Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Từng ngày nao, nồng-nàn từng câu ca dao” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần thứ 7 mùa Thường niên năm A 19/02/2017

“Từng ngày nao, nồng-nàn từng câu ca dao”,

Từng ngày lặng-lẽ sống với kỷ-niệm ngọt ngào.
Mình quên những giấc chiêm bao.
Qua rồi một thời yêu đương sớm tối
Giữa thênh-thang bầu trờ, nắng gió muôn nơi.”
(Nguyễn Hải Phong – Giòng Thời Gian)

(Mt 5: 12)

Với nhiều người, quả y như rằng: đời mình là như thế đấy. Với một số người khác, thì: cũng qua rồi “một thời yêu đương sớm tối giữa thênh-thang bầu trời”, rất khôn nguôi.

Với tất cả mọi người, thì: cuộc đời người thường có nghĩa: “giữa thênh-thang bầu trời”, người thời nay không còn nhìn thấy “một thời yêu thương sớm tối” nữa, thì làm sao thấy được cuộc sống xã hội hôm nay, ngày ngày gặp toàn chuyện trái khuấy, kỳ lạ như nhận-định của ai đó trên mạng vi-tính có những lời lẽ sau đây:

“Xã hội này lạ lắm! Con người nay vui lắm. Giới bác-sĩ, thì chỉ muốn con bệnh mình cứ bệnh mãi, bệnh hoài để còn tìm đến mà chữa-trị. Lớp kỹ-sư, lại cứ muốn đồ đạc trong nhà/ngoài ngõ cứ bị hư. Thợ làm răng, lại những muốn người bị bệnh rang sâu, sứt mẻ hoặc vỡ/bể để còn làm những bộ rang giả khá đắt tiền. Đến như thày/cô, lại vẫn cứ mong sao cho đám trẻ mãi mãi khờ-khạo cứ là dễ bảo, để dạy kèm tăng học-lực. Thợ xây-dựng, thì cứ muốn nhà cửa hư-hỏng suốt, để còn xây thêm và chữa mãi không thôi. Chủ tiệm áo quan vẫn muốn nhiều người chết tốt, để bán hòm. Duy, có mỗi tay ăn trộm lại cứ muốn mọi người khấm khá hơn xưa để có cơ-hội mà thăm viếng, kiếm chút cháo… Thế đó, là xã hội thời hôm nay và mai ngày, cứ thế mãi.”

Thế, Giáo hội phụng thờ Đức Chúa, thì sao?

Vâng. Đây là câu-hỏi tuy nghe nhiều vẫn thấy hay hay, nên trả lời cho đúng đắn! Trả lời vấn-nạn ở đây, quả thật không dễ. Không dễ chút nào, bởi: hôm nay đây, trong lòng Hội thánh Công-giáo được tiếng là “Giáo-hội duy-nhất, thánh-thiện và tông-tryền”, rày đã thấy có dấu-hiệu rạn-nứt/bất-đồng giữa một số hồng-y giáo-chủ và Giáo-hoàng cùng một gốc gác với Giáo Tông, Giáo . Không tin ư?

Vậy thì, mời bạn và tôi, ta cứ để mắt nhìn vào một vài sự-kiện mới xảy ra ở La Mã, rất Vaticăng.  

Nhưng, trước khi đi vào tìm hiểu chi-tiết về một “rạn-nứt/bất-đồng trong Giáo hội, cũng mời bạn và tôi, ta nghe tiếp nhạc-bản vừa trích-dẫn để có hứng mà bàn cho kỹ. Nhạc bản “Giòng Thời-gian” lại có những ca-từ đầy thi-tứ như sau:

Thời gian qua đi… bộn bề nhiều lần suy nghĩ…
đời ngọt ngào thì đôi khi…
Tình yêu nơi đâu…
vội vàng tìm hoài không thấu…
Thôi… dừng làm chi… rồi lại đi…
Bao nhiêu năm rồi làm gì và được gì…
ngày tháng sao vội đi đôi khi không như ý…
trôi qua bao nhiêu năm nữa có lẽ ta không ngây ngô… như bây giờ…
Bao nhiêu cho vừa, từng ngày và từng giờ…
cành lá sao lặng im như thôi…
không mong nhớ…
cho ta bao nhiêu năm nữa có lẽ bao nhiêu đây thôi…
Cho ta nhìn thời gian trôi… “
(Nguyễn Hải Phong – bđd)

Rồi cứ thế, ca từ của bài hát cứ nhẩn nha đưa ta về cõi đường dài, “nhiều chông gai” có những “tháng ngày buồn ở lại”, ngày vui mau phai” có “cơn đau nặng nề”, “khốn khó lê thế”… rất như sau:

“Đường còn dài… và còn nhiều hơn chông gai…
Rồi thì lặng lẽ những tháng ngày buồn ở lại…
ngày vui dễ lắng… mau phai…
Mai về nhìn lại cuộc đời vui ghê…
về nhìn lại yêu thương vẫn thế…
giữa cơn đau nặng nề…
khốn khó lê thê…
Thời gian qua đi…
bộn bề nhiều lần suy nghĩ…
đời ngọt ngào thì đôi khi…
(Nguyễn Hải Phong – bđd)

Vâng. Cuộc đời người là như thế. Thế nhưng, bên trong Giáo hội Công giáo hôm nay, cũng thấy xuất-hiện “nhưng cơn đau nặng nề, lê thê, khốn khó. Khốn và khó, nhưng bài viết bên dưới từng bật mí những bí mật sau đây:

“Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại khiến cho các viên chức Vaticăng ngỡ ngàng khi ngài chúc mừng Giáng sinh 2016 bằng lời loan báo sẽ có cải-tổ Giáo-triều Rôma và cái-gọi-là “những hành-xử đầy cởi mở”, “việc giấu diếm” và các loại ảnh-hưởng xấu xuất tự chống-đối đang gặp.

Ngỏ lời với các hồng-y và giới chức lão-thành của Giáo-triều Rôma tập-họp tại Vaticăng hôm ấy, Đức Phanxicô nói: sở dĩ có sự cải-tân Giáo triều này là do yêu-cầu của các hồng-y từng bàn-thảo trước mật-hội năm 2013. Đức Giáo-hoàng có liệt-kê 12 tiêu-chuẩn hướng-dẫn công-cuộc cải-tổ này và ngài cũng nói đến “ba thể-loại phản-chống” mà Giáo-hội đang gặp. Và, để trả lời với những người cho rằng cuộc cải-tổ này sẽ thành-tựu một cách không đáng kể và các vị ấy cũng chỉ đưa ra một số tiến triển không là bao.

Đây là năm thứ 3 qua đó vị Giáo Hoàng người Argentina này đi sâu vào khía cạnh chính cuộc sống của Giáo triều Rôma, tức dịch-vụ dân-sự của Giáo hoàng. Năm 2014, ngài có vạch ra “15 căn bệnh” hoặc “yếu điểm” mà các giới chức trong Giáo triều đang gặp. Năm 2015, ngài lại đưa ra các phương thuốc giải-trừ cho các tật bệnh này bằng cách liệt kê danh-sách các đặc-tính thiết-yếu mà Giáo-triều cần nắm vững để trau-dồi.

Năm nay 2016, Đức Phanxicô lại đóng khung cuộc nói chuyện của ngài quanh vấn-đề linh-đạo nhập-thể. Nhân lúc diễn-tả Giáng Sinh như lễ hội của “tình thương yêu khiêm-hạ của Thiên Chúa” đặt nặng lên lập-luận đầy khoa-học-tính của con người, ngài nhắc mọi người rằng: Thiên Chúa chọn sinh ra trong cảnh thấp hèn, vì Ngài muốn mọi người yêu mến Ngài” và vốn dĩ là người bé nhỏ, mỏng dòn, yếu ớt nên không ai cảm thấy xấu hổ khi đến với Ngài, không ai hãi sợ Ngài hết.

Đức Phanxicô nói: lập-luận đầy khoa-học của Thiên-Chúa hối-thúc lập-luận đầy lý lẽ của thế-gian, thứ lập-luận của quyền-lực, đội binh, rất Pharisêu, đầy cơ-hội hoặc xác-định. Đức Giáo hoàng còn nói rõ rằng đây là thứ lập-luận thật sự tạo sức sống cho Giáo-triều Rôma và củng-cố việc cải-tổ rất cần-thiết…

Ngài nêu rõ: “Cải tổ” có nghĩa “thuận theo” tin vui an bình của Lời Chúa trong Phúc Âm vốn dĩ phải được công-bố một cách vui tươi đầy can-đảm cho hết mọi người, đặc-biệt là người nghèo và những người bị loại trừ khỏi xã-hội họ đang sống, “phù hợp với các dấu chỉ của thời-đại để ta có thể đáp trả một cách tốt đẹp với nhu-cầu của nam nhân và nữ phụ hôm nay. Điều đó còn có nghĩa “phù hợp” với thừa-tác-vụ của người kế vị thánh Phêrô và hỗ trợ ngài trong chức vụ quan-yếu này…

Đức Phanxicô còn cho biết: công-cuộc cải-tổ chỉ thành-tựu một cách hiệu-năng nếu được các giới chức đã “cải-tân” chứ không phải các quan-chức mới vào làm. Bởi lẽ, thay đổi nhân-sự không thôi cũng chưa đủ. Cần thiết phải “cải-tân các thành-viên của Giáo-triều cả về mặt linh-thiêng, nhân-bản lẫn chức-nghiệp” nữa. Nếu không có sự “hồi hướng trở về của các vị” này và nếu không chịu “thanh-sạch-hoá thường-xuyên”, thì không thể có cải-tổ được.

Trong cải tổ, ta luôn gặp các khó khăn, đó là chuyện bình thường và cũng an lành nữa; và ngày hôm nay những việc như thế đều gặp phải “nhiều thể-loại chống-đối” vừa theo cách cởi mở, công khai hoặc có ác ý cũng không chừng…” (X. Gerard O’Connel, Pope Francis speaks about the Reform of the Roman Curia and the Resistance to it, Dispatched 22/12/2016)

Nói cho cùng, thì: cải-tổ nào cũng gai góc, sơ cứng và đôi khi rất khó chịu. Riêng với Giáo hội Công-giáo, 50 năm về trước cũng đã có một cải tổ khá lớn rộng cả một giáo hội qua cái-gọi-là “Công Đồng Vaticăng 2”, chứ không chỉ mỗi Giáo triều Rôma mà thôi; thế nhưng, sau 50 năm có lẻ, mọi chuyện cứ “y nguyên”, vẫn như cũ.

Thành thử, cứ như ca từ của nhạc-bản ta vừa hát, cũng nên lập lại đôi ý-từ cùng ý-tứ những nhắn nhủ mọi người bằng giòng nhạc, cứ hát rằng:

“Tình yêu nơi đâu…
vội vàng tìm hoài không thấu…
Thôi… dừng làm chi… rồi lại đi…
Bao nhiêu năm rồi làm gì và được gì…
ngày tháng sao vội đi đôi khi không như ý…
trôi qua bao nhiêu năm nữa có lẽ ta không ngây ngô… như bây giờ…
Bao nhiêu cho vừa từng ngày và từng giờ…
cành lá sao lặng im như thôi
không mong nhớ…
cho ta bao nhiêu năm nữa có lẽ bao nhiêu đây thôi…
Cho ta nhìn thời gian trôi…”
(Nguyễn Hải Phong – bđd)

Cứ “nhìn thời gian trôi”, rồi sẽ thấy nhiều thay-đổi. Cứ tìm “Tình yêu nơi đâu”, “vội vàng tìm hoài không thấu”, rồi cũng thấy “bao nhiêu năm rồi làm gì và được gì…” và cứ thấy “ngày tháng vội đi khi không như ý”,… Bởi, Giòng thời gian cứ thế trôi qua, dù con người có phản-chống, cải-tổ hoặc làm gì đi nữa.

Nói thế không để bảo rằng: ta cứ thế mặc kệ mọi chuyện ciễn tiến trong/ngoài xã-hội và giáo-hội. Nói thế, chỉ để nói rằng: thời gian cuộc đời người còn trôi nhanh hơn mọi người tưởng. Thế nên, hay nhất là ta cứ vui hưởng cuộc sống rất hiện tại, dù mai ngày có ra sao, tích-cực hoặc tiêu-cực.

Nói thế, để đề-nghị với bạn và với tôi, ta lại sẽ đi vào vùng trời thánh-hiến có những Lời Vàng của đấng thánh-hiền từng bảo ban như sau:

“Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời
thật lớn lao.”

(Mt 5: 12)

Hãy vui mừng và hớn hở, còn là và sẽ là những gì ta gặp không chỉ là phần thưởng ở trên trời mà thôi. Nhưng đã tỏ hiện ngay tại đây, lúc này ở Nước Trời Hội thánh hôm nay, trong đó mọi người không còn “đi tìm” tình-yêu nữa. Nhưng đã thấy và thực hiện tình yêu ấy cho nhau, suốt mọi ngày, trong đời.

Quyết thế rồi, nay mời bạn và mời tôi ta đi vào vườn hoa châm ngôn và truyện kể để sẽ thấy rằng “giòng thời gian” từng làm cho con người sống vui tươi, hớn hở dù lâu nay trải qua nhiều đoạn đường dài khắc khổ, sầu muộn đến chán nản.

Châm ngôn và truyện kể ở trong đời là những kinh nghiệm từng trải mà người đi trước viết lại cho người đi sau để thưởng lãm, suy-tư hầu có quyết-tâm sống những ngày dài sắp xảy đến. Châm ngôn và truyện kể, còn là những kể lể về thời gian trải dài trong cuộc sống, vẫn “cần đến một chữ duyên” như sau:

CUỘC SỐNG CŨNG CẦN MỘT CHỮ DUYÊN
1. Giữa người với người, có thể gần, cũng có thể xa.
Giữa việc với việc, có thể phức tạp, cũng có thể giản đơn.
Giữa tình cảm với nhau, có thể sâu, cũng có thể cạn.
2. Đừng mong cầu mọi người đối xử với mình đặc biệt, cũng chẳng nên hy vọng họ sẽ bớt đi những toan tính.
3. Cuộc sống có người nói ít làm nhiều, cũng sẽ có kẻ chỉ biết hoa chân múa tay. Bạn không nên quá bận lòng, chỉ cần quản tốt việc của bản thân, còn lại mọi việc hãy thuận theo nhân duyên.
4. Đức Phật từng nói: Với người không có duyên, dù bạn nói bao nhiêu lời cũng là thừa; còn như đã hữu duyên thì chỉ cần xuất hiện, bạn cũng có thể đánh thức mọi giác quan của họ.
5. Có một số việc, vừa phân trần trắng đen đã trở thành quá khứ.
Có một số người, giận hờn vài ngày đã trở thành dĩ vãng.
Có những nỗi đau, vừa cười lên đã tan thành bọt nước.
Có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường.
Cuộc sống cũng cần một chữ Duyên
6. Đôi khi hôm nay là việc lớn, ngày mai nhìn lại chẳng có gì đáng kể. Năm nay quan trọng, sang năm sẽ trở thành thứ yếu. Chuyện vĩ đại đời này, đời sau người ta gọi là truyền thuyết.
7. Chúng ta, nhiều nhất cũng chỉ là câu chuyện của một người. Vì thế trong cuộc sống hay công việc, nếu gặp chuyện không vừa ý, hãy nói với bản thân: “Hôm nay sẽ qua đi, ngày mai rồi cũng đến, hãy buông bỏ tất cả để bắt đầu ngày mới!”
8. Trên đời, có một số việc không phải không để tâm, mà để tâm cũng không làm được gì hơn.
9. Cuộc sống không có “Nếu Như”, chỉ có “Hậu Quả” và “Kết Quả”
10. Đón nhận đời mình như thế nào là do bản thân lựa chọn, người khác không thể quyết định thay.
11. Trưởng thành rồi, bạn sẽ biết cách lấy nụ cười đối diện với tất cả.”
(tác giả ST Sưu tầm)

Nói cho cùng, thì “Giòng thời gian” là giòng chảy gồm nhiều giai-đoạn của cuộc đời làm nên đời người. Giòng chảy ấy, có tốt có xấu, có cả những sự và việc khiến mọi người như bạn và tôi đồng ý hay bất ưng, vui vẻ hay sầu buồn. Tất cả, vẫn chỉ là một quyết tâm. Quyết tâm sống những chuỗi ngày còn lại sau khi gặp nhiều sự việc diễn tiến trong đời mình.

Quyết thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta cứ hiên ngang ngẩng đầu nhìn về đằng trước rồi se sẽ hát những ca-từ vừa trích dẫn ở trên mà rằng:

“Đường còn dài… và còn nhiều hơn chông gai…
Rồi thì lặng lẽ những tháng ngày buồn ở lại…
ngày vui dễ lắng… mau phai…
Mai về nhìn lại cuộc đời vui ghê…
về nhìn lại yêu thương vẫn thế…
giữa cơn đau nặng nề…
khốn khó lê thê…
Thời gian qua đi…
bộn bề nhiều lần suy nghĩ…
đời ngọt ngào thì đôi khi…
(Nguyễn Hải Phong – bđd)

Vâng. Đường đời vẫn còn dài, nhiều chông gai. Dù đó có là “những tháng ngày buồn” gì đi nữa, hãy cứ trông cậy vào “Giòng thời gian” cứ tuôn chảy mãi không thôi. Tuôn chảy rồi, sẽ thấy cuộc đời vẫn êm ả như những tháng ngày buông trôi thời thơ ấu, rất nên thơ.

Trần Ngọc Mười Hai
Và ý-nghĩ thoáng qua
Khi kịp nghe bài hát Giòng thời gian
Của Nguyễn Hải Phong
Rất thường tình.

Bài liên quan

Back to top button