Quán ven đườngTrà Đá Đường

Ngôi trường cuối cùng của tôi

Nguyễn Toàn Đông

Vào bài: Năm 1978, tôi có trở lại Đà lạt. Một buổi chiều, có dịp tản bộ ngang qua ngôi trường cũ, tôi như trở thành người xa lạ. Bên kia cánh cổng là nơi đã từng là tổ ấm cho chúng tôi, những môn sinh ngày ấy. Nay, chúng tôi đã tản lạc mỗi người một nẽo. Ngôi trường cứ lặng lẽ đứng đó, như vô hồn… Thời gian đã rất xa, nhưng bao nhiêu là ký ức vẫn còn quanh quẩn đâu đây.

Đó là những ngày cuối tháng tám, năm 1971. Hai anh em, Thảo (Bến Tre) và tôi được cha Giám đốc Antôn Ngô Văn Thuật cho lên Đà Lạt học.

Để kịp khai giảng vào đầu tháng 9, nhà trường cho vài ba ngày cuối tháng 8 để tất cả chủng sinh tựu về. Thời bấy giờ, từ Bến Hải đến Cà Mau, anh em thường phải mất vài ba ngày đường.

Ngày ra đi, hai đứa chúng tôi ngồi kế nhau trên cùng chuyến xe. Nhưng làm thinh nhiều hơn nói chuyện. Không biết bạn nghĩ gì… Nhưng chắc trong thâm tâm cũng như nhau. Hôm nay, bắt đầu một khúc quanh quan trọng trong đời. Vui mừng cũng có đó. Sẽ được thấy, được nghe và học tập nơi một ngôi trường mới. Nhưng lo âu cũng có đó. Một chân trời mới đang mở ra. Nếu có nhiều hứa hẹn để khám phá thì cũng sẽ có nhiều bí ẩn chưa biết sức lực nhỏ nhoi của mình sẽ vượt khó như thế nào.

Click vào ảnh để xem bản phóng lớn

Đến chặng nghỉ giữa chừng ở Bảo Lộc, hai chúng tôi gặp được các anh lớn. Các anh dặn dò gặp lại nhau khi tới Đà Lạt để biết đường vô trường.

Bến xe Đà Lạt thời đó nằm ngay trước khu chợ Hòa Bình (chợ trung tâm thành phố). Hai đứa chúng tôi lẽo đẽo theo sau các anh. Lúc đó, lớn nhất có cha Hiếu, cha Nghiệm, Đức ông Tài, cha Luận. Tất cả đều còn là học trò. Trên đoạn đường tới trường không xa mấy, các anh lớn nói chuyện râm ran. Mình chỉ một nước là lo nghe… Không biết mặt mũi hôm đó có bị khớp không, vừa thấy ngôi trường hiện ra, tự nhiên tôi hỏi: “Các cha nào dạy mình ở đây vậy?”. Có tiếng trả lời: “Các cha dòng Tên.” Tôi cũng cứ tự nhiên: “Dòng Tên là dòng gì mấy ông?”. Anh Tiền Rạch Lọp quay lại nhìn tôi: “Mày ra tới đây rồi mà không biết dòng Tên là dòng gì à?”. Mà tôi không biết thiệt. Từ nhỏ tới giờ, ở Địa phận nhà, chỉ nghe có vài ba dòng. Chưa nghe nói tới dòng Tên lần nào (!). Biết ra, vì là tên của Chúa nên người Việt mình không dám gọi. Người ta dịch “Société des Jésuites” thành “Dòng Tên”.

Một kỳ học. Rồi một năm học đi qua. Chúng tôi cảm nhận được sự may mắn để đến đây, một môi trường tu học vừa mới lạ về tinh thần vừa đầy đủ về vật chất. Đà Lạt là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Phong cảnh quyến rũ. Thời đó, Đà Lạt còn nhiều thiên nhiên. Xa gần đều còn những kiến trúc cổ của người Pháp để lại. Nghe nói trường Lycée Yersin là một trong mười công trình kiến trúc độc đáo trên thế giới nhờ hình dáng cánh cung và vật liệu đem từ Pháp qua. Dưới ánh mặt trời, cả ngôi trường hiện lên màu đỏ au của những viên gạch trơn, tức là hoàn toàn không sơn phết. Suốt ngày, nhờ hình dáng như chiếc buồm, lúc nào cũng mát rượi. Mặt trời ở bên Đông hay bên Tây, sân trường luôn có ánh sáng. Có người nói Đà Lạt là một góc Paris (?).

Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X cũng được kiến tạo theo phong cách Tây phương. Từ ngoài nhìn vào, cảm giác đầu tiên là những đường nét thanh thoát, sang trọng. Bước vào bên trong, cũng một dáng dấp như vậy. Tiện nghi là thói quen của phương Tây. Nhưng ngôi trường trở nên sống động và lôi cuốn là nhờ cái thần thái bên trong. Các cha giáo đã làm việc tận tụy, dốc hết tâm huyết để gầy dựng. Mới thấy công cuộc giáo dục qua muôn đời vẫn là công việc gian truân không phải ai cũng làm được.

Suốt thời gian ở đây, tôi ước mong học được cái phong thái của các cha giáo sư. Các ngài là những vị thầy đã để lại cho chúng tôi những quý mến sâu đậm. Đa số các cha giáo đến từ Âu Châu và Canada. Với tôi, phong cách của người Tây phương trước hết là sự tự tin. Người Tây đi đứng khẳng khái; ăn nói tự nhiên; giao thiệp lịch sự. Kế đến, tôi rất ngưỡng mộ cách xử sự của các ngài với người đối diện. Khi tiếp xúc với các cha giáo, mình không cảm thấy bị làm kẻ bề dưới kiểu trước đây (!!). Các ngài là bề trên thực thụ; nhưng lúc nào các ngài cũng gần gũi, lắng nghe như hai người bạn với nhau. Học trò thì thường hỏi hay nói những câu sai lầm, có khi ngớ ngẩn. Nhưng một vị thầy chân chính thì không cười trò bao giờ.

Sự khác nhau giữa Đông và Tây là dịp để nhìn lại mình. Có phải ngày xưa, thế hệ của chúng tôi và trước nữa đã thấm nhiễm một lối giáo dục khắc khe từ trong gia đình đến ngoài xã hội, làm cho đương sự như bị tự ti? Môi trường thuần Khổng Nho Đông phương đã bao trùm nhất cử nhất động mọi người? Hay là vì quá lý tưởng cái hay, cái đẹp của phương Đông mà trở thành bất cập? Người ta quên rằng lễ nghĩa không phải là rụt rè? Phận làm nhỏ phải nể nang người lớn đến mức họ có nói sai thì vẫn một lòng im lặng?

Nơi đây, không khí giữa thầy và trò thật dễ chịu. Trong một giờ học về Mạc Khải, do cha Aubin dạy. Cha là người Pháp, mới được mời qua Việt Nam. Chuyện là khi cha đề cập: “Tất cả mọi chân lý về Thiên Chúa thì trước Chúa Giêsu đã có Cựu Ước. Đến thời Chúa Giêsu thì viên mãn với Tân Ước. Nhưng có nhà thần học người Đức, Lm Karl Rahner, có một suy nghĩ mới lạ ngược lại”. Cha Rahner nói rằng: “Nếu Thiên Chúa không nói một tiếng nào hết thì con người “phải” biết lắng nghe sự Thinh Lặng của Người”. Ý tưởng này được lấy làm tựa cho quyển sách: “À l’écoute du Silence de Dieu’’. Cha Aubin nói tiếp: “Ce n’est pas sans profondeur!”. Vừa nói xong, cha phát lên cười khoái chí. Đến nỗi chừng mấy giây sau, cả lớp cười ồ lên. Không phải các học trò cười theo thầy nhưng thấy thầy cười lâu quá mức nên… tức cười.

Chuyện tương tự vẫn xảy ra… Lần kia, cha Lacretelle (Fernandus Lacretelle), vị viện trưởng đầu tiên, nay đã cao tuổi, có lần nói: “Để cha kể cho lớp nghe chuyện này tức cười lắm”. Kể xong, cha cười ngặt nghẻo. Trong khi anh em thì người này nhìn người kia như thắc mắc “có gì mắc cười đâu sao ổng cười ngon lành!”. Tôi nghe kể lại, lần kia, có mấy thầy nói với một cha giáo: “Chuyện tiếu lâm của Tây không tức cười bằng chuyện tiếu lâm của Việt Nam”. Sau khi nghe kể một chuyện xong, cha giáo Tây nói: “Chuyện nghe thì tức cười lắm. Mà sao nó tục quá vậy?”. Chẳng hạn: Một cha sở già hỏi cha mẹ đỡ đầu:

– Thánh gì?

– Thưa Maria.

– Bậy! Con cu nó đây mà Maria gì?

Thì ra, đó là ngón tay út của mẹ đứa bé ló ra phía dưới…

Đầu niên khóa, mỗi người được phát một Kalendarium (Niên lịch), giống như quyển sổ tay. Trong đó, có sẵn mọi điều cần thiết: Tên tuổi chủng sinh toàn trường xếp theo lớp; ngày học ngày nghĩ trong năm và các môn học cho từng lớp do cha giáo nào phụ trách. Tất cả như trên để mỗi người ghi nhớ rằng ngoài bổn phận tu tập của một chủng sinh, đây là một học viện. Mỗi người phải hoàn thành nghiêm chỉnh các môn học của mình. Thang điểm bài thi là 10. Môn nào dưới 6 thì phải thi lại. Muốn được cấp bằng Cử nhân Thần học khi ra trường, học viên phải viết một Tiểu luận (Thèse) và thuyết trình để được chấm tốt nghiệp. Niềm vui của học viện là các cha giáo từng nói là các chủng sinh VN thông minh và hiếu học.

Năm 1974, tình hình chiến sự lên cao. Một sáng nọ, mọi người đang chuẩn bị Thánh lễ. Ba mươi phút trước đó là giờ suy gẫm. Nhiều người chọn tiền sảnh nhà nguyện để đứng hoặc đi đi lại lại. Trong không khí cầu nguyện sáng sớm, bỗng có hai tiếng hú rocket éo éo bay qua và nỗ ầm ầm trên sân Cù. Sân Cù là sân Golf bên kia đường, trước cổng trường. Trong chớp nhoáng hơi giật mình, bỗng có tiếng chân mang dép chạy lốp bốp từ trên lầu xuống. Xuất hiện một người mặc áo thun, quần đùi chạy tung tăng ngang cửa nhà nguyện xuống tầng hầm (sous-sol). Một phút sau, bạn kia từ từ quay trở lên mà không ai hiểu tại sao.

Sáng ra, người bạn chạy tưng tưng kia giải thích rằng trên Kon Tum (quê bạn) hay bị pháo kích. Hồi sáng, do ngủ quên, bạn tưởng đang ở Kon Tum; nên chạy đi trốn…

Thông thường, nếu mệt mỏi có thể đôi khi không tham dự Thánh lễ sáng ngày thường. Nhưng nếu không xin phép thì không được bỏ học. Trong các giờ huấn đức, chúng tôi được nhắc đi nhắc lại việc lo học hành chăm chỉ. Chủ tâm của nhà trường là muốn chủng sinh sẽ trở nên những linh mục có tri thức. Chúng tôi được nhấn mạnh rằng sự thánh thiện của một linh mục có tri thức sẽ khác xa với không có. Một linh mục đứng giảng cho giáo dân mười phút thì người nghe có thể ước lượng sự thánh thiện của linh mục ấy cao hay ấy cở nào. Chuyện trau dồi kiến thức là chiếc chìa khóa của tương lai.

Là học trò dòng Tên, tôi được nghe một sự kiện quan trọng về văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt. Gọi là vụ án trăm năm giữa dòng Đaminh và dòng Tên. Thoạt đầu, trong thời kỳ truyền giáo vào VN, phúc trình bên dòng Đaminh cho rằng việc đốt nhang, lạy người chết, cúng quải là dị đoan, nghịch lại đức tin Kitô giáo. Và Tòa Thánh đã cấm đoán những việc này. Mãi lâu sau, khi dòng Tên có mặt ở VN, phúc trình bên dòng Tên lại nhận xét rằng những hành động trên không nghịch lại đức tin. Những tục lệ trên không có gì sai. Đó là cách bày tỏ lòng hiếu thảo của họ. Nên giải thích cho người Kytô hữu hiểu và gọt giũa lại cho tinh khiết; như đừng nghĩ rằng người chết sẽ về ăn mâm cơm vừa cúng tế. Sau Công Đồng Vaticanô II (1965), trong phụng vụ, đã có thắp nhang, niệm hương tổ tiên. Không còn cấm đoán người Công giáo tham dự đám giỗ với bà con hay chòm xóm… Có lời truyền tụng: Dòng Tên là Giáo Hoàng áo đen đấy.

Thời gian cứ lặng lẽ đi. Mỗi sáng, ôm tập vỡ đến lớp. Mỗi tối, ngồi dưới ánh đèn bên những trang sách trong giờ học riêng. Tôi nhận ra mình đã nên hình nên dạng từ cửa Khổng sân Trình  này. So lại thời còn trung học, mới thấy mình chưa hiểu biết thấu đáo việc học tập. Cái học thời ấy nhiều thụ động. Người ta đi học, mình đi học theo!!.

Không rõ từ khi nào, tôi đã thấm rằng nơi đây không xa lạ như những ngày đầu tiên nữa. Mỗi lần trở về sau kỳ nghỉ Hè, tôi nghe tình cảm thật gần gủi, quý mến ngôi trường. Sau này, dù đã rời nơi đây nhiều năm, tôi vẫn cảm thấy đang mất mác một cái gì đó đầy nuối tiếc.

Sau ngày 30.4.1975, chúng tôi được gọi về vào đầu tháng 6 năm ấy. Và tất cả thầy trò đã trở lại trường trong tâm trạng khó tả. Tâm trạng của người còn nước thì còn tát!! Trước mắt không thấy gì lạc quan. Tôi nghĩ ban giáo sư có thể đã đoán được tình thế. Chính những vị này ngày xưa đã từng bị trục xuất khỏi Trung cộng khi ông Mao chiếm chính quyền năm 1949.

Nay, tinh thần không còn thanh thản được như trước. Mọi sinh hoạt cũng thay đổi theo thời thể. Từ nay, cơm đã độn với khoai mì. Sau giờ học, anh em ra cuốc đất trồng rau. Thời hoàng kim thực sự không còn.

Khi mở lại trường, có một buổi nói chuyện của cha Viện trưởng. Viện trưởng lúc bấy giờ là cha Diego (Josephus Ramon de Diego), người Tây Ban Nha. Ngài là Viện trưởng thứ V và sau cùng của học viện. Năm 1971, khi tôi mới nhập học, Viện trưởng là cha Raviolo (Josephus Raviolo), người Ý. Tôi nghe các anh lớn cho biết Viện trưởng trước đó là người Mỹ, cha Paulus W. O’Brien. Vì tình hình chính trị ở Miền Nam Việt Nam từ 1965 với sự hiện diện của người Mỹ, bề trên đưa cha người Ý này lên thay.

Buổi nói chuyện của cha Diego mở đầu như một lời than thở. Ngài nói đại ý: “Học viện chúng ta có một chuyện buồn. Đó là có một số tân linh mục, vừa thụ phong có mấy tháng, sẽ ra trường năm nay lại rời bỏ đất nước của họ vào biến cố 30.4 vừa qua. Đây là sự thất bại của chúng tôi.” Ngài nói tiếp: “Tân linh mục Nguyễn Ngọc Sơn là một linh mục can đảm (brave).”

Về sau, tôi được nghe về “cha học trò” này. Cha là con một gia đình thầu khoán ở Sài gòn. Gia đình quyết định ra đi mấy ngày trước ngày 30.4. Người mẹ một mực không chịu đi khi nghe cha Sơn muốn ở lại. Cuối cùng, cha phải giả vờ đi. Mọi chuẩn bị như thiệt. Đến giờ lên máy bay, cha mới nói với người mẹ cho cha ở lại vì mình là linh mục. Hiện nay (2019), cha Sơn đang làm việc tại Sài gòn.

Mới bắt đầu vài tháng, như có một điềm xấu (?). Một buổi trưa nọ, lúc trồng khoai, Trung (lớp cuối cùng của Vĩnh Long) cuốc trúng vào một đầu đạn M79. Tiếng nổ đã làm cả trường nhốn nháo. May là cái lưỡi cuốc đã che cho Trung. Đa số miểng đạn đều ghim vào hai chân và làm bị thương một bạn lớp đứng bên cạnh.

… Ngày 30.8.1975 là ngày toàn ban Giáo sư phải rời khỏi học viện theo yêu cầu của Nhà nước. Cảnh tượng khi bước lên xe, các cha giáo đều lau nước mắt là chuyện rất hiếm hoi trong cuộc sống. Tuy nhiên, càng hy hữu hơn nữa là hình ảnh vị Quản thủ thư viện Joseph Ch’en. Cha là người Tàu. Trước khi lên xe, cha Ch’en  xách cặp ra trước sân trường, ngước nhìn thư viện lần cuối và lau nước mắt chảy dài như một em nhỏ.

Đêm trước ngày rời khỏi Đà Lạt, một nghi thức chia tay được diễn ra gần như trong thinh lặng. Giữa một gian phòng rộng, không ánh đèn, chỉ có ánh sáng yếu ớt của những cây đèn cầy được đặt theo hình tròn, mỗi vị thầy đứng sau một ngọn đèn. Tất cả môn sinh đứng vây quanh phía sau. Không rõ ai đã giàn dựng khung cảnh này nhưng đã gợi cho mọi người có mặt nhiều cảm xúc có vẻ huyền ảo. Thầy niên trưởng nói vài lời tri ân và từ giã. Cha Viện trưởng thay mặt quý cha nói một ít tâm tình trước lúc ra đi. Sau cùng là cảm tưởng của một cựu học viên duy nhất thay mặt cho toàn thể các cựu học viên từ khi thành lập học viện. Đó là cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn. Lúc đó, cha là Giám đốc Cư xá Minh Hòa (tiền thân Đại Chủng Viện Đà Lạt). Bốn mươi năm sau, đó là Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn văn Nhơn. Tôi còn nhớ một lời của cha Nhơn đêm ấy: “Peu nombreux, mais solides.” Ngôi trường này đã được gầy dựng lên cho một đại cuộc dài hơi của Hội Đồng Giám Mục VN. Nhưng chỉ kéo dài có 17 năm (1958-1975). Gặt hái chưa được nhiều (Peu nombreux). Chỉ còn âm thanh cuối cùng, “solides”, lẽ loi trong bóng tối như một chút an ủi nhỏ nhoi cuối cùng…

Click vào ảnh để xem bản phóng lớn

Ngôi trường đầy lưu luyến này cũng là nơi cuối cùng tôi được diễm phúc hằng ngày đi học. Thời gian không dài (1971-1976). Nhưng những gì còn lắng đọng lại rất êm đềm mỗi lần nghe lại tên Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt.

Bách Tùng Cao Nguyên, 15.8.2019.
Ng. Toàn Đông.

Bài liên quan

Back to top button