ThơVăn - Nghệ

Những cánh cò trắng bay qua đời tôi | NNN – Phạm Quỳnh Anh

NHỮNG CÁNH CÒ TRẮNG BAY QUA ĐỜI TÔI

Viết góp cho tiếng thở không trung…

Một sáng đi băng qua cánh đồng. Khi những tia nắng ban mai rải xuống từng bông lúa cò trĩu sương đêm, đàn cò lặn lội kiếm ăn ven ruộng từ lúc nào. Thấy bóng người từ xa, cò đã nhún mình bay lên khỏi ruộng lúa. Cánh cò mềm mại, trắng muốt vỗ vào khoảng không như tay ai vẫy gọi. Đôi chân cò bé xíu cứ thế duỗi song song chẳng khác nào đôi đũa bay trong không trung.

Tôi yêu cảnh làng quê yên bình. Nhớ cánh cò ở một góc ruộng nào vụt bay lên rồi cứ thế chao lượn lúc mềm mại, duyên dáng, khi lại gấp gáp, vội vàng. Cò như muốn góp vào bức tranh làng quê những vũ điệu si mê, nâng tiếng sáo diều bay cao, bay xa hơn. Chỉ một cánh cò thôi mà yêu biết bao ngôi làng quê nhỏ bé của mình.

“Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa miếu bay ra cánh đồng
Cha mẹ sinh đẻ tay không
Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi
Trước là nuôi cái thân tôi
Sau nuôi đàn trẻ nuôi đời cò con.”

Hình ảnh đàn cò trong ký ức tuổi thơ luôn hiện lên thật tinh khôi và đong đầy ý nghĩa về một làng quê thanh bình. Những cánh cò dang rộng xải mình trên những đồng lúa trải dài thơm mát, đó là một hình ảnh rất đỗi thanh bình và thơ mộng của quê hương. Hình ảnh con cò như hóa thân của người nông dân vậy, đó là cuộc đời lao động khổ cực quần quật suốt ngày. Chiều nay, khi đi ngang những miếng ruộng xâm xấp nước, những cánh mạ non chao nghiêng trong gió chiều lả lơi, tôi chiêm ngưỡng một bức tranh quê, hình ảnh đàn cò trắng bay lượn trên cánh đồng vô cùng thanh bình và yên ả. Những cánh cò trắng chập cánh bay trong trời chiều làm tôi cảm thấy tâm hồn thật thư thái. Và hình ảnh đàn cò trong ký ức tuổi thơ lại hiện về qua những lời ru của mẹ bên chiếc võng kẽo kẹt những trưa hè. Một tuổi thơ đầy ắp những lời ca, điệu hò, tiếng ru à ơi của mẹ.

Hồi còn học cấp một, tôi thường đi bộ men theo con đường mương đến trường.Hương mạ non dưới đồng ruộng gió đưa lên phảng phất thơm dìu dịu, tiếng nước róc rách chảy tràn trên thành mương và hình ảnh những chú cò lội từng bước trên mặt ruộng. Lên cấp hai, cấp ba, trên những con đường trải đá, rồi nhựa bê tông tới trường, vòng xe thời gian cứ thế quay, tôi cứ thả hồn vào những thân cò trắng muốt đang đứng nhìn lơ đãng, mắt lim dim hay dập dờn bay trên cánh đồng bên đường.

Mỗi ngày, tôi đi qua con đường làng đến trường vẫn thấy cánh cò lầm lũi kiếm ăn trên cánh đồng làng quen thuộc. Lưng cò khom khom. Dáng cò mảnh khảnh. Cò cứ cặm cụi mò cua bắt tép, chốc chốc mới ngẩng đầu lên ngước nhìn. Nhìn những thân cò lặn lội, lại nghĩ đến má, dáng hao gầy. Cuộc đời người đã gắn liền với những mảnh ruộng, một đời tảo tần nuôi tôi ăn học. Nhìn khuôn mặt người rám nắng, đôi bàn tay sần sùi, ố vàng vì đất ruộng sao thấy thương thật nhiều…

Quê tôi cũng là vùng đồng ruộng như vùng Tân Trạch – Cần Đước này, trước đây, khi  đồng ruộng quanh năm nước bập bõm vào mỗi độ mưa về nên rất nhiều cò và cuốc. Cò có lẽ đã quen thuộc với rất nhiều người ngay từ thuở ấu thơ, trong những điệu hát ầu ơ của  mẹ nhưng con cuốc thì không phải ai cũng biết. Ngày nhỏ, lũ bạn thân chúng tôi khoái  nhất những ngày đi bắt cuốc đuổi cò trên cánh đồng và tối tối lại cùng nhau quây quần nướng chiến lợi phẩm trên bếp rơm cay xè mắt.

Cò có mặt quanh năm trên cánh đồng, từ lúc mạ vừa gieo cho tới lúc thu hoạch xong,  đồng ngập nước thân cò vẫn lặn lội kiếm ăn. Chân cò dài và khô, mỏ lài lêu đêu như hai cái đũa liên tục bắt cá, cò bay rất nhanh, mỗi khi chúng tôi ập đến. Thật ra thì chúng tôi cũng không muốn bắt chúng vì cò đâu có phá hoại mùa màng, mỗi chiều từng đàn cò nối đuôi nhau bay khắp cánh đồng lại tạo cho con người ta cảm giác bình yên, thư thái.

Tôi còn nhớ mãi, hồi nhỏ chúng tôi gồm năm đứa bạn thân mới chỉ duy nhất một lần bắt  được mấy con cò, cũng do lần đó chúng bị thương ở chân nếu không nó hoàn toàn có thể thoát được chúng tôi. Lần nào cũng vậy, chúng tôi phân công rất rõ ràng, đứa thì giăng lưới đón đầu nó, đứa thì nhử mồi đứa thì chặn mọi đường thoát có thể của nó. Vậy mà lần nào cũng bẩn hết quần áo, mặt mũi đầy bùn đất mà vẫn để chúng thoát”.

Hồi đó, nhà đứa nào cũng nghèo, mà phải nói là cả làng đều nghèo, chỉ quanh quẩn với đồng ruộng, việc làm thêm không có, trẻ con ít được đi học cho hết con chữ đã phải nghỉ  đi phụ giúp gia đình làm thuê đây đó. Mấy thằng nhóc học chưa hết cấp hai bắt được con cò lửa, y chang rằng tối đó lại nhóm lửa rơm nướng cò, ôi chao, nướng cò ngày đó đâu có nhiều gia vị hay quét dầu như bây giờ, nó chỉ được xoay vần trong những bó rơm đen thui, cháy khét, rồi đứa nào đứa nấy một miếng thế mà cũng hết, ăn xong còn lấy nhọ bôi lên mặt nhau, trong đứa nào cũng đen thui. Người lớn thấy bộ lông cò lửa đẹp mà để lại tết mũ đội, còn hai chân cò được treo lủng lẳng trên gác bếp như một chiến tích lừng lẫy.

Đêm xuống, tiếng cuốc than vãn khi về tổ làm xốn xang lòng kẻ ly hương. Nhiều đêm thanh vắng, tiếng cuốc kêu cả đêm, giật mình tỉnh dậy ngồi nghe như bản giao hưởng dưới ánh trăng quê hương, dưới mặt nước lấp lánh.

Tôi ngồi ngẫm nghĩ cuộc đời mình, à trời ơi, thời gian trôi không ngắt quãng, thoáng cái mà “bức tranh yên bình” chấm trắng những cánh cò dập dờn trên ruộng đó không còn nữa. Bây giờ, mỗi buổi chiều cũng hiếm khi bắt gặp được đàn cò nào trên năm bảy con chao lượng trên cánh đồng. Người ta giữ ruộng bằng cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hơn, để từ đó vô tình đụng chạm lên cuộc sống của loài khác. Cò khoái khẩu nhất món cá nhỏ, tôm và tép, nhưng chúng cứ nổi lềnh phềnh trên mặt nước bên cạnh các túi ni-lon thuốc trừ sâu, trừ cỏ thân cò càng gày guộc biết nơi nào là đường sống.

Bức tranh của tuổi thơ của tôi khi vùng vẫy bùn nước trên cánh đồng kia với những cánh cò nay đã trôi vào quên lãng…

Bây giờ, mỗi lúc nhìn ra cánh đồng Tân Trạch để ngắm lại đàn cò từng đợt sục mỏ xuống bắt cá để hồi tưởng lại một quảng thời gian tuổi thờ và ký ức ấy không còn nữa, chỉ còn lại chiếc mũ cò lửa mà ba vẫn giữ, bộ lông vẫn còn bóng và mượt. Hằng đêm, tiếng “cuốc, cuốc” đó cứ thưa dần, yếu dần, đúng như lời than vãn của số phận.

Nếu được trở về với tuổi thơ, xin hãy cho cánh cò hồi sinh, xin hãy cho tiếng than vãn đó sống lại, để kỷ niệm niệm không bao giờ phai nhòa trên cánh đồng quê hương…

Tân Trạch cuối thu 2018

NNN – Phạm Quỳnh Anh

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button