Chút suy tưVăn - Nghệ

Tình bạn vô giá | Mai Nhật Thi

TÌNH BẠN VÔ GIÁ

Câu chuyện người thợ đốt lò và đức vua.

Ngày xửa ngày xưa, đất nước nọ được trị vì bởi một vị vua rất anh minh và sáng suốt. Ngài hết lòng chăm lo cuộc sống của nhân dân và luôn mong muốn thần dân được ấm no, hạnh phúc. Nhà vua thường cải trang thành thường dân để tìm hiểu đời sống cùng những khó khăn mà thần dân của ngài đang gánh chịu.

Ảnh chỉ có tính minh họa

Một ngày nọ, vua cải trang thành một người dân nghèo đến tắm ở nhà tắm công cộng. Đây là nơi tập trung rất nhiều tầng lớp dân. Họ đến đây thư giãn và chuyện trò sau những giờ lao động vất vả. Nước trong các bồn tắm luôn được giữ nóng bởi một lò nhiệt đặt dưới tầng hầm. Dưới đó, một người thợ đốt lò ngày đêm cần mẫn làm việc, giữ cho nhiệt độ nước luôn ở mức vừa phải. Hôm đó, sau khi nắm rõ tình hình, đức vua quyết định xuống tầng hầm để gặp người đàn ông đang miệt mài bên những lò lửa ấy.

Ảnh chỉ có tính minh họa, không phải nhân vật thật trong truyện.

Trưa hôm đó, dưới tầng hầm tối tăm, bên cạnh lò đốt nóng bức, 2 người đàn ông ngồi dùng bữa với nhau. Họ chuyện trò như những người bạn lâu ngày gặp lại. Từ đó về sau, hầu như tuần nào, nhà vua cũng xuống tầng hầm của khu nhà tắm công cộng để chuyện trò với người thợ đốt lò và họ nhanh chóng trở thành những người bạn tâm giao. Đức vua cảm thấy quý mến tính chân thành và sự từng trải của người thợ đốt lò. Trong khi đó, người thợ đốt lò, vốn trước giờ chỉ quanh quẩn trong căn hầm oi bức, thì rất xúc động trước sự quan tâm của người khách lạ. Chưa ai đối xử tốt với ông như vậy.

Một ngày nọ, đức vua quyết định tiết lộ thân thế của mình với người thợ đốt lò. Nghe vậy, rất nhiều quan lại trong triều can gián vì họ sợ người thợ nghèo kia có thể sẽ lợi dụng lòng tốt của đức vua để cầu xin tiền bạc, chức tước. Thế nhưng, đức vua vẫn không thay đổi quyết định.

Hôm sau, dưới tầng hầm, khi cuộc trò chuyện sắp kết thúc, đức vua nhìn thẳng vào mặt người thợ, điềm tĩnh hỏi:

– Chúng ta đã làm bạn với nhau khá lâu rồi, nhưng có bao giờ ông tự hỏi tôi là ai không?

Người thợ quan sát đức vua thật kỹ, rồi lắc đầu. Đức vua bật cười, đôi mắt ngài toát lên vẻ hiền hậu. Ngài nói:

– Ta là người đang trị vì đất nước này.

Người thợ đúc lò hết sức ngạc nhiên. Ông ta vội sụp xuống thi hành nghi lễ trước đức vua. Để phá vỡ không khí yên ắng đang bao trùm, đức vua hỏi:

– Ông có muốn ta ban cho ông món quà gì không?

Người thợ cảm tạ ân đức của nhà vua. Nhưng rồi với giọng từ tốn, ông nói:

– Ngài đã không quản đường sá xa xôi, không ngại hầm lò nóng bức, tăm tối và cũng không chê những bữa ăn đạm bạc mà đến đây làm bạn cùng tôi. Từ trước đến nay, chưa ai đối xử tốt với tôi như ngài. Ngài đã trao tặng cho tôi một món quá quý giá hơn mọi ngọc ngà châu báu trên thế gian này rồi. Một lần nữa, xin cảm ơn tình bạn vô giá mà ngài đã bạn tặng cho tôi! (INTERNET).

___________

CHÚT SUY TƯ

TÌNH BẠN VÔ GIÁ

ĐỨC VUA:

Sống có trách nhiệm: “Ngài hết lòng chăm lo cuộc sống của nhân dân và luôn mong muốn thần dân được ấm no, hạnh phúc”.

Sống có bản lĩnh: “Thế nhưng, đức vua vẫn không thay đổi quyết định”.

QUAN LẠI TRONG TRIỀU:

Như thói đời, luôn đo lường lòng người bằng vật chất:  “Nghe vậy, rất nhiều quan lại trong triều can gián vì họ sợ người thợ nghèo kia có thể sẽ lợi dụng lòng tốt của đức vua để cầu xin tiền bạc, chức tước”.

Có khi suy bụng ta ra bụng người, nơi quan trường tranh giành chức quyền, cấu xé lẫn nhau. Có câu “con cáo nó tưởng ai cũng ăn gà như nó”.

NGƯỜI THỢ ĐỐT LÒ:

Một con người chân chất: “Đức vua cảm thấy quý mến tính chân thành và sự từng trải của người thợ đốt lò”.

Không lợi dụng tình bạn để được đổi đời. – Ông có muốn ta ban cho ông món quà gì không? Người thợ đốt lò bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình không phải vì lười biếng không muốn vươn lên, mà ông chỉ muốn tiến thân bằng chính đôi tay làm việc của mình chứ không phải lợi dụng người khác, nhất là khi người ấy là một người bạn đầy quyền thế.

Nếu đức vua là người bạn thân thâm căn cố đế, tìm cách giúp bạn nghèo mà không cần bạn lên tiếng, điều đó chắc người thợ đốt lò sẽ có thể nhận quà khi thật sự cần thiết. Nhưng, ở đây, người bạn hôm nay là người bạn xa lạ mới xuất hiện bất ngờ gần đây, người bạn ấy giờ đây lại tự cho biết là vua, sự giúp đỡ ở đây lại là chuyện “xin-cho”, “Ông có muốn ta ban cho ông món quà gì không?” dù điều đó xuất phát từ lòng tốt của vua, nó vẫn mang ý nghĩa một sự ban ơn của kẻ trên đối với người dưới. Người thợ lò muốn dừng lại ở những giá trị đích thực của một tình bạn trong sáng, đó là sự chia sẻ và đồng hành chân thành, không gợn đục vì lợi lộc bản thân, hay mang màu sắc thứ tình bạn bang giao “hai bên đều có lợi”.

TÌM ĐẾN  ĐẾN MỘT TÌNH BẠN VÔ GIÁ

Ta học được đặc biệt nơi người thợ đốt lò cách sống thật đáng trân trọng:

Biết nhận vào.Từ trước đến nay, chưa ai đối xử tốt với tôi như ngài. Ngài đã trao tặng cho tôi một món quà quý giá hơn mọi ngọc ngà châu báu trên thế gian này rồi”.

Biết cho đi. “Khi biết nhận cũng là biết cho đi”. Người thợ đốt lò đã nhận một tình bạn vô giá mà đức vua ban tặng: “Một lần nữa, xin cảm ơn tình bạn vô giá mà ngài đã bạn tặng cho tôi!”. Thì cũng thế, đức vua cũng nhận được một tình bạn vô giá từ  một người chân thành như lòng đức vua quý mến.

Biết dừng lại. Người thợ đốt lò biết dừng lại đúng lúc để gìn giữ tình bạn trong sáng. Tất cả rất có thể sẽ đổi thay khi người thợ đốt lò nhận món quà của vua.

Hãy hình dung người thợ đốt lò bổng dưng giàu sang vì nhận quà tặng của vua, vàng bạc châu báu, hay chức tước địa vị nào đó. Nhiều quan lại sẽ soi mói, bàn tán việc làm của đức vua, lời ra tiếng vào trong triều, thí dụ như “Hắn ta làm được gì mà hưởng ơn mưa móc như thế?” – “Đất nước này đâu chỉ một mình ông ta nghèo?”… Hay những người quen biết với người thợ đốt lò cũng không khỏi tò mò, nói thêm nói bớt, tưởng tượng ra bao nhiêu điều có ra không, không ra có, bịa đặt ra bao nhiêu chuyện bí ẩn về sự giàu có đột ngột của người thợ đốt lò, liệu người thợ đốt lò có yên thân không, uy tín đức vua có như trước không, tình bạn có còn trong sáng và cao đẹp không, đức vua có bị áp lực từ nhiều phía để đổi thay cái nhìn tích cực về người thợ đốt lò không?

Ta đọc thấy lòng tự trọng và chân thành của người thợ đốt lò, và cũng nhận ra sự âm thầm gìn giữ uy thế cho người bạn đức vua mà người đốt lò rất cảm phục.

Vâng, người thợ đốt lò từ chối món quà của vua, việc làm đó cũng chính là trao tặng cho đức vua một món quà đầy ý nghĩa. Món quà thiêng liêng mà đức vua trước đó có thể chưa cảm nhận được.

Vua chúa giàu sang, những kẻ cầm quyền trần thế, hay thường tình thói đời… có khi chỉ biết đo lường mọi thứ bằng tiền bạc, trong cuộc đời này còn có biết bao người trọng nhân trọng nghĩa, sống biết quý trọng những thứ tình cao quý – như Tình Bạn trong câu chuyện hôm nay chẳng hạn – nên mới còn đó những từ ngữ hy sinh, chia sẻ, cảm thông, đồng hành… mà tiền bạc, châu báu, ngọc ngà không xóa được, vì trước tiên, nó không đủ mạnh để xóa mờ lương tri của những con người thành tâm thiện chí.

– Ngài đã không quản đường sá xa xôi, không ngại hầm lò nóng bức, tăm tối và cũng không chê những bữa ăn đạm bạc mà đến đây làm bạn cùng tôi. Từ trước đến nay, chưa ai đối xử tốt với tôi như ngài. Ngài đã trao tặng cho tôi một món quá quý giá hơn mọi ngọc ngà châu báu trên thế gian này rồi. Một lần nữa, xin cảm ơn tình bạn vô giá mà ngài đã bạn tặng cho tôi!

MAI NHẬT THI

Bài liên quan

Back to top button