Quán ven đườngTrà Đá Đường

Tình cờ, với người bạn nhỏ…

Dom. Đông (P. Minh Vĩnh Long 63)

Thân mến gởi tặng hai ông bà LTD và bạn P.

ooo
Vài ba hôm nữa là sẽ lên đường trở về gia đình. Sáng sớm hôm ấy, thứ hai, như đã hẹn trước, bạn đến chở đi uống cà phê. Thứ năm sắp tới là đi rồi. Đây là lần thứ hai, bạn lại đến. Nói uống cà phê cho gọn. Hôm nay gặp nhau, tôi có sẽ có dịp chào từ giả.

Mấy hôm trước có bàn tính, sẽ về nhà bạn điểm tâm để gặp được hai ông bà trước khi hai chúng tôi kéo nhau ra quán cù cưa cho đã. Nhưng bạn tính lại. Nên vừa vào bàn một lát thì bạn nói còn một người nữa sẽ đến trong năm mười phút. Lúc ấy, tôi không nghĩ ngợi gì; chỉ lơ mơ cho đó là chuyện thường ngày của chủ nhà. Nhưng cuối cùng, đây lại là một hôm đầy bất ngờ.

Về thăm quê lần này có mấy tuần mà tôi đã được đến và đi chơi với bạn ba lần. Nhiều hơn tất cả các bạn khác. Mới về tới hai ngày là đã tới nhà hai ông bà ăn cơm. Điều thích thú là bạn không biết uống rượu. Nhưng trên bàn ăn vẫn có chai rượu!! Hôm đó, nhờ có thêm hai ông bạn quen, nên chai rượu không bị ế (!). Bữa cơm này đánh dấu ít nhất hai mươi năm từ những ngày hai gia đình chúng tôi không còn gặp nhau thường nữa vì cuộc sống bi đát suốt thập niên 80.

Vài ba ngày sau, bạn lại hẹn và tới chở tôi đi uống cà phê vào một sáng sớm. Chuyện như đùa là không biết bao nhiêu năm rồi tôi mới có dịp ăn điểm tâm và thưởng thức cà phê vào lúc 6 giờ 30 sáng. Rất đơn giản vì gần mười năm rồi, tôi phải làm việc ca đêm, nên sáng sớm là giờ mới bắt đầu ngủ… Hôm đó cũng là buổi cà phê đầu tiên từ hồi nào tới giờ mà hai chúng tôi ngồi với nhau lâu như vậy. Nói chuyện hai tiếng đồng hồ mà như vẫn chưa xong! Thì cũng là những chuyện một thời một thuở xa lắc xa lơ mà bây giờ nhìn lại không hiểu làm thế nào lại vượt qua được cho đến giờ này còn ngồi tỉnh bơ ở đây? Không còn nhớ rõ đã bao lâu; nhưng hồi đó con cái chúng tôi mới được một hai tuổi. Và bây giờ, chúng tôi là ông nội ông ngoại cả rồi.

— — —

Lần này, qua cầu Thiềng Đức, quẹo trái qua cầu Lầu chừng trăm mét, quán cà phê nằm bên bờ sông. Ngồi trên cao, khách có được tầm nhìn xa mút mắt. Tôi hiểu ra bạn muốn có một bàn cà phê đủ mặt gia đình nên phải nhờ thêm một người mới đủ xe đi. Nhờ vậy, có thêm một người bạn. Dù chưa gặp nhau lần nào, nhưng chúng tôi vui vẽ tự nhiên. Ai cũng có tuổi và phong cách hoạt bát của người bạn mới (đối với tôi) cho thấy bạn ấy tỏ ra thuần thục trong đi đứng, tiếp xúc. Và có lẽ suy nghĩ của tôi được vững chắc thêm khi bạn tôi giới thiệu : Đây là “bà Trùm” của họ đạo. Xin tạm dùng tắt chữ họ đạo không có tên theo sau…

Đây là điều đáng ngạc nhiên. Họ đạo này đã có trước năm 75. Lại có một người đứng đầu còn trẻ thuộc giới nữ lưu thế này thì thật hãn hữu! Thông thường, đứng ra gánh vác một công việc như thế, dù có khả năng, không phải ai cũng sẵn sàng hy sinh. Đây là một chỗ đứng không chút dễ dàng. “Có cứng mới đứng đầu gió”. Và nhất là khuynh hướng của con người thời nay là tom góp về cho mình xem ra khôn ngoan hơn là mở vòng tay cho tha nhân.

Chưa biết gì thêm, nhưng tôi vẫn có một suy nghĩ trân trọng trước quyết định của người bạn này; một người đã đưa ra một quyết định can đảm. Đặt tất cả tài sản vật chất và tinh thần vào một nơi mà không ai bén mãn tới được thì sợ gì bị trộm cắp!

Trên đường từ nhà ra bờ sông, bạn cho biết thêm, đây là những người bạn tâm giao (còn nhiều bạn khác) thường gặp nhau ở nhà thờ ngày Chúa nhật. Sau Thánh lễ, nhóm bạn sẽ cùng đi ăn và uống cà phê để có một buổi họp mặt thân mật. Tôi cũng hăng hái tham gia ý kiến. Rằng thì là thời đại Internet này, người ta than phiền rất nhiều về cuộc sống. Tiện nghi nhiều hơn xưa. Nhưng không thấy thoải mái hơn. Nhịp sống có thế sinh động hơn thì cũng có thể bị stress nhiều hơn. Người ta kiếm được nhiều tiền hơn nhưng không hạnh phúc hơn. Nói tắt, cái gì cũng khá hơn xưa nhưng xem ra bất an hơn; khó tìm được sự an bình trong lòng. Cũng vậy, bây giờ, người ta nói một con người khỏe mạnh không chỉ có nghĩa là thể xác không bệnh nhưng còn là tinh thần cũng phải bình an thư thái mới là hiểu đúng nghĩa. Vì thế, nhóm bạn này đang nuôi dưỡng tinh thần cho được thanh cao dựa vào những buổi họp mặt vui tưởng rằng thuộc về vật chất. Nhưng ngẫm lại, con người chỉ có thể làm cho tinh thần thăng hoa từ những hành vi bình dị thường ngày… như mọi ngày. Không có con người vô hình. Có người còn dám nói bạo rằng tôi chính là tôi đây, cái thân xác này. Nếu bạn muốn chạm vào tâm can tôi thì chỉ có một cách là qua ánh mắt, qua lời nói, qua những cử chỉ chân tình từ thân xác mà thôi!!! Mà cũng không phải không có lý.

— — —

Đoạn đường từ cầu Lầu đến chợ Cua, theo cách gọi nôm na, là đường cầu Lầu. Dọc theo đoạn đường này, bên phía trái, là sông Thiềng Đức; cũng theo cách gọi dân gian chớ tên trên bản đồ chắc khác. Con sông này chảy từ ngã tư Long hồ qua cầu Thiềng đức, qua chợ Vĩnh Long rồi đổ ra sông Cổ Chiên, một chi lưu của sông Tiền.

Tôi nhắc đến hai địa danh này vì hôm đó, bạn đưa tôi đến đây do thuận đường (?). Nhưng tôi lại cảm thấy thích thú để ôn lại những hình ảnh còn giữ lại sâu đậm trong ký ức của hai nơi này mà nay có dịp nhìn lại từ hồi xưa tới hồi nay.

Đường cầu Lầu là con đường chính của Vĩnh Long khi người Pháp thành lập thành phố này. Con đường này chạy suốt đến bờ sông Cổ Chiên. Từ cầu Lầu đến bờ sông Cổ chiên, hồi đó, là đại lộ Gia Long. Rồi chạy thẳng lên ngã ba Cần Thơ như hiện nay. Các vị trí quan trọng như: Văn Thánh Miếu, nhà Việc Long Châu , Trường Tống Phước Hiệp (đầu tiên có tên là: Internat Élémentaire), Sở Trường tiền, Chợ lớn, Bungalow, dinh Tỉnh trường, nhà máy Nước, khu Bệnh Viện, nhà thờ Chánh tòa (cũ) và trường Nguyễn Trường Tộ đều nằm trên tuyến đường này.

Bungalow ngày xưa. Bên nầy sông là khu vực chợ Vĩnh Long, phía bên kia sông là khu vực Thiềng Đức.

Năm 1962, năm đầu tiên tôi vào Chủng Viện, xe cộ ra vào phố chợ đều phải xử dụng đường cầu Lầu. Lúc đó, Hảng xăng Shell đã đặt vài ba cây xăng gần cầu Lầu. Bến xe thì nằm ngay trước nhà lồng chợ. Nên con đường này thời đó rất sung. Đến khi bến xe dời về ngã ba Cần Thơ thì đường “năm hai mươi”, cũng theo cách gọi thời đó, mới được tu bổ và xử dụng. Trong dịp về thăm lần này, tôi tìm đi lại con đường này thì thấy từ chợ Cua đến cầu Lầu không hơn gì nhiều thời trước 1975. Tôi nghĩ do thành phố Vĩnh Long đang phát triển về phía Cần Thơ và Sài Gòn nên đoạn đường oanh liệt một thời đã bị rơi vào quên lãng.

Cũng vậy, hình ảnh còn lại trong ký ức của tôi về con sông kia cũng khá buồn. Đó là những chiếc tàu cây (gỗ) lẵng lặng neo đậu dọc theo bờ sông Thiềng Đức, phía phường 5 bây giờ, để chờ ngày chìm xuống sông (?) vì chúng không thể nào ra khơi. Trong thập niên 80, người ta hấp tấp đổ tiền đổ của đóng những con tàu này để vượt biển. Nhưng mọi chuyện đã thất bại hoàn toàn. Lúc đó, cứ mỗi lần đi trên con đường cầu Lầu này, dù không muốn nhìn thì vẫn thấy những con tàu từ từ mục nát trơ ra đó một cách vô vọng và buồn tủi. Thời gian cũng hơn ba mươi năm rồi. Nhưng mỗi khi nhắc lại khúc sông Thiềng Đức với những con tàu cô đơn kia, ai cũng biết rằng đã xảy ra những ngày tháng vô cùng bất hạnh cho biết bao người.

— — —

Không khí buổi cà phê sáng nay vui tươi, thân mật. Dù thời gian qua đi khá lâu, nay gặp lại, tôi cảm nhận hai ông bà vẫn giữ tình cảm bạn bè như xưa. Chỉ bà Trùm là bạn mới vừa quen một tiếng đồng hồ trước đó. Có lẽ tâm tình từ giã nhau cũng làm câu chuyện giữa chúng tôi dễ thân mật hơn. Thêm nữa, bà Trùm lại có con gái có chồng bên Mỹ; cũng vừa sang đó ít lâu. Nên tôi cũng được dịp “chém gió” một hồi. Câu chuyện giữa bốn người dần dần trở nên thân mật hơn khi kể cho nhau nghe những câu chuyện thường ngày của mình.

Con gái hai ông bà bạn thì học tập và làm việc ở Đài  Loan; và lập gia đình bên đó. Cháu ngoại đương nhiên là người Đài gốc Việt. Cháu ngoại của bà Trùm là người Mỹ gốc Việt. Một chuyến đi về nhà ngoại từ Đài Bắc chỉ cần ba tiếng đồng hồ hơn kém là có mặt ở Sài Gòn. Nhanh hơn từ Vĩnh Long đi Sài Gòn cách đây ba mươi năm. Chuyến đi thăm bà của cháu bà Trùm được tính là một trong những quãng đường xa nhất thế giới thì cũng chỉ hơn hai mươi giờ. Khi bà chuẩn bị đâu đó xong xuôi ở nhà rồi lên phi trường thì cũng vừa kịp đón cháu! Thế giới hôm nay nhỏ lại như một ngôi làng khi xưa…Dù xa xôi trăm ngàn dặm, chỉ cầm máy lên thì y như là người thân của mình đang đứng trước cửa! Nếu muốn thấy hình ảnh thì cứ tự nhiên bấm thêm một nút nữa. Phương tiện truyền thông bây giờ như vũ bảo. Hôm trước, bị cho là chuyện Tề Thiên. Hôm sau, đó là chuyện tự nhiên trăm phần trăm. Mới đây, ông siêu đại gia Amazon đưa ra một dự án táo bạo của “mọi thời đại” là làm cho quả địa cầu trở thành xanh mát như một khu vườn chỉ để ở mà thôi. Còn tất cả mọi ngành kỹ nghệ, vì nguy cơ ô nhiễm, sẽ được đưa lên không gian(?). Ở trên trời, họ  muốn làm gì làm. Không cần bàn luận về thay đổi khí hậu hay hiệu ứng nhà kính nhà thép gì nữa. Họ tuyên bố: Không phải khoa học giả tưởng. Chúng tôi đang nghiên cứu(!!).

— — —

Không biết những câu chuyện giữa chúng tôi có gì mới lạ cho nhau không. Nhưng cũng đầy tiếng cười… Lúc gần ra về, tôi hỏi một cách tình cờ bà Trùm để chụp một tấm hình kỷ niệm. Và cách trả lời của người bạn vừa mới quen làm tôi ngạc nhiên không ít. Cô nói gì tôi nghe không rõ; dường như là…”có gì mà không được!”. Rồi cô liền vui vẻ đứng lên bước qua ngồi vào chiếc ghế ở vị trí thuận nhất. Cám ơn người bạn mới. Tôi đã có một tấm hình trong bất chợt đầy tình cờ nhưng là một kỷ niệm dễ thương.

Người Mỹ có cách nói: “Cái thế giới bé nhỏ của tôi” (My little world). Ở đó, mỗi người sẽ cảm nhận cuộc sống thật của chính mình. Có ai mà cùng một lúc có thể ôm đồm cả thiên hạ được. Có ông quan tòa kia đến dự lễ tốt nghiệp con trai của mình. Nhà trường mời ông lên nhắn nhũ đôi lời… Có một lời chúc của ông như sau: “Chúc con và các cháu sẽ được gặp những lúc cô đơn để con và các cháu sẽ hiểu được tình bạn quan trọng như thế nào.”

Tiếng Việt mình cũng sâu sắc không thua kém. Nghe một tiếng nói vọng lại từ xa hay một bước đi trong đêm tối là biết ngay đó là bạn mình. Mới gọi là tri âm tri kỷ. Thêm nữa, niềm vui sẽ được tăng lên khi được bạn cùng vui; nỗi buồn sẽ được vơi đi khi được bạn san sẽ. Cách nói mộc mạc nhưng sâu sắc của người Việt chúng ta : “Tôi chia vui (hay chia buồn) với bạn”.

Cuối cùng, một điều đặc biệt ai cũng đã từng trải qua mà từ ngàn xưa, cổ nhân gọi là nét duyên. Thời gian đầu khi mới tới Mỹ, một trong những mong đợi là sẽ tìm được những người bạn mới. Chính lúc có nhu cầu, tôi mới ngộ ra là gặp được một người bạn quý là rất khó. Tâm lý tự nhiên của người mới chân ướt chân ráo nơi xứ người là muốn gặp đồng hương cho có bạn (!). Nhưng ngày qua ngày rồi mới biết. Có nhiều người mình gặp hằng ngày (thí dụ: nơi làm việc) nhưng rồi cũng không…. được. Người khác, có khi mới thấy một hai lần, chưa kịp nói chuyện thì như đã quen nhau từ lâu; rồi kết thân. Lời người xưa thiệt đúng như trong… kinh. Xa xôi ngàn dặm mà có duyên với nhau thì thế nào cũng gặp nhau. Không duyên thì dù ở ngay trước mắt cũng như… không. Tôi xin được diễn Nôm lời cổ nhân: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ / Vô duyên đối diện bất tương phùng”.

Bách Tùng Cao Nguyên 16/3/2018.
Ng. Toàn Đông

Bài liên quan

Back to top button