Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CUỘC HẠNH NGỘ ĐÍCH THỰC | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH B
(Lc. 24,35-48)
****
CUỘC HẠNH NGỘ ĐÍCH THỰC

 

(35) Bấy giờ hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xẩy ra dọc đường và  việc mình nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

(36) Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”  (37) Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. (38) Nhưng Người nói:  “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? (39) Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” (40) Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. (41) Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” (42) Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. (43) Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

(44) Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” (45) Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (46) và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; (47) phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.  (48) Chính anh em là chứng nhân về những điều này. (49) “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

________________

SUY NIỆM

CUỘC HẠNH NGỘ ĐÍCH THỰC

Một chuyến đi không có ngày trở lại.

Trong cuộc sống, cái chết là một chuyến đi cuối cùng mà người đời thường đau đớn thốt lên lúc chia ly: “Vĩnh biệt!” – “Nghìn thu vĩnh biệt”, vì, chuyến đí ấy không có ngày trở lại, ta mãi mãi mất một người thân yêu trên cuộc đời này.

Thế nhưng, cái chết, không chỉ là cái chết thể xác, mà còn có những cái chết khác, cái chết tâm hồn, cái chết lương tri của một con người, nó cũng đem lại sự mất mát đau buồn lớn lao không kém.

Vì thế, sự “sống lại”, dù dưới hình thức nào, luôn là một niềm vui khôn tả. Sự “sống lại” có khi là tìm lại được một người thân mất tích, có khi là cứu sống một người thân tưởng đã mãi mãi đi xa, hay có khi là sự sống lại của một tâm hồn thức tỉnh từ bóng tối tội lỗi…  Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc. 15, 11-32).

Cuộc hạnh ngộ đích thực.

“Không ai là một hòn đảo”. Con người có xã hội tính. Không ai sống một mình. Con người sống có nhau, vì nhau. Bởi thế, con người có gia đình, có người thân yêu, có người thân cận, bạn bè, và sống có tình người, vì “tứ hải giai huynh đệ”, mọi người là anh em với nhau. Từ đó, ai cũng hiểu thế nào là cảnh sinh ly tử biệt, và ai cũng quý trọng giây phút đoàn tụ với những người mình mến yêu trong cuộc sống.

Cuộc sống vì miếng cơm manh áo, vì hoàn cảnh, người ta không thể sống một cuộc đời luôn luôn đoàn tụ. luôn luôn có những người thân yêu bên cạnh, dù người ta luôn khao khát như thế. Cho nên, nếu có dịp đoàn tụ, người ta vui mừng biết bao. Càng yêu thương nhau, giây phút đoàn tụ càng vô giá.

Ở Việt Nam, hãy xem những dịp Lễ, Tết… người làm ăn phương xa giá nào cũng trở về quê nhà để được đoàn tụ cùng những người thân yêu, tuy dù thời gian hội ngộ có khi rất ngắn ngủi.

Cái chết là một cuộc chia ly không có ngày hội ngộ trên cuộc đời này. Chỉ có Chúa Giêsu là trường hợp duy nhất, và Ngài đã đem lại cho các môn đệ, những người thân yêu,  những giờ phút hội ngộ vô cùng hạnh phúc, bởi nó ngoài sự tưởng tượng của các ông, nên cuộc hạnh ngộ hết sức bất ngờ và vô cùng ngỡ ngàng.

Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” (Lc.24,40-41).

Cuộc hội ngộ qua những lần hiện ra của Đức Kitô Phục Sinh ngay ở trần thế này là  niềm vui tột cùng và là khát vọng vô biên của con người.

Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ.Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. (1Cor.15,6-8).

Nhưng, tất cả không dừng lại ở giới hạn của trần gian. Bởi trần gian tất cả chỉ có “một thời”, còn Chúa Giê su thì vĩnh hằng – Là Alpha và Ômêga – là đầu hết và là cuối hết. Nên, tất cả sự hội ngộ ở trần gian chỉ có ý nghĩa nếu nó  hướng về niềm vui về sự hạnh ngộ ở Thiên Quốc. Sự hạnh ngộ trong Vương Quốc Vĩnh Hằng của Thiên Chúa.

Do đó, cuộc hạnh ngộ đích thực là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa; là về với Thiên Chúa, là đoàn tụ cùng Thiên Chúa.

Cuộc hạnh ngộ ấy không phải mang lại niềm vui cho riêng một mình ta, mà là một cuộc hạnh ngộ huynh đệ của mọi người ở Nhà Cha – Nước Trời. Chính vì thế, những cuộc hội ngộ của các môn đệ với Đức Kitô phục sinh là nền tảng Đức Tin để ta tiếp nối các môn đệ làm chứng nhân cho Đức Kitô và để loan báo Tin Mừng của Ngài đến với mọi người,  hầu giúp mọi người  tin nhận Đấng Cứu Thế, đem mọi người về với Thiên Chúa – Người Cha Nhân Hậu của nhân loại.

Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.  Chính anh em là chứng nhân về những điều này. (Lc.24,47-48). 

Thật sự, một thế giới huynh đệ không thể “sum họp một nhà” nếu không chìm đắm trong ánh sáng Tin Mừng của Chúa Kitô.

Anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp bao là sướng vui” (Tv 133,1).

Hình ảnh mọi cuộc hội ngộ hôm nay giúp ta hình dung niềm vui ngày hạnh ngộ đích thực trong Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng của Thiên Chúa. Vì, không có cuộc hội ngộ nào là cuộc hội ngộ hạnh phúc đích thực nếu cuộc hội ngộ đó không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa là nguồn hạnh phúc – “Chúa ở đâu, ta ở đó” –  đó là hồng ân bao la đến từ Thiên Chúa.

Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. (Ga.14,1-3).

Lạy Chúa,

Lòng con luôn thầm nguyện:

“Tôi mừng vui mỗi khi nghe nhủ rằng:
nào ta tiến lên đền thờ Thiên Chúa” (Tv. 121).

Ôi, đây là cuộc hạnh ngộ
một đời đợi chờ…
bên Chúa và bên những thân yêu…
được sum họp một nhà
có Chúa là Cha,
mọi người là anh em…

Đó mới là cuộc hạnh ngộ đích thực
mà hôm nay là cuộc hành trình,
Lạy Chúa, con van xin…
Tình Ngài thương nâng đỡ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
_______________

Bạn có thể xem thêm bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/633-chua-nhat-03-ps-b-sao-long-ta-con-ngo-vuc

 

 

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button