Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Cùng Về Mái Nhà Cha | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN C 16
(Lc.15,1-32)
***

CÙNG VỀ MÁI NHÀ CHA

000001aa001trove

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?

5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? 9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói:  “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất. 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:  “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

21 Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha:  “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
________________

SUY NIỆM

CÙNG VỀ MÁI NHÀ CHA

Cuộc sống vì hưởng thụ.

Người đời ngày nay thường nhắm đến hưởng thụ. Người xưa ngẫm suy về đời người ngắn ngủi, nên khuyên sống đạo đức, biết tích lũy điều lành, làm đẹp  cuộc đời bằng những điều chân thiện. “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”. Người thời nay cũng ngẫm suy đời người ngắn ngủi, nhưng vì ngắn ngủi, nên phải “tận hưởng” kẻo thiệt thòi. Chủ nghĩa thực dụng cùng với triết lý hưởng thụ cuộc sống đưa con người đến đua chen tích lũy cho cá nhân, sống ích kỷ, và lạnh lùng với những khổ đau và những nỗi khốn cùng của đồng loại. Những hình ảnh tình người “đùm bọc lẫn nhau”, “lá lành đùm lá rách” dần dần trở nên xa lạ, khang hiếm. Người ta hào hứng đưa ra những hình ảnh phô trương sự giàu có ngất ngưởng, và ngoảnh mặt với cuộc sống nghèo khổ khốn cùng như thứ địa ngục trần gian. Vẫn còn đó những “phú hộ” và “Lagiarô” trong thời đại hôm nay.

 “Chúng ta không thể thờ ơ vui hưởng của cải và tự do của chúng ta nếu bất cứ ở vùng nào đó, người nghèo khó Ladarô của thế kỷ 20 vẫn còn đang đứng chờ chúng ta ngoài cửa… Các bạn đừng bao giờ bằng lòng với hành vi chỉ cho họ những mẩu bánh vụn nơi bàn tiệc. Các bạn chỉ nên lo lắng cho đủ phần chính yếu của cuộc sống mà thôi chứ đừng tìm cách sống cho sung túc dư dật, để nhờ đó các bạn có thể giúp đỡ những người nghèo khổ. Đồng thời, các bạn hãy đối xử với họ như những thực khách trong gia đình các bạn”. (ĐTC. Gioan Phaolô II, Giảng tại Hoa Kỳ, trong chuyến viếng thăm đầu tiên ngày 02.10.1979).

Chàng trai đi hoang trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay cũng mở đầu “cuộc sống mới vì hưởng thụ” bằng việc nhận phần gia tài được chia và từ bỏ mái ấm gia đình. “Cuộc sống mới vì hưởng thụ” không “vui sướng” như mơ ước, ngược lại đầy đắng cay nhục nhã, bởi vì trong một “thế giới” ăn chơi hưởng thụ hết ý và sòng phẳng sống chết mặc ai thì ở đó làm gì có lòng thương xót.

Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (Lc.15,15-16).

Tiếc thay, thế giới ngày nay càng ngày càng lún sâu vào lối sống hưởng thụ thác loạn. Ngay khi nắm trong tay tiền của, người ta liền nghĩ đến mọi thứ ăn chơi hưởng thụ cho đã, đó là ưu tiên hàng đầu và cũng là mục của đời người theo khát vọng “sống để ăn”.

“Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi” (Lc.12,13-21).

Đứa con thứ bắt đầu chuyến đi hoang từ cái nhìn về tiền của cùng với những thứ thú vui mà nó sẽ đem lại.

Người con cả cũng nhìn đời từ những lợi lộc vật chất, anh ta cũng không thấy mái ấm gia đình là mái ấm   tình thương thật sự, anh cũng có thể “từ chối” trở vào mái ấm gia đình ấy khi tiền của, lợi lộc ở đó không được như ý anh mong muốn.

Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. (Lc.15,28-30).

000001aa002trove

Cuộc sống vì tình thương

Thế giới là “mái nhà chung”. Nếu chỉ nghĩ và sống với những thứ lợi lộc vật chất, hưởng thụ tầm thường, là đà với thú vui bản năng và ích kỷ, thì con người  không thể vui sống tình anh em huynh đệ được.

Người con cả và đứa con thứ là anh em một nhà, mỗi người đều theo đuổi mộng ước riêng của mình. Mỗi người đều xa cha mình, theo cách riêng của họ :  “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc.15,28-30).

Những đứa con ấy không nhận ra được họ chỉ là một trong tình yêu của Cha. Cùng yêu thương đùm bọc nhau trong thành lũy che chở của tình cha. “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.” (Lc.15,31).

Ai cũng ước mơ về một thế giới “tứ hải giai huynh đệ”, nhưng làm sao ước mơ đó thành hiện thực khi người ta sống nô lệ theo chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân và chưa thực tâm tìm về nguồn  tình yêu chân chính.

000001aa003trove

Cùng về mái nhà Cha

Người Cha Giàu Lòng Thương Xót đã đợi chờ và ôm hôn đứa con lầm lỗi trở về, và cũng người Cha ấy thừa nhẫn nhục để năn nỉ người con cả, có vẻ như luôn hiếu thảo kề cận bên cha, nhưng lòng trí thì đang tập trung về tiền của nên đang rất xa cách cha mình, tất cả cần có chung một lần “cùng về mái nhà Cha”.

Anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp bao là sướng vui” (Tv 133,1).

Để có cuộc trở về này, không dễ dàng gì. Mỗi người con đều cần phải xóa những ý nghĩ ích kỷ, lối sống thụ hưởng bản thân, không quên ta sinh ra và lớn lên trong mái ấm tình thương chỉ có một trong đời, nhận ra ân huệ và tình Cha bao la, yêu thương và đùm bọc che chở nhau để làm vui lòng người Cha kính yêu.

Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài tình thương mến (I Cor.13,13)”

Dù ta là người phá sản gia đình, hay là người ra công tom góp gìn giữ, lòng ta vẫn không thoát được những tham vọng tìm ẩn trong con tim ích kỷ hẹp hòi. Ta phải “trở về mái nhà Cha”, ở đó ta học được và hưởng được sự ngọt ngào và thanh thản của tình Cha bất tận.

Ta suy ngẫm thêm câu chuyện sau đây và “cùng về mái nhà Cha”, vì, có ai trong cuộc sống này không một lần lầm lỗi.

Richard Pindell có viết một chuyện ngắn nhan đề “Đứa con trai của một người nào đó” (Somebody’s son).  Câu chuyện mở đầu với một cậu bé tên là David bỏ nhà ra đi sống bụi đời.  Vì khổ quá, không chịu nổi cậu bèn viết một lá thư gởi về nhà cho mẹ bày tỏ niềm hy vọng được ông bố cổ hũ tha thứ cho cậu và chấp nhận cậu làm con trở lại.  Lá thư như sau: “Mẹ kính mến, trong một vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà.  Nếu bố bằng lòng nhận con trở lại, thì mẹ yêu cầu bố cột một miếng vải trắng lên cây táo hồng ở miếng đất cạnh nhà chúng ta”.  Vài ngày sau, David lên xe lửa đi về.  

Trong lúc tàu hoả lao nhanh đến nhà thì hai hình ảnh cứ chớp lòe liên tục hiện ra trong trí cậu ta.  Khi thì trên cây có cột một miếng vải trắng, khi thì trên cây chẳng cột miếng vải trắng nào.  Xe lửa càng tiến gần nhà, trái tim David càng đập nhanh hơn.  Không bao lâu nữa cây táo sẽ hiện ra ở khúc quẹo, nhưng David không dám tự mình nhìn tới vì sợ nhỡ không có miếng vải trắng cột ở đó.  Thế là cậu quay sang người đàn ông bên cạnh ấp úng nói: “Thưa ông, ông có thể làm ơn giúp cháu một việc không?  Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cái cây.  Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây có cột một miếng vải trắng không nhé.”

Khi xe lửa rầm rầm lướt qua cây táo, David nhìn chăm chăm về phía trước.  Đoạn run run giọng cậu hỏi người đàn ông: “Thưa ông, có một miếng vải trắng treo ở một cành cây nào đó không?”  Ông ta sửng sốt trả lời: “Ồ, này cậu bé, cành cây nào ta cũng thấy có cột một miếng vải trắng cả!” (Sưu tầm).

Lạy Chúa.

Xin thương xót con là kẻ có tội. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
____________

Bạn có thể xem thêm bài suy niệm cũ năm C 2013 tại Địa Chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/340-thien-chua-la-cha-nhan-hau

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button