Quán ven đườngTrà Đá Đường

Cô bạn học ngày xưa

Nguyễn Toàn Đông

Vào bài: Dịp trở lại thăm quê lần này, điều quá ngở ngàng là ngôi trường Tống Phước Hiệp xưa không còn một dấu vết nào. Đây là biểu tượng di sản văn hóa, giáo dục và là niềm tự hào muôn thuở của Vĩnh Long… Nay, người ta đã thay thế ngôi trường cũ bằng một khu nhà mới xây xa lạ. Xin gởi những dòng này như một ghi nhớ về ngôi trường cũ.

Ảnh từ Internet

Niên khóa 70-71, chúng tôi học lớp 12 ở trường Tống Phước Hiệp. Ngày học, lội bộ chừng mười lăm phút là tới. Vừa vào cổng, quẹo trái. Một lối đi rộng rải tráng xi măng dẫn đến đầu hồi dãy lớp chính. Lối đi cặp theo một ngôi nhà nhỏ, gọn. Bên trong chia làm ba (?): Nơi gác cổng; nơi chăm sóc y tế; phần cuối dành cho Hội Phụ Huynh Học Sinh. Lúc đó, thầy Mai Phùng Võ làm hội trưởng. Giữa chừng đoạn đường còn lại, có một cây đa to. Tàng lá râm bóng mát suốt ngày.

Thời trước, các trường học do người Pháp xây dựng đều có nét giống nhau từ cổng trường đến các lớp học. Một người từ dưới quê chân chất nhìn thấy khuôn viên thì biết ngay đó là trường học. Bên trong, những ngôi nhà vững chải, những dãy phòng trang nghiêm, được bao quanh bởi tường rào xây cao và kín đáo để học tập. Cổng trường là những cánh cửa sắt phía nửa phần dưới. Phần trên là những song sắt to, cân đối với phần còn lại. Hai cánh cửa chính gắn vào hai trụ xi măng hình khối vuông kiên cố. Hai bên cổng chính là hai cổng phụ. Hình dáng cũng giống cửa chính với tỷ lệ nhỏ hơn; và chỉ có một cánh. Ngày ấy, học trò chúng tôi hằng ngày đi học thường xứ dụng cổng phụ bên trái là bên có người gác.

Bây giờ, ngồi nhớ lại những chuyện 48 năm trước; có chuyện nhớ chuyện quên. Được biết, trước năm 1972, trường Tống Phước Hiệp hầu như còn nguyên trạng… Con đường mặt tiền của ngôi trường là đại lộ Gia Long, số 106. Bước vào cổng trường, sẽ nhìn thấy ngay ở giữa sân một tòa nhà hai tầng trên nền gạch cao chừng hơn kém một mét. Tầng một gồm văn phòng thầy Hiệu trưởng, văn phòng các thầy cô giám thị và phòng sinh hoạt cho các giáo sư. Tầng trên lầu là phòng Khánh Tiết. Dãy phòng học chính chạy suốt chiều dài sân trường, phía tay trái, nếu đứng đối diện với tòa nhà chính giữa sân. Dãy lớp kia, ngắn hơn nằm phía sau phòng Khánh Tiết, nối với cánh trái thành chữ L. Bên tay phải là ngôi nhà dành cho gia đình thầy Hiệu trưởng. Năm đó, vị Hiệu trưởng là thầy Đào Khánh Thọ. Kể tiếp theo đó là một dãy phòng học khác, đơn giản hơn. Điều này tôi đọc được trên mạng mà vẫn còn chưa nhớ ra (!). Hai bên cổng là những gian phòng nhỏ như kể trên. Vài gian bên phải ngay sau cổng trường có lẽ thời Tây gọi là préaux (nhà chơi). Các khoảng sân còn lại đều rộng rải vì mỗi cuối năm học, trường tổ chức một ngày cắm trại qua đêm cho học sinh ngay trong sân trường. Dọc theo các lối đi chính đều có cây xanh, đăc biệt là những cây phượng đỏ.

___ ___ ___

Năm 1970, cha Antôn Ngô văn Thuật, từ khu B qua làm Giám đốc khu A. Cha đã đưa ra những quyết định làm thay đổi gương mặt Chủng Viện mà tôi nghĩ là từ thuở khai sinh.  Đầu tiên là Chủng viện được mở trường, trở thành một trường Trung Học Tư Thục. Bảng hiệu “Trường Trung Học Tư Thục Chủng Viện” được trang trọng dựng lên nơi cổng vào phía bên hông nhìn qua trường Nguyễn Thông. Gian phòng học rộng nhất khu A lúc đó được chọn làm Thư viện. Phải mua hầu như tất cả sách mới bằng chữ Việt. Thư Viện cũ, ở ngay góc cầu thang phía đường Trưng Nữ Vương thì quá nhỏ. Hầu như không có sách Việt. Mà các sách tiếng Pháp thì đa số là của văn chương Pháp. Đó là những quyển sách bỏ túi (Livre de poche) cũ xưa. Còn nhớ, chỉ có bộ sách hình mà bọn nhí chúng tôi cứ coi tới coi lui, dù không hiểu hết chữ Pháp. Đó là bộ Tintin et Milou. Và một số sách nào đó mà tôi cũng không còn nhớ ra. Chứng tỏ bọn chúng tôi chưa hiểu Thư viện là gì. Từ khi có Thư viện mới, không lúc nào là vắng người đọc. Nếu không đủ chỗ ngồi thì đứng đọc. Không khí mê đọc sách sinh động hẳn lên. Thư viện chính là trung tâm vãng lai của chúng tôi thời đó.

Chiếc áo dài đen “lịch sử”, biểu tượng tưởng chừng bất di bất dịch của học trò trường La tinh, nay dẹp bỏ. Cũng không còn đồng phục áo trắng quần tây trắng với chiếc bê rê trên đầu (!). Còn nhiều thay đổi khác. Nhưng thay đổi táo bạo cuối cùng là cho lớp 12 ra học Tống Phước Hiệp. Ngoài lý do trước mắt là được học tập có phương pháp và khoa học, đây là sự thay đổi hoàn toàn cái nhìn của bề trên về môi trường giáo dục; từ một môi trường cách biệt, xa rời “thế gian” sang hướng ngược lại: Chung sống với “ngoài đời”.

Những năm đầu tiên bên Mỹ, tôi ngạc nhiên về cách tuyển chọn các Đại chủng sinh. Ngoài  những điều kiện nhất định như đức, trí và thể dục thì một điều kiện được cho là tất yếu, đó là đã qua thời có bạn gái rồi (?). Trong một Thánh lễ sáng Chúa Nhật nọ, nếu tôi nhớ đúng thì đó là Lễ Thánh Phaolô Trở Lại, trong phần chia sẽ Lời Chúa, vị chủ tế chỉ kể chuyện chính mình với cô bạn gái đã chia tay thế nào trong chuyến đi của hai người tới Lộ Đức (Pháp)!!. Và sau chuyến đi ấy, người thanh niên vừa chấm dứt mối tình kia mới đi xin làm Linh mục. Đáng nói thêm, theo câu chuyện do đương sự kể trong bài giảng, là nghề của anh trước đó là “người mẫu thời trang nam”. Và anh ta đang có hướng là đi làm diễn viên điện ảnh ở Hollywood. Hiện nay, vị linh mục trẻ này thuộc Tu Đoàn Nhà Chúa. Trụ sở chính ở Louisiana.

Cách nhìn nhận các giá trị như trên cho thấy quan niệm ngày xưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cấm kỵ duy ý chí. Nghĩa là cứ nghĩ rằng áp đặt sự cấm đoán bên ngoài để trấn áp là xong chuyện. Cứ nghĩ rằng ‘kênh xì po’ với kẻ thù lộ diện trước mắt là cách phòng thủ hay nhất. Nhưng thực tế cho thấy sát thủ giấu mặt luôn tiềm ẩn bên trong chính mỗi người mới là chổ sống chết. Câu nói của đệ tử với sư phụ rằng không hiểu tại sao nó cứ mắc nhớ con ‘ngổng’ nó gặp ngoài chợ mấy hôm trước là câu nói đầy mỉa mai theo quan niệm cũ.

___ ___ ___

Thế là chúng tôi lên đường. Đó là lớp 12C, niên khóa 70-71. Khối 12 A, B, C năm đó, tôi nhớ là 8 lớp, xử dụng các phòng trệt và lầu đầu hồi của dãy nhà chính. Mỗi ngày, khối đến lớp lúc 8 giờ sáng và ra về lúc 12 giờ. Tất cả học sinh đều lui tới bằng lối đi rộng thoáng duy nhất kể ở trên. Nói cũng không quá, đó là con đường hẹn hò vì mỗi ngày hai lần, ai ai cũng có thể gặp nhau. Không biết bao nhiêu ‘chuyện học trò’ đã xãy ra trên quãng đường này?

Học chung một lớp suốt năm thì tự nhiên thân quen nhau, nhất là nam với nữ; bạn này thân ít hơn, bạn kia thân nhiều hơn cũng là lẽ thường. Lớp có hơn kém bốn mươi học sinh thì sẽ là nửa nam nửa nữ. Còn nhớ những chuyện có thật mà không biết gọi là gì (?). Trong năm, mọi người đều ngồi có trật tự: Nam theo nam, nữ theo nữ. Đến khi còn chừng một tuần, mười ngày nữa là bãi trường thì những ai thích nhau cứ xách tập tới ngồi kề nhau (!). Mạnh ai nấy làm. Rồi còn chừng vài ngày cuối thì không ai chịu ngồi yên nữa. Người này lo ký tên vào sách, tập vỡ người khác. Có bạn chưa chịu còn viết lăng nhăng lên tay hay cả cánh tay người mình thích. Có Trời mới đọc được hết những câu lung tung này. Chưa kể những quyển “Lưu bút” dày cộm chạy rèn rẹt không kịp stop.

Có khi những chuyện đó có phần tức cười. Nhưng là những biểu hiện rất thật tình bạn bè với nhau khi năm học cuối cùng sắp kết thúc…

Một trong những ‘chuyện học trò’ của tôi cũng từ con đường có cây đa kia. Những ngày đầu chưa quen, tôi thấy hơi lạ lạ vì sao là nữ mà học ban B. Ban Toán bị coi là khó, dành cho nam sinh thì phải hơn? …  Rồi cũng đến một hôm,  chúng tôi gặp nhau. Chào hỏi rồi nói chuyện với nhau vài câu. Dần dần là những dịp khác nhau. Những câu chuyện có khi vu vơ. Nhưng là những cơ hội làm bạn với nhau tự nhiên hơn. Tên bạn là Ng. thị Kiêm D. Tôi hỏi sao chữ Kiêm lại có ê làm gì. D. cười nhỏ nhẹ trả lời là tại hồi làm giấy khai sinh người ta viết sai chớ thêm chữ ê làm gì! Rồi D. hỏi lại nhà tôi ở đâu. Tôi nói ở Chủng viện ra học thì D. liền cười nhẹ nhàng: “Vậy là con bà phước phải không? “… D. ít nói nhưng hoà nhã. Lúc chuyện trò luôn cười nhẹ nhàng theo câu nói. Phong cách ấy nơi một nữ sinh nhỏ nhắn, mảnh mai đã để lại nhiều suy nghĩ tốt và quý mến trong tôi.

Rồi ngày bãi trường cũng gần kề. Tôi hỏi để tới nhà thăm D. một lần được không bởi vì D. với tôi sẽ không còn dịp nào gặp lại. Cô bạn không do dự nói: “Nhà D. ở số 01. Đường Thoại Ngọc Hầu, sau lưng Tòa Giám Mục. Hôm nào rảnh tới nhe!. “Không biết D. có cố tình nhắc mấy tiếng Tòa Giám Mục cho tôi nghe chăng?

___ ___ ___

Câu chuyện nếu chấm dứt ở đây thì tôi cũng đã được thêm một người bạn quý trong số các bạn khác sau một năm học chung với nhau. Nhưng chuyện đời vẫn là… không biết trước được. Thì ra, D. và tôi lại gặp nhau trên Đà Lạt ngay sau mùa hè đó cho đến năm 75.

Đầu niên khóa 71- 72, Thảo (Bến Tre) và tôi được cha Giám đốc cho lên học Giáo Hoàng Học Viện. Trước đó hai năm, cha Viện trưởng GHHV đã có chương trình cho các lớp Triết được qua Viện Đại Học Đà Lạt thi lấy Chứng chỉ Triết nhằm lấy bằng Cử nhân Triết. Viện Đại Học Đà Lạt là Viện Đại Học Công giáo. Viện có tên là Đại Học Thụ Nhân. Lúc đó, vị Chưởng Ấn là Đức Giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang , GM Cần Thơ. Có lẽ nhờ vậy cũng được dễ dãi.

Viện Đại Học Thụ Nhân thời đó có Trường Chính trị Kinh doanh rất nổi tiếng. Năm ấy, tôi đã gặp lại nhiều bạn cũ Tống Phước Hiệp lên học Kinh doanh. Trong đó có D., người bạn cũ thân thiết. Chúng tôi gặp lại trong ngở ngàng lẫn vui mừng. Nhóm sinh viên Vĩnh Long lúc bấy giờ có tên là VILOCO (Les Copains de Vinh Long).

Mỗi tuần, theo lịch, chúng tôi tới dự lớp ở Trường Văn khoa, Ban Triết. Có mặt, dù không đều đặng, nhưng để đủ tín chỉ đi thi. Những ngày sang đó, tôi có dịp nói vài câu ‘vu vơ’ với D. như thời còn ở quê nhà. Tất cả các bạn mới năm đầu đến đây đều là đi học xa nhà, mà gặp lại bạn thân cũ thì còn hơn trúng số!!

Dịp tùng dịp, cũng đến lúc tôi rủ D. qua GHHV chơi. Một hai lần đầu là cho…biết. Một năm có nhiều dịp: lễ Giáng Sinh, Tết tây, ngày Họp mặt các bạn trẻ, dịp Bãi trường hay cuối tuần. Và D. đã đến trong những dịp như vậy. Lâu dần, D. quen biết thêm quý đàn anh và anh em Đại chủng sinh trong Giáo phận. Khi có dịp qua chơi, D. thường đi chung với một bạn học tên Nguyễn thị Giang, người Cai Lậy, Tiền Giang. Bạn Giang cũng người lương, nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát; rồi cũng sớm quen lớn, thân thiện với các “bạn thầy” cùng quê Vĩnh Long. Giang lớn hơn D. một lớp nên xem tôi như đàn em (!). Trong cách xưng hô, Giang hay dùng mày tao theo kiểu bạn thân người miền Nam; ăn nói hay pha trò như: ” Nó dentelle quá “; nghĩa là: Nó ghen quá. (Dentelle = Ren = Ghen). Lần kia, Giang hỏi tôi có biết chiếc áo dòng tôi mặc có bao nhiêu nút không. Rồi tự trả lời: Có hai mươi bảy nút. Lạ thật,  chính mình còn chưa biết!!

Một lần kia, nay tôi không nhớ là dịp gì, anh em Vĩnh Long cùng đi ra ngoài ăn một bữa cơm. Lúc đó, cha Hiếu là thủ chỉ tinh thần. Hôm ấy, có vài anh em Viloco tham dự; trong đó có D. cùng đi với Giang.

Trên đường về, chúng tôi cùng đi con đường từ phía sau chợ Hòa Bình cho gần. Con đường này  hơi dốc thoai thoải khi xuống gần hồ Xuân Hương. Chiều hôm đó, mặt trời cũng vừa lặn. Sắp tối, tiết trời thường se lạnh. Trên dốc cao nhìn xuống, thấp thoáng dưới những hàng thông im bóng, một màn sương mù từ từ bao phủ mặt hồ Xuân Hương. Mọi người đều thư thả ngắm hoàng hôn; tiếp tục chuyện trò sau một buổi họp mặt thân mật. Rồi một vài cơn gió thổi qua… Những đám nước lất phất như mưa ngâu là những hình ảnh tự nhiên của xứ sương mù này. Ai cũng tìm cách tránh mưa. Đang vừa đi vừa nói chuyện với D., tôi cởi chiếc áo khoác đang mặc đưa cao lên đầu. Thấy vậy, D. đi gần lại hơn ghé đầu che mưa. Hôm đó, D. mặc áo dài màu hường lợt. Kiểu áo dài ngang đầu gối bằng tơ đơn giản của giới học sinh, sinh viên. D. để tóc ngang lưng. Khi ghé đầu phía dưới cánh tay phải tôi đang che, mái tóc dài lòa xòa… như trong phim (?). Tôi cảm nhận thật nhiều như thế nào là một cô bạn đang kề bên mình. Hoàn cảnh xảy ra tình cờ, nhưng nhờ vậy, tôi hiểu thêm được lòng D. không e dè. Nhưng lúc nào cũng bặt thiệp, nhã nhặn rất đáng mến. Từ hồi nào cho đến hồi nào, chưa bao giờ chúng tôi có một câu nói hay một cử chỉ gì hàm hồ, hai nghĩa, ấm ớ. Tôi cho là cung cách tôn trọng nhau là chiếc chìa khóa để tìm thấy tình thân giữa hai người bạn. Nhất là đó là một cô bạn.

Thời gian sau, cha Hiếu thỉnh thoảng hay nói đùa khi gặp tôi: D. đâu rồi? Sao hổng rủ qua chơi? Cũng vậy, đi học bên Thụ Nhân, có dịp gặp thì thế nào D. cũng gởi lời thăm cha Hiếu.

___ ___ ___

Những năm tháng còn đầy ngở ngàng sau 75, tôi còn gặp lại D. nơi một căn phố ngay trước nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long. Tôi hỏi D. không còn ở đằng Thoại Ngọc Hầu nữa sao? D. nói phải lên ở đây, vì không ở sẽ bị mất mấy căn phố này. Cũng một mình D. ở với bà mẹ già như tôi đã từng gặp từ mùa hè sau lớp 12 năm nọ. Hai mẹ con làm công việc lau gạo (dùng máy làm cho hạt gạo trắng sáng sau khi phơi khô và lượm thóc) để bỏ mối.

Năm 2001, một hôm, D. đến vắt sổ chỗ sát vách nhà tôi ở Phường 2, Vĩnh Long, tôi kêu nhà tôi ra nói chuyện chơi. Cả ba chúng tôi đều quen biết nhau. Năm trước đó, tôi có dịp gặp D. ở đường Quận Nghĩa. Đây là gia đình bên chồng, D. có riêng một nơi để tiếp tục làm gạo. Hai con trai của D. cũng sắp học xong cấp 3.

Nhân dịp hôm vắt sổ, chúng tôi chào nhau vì còn vài tháng nữa gia đình tôi sẽ rời nơi đây, Vĩnh Long. Là nơi chúng tôi đã học chung ở Tống Phước Hiệp, rồi sau đó những năm xa nhà ở Đà Lạt, chúng tôi đã là những bạn thân cùng một quê với nhau.

Bách Tùng Cao Nguyên 26 / 3 / 2018.
Ng. Toàn Đông

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button