Quán ven đườngTrà Đá Đường

Chết vì nghe giảng dai

Peter Tuyên Trần:
Mời đọc bài ăn cắp.
Nghe giảng nên ăn bắp.
Nhai nuốt ngon tới tấp
Tránh ngủ gục chết gấp.
Amen

Chết vì nghe giảng dai:
Câu chuyện anh Êutykhô
(Cv 20,7-12)

Nghe Phaolô giảng, anh Êutykhô buồn ngủ, té từ lầu xuống đất mà chết! Đây là trình thuật rất được yêu thích của những ai cho rằng thánh lễ thật tẻ nhạt. Nhưng nó cũng cho phép chúng ta tỏ ra khoan dung hơn với các linh mục. Vì sao? Vì xem ra bài giảng của Thánh Phaolô dường như có… nhiều lượng thuốc ngủ hơn!

Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em, và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm.8 Có khá nhiều đèn ở lầu trên, nơi chúng tôi họp nhau.9 Một thiếu niên kia, tên là Êutykhô, ngồi ở cửa sổ, đã thiếp đi và ngủ say trong khi ông Phao-lô vẫn cứ giảng. Vì ngủ say, nên nó ngã từ tầng thứ ba xuống. Vực lên, thì nó đã chết.10 Ông Phao-lô xuống, cúi mình trên nó, ôm lấy và nói: “Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà! “11Rồi ông lên, bẻ bánh và ăn. Ông còn nói chuyện khá lâu, mãi đến tảng sáng mới ra đi.12 Người ta đưa cậu bé đang sống về, và ai nấy được an ủi không ít.
(Cv 20,7-12)

Thật khó tin! Phaolô nói dai đến độ có người mệt quá, ngủ gục mà chết! May thay, câu chuyện kết có hậu với việc cậu thiếu niên được sống lại. Nhưng rồi sau đó thì Phaolô lại tiếp tục nói … cho đến sáng !

Biến cố xảy ra “vào thứ nhất trong tuần”, ngày mà các kitô hữu cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu. Đối với người Do Thái, ngày bắt đầu vào lúc mặt trời lặn. Như vậy, chúng ta đang ở vào tối thứ bảy, bắt đầu bữa ăn của Thiên Chúa. Bữa ăn này là nguồn gốc của cử hành thánh thể: Gồm có việc bẻ bánh, thường kèm theo bữa ăn được chia sẻ (c. 11), cầu nguyện (Cv 2,42), rao giảng và trò chuyện (c. 9-11).

Đừng quên rằng các Kitô hữu sơ thời không có nhà thờ, không có những công trình dành riêng cho các cuộc hội họp. Thiện nam tín nữ họp nhau tại các ngôi nhà tư nhân. Trong trình thuật, ta thấy cuộc họp diễn ra tại «lầu trên» của một trong  những căn nhà này. Ta cũng thấy một «phòng trên lầu» ở đoạn đầu sách Tông đồ công vụ (1,13) khi các tông đồ, Đức Maria và các anh em Chúa Giêsu hội họp lại nhau để cầu nguyện, và trong Tin Mừng Luca (22,2) để tổ chức bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu.

Trong khi Phaolô mãi trò chuyện thì một thiếu niên tên là Êutykhô buồn ngủ, từ cửa sổ lầu trên rớt xuống đất mà chết (Kinh nghiệm cho những ai nghe giảng mà không ngồi ngay ngắn trong nhà thờ!). Trình thuật không nói nhiều về các chi tiết cũng như nỗi kinh hoàng của tai nạn. Nó nhấn mạnh đến hành động của Phaolô: Ông đi xuống, nghiêng mình (èpépesen) trên  người thiếu niên và ôm lấy anh. Rồi, theo như một bản dịch sát nghĩa, ông nói: «Hồn nó vẫn còn trong nó».

DP812361

Thánh Phaolô ban lại sự sống cho anh Êutykhô 
Tranh của Taddeo Zuccaro (1529–1566), Metropolitan Museum of Art, New York

Vài trình thuật song song

Ta có thể so sánh sự phục sinh này do Phaolô thực hiện với sự phục sinh của bà Tabitha do Phêrô thực hiện (Cv 9,36-43). Cả hai trình thuật đều chứng minh rằng các môn đệ, ở đây là Phêrô và Phaolô, tiếp nối hành động của Chúa Giêsu là đấng đã thực hiện nhiều sự phục sinh, nổi tiếng nhất là phục sinh cho Lazarô. Hơn nữa, về nhiều khía cạnh, sự phục sinh của Êutykhô nhắc lại câu chuyện con gái ông Jairô (Mc 5,39). Như vậy, sự phục sinh của Êutykhô chứng tỏ rằng Phaolô đúng là  môn đệ của Chúa Giêsu vì ông cũng có thể thực hiện những phép lạ và ban lại sự sống như Chúa Giêsu đã làm.

Ta thấy trong Cựu Ước có sự giống nhau giữa hai ngôn sứ Êlia và Êlisê: Êlia là thầy, ông thực hiện những hành động đầy quyền năng. Hãy đọc lại 1 V 17,17-24:

17 Sau các sự việc đó, đứa con trai của bà ngã bệnh. Bệnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở.18 Bà nói với ông Ê-li-a: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết? “19 Ông Ê-li-a trả lời: “Bà đưa cháu cho tôi.” Ông bồng lấy đứa trẻ bà đang ẵm trong tay, đem lên phòng trên chỗ ông ở, và đặt nó nằm lên giường.20 Rồi ông kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao? “21Ba lần ông nằm lên trên đứa trẻ, và kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó! “22 ĐỨC CHÚA nghe tiếng ông Ê-li-a kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống.23 Ông Ê-li-a liền bồng đứa trẻ từ phòng trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó, và nói: “Bà xem, con bà đang sống đây! “24 Bà nói với ông Ê-li-a: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời ĐỨC CHÚA do miệng ông nói ra là đúng.”

Hai trình thuật có nhiều yếu tố chung: người chết là một đứa con trai, phòng trên lầu, người của Thiên Chúa, sự đụng chạm thể lý vào đứa trẻ chết, kết thúc với sự sống lại. Hành động của Êlia  khẳng định căn tính mình là người của Đức Chúa và có nhiệm vụ rao truyền lời Chúa cho người khác.

Khi Êlia chết, vai trò của ông là người của Đức Chúa được chuyển giao cho Êlisê, người cầm lấy tấm áo choàng của Êlia và theo đuổi sứ mệnh của ông. Trong 2 V 4,8-37, Êlisê ban lại sự sống cho một cậu bé trai đã chết trong một trình thuật có nhiều điểm tương đồng với trình thuật của Êlia. Điều đó khẳng định Êlisê là người nối nghiệp của Êlia vì có thể thực hiện những điều lạ lùng.

Đối với Phaolô cũng vậy: khi làm cho một người sống lại, ông chứng tỏ mình là người kế tục Chúa Giêsu. Cái chết của Êutykhô không chỉ là một tai nạn mà là dịp để chứng tỏ  những điều kỳ diệu của Thiên Chúa. Những điều kỳ diệu này diễn ra trong một cộng đoàn nhỏ, do hành động của Phaolô, người được cho là có cùng quyền năng như Chúa Giêsu, Êlia và Êlisê.

Sébastien Doane
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Bài liên quan

Back to top button