Café đenQuán ven đường

Giáo Hội địa phương và quyền bính | Kiến thức Công Giáo số 3

Giáo Hội địa phương và quyền bính
(Particular Churches and the authority constituted within them)

I. Các Giáo Hội địa phương – Particular Churches

Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Rôma, kế vị Thánh Phêrô, có quyển tối cao trên Giáo Hội toàn cầu. Kế đến, có Giám Mục đoàn, bao gồm các Giám Mục trên toàn thế giới, hiệp thông với nhau và với đầu là Giáo Hoàng Rôma, có quyền tối thượng trên Giáo Hội công giáo hoàn vũ qua những nghị quyết của công đồng chung. Bên cạnh đó, để giúp Đức Giáo Hoàng thực thi quyền lãnh đạo tối cao nầy, có Hồng Y đoàn, có Thượng Hội Giám Mục, có Giáo Triều Rôma cũng như có các sứ thần toà thánh được sai đến với các giáo hội địa phương trên toàn thế giới.

Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập. Gíao Hội hoàn vũ bao gồm nhiều Giáo Hội địa phương…

Nói khác đi: Giáo Hội hoàn vũ bao gồm nhiều giáo hội địa phương mà nơi đó quyền lãnh đạo tối cao trực thuộc Giám Mục địa phương hay những vị tương đương. Tuy nhiên, Giáo Hội địa phương không tự hiện hữu, không tự trị nhưng phải được tông toà thành lập và phải liên kết chặt chẽ với Giáo Hội Mẹ hoàn vũ.

G.L Ðiều 373: Chỉ duy có Quyền Bính tối cao mới có thẩm quyền thiết lập các Giáo Hội địa phương; các Giáo Hội địa phương một khi đã được thiết lập hợp lệ, thì được hưởng tư cách pháp nhân chiếu theo luật.

Thí dụ: Tự sắc Ad Aptius Consulendum do Giáo hoàng Benedict XVI ký tại Vatican ngày 22.11.2005 để thành lập giáo phận Bà Rịa (Dioecesis Barianensis) tách ra từ Giáo Phận Xuân Lộc.

Giáo Hội địa phương: Giám Mục, Nhà Thờ Chánh Toà và cộng đồng Dân Chúa.

Giáo Hội địa phương bao gồm:

1) Giáo phận hay địa phận:

G.L. Ðiều 369 định nghĩa giáo phận: Giáo phận là một phần dân Chúa được giao phó cho một Giám Mục săn sóc cùng với sự cộng tác của Linh Mục Ðoàn, để nhờ sự liên kết với Chủ Chăn mình và sự tập hợp bởi Chủ Chăn trong Chúa Thánh Linh, nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, cộng đồng ấy lập thành Giáo Hội địa phương, trong đó Giáo Hội của Ðức Kitô, duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, thực sự hiện diện và tác động.

Giám Mục là chủ chăn tối cao trong giáo phận với sự cộng tác của linh mục đoàn. Giống như Giáo Hoàng là chủ chăn tối cao của Giáo Hội hoàn vũ với sự cộng tác của Giám Mục đoàn. Khi nói linh mục đoàn, không chỉ nói đến linh mục hiện diện trọng địa phận nhưng là linh mục trong địa phận và hiệp thông với giám mục.

2) Giám Hạt tòng thổ hay Đan Viện tòng thổ:

G.L. Ðiều 370 định nghĩa: Giám Hạt tòng thổ hoặc Ðan Viện tòng thổ (A territorial prelature or abbacy) là một phần nhất định của dân Chúa, được giới hạn trong một lãnh thổ, mà vì hoàn cảnh đặc biệt, sự săn sóc được giao phó cho một Giám Chức hoặc cho một Viện Phụ để quản trị với tư cách của một Chủ Chăn riêng, tựa như Giám Mục giáo phận.

Đó là phần đất nhất định, không là một giáo phận, nhưng vẫn được coi là Giáo Hội địa phương và trực thuộc Toà Thánh Rôma. Bản quyền địa phương của Giám Hạt tòng thổ hoặc Ðan Viện tòng thổ thường được trao cho một Giám chức, vị Giám chức chủ chăn nầy có thể là Giám Mục hay không là Giám Mục. Nếu không là Giám Mục, Vị Giám chức không có quyền truyền chức thánh và làm phép dầu thánh. Thẩm quyền còn lại của Giám chức giống như một Giám Mục.

Chỉ có 42 Giám Hạt tòng thổ hoặc Ðan Viện tòng thổ trên toàn thế giới, phần lớn ở Châu Âu. Ở Phi luật Tân có 4 Giám Hạt tòng thổ hoặc Ðan Viện tòng thổ là:

Batanes, Infanta, Isabela, Marawi. Thật sự đây là những Giáo Hội địa phương rất nhỏ bé, có chừng năm, mười ngàn giáo dân, năm sáu giáo xứ và thường không quá 10 linh mục. Việt Nam không có Giám Hạt tòng thổ hay Đan Viện tòng thổ trong lúc nầy.

3) Hạt Ðại Diện Tông Tòa (A Vicariate Apostolic) hoặc Hạt Phủ Doãn Tông Tòa (A prefecture apostolic) và Giám quản tông toà (An Apostolic administration)

G.L Ðiều 371 định nghĩa: (1) Hạt Ðại Diện Tông Tòa, hoặc Hạt Phủ Doãn Tông Tòa, là một phần nhất định của dân Chúa, mà vì hoàn cảnh đặc biệt, chưa được thiết lập như là một giáo phận, và việc chăn dắt được giao cho một Ðại Diện Tông Tòa hoặc cho một Phủ Doãn Tông Tòa để quản trị thay mặt Ðức Thánh Cha.

Xin giài thích đơn giản như thế nầy:

Hạt Ðại Diện Tông Tòa: Phần đất nhất định trong Giáo Hội, thường ở các xứ truyền giáo, chưa có thể thành lập địa phận nhưng vẫn được coi là giáo hội địa phương. Đức Giáo Hoàng là Giám Mục và Toà Thánh bổ nhiệm một Giám Mục hiệu toà làm Đại diện tông toà.

Bốn Đại Diện Tông Tòa ở Lào

Hiện tại có tất cả 86 Hạt Đại Diện Tông Toà trên toàn Giáo Hội. Trong số nầy có:

Hạt Đại Diện Tông Toà Nam Vang (Apostolic Vicariate of Phnom Penh, Cambodia) Giám Mục là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và Đại Diện Tông Toà là Giám Mục Olivier Michel Marie Schmitthaeusler M.E.P.

Hạt Đại Diện Tông Toà Luang Prabang Lào (Apostolic Vicariate of Luang Prabang, Laos) Giám Mục là Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Hiện trống toà và Toà Thánh bổ nhiệm Cha Tito Banchong, làm Giám Quản.

Hạt Đại Diện Tông Tòa Paksé Lào (Apostolic Vicariate of Paksé, Laos) Giám Mục là Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y Ling làm Đại Diện Tông Tòa.

Đức Cha Louis-Marie Ling, Đại Diện Tông Toà Paksé, nhận mủ Hồng Y ngày 28.6.2017.

Hạt Đại Diện Tông Tòa Savannakhet, Lào (Apostolic Vicariate of Savannakhet, Laos) Giám Mục là Đức Hoàng Phanxicô và Đức Cha Jean Marie Vianney Prida Inthirath làm đại diện.

Hạt Đại Diện Tông Tòa Vientiane, Lào (Apostolic Vicariate of Vientiane, Laos) Giám Mục là Đức Hoàng Phanxicô và vì trống toà, Đức H.Y. Ling làm Giám quản đại diện tông toà (Apostolic Administrator).

Cách chung, những hạt đại diện tông toà nầy, không có Giám Mục chánh toà địa phương, nên không có Hội Đồng Giám Mục địa phương…. Tất cả là đại diện cho Đức Giáo Hoàng chăm sóc giáo hội địa phương và tường trình mọi việc cho Tông Toà, tức cho người mình đại diện.

Hạt Phủ Doãn Tông Tòa (A prefecture apostolic): Phần đất nhất định trong giáo hội, thuộc hệ truyền giáo, chưa có thể thành lập địa phận nhưng vẫn được coi là giáo hội địa phương. Toà Thánh bổ nhiệm một linh mục làm Phủ Doãn Tông Toà. Ở Trung Hoa Lục địa hiện có 28 Phủ Doãn Tông Toà. Ở Campuchia có Battambang và Kompongcham là Phủ Doãn Tông Toà. Những nơi nầy hoàn cảnh chính trị hoàn toàn bất lợi cho việc thành lập giáo phận hay truyền chức Giám Mục.

Đức Ông Enrique Figaredo Alvargonzalez, Giám chức Phủ Doãn Tông Toà Battambang, Campuchia.

Nhà thờ Mông Triệu, Battambang, Campuchia.

Thí dụ ở Việt Nam: Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng: Trở thành Phủ Doãn Tông Toà ngày 31.12.1913 do các linh mục dòng Đa Minh chăm sóc. Ngày 11 tháng 7 năm 1939, nâng lên thành Hạt Đại Diện Tông Tòa. Đức Cha Hedde Minh, sau khi được phong chức Giám Mục đã được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Toà.  Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Toà Thánh nâng Lạng Sơn và Cao Bằng lên cấp Giáo Phận và Đức Cha Phạm Văn Dụ, thành Giám mục chánh toà Lạng Sơn. Lấy Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng làm thì dụ để chúng ta phân hiệt sự khác biệt giữa cấp nhỏ nhất là Phủ Doãn Tông Toà, thường do linh mục chăm sóc. Nâng cấp lên Đại diện Tông Toà, Giáo Hội địa phương nầy có Đức Giáo Hoàng làm Giám Mục chánh toà và có Giám mục làm đại diện tông toà và sau cùng nâng lên cấp Giáo Phận và có Giám Mục chánh toà. Giáo phận là cấp Giáo Hội địa phương lớn nhất.

Hạt Giám Quản Tông Toà: Đó là một địa phận nhưng trống toà… Toà Thánh bổ nhiệm Giám Quản Tông Toà thường là Giám Mục từ một địa phận khác. Thí dụ: Giám Mục địa phận Bắc Hàn bị cầm tù và mất tích…. Một Giám Mục khác làm Giám Quản Tông Toà…. Thay cho Đức Hoàng… coi như giữ tên địa phận đã được thiết lập, nhưng hoàn cảnh hiện tại không cho phép sinh hoạt như một địa phận có Giám Mục bình thường.

G.L. điều 371 số (2) định nghĩa: Hạt Giám Quản Tông Tòa (An Apostolic administration)  là một phần nhất định của dân Chúa mà vì những lý do đặc biệt và hết sức hệ trọng, không được Ðức Thánh Cha thiết lập như là một giáo phận, và việc săn sóc mục vụ được giao phó cho một Giám Quản Tông Tòa quản trị thay mặt Ðức Thánh Cha.

II. Các Giáo Hội địa phương – Particular Churches

Giám Mục nói chung:

Kế vị các thánh tông đồ, làm chủ chăn của các Giáo Hội địa phương: Giảng dạy, tư tế và lãnh đạo, nhưng phải nằm trong Giám Mục đoàn, tức phải liên kết với đầu là Giáo Hoàng Rôma và với nhau. (GL. điều 375)

Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương Giám Mục Chánh Tòa Kamloops, BC. Canada 25.8.2016

Bổ nhiệm Giám Mục: Hoàn toàn thuộc quyền Đức Giáo Hoàng.

Ứng viên Giám Mục: Cứ ba năm một lần, Hội Đồng Giám Mục địa phương đề cử danh sách ứng viên Giám Mục cho Tông Toà. Khi cần chọn một giám mục giáo phận hay giám mục phó… Sứ thần toà thánh có nhiệm vụ điều tra, cho ý kiến về đề cử viên lên Tông Toà. Ngoài ra Giám Mục trong giáo tỉnh cũng như các linh mục tư vấn địa phận và những giáo dân có hiểu biết có thể được hỏi để đề cử một Giám Mục. (GL. Điều 377§1§2)

Giám mục giáo phận nếu muốn có giám mục phụ tá, để cử danh sách ba linh mục xứng đáng lên tông toà để được xét chọn. (GL. Điều 377§3) 

Giáo Luật điều 378 nêu lên những tiêu chuẩn của một ứng viên Giám Mục:

1° Đức tin vững vàng, hạnh kiểm tốt, đạo đức và nhiệt tâm tông đồ
2° Có thanh danh; 35 tuổi và ít là 5 năm linh mục.
3° Học vị tiến sĩ, hay cử nhân Kinh Thánh, thần học hay Giáo Luật… 

Giám Mục Giáo Hội Công Giáo

(Bao gồm các điều khoản GL. Từ 381-411)

Trong sinh hoạt Giáo Hội Công Giáo, có 5 hệ Giám Mục khác nhau:

1. Giám Mục địa phận
(Episcopus Dioecesanus – Diocesan Bishop):

Ngài có mọi quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp (all the ordinary, proper and immediate power). Quyền thông thường của một Giám Mục đến từ thiên luật (divine law), tức từ việc được thánh hiến làm Giám Mục, kế vị các tông đồ. Quyền riêng biệt và trực tiếp, tức qua việc thánh hiến, Giám Mục có những đặc quyền được trao ban phù hợp với chức Giám Mục cũng như quyền nầy trực tiếp tức không có việc uỷ quyền, nhưng là có thực quyền do thánh hiến. Giám Mục có toàn quyền: Lập pháp (legislative)– hành pháp (executive) và tư pháp (judicial) trong địa phận của mình. Giám Mục địa phận cũng gọi là Giám Mục chánh toà. Nên chúng ta có nhà thờ chánh toà, tiếng La-tinh là Cathedra, có nghĩa là “toà” hay “seat” trong tiếng Anh. Có chánh toà nhưng không bao giờ có phụ toà. Vì “chánh” không theo nghĩa chúng ta nói “chánh và phó” hay “chính và phụ” mà chánh là chính tông, là từ “Tông Toà” (sedes apostolica) tức do Toà Thánh thiết lập. Nên địa phận phải do Tông Toà thiết lập (GL. 373) và Giám Mục phải do Đức Giáo Tông, tức Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm bằng tông thư uỷ nhiệm (pontificio mandato – Pontifical mandate) GL. 1382

2. Giám Mục phó
(Episcopus coadiutor – Bishop coadjutor):

Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục phó để chờ lên Giám Mục chánh toà. Nên không cần lễ nhậm chức. Bổ nhiệm Giám Mục Phó là cố ý không để cho trống toà (Sede vacante) Tuy nhiên bao lâu còn “chờ” thì vẫn còn dưới quyền Giám Mục chánh toà. Giám Mục chánh toà và Giám Mục phó với quyền kế vị có chung toà, chung nhà thờ chánh toà. 

(3) Giám Mục phụ tá
(Episcopus auxiliaris – Auxiliary Bishop)

Có những Giám Mục phụ tá một thời gian rồi lên Giám Mục chánh toà, như Đức Cha Khảm… cũng có người làm Giám mục phụ tá suốt đời như Đức Cha Trần thanh Khâm và Đức Cha Louis Nẫm của Sàigòn.  Khi Tông Toà bổ nhiệm giám mục phụ tá thì cũng nói rằng: Ngài là Giám Mục hiệu toà ở đâu đó. Thí dụ ngày 25.4.2003 Đức Cha Dom. Mai Thanh Lương được chọn làm Giám Mục phụ tá của Orange và là Giám Mục hiệu toà của Cebarrades. Ngày 6.11.2009, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu được chọn làm phụ tá cho Toronto và là Giám Mục hiệu toà của Ammedara. Ngày 20.5.2011 Đức Cha Nguyễn Văn Long ở Úc được chọn làm phụ tá cho Tổng giáo Phận Melbourne, Úc Đại Lợi và là Giám Mục hiệu toà của Thala. Ngày 6.10.2017 Cha Nguyễn Thành Thái được chọn làm Giám Mục Phụ Tá địa phận Orange, California, Ngài là Giám Mục hiệu toà Acalissus. Thật sự các Ngài cũng không cần biết toà của mình ở đâu vì chỉ là HIỆU thôi, tức có tên thôi mà trong thực tế không còn nữa. Giáo Hội Công Giáo có hơn 2000 hiệu toà như vậy để gọi là có toà cho những Giám Mục hiệu toà.

(4) Giám Mục hiệu toà
(Episcopus titularis – Titular Bishop):

Đó là các Giám Mục phụ tá ở các địa phận. Nhưng cũng có những Giám Mục làm sứ thần toà thánh như Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt, hay Giám Mục, Tổng Giám Mục đứng đầu một cơ quan trong Giáo triều Rôma, như các Hồng y bộ trưởng chẳng hạn. Các Ngài không có địa phận, không có toà, nên chỉ có hiệu toà. Chung quanh Rôma có rất nhiều những nhà thờ được chọn làm hiệu toà cho các Hồng Y. Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt có hiệu toà Rusticiana.

(5) Nguyên Giám Mục hay Giám Mục danh dự hay Giám Mục hưu trí
(Episcopus Emeritus – Former Bishop or retired bishop)

Emeritus từ tiếng La-Tinh: EX, ra khỏi hay “out of” và MERITUS, có nghĩa công đức hay merit. Ngưởi ta cũng áp dụng emeritus cho các giáo sư hay cả thủ tướng … và cho cả Giáo Hoàng như Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI được gọi là Pope Emeritus từ khi Ngài chính thức xin từ chức 28.2.2013.

Liên quan đến Giám Mục địa phận
(bao gồm những khoản Gl. 412-430)

Cản Toà:
Giáo Luật điều 412 định nghĩa: Tòa Giám Mục bị cản khi vì lý do giam tù, quản thúc, phát lưu, hay vô năng lực, Giám Mục giáo phận bị hoàn toàn ngăn cản thi hành nhiệm vụ mục vụ trong giáo phận, đến nỗi không thể giao thiệp bằng thư từ với những người trong giáo phận.

Cản toà, tức có Giám Mục nhưng vì lý do bị cầm tù hay bị phạt, không “ngồi trên toà dành cho Giám Mục được”. Những vị có thể tạm thời thay thế được xếp theo thứ tự sau: Giám Mục phó; Giám Mục Phụ tá; Cha Đại Diện; Cha Đại diện Giám Mục hay một linh mục có tên trong danh sách do Giám Mục lập trước khi bị cản toà.

Thí dụ ở Bắc Hàn, Đức Cha James Su Zhimin, địa phận Baoding, Hebei, 72 tuổi bị bắt tù từ năm 1996 và không ai nghe tin tức gì của Ngài cả.

Ở Việt Nam, ngày 23.4.1975 Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, được bổ nhiệm làm Giám Mục Phó Sàigòn với quyền kế vị. Nhưng ngày 15.8.1975 Ngài bị cầm tù 13 năm. Đức TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình chết ngày 1.7.1995 và Đức Cha Thuận bị cản toà, đang ở tù, không thể lên kế vị….

Đức Giám Mục Anthony Apuron của Agana, ở Guam bị tố cáo lạm dụng tình dục năm 2015 và bị Vatican buộc rời giáo phận và Toà Thánh bổ nhiệm Đức Cha Michael Byrnes làm Phó TGM với quyền kế vị. Không ở tù, nhưng bị thu hồi quyền lãnh đạo.

Trống Toà hay Khuyết Vị (The Vacant See – Sede Vacante)

Giáo Luật điều 416 định nghĩa: Tòa Giám Mục trở nên trống hay khuyết vị vì sự mệnh một của Giám Mục giáo phận, sự từ chức đã được Ðức Thánh Cha chấp nhận, sự thuyên chuyển hoặc cách chức được thông báo cho Giám Mục.

Khi nào được gọi là trống toà?

Khi Giám Mục đương nhiệm được tuyên bố chính thức là đã chết.

Khi Giám Mục đương nhiệm được Toá Thánh chính thức chấp nhận đơn từ chức.

Khi Giám Mục đương nhiệm được thuyên chuyển và nhậm chức ở địa phận mới xong.

Khi Giám Mục đương nhiệm được văn thư chính thức thuyên chuyển, nhưng chưa nhận địa phận mới thi Ngài lưu lại ở địa phận cũ với nhiệm vụ như một giám quản, tức không còn quyền thay đổi hay làm gì khác hơn là chờ nhậm chức ở địa phận mới. Những chức vụ Tổng Đại Diện và Đại diện Giám Mục không còn hiệu lực.

Trong vòng 8 ngày kể từ khi không có Giám Mục, ban tư vấn phải lo bầu vị Giám quản. Vị Giám Quản được hội đồng tư vấn bầu chọn gọi là Giám Quản giáo phận (Diocesan Administrator) Nếu vì lý do nào đó mà địa phận không thể bầu Giám Quản địa phận thì Toà Thánh sẽ chỉ định  Giám Quản. Vị nầy gọi là Giám Quản Tông Toà (Apostolic administrator).

Thí dụ:

– Đức Cha Vũ Duy Thống mất ngày 1.3.2017 và Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Toà của Phan Thiết ngày 14.3.2017.

– Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám Mục Vĩnh Long tạ thế ngày 17.8.2013 và Cha Phêrô Dương Văn Thạnh, được bầu làm Giám Quản giáo phận từ 2013-2015.

Cha Phêrô Dương Văn Thạnh, Giám Quản GP. Vĩnh Long từ 2013-2015.

Nhiệm vụ của Giám Quản giáo phận được GL. Điều 428 qui định như sau:

Ðiều 428: (1) Trong khi trống tòa, thì không được đổi mới gì cả.

(2) Cấm những ai đảm nhiệm việc quản trị tạm thời giáo phận không được làm bất cứ việc gì có thể gây tổn thiệt cho giáo phận hoặc cho các quyền lợi của Giám Mục; đặc biệt cấm các vị đó và bất cứ ai khác nữa không được đích thân hay nhờ người khác lấy ra, tiêu hủy, sửa chữa bất cứ các tài liệu nào của phủ giáo phận.

Ðiều 429: Giám Quản giáo phận có nghĩa vụ cư trú trong giáo phận và phải dâng thánh lễ cầu cho dân, chiếu theo luật điều 388.

Ðiều 430: (1) Nhiệm vụ Giám Quản giáo phận chấm dứt khi Tân Giám Mục tựu chức trong giáo phận. 

Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Mục hưu trí Bà Rịa, làm Giám Quản Tông Toà Phan Thiết 14.3.2017

Thêm vài chi tiết trong trường hợp toà Giám Mục khuyết vị theo khoản Giáo Luật 409§2:

– Giám Mục phụ tá đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc giáo phận cho tới khi có Giám Quản.

– Giám Mục phụ tá nếu là Tổng đại diện thì nhiệm vụ Tổng Đại diện của Ngài vẫn duy trì dù không có Giám Mục chánh toà.

– Giám mục phụ tá, nếu không được bầu làm Giám Quản thì dưới quyền Giám Quản giáo phận:

Ðiều 409: (2) Trong khi Tòa Giám Mục trống ngôi, nếu nhà chức trách có thẩm quyền không ấn định thể khác, thì cho tới khi Tân Giám Mục tựu chức, Giám Mục phụ tá duy trì tất cả và chỉ những quyền hành và năng ân đã có như Tổng Ðại Diện hoặc như Ðại Diện Giám Mục khi Giám Mục chính tòa còn tại chức. Nếu sau đó không được bầu làm Giám Quản giáo phận, thì Giám Mục phụ tá hành sử quyền của mình do luật pháp đã trao, dưới quyền của Giám Quản giáo phận là người lãnh đạo giáo phận. 

Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên JCD.

Bài liên quan

Back to top button