuyện bắt bớ cấm cách một cách đẫm máu khó có thể xảy ra, và nếu có xảy ra, thì “bọn quân dữ” cũng sẽ thực hiện một cách rất tinh vi và khoa học, thậm chí đến cả quỉ thần cũng không lường nổi. Và hơn thế nữa, hành vi tử đạo chỉ là một kết quả đương nhiên của một cuộc sống trung thành với đức tin, bởi vì cây xiêu chiều nào sẽ đổ theo chiều ấy. Nếu cuộc sống hôm nay đã khô khan nguội lạnh, đã bê tha tội lỗi, thì khi gian nan thử thách xảy đến, người ta sẽ khó lòng đứng vững trong đức tin, nếu không muốn nói rằng người ta sẽ dễ dàng bán Chúa như Giuđa, hay sẽ dễ dàng chối Chúa như Phêrô. Ai trung thành trong việc nhỏ, thì rồi mới sẽ trung thành trong việc lớn. Ai liên tục phản bội trong những việc nhỏ, thì rồi cũng sẽ phản bội trong việc lớn. Như trên gã đã trình bày: Cuộc đời chỉ là một chuỗi dài những chuyện nhỏ được đan chen vào nhau. Những chuyện nhỏ này, có khi đem lại những tai hại to, nhưng cũng có khi đem lại những thành công lớn.

Trước hết là những chuyện nhỏ nhưng đem lại tai hại to.

Người ta thường bảo: Bé ăn cắp một trái trứng, thì lớn lên sẽ ăn trộm một con bò. Không phải chỉ trong một sớm một chiều, mà người lương thiện bỗng trở nên kẻ tội phạm. Tiến trình phạm tội là cả một chuỗi dài những sai lỗi nhỏ mọn, để rồi kết thúc bằng việc sa vào vòng tội ác, huỷ diệt cả một cuộc đời. Chẳng hạn một cậu bé học trò, lúc ban đầu trốn học theo bè bạn đi chơi. Trốn miết thành thói quen, rồi cuối cùng bị nhà trường đuổi và chính cậu cũng nản lòng, không còn theo kịp chương trình, đành phải bỏ dở việc học. Và thế là cánh cửa tương lai bị khép lại. Lối vào ngày mai của cậu bị tắc nghẽn. Chẳng hạn một anh chàng ghiền xì ke ma tuý, lúc ban đầu có thể chỉ là đơn giản nghe theo lời bạn bè rủ rê và mời mọc. Chính chàng cũng thầm nghĩ trong bụng:  Thử một lần cho biết mùi đời. Hút một điếu chỉ là chuyện nhỏ. Thế rồi chàng trở thành con nghiện lúc nào cũng không hay. Như viên bi rơi xuống trên một triền dốc. Nó cứ lăn mãi lăn hoài cho tới tận cùng con dốc mới thôi. Chàng lần lượt phạm hết tội ác này đến tội ác khác. Đã ghiền thì phải có tiền để mua thuốc. Và để có tiền thì chàng phải dối gạt cha mẹ, đánh đập vợ con, lừa đảo bạn bè, hay ăn trộm ăn cắp. Và rồi trong một giây phút mù quáng nào đó, chàng cũng sẵn sàng cướp của giết người, chỉ để kiếm tí tiền còm.

Nhất là trong lãnh vực tình yêu, chỉ vì những chuyện nhỏ, mà niềm hạnh phúc bị tiêu tan và gia đình bị đổ vỡ. Gã xin lươm lặt một vài kinh nghiệm nhỏ, được đăng tải trên báo Phụ Nữ, để chứng minh cho sự thật não nùng và bi đát trên.

Kinh nghiệm thứ nhất, tính ham nhậu của chàng chỉ là chuyện nhỏ: Chàng và nàng quyết định lấy nhau. Gia đình nàng phản đối vì chàng có sở thích lớn là…nhậu. Tính ham nhậu của chàng đã có thừ thời sinh viên, khi hai người mới yêu nhau. Cứ cuối tuần là chàng và mấy người bạn cùng phòng ở ký túc xá lại ra quán bia hơi bên lề đường nhâm nhi vài lít. Nàng giận lắm vì chàng mải lai rai quên cả cái hẹn với nàng. Thậm chí trong lần ra mắt bên nhà vợ tương lai, chàng đã quên luôn việc cần phải tạo ra một hình ảnh chàng rể tốt vì chàng đã nhậu “tới bến” với hai người anh của nàng, khiến nàng phải gọi taxi đưa chàng về nhà.

Tuy nhiên, nàng vẫn hăng hái bênh vực: Nhân vô thập toàn. Làm người ai mà chẳng có những khuyết điểm. Kẻ này cờ bạc. Kẻ kia đèo bòng bồ nhí, trong khi chàng tính tình trung thực, hiếu thảo với cha mẹ và yêu thương nàng hết lòng. Chàng chỉ có một khuyết điểm tí tẹo là hay nhậu. Chuyện nhỏ như con thỏ. Chàng nhậu chỉ vì công việc, chỉ vì nể nang bạn bè. Nàng tin rằng khi đã có vợ có con, kề vai gánh lấy trách nhiệm gia đình, chàng sẽ chia tay với ma men. Nhưng rồi cuộc tình của nàng đã kết thúc trong đổ vỡ cũng vì chuyện nhỏ này. Chính nàng đã phải khai trước toà án: Ngày nào chàng cũng say xỉn. Tiếp khách hàng cũng nhậu. Gặp bạn bè cũng nhậu. Đến ngày cuối tuần, không có lý do gì cũng nhậu, bằng cách gầy độ với mấy ông hàng xóm. Tôi buồn chán, nên có lần bồng con về quê sáu tháng, chàng năn nỉ và thề bỏ rượu, tôi đã tha thứ và gia đình đoàn tụ. Sau đó, chàng vẫn chứng nào tật ấy và tôi không thể chịu đựng được nữa. Chuyện nhỏ bây giờ không còn nhỏ nữa mất rồi.

Kinh nghiệm thứ hai, tính hay ghen của nàng chỉ là chuyện nhỏ. Chàng là nhân viên phòng kinh doanh nhà đất. Nàng là con gái rượu của một đại gia. Họ đến với nhau quả là môn đăng hộ đối, xứng đôi vừa lứa. Tuy nhiên, nàng chỉ có mỗi tội là… hay ghen.  Lúc bấy giờ, chàng cho là chuyện nhỏ. Mặc dù bực bội, nhưng đôi khi chàng lại cảm thấy hay hay, vì có yêu, thì nàng mới ghen. Thành thử, chàng chẳng hề nghĩ tới việc chia tay, bởi vì sau mỗi lần chàng giận, nàng luôn năn nỉ xin chàng bỏ qua. Hơn thế nữa, nàng lại xinh đẹp, giỏi nội trợ, điều kiện gia đình quá tốt. Chàng nghĩ lấy nhau rồi nàng sẽ hiểu rõ chàng là người sống nghiêm túc, không lăng nhăng, lúc bấy giờ nàng sẽ không còn lý do gì để mà ghen. Nhưng rồi cuộc hôn nhân của chàng cũng đã vội chết yểu khi chưa kịp “mừng tuổi lên hai”, do chàng không chịu đựng nổi sự ghen tuông đến bệnh hoạn của nàng.  Thực vậy, ngày nào đi làm về, chàng cũng bị nàng “đánh hơi”, kiểm tra xem có mùi nước hoa, có vết son hay sợi tóc cô nào vương trên áo chàng hay không.  Chàng cũng bị nàng kiểm tra điện toại xem đã gọi, đã nhắn tin cho những ai. Cô nào nằm trong danh sách “tình nghi”, liền bị nàng gọi điện thoại để điều tra và đe doạ không được đến gần chàng. Điều làm chàng mệt mỏi nhất, đó là nàng còn hay bày trò tuyệt thực, đòi tự tử…mỗi khi chàng nổi cáu, mắng nàng vì tội ghen bóng ghen gió hay về nhà trễ. (Dựa theo bài viết của Thuỳ Dương trong báo Phụ Nữ thứ ba, số ra ngày 19.1.2010).

Các cụ ta ngày xưa thường bảo: Yêu nhau củ ấu cũng tròn, Trái bồ hòn cũng ngọt. Khi tình yêu còn mặn nồng, nhất là vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, thì những thói hư tật xấu chỉ là chuyện nhỏ. Thế nhưng, một khi đã bước vào hôn nhân và chung sống với nhau, nhất là khi tình yêu đang có những triệu chứng nhạt phai và giảm sút, thì những thói hư tật xấu ấy không còn là chuyện nhỏ nữa, nhưng đã trở thành chuyện lớn, nguyên nhân dẫn tới đổ vỡ, bởi vì đó chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, đó chính là cọng rơm sau hết làm gãy cả cái lưng con lạc đà!

Kinh nghiệm thứ ba, dư luận cũng chỉ là chuyện nhỏ. Chàng là một đại gia, goá vợ và có hai con. Nàng là một cô gái duyên dáng, giỏi giang, được nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng cuối cùng nàng đã lên xe hoa để được chàng rước về dinh. Mặc dù những người chung quanh đã xì xào bàn tán, nhưng nàng cho đó chỉ là chuyện nhỏ. Nàng hy vọng với tất cả thiện chí và những việc làm tốt lành của mình, nàng sẽ đánh tan được cái dư luận đầy ác ý ấy. Vì thế, sau đám cưới, cả chàng lẫn nàng đều cố gắng thu xếp ổn thoả những mối liên hệ gia đình. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn mà thôi, sau đó nàng bắt đầu cảm thấy bị chao đảo, khi mà ngày nào cũng phải nghe những lời bóng gió: Làm vú em đặng có kinh nghiệm để mai mốt làm mẹ tốt hơn. Chàng cưới nàng là để có người hầu hạ, chứ có yêu gì nàng đâu. Còn hai đứa con, lúc nào cũng chê bai rằng: Dì không bằng mẹ ngày xưa. Lúc đầu chàng còn cố gắng phân tích thiệt hơn  cho nàng và dỗ dành con cái. Nhưng rồi sự việc cứ liên tục xảy ra theo chiều hướng xấu, khiến chàng đành phải buông xuôi. Có lần chàng đã nói với nàng: Thôi thì tuỳ em chọn lựa, muốn ở với anh nữa thì ở, bằng không thì cứ việc ra đi. Câu nói ấy làm cho nàng đau đớn và nghiệm ra rằng: Những gì người khác nói đều chính xác. Chàng chỉ biết có con riêng và người vợ cũ mà thôi. (Dựa theo bài viết của Nghi Anh trong báo Phụ Nữ thứ sáu, số ra ngày 8.1.2010).

Thiết tưởng trong hoàn cảnh này, cả hai đều phải có can đảm gác bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, thậm chí còn phải…”ngồi xổm” trên cả dư luận nữa, nếu thấy rằng những lời đồn thổi ấy đều vô căn cứ, không đúng sự thật và chất đầy những ý đồ đen tối. Bởi vì: Dư luận thì vốn thường luận dư. Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Vì thế chó cắn mặc chó, đôi ta vẫn cứ tay trong tay cùng nhau sánh bước trong cuộc đời: Mặc người nói ngả nói nghiêng, ta đây vẫn vững như kiềng ba chân. Những chuyện nhỏ chỉ hoàn thành được một cái lỗ bé như lỗ cua đào, nhưng nếu không kịp thời vít lại, thì khi mùa lụt đến, nó có thể làm vỡ cả một con đê. Và khi con đê đã vỡ, hậu quả thật khó mà lường nổi. Cũng giống một tàn thuốc lá rơi vãi có thể đốt cháy cả một khu rừng. 

Tiếp đến là những chuyện nhỏ nhưng đem lại thành công lớn. 

Đứng từ xa, gã thấy sa mạc thật mênh mông, nhưng đến gần thì cái mênh mông ấy được kết thành bởi muôn vàn hạt cát nhỏ. Đại dương thì bao la, nhưng cái bao la ấy được tạo nên bởi những cái gì, nếu không phải là bởi những giọt nước vô danh tiểu tốt! Cũng vậy, đằng sau những thành công vẻ vang, đằng sau những cuộc đời rạng rỡ chính là những cố gắng âm thầm, chính là những nỗ lực liên tục. Hay nói cách khác, chính là những…chuyện nhỏ. Chẳng hạn thánh nữ Têrêsa, một vị thánh nổi tiếng, mà người công giáo nào cũng biết đến. Cuộc sống của ngài chỉ kéo dài vỏn vẹn được có hai mươi bốn tuổi đời trong bốn bức tường tu viện, không làm những phép lạ kỳ diệu, không có những lời giảng dạy hùng hồn và cũng không hy sinh cho đến giọt máu cuối cùng, trái lại thánh nữ chỉ âm thầm chu toàn những việc nhỏ trong nhà dòng. Thế nhưng, chính những việc nhỏ này đã làm cho ngài trở thành một vị thánh lớn trong Giáo Hội. Việc nhỏ nhưng thành công lớn.

Hẳn rằng nhiều lúc chúng ta cũng đã “tâm phục khẩu phục” những thiên tài trong lãnh vực này, hay trong phạm vi kia. Thế nhưng, cái thiên tài ấy, phần nhỏ do trời ban, còn phần lớn là do đã khổ công tập luyện, đã siêng năng học hỏi, như tục ngữ cũng đã nói: Có công mài sắt, có ngày nên kim. Phải chăng những tập luyện và học hỏi ấy chỉ là những chuyện nhỏ, nhưng chúng ta lại không có đủ kiên nhẫn để thực hiện cho đến cùng mà thôi.

Trong công việc làm ăn buôn bán cũng vậy. Những thương gia giàu có thuộc vào hàng “nứt đố đổ vách”, những khuôn mặt tài phiệt cỡ lớn, khả dĩ làm lũng đoạn cả thị trường quốc tế, thế mà nhiều người trong số họ đã khởi đi từ thân phận nghèo túng, khố rách áo ôm. Tiền bạc và gia sản của họ hôm nay, phần nhỏ do may mắn, nhưng phần lớn là do cần kiệm và chí thú làm ăn. Sở dĩ như vậy, vì họ luôn tâm niệm: Năng nhặt, chặt bị.

Sau cùng, tình yêu và gia đình cũng không thoát khỏi quy luật chung này. Có người cho rằng: Chết cho người mình yêu, thì dễ hơn là sống với người mình yêu. Bởi vì chết cho người mình yêu là một hy sinh lớn, nhưng lại không dễ gì xảy ra. Trong khi ấy, sống với người mình yêu liên tục đòi hỏi những hy sinh, tuy nhỏ nhưng lại kéo dài bằng cả cuộc đời. Chẳng hạn ban chiều đi làm về, thay vì ngồi đọc báo hay xem TV chờ cơm tối, chàng vội vào bếp phụ với nàng một tay. Việc làm tuy nhỏ, nhưng chắc chắn sẽ làm cho khuôn mặt của nàng thêm rạng rỡ và nụ cười của nàng thêm xinh. Chẳng hạn vào sinh nhật của chàng, nàng bèn trổ tài nữ công gia chánh, làm một bữa cơm thịnh soạn để chúc mừng chàng, cũng như để khoản đại mọi người trong gia đình. Việc làm tuy nhỏ, nhưng sẽ đem lại cho chàng niềm vui lớn. Chẳng hạn vào ngày phụ nữ quốc tế, chàng tặng cho nàng một bông hồng. Bông hồng chẳng đáng bao nhiêu, chỉ là chuyện nhỏ, nhưng sẽ để lại một dấu ấn kỷ niệm thật lớn, không bao giờ quên trong trái tim nàng.

Những việc làm và những hy sinh nhỏ này sẽ làm cho tình yêu thêm nồng thắm và được lớn lên. Với một tình yêu nồng thắm và được lớn lên như thế, người ta lại càng sẵn sàng chấp nhận những hy sinh cho nhau và vì nhau, đảm bảo cho một mái ấm ngập tràn hạnh phúc.

Bài liên quan

Back to top button