Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

LỄ HIỂN LINH: Những Vì Sao Rực Sáng | NVT

                                  SUY NIỆM TIN MỪNG                                  
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH
(Mt.2,1- 12)
****
NHỮNG VÌ SAO RỰC SÁNG

1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”

7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

_____________

SUY NIỆM

NHỮNG VÌ SAO RỰC SÁNG

HENRY VAN DIKE có thuật lại câu chuyện nhan đề: “CÒN MỘT NHÀ ĐẠO SĨ KHÁC NỮA” (The Sto­ry of the Other Wise Man), kể về nhân vật thứ tư là người lẽ ra đã cùng ba nhà đạo sĩ đi tìm Vua dân Do thái mới sinh. Nhân vật này tên là Ar-ta-ban. Trong lúc chuẩn bị lên đường, Ar-ta-ban có mang theo một túi đựng những viên kim cương để dâng tặng cho vị ấu vương. Thế nhưng trên đường đến điểm hẹn, Ar-ta-ban đã phải dừng chân để giúp đỡ một người nghèo đói nằm bên vệ đường. Do đó khi đến nơi thì ông không còn thấy ba vị kia đâu. Dù vậy, ông vẫn kiên trì tiếp tục cuộc hành trình đi tìm Vua Cứu Thế. Trên đường tìm kiếm, mỗi lần gặp một người khốn khổ, ông lại bán đi một viên kim cương để giúp đỡ. Sau nhiều năm, Ar-ta-ban đã dần dần trở thành một lão già ốm yếu, thế mà ông vẫn chưa gặp được Vua Do thái như lòng hằng mong ước.

Ảnh: HENRY VAN DIKE
Sinh: No­vem­ber 10, 1852, Germanton, Penn­syl­van­ia.
Mất: Ap­ril 10, 1933, Princeton, New Jer­sey.
An nghỉ: Prince­ton, New Jers­ey.

Rồi 33 năm sau, khi đang trọ trong thành Giê-ru-sa-lem, Ar-ta-ban thấy cả thành xôn xao náo động vì cái tin nhà cầm quyền đang đem một tội nhân đi hành hình thập giá. Ar-ta-ban tò mò hoà theo dòng người đi xem. Khi nhìn thấy tội nhân đang vác cây thập tự bị té ngã nhiều lần, linh tính cho biết đó chính là vị Vua Cứu Thế mà ông hằng tìm kiếm. Ông liền đi theo Người trên đường thương khó. Rồi khi tội nhân bị đóng đinh và bị treo trên thập giá, Ông muốn đến gần ôm lấy vị Vua kia, nhưng không thể được vì bị bọn lính canh ngăn cản. Bỗng chốc Ar-ta-ban thấy vị Vua mở mắt ra nhìn ông và ông nghe thấy có tiếng thì thầm bên tai rằng: “Này Ar-ta-ban, con đừng buồn nữa. Ta cám ơn con vì bao năm qua đã nhiều lần con tặng quà cho Ta. Nhiều lần Ta đói con đã cho bánh ăn, Ta khát con đã cho nước uống, Ta rách rưới con đã cho đồ mặc, Ta là khách lạ con đã đón ta vào nhà ở trọ…”.

Nghe những lời ấy, Ar-ta-ban cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui. Ông hiểu rằng: Các món quà xưa nay ông đã chia sẻ cho người nghèo là ông đã dâng tặng cho chính Vua Giê-su Cứu Thế. Món quà đó không nhất thiết phải là tiền bạc vật chất, nhưng còn là tình người, là sự thông cảm với những ai đang bị đau khổ, là thái độ khiêm tốn sẵn sàng phục vụ tha nhân vô vụ lợi. (INTERNET).

1. Cuộc hành trình tìm kiếm dài lâu

Cuộc sống là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc. Đạt được hạnh phúc, con người mới vui sống. Muốn vui sống thanh tao chân thiện con người phải tìm được hạnh phúc đích thực.

Hạnh phúc đích thực không phải ai cũng nhận ra, ai cũng yêu thích, ngược lại nhiều người đã nhắm đến thứ  hạnh phúc phù hoa, giả tạo, đen tối, làm mục đích của đời mình.

Cuộc đời thiện – ác, sáng – tối, thật – giả, vàng – thau… lẫn lộn. Đi tìm hạnh phúc trong cuộc đời phải có ánh sáng chiếu soi con người mới có thể chọn lựa đúng. Ánh sáng chiếu soi ngoài trời, ánh sáng chiếu soi trong lòng.

Đâu là những vì sao sáng chiếu soi đời ta?

Như ba vị đạo sĩ phương đông, họ không ngừng tìm kiếm khám phá ý nghĩa những vì sao, những vì sao định hướng cho đời họ.

Trước khi họ tìm thấy được những vì sao đó, họ đã thấy những vì sao rực sáng trong lòng họ. Những vì sao soi rọi khát vọng vô biên về sự chân thật và vĩnh cửu mà đời sống phàm trần không thể thỏa mãn họ được.

Thấy được và hiểu được ý nghĩa những vì sao sáng là một việc, dám dấn thân đi theo ánh sao soi đường lại là một việc khác.

Ta biết được ngày đầu tiên của mùa Xuân là một việc, còn ta có nếm được hương vị ngày xuân đầu tiên hay không là việc khác. Khoảng cách ấy đôi khi rất xa, như cách nói của HENRY VAN DYKE: “Ngày đầu mùa Xuân là một lẽ, còn ngày Xuân đầu lại là lẽ khác” (The first day of Spring is one thing, and the first Spring Day is another).

Muốn quan sát được những vì sao, phải trong lúc trời thanh tịnh; muốn thấy được tia sáng trong tâm hồn, lòng phải tĩnh lặng.

Cuộc hành trình băng qua sa mạc xa xôi gian khổ dài lâu, ba nhà đạo sĩ mới gặp được Đấng Cứu Thế. Giữ lấy Thiện Tâm để gặp Đấng Cứu Thế trong lòng, cũng không thiếu những phấn đấu gian nan.

2. Cuộc gặp gỡ như lòng mong ước

Được dâng lên Đấng Cứu Thế, Vua Vũ Hoàn, những gì quý nhất của mình với lòng kính thờ toàn tâm toàn ý thì hạnh phúc nào bằng.

Cuộc gặp gỡ của ba nhà đạo sĩ với Chúa Hài Nhi thật trọn đầy như lòng mong ước.

Khoảng cách không gian có khó khăn đó, nhưng khoảng cách lòng ta mới đáng âu lo.

Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. (Nguyễn Bá Học).

Đường đi đến với Chúa sẽ trở nên muôn trùng xa cách nếu không có Tình Yêu đối với Chúa trong lòng ta.

Biết bao ánh sao rực sáng trong lòng ta, để ta nhận ra đâu là những hồng ân Chúa yêu thương, đâu là những gì ta có thể làm để đáp lại Tình Ngài.

“Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Vinh quang Thiên Chúa dành cho mọi người và mọi người đều được Ngài yêu thương.

Mọi người – mọi dân mọi nước – đều được Ngài tỏ vinh quang của Ngài để dẫn dắt tất cả vào Thế Giới Yêu Thương của Ngài – Vương Quốc Vĩnh Vửu, và cũng là hạnh phúc vĩnh cửu – vì chỉ có Yêu Thương mới là vĩnh cửu.

Thời gian quá chậm với những ai cứ đợi chờ. Quá nhanh với những ai sợ hãi. Quá dài với những ai buồn rầu. Quá ngắn với những ai vui tươi. Nhưng là vĩnh cửu với những ai yêu thương.

Time is too slow for those who wait, too swift for those who fear, too long for those who grieve, too short for those who re­joice, but for those who love, time is eter­ni­ty. (Hàng chữ trên bia mộ Henry Van Dyke).

Lạy Chúa,

Cho đời luôn có vì sao sáng
định hướng đi trên mọi nẻo đường
lối nào là lối của tình thương…
dẫn về chốn Địa Đường Vĩnh Cửu

Sao rực sáng cho lòng đừng mê ngủ
Tìm gặp Ngài ngay ở cõi lòng con
Công đức đâu…một chút cũng chẳng còn!
Xin dâng Chúa một đời con lầm lỡ… Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

_______________

SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA NHẬT HIỂN LINH
(Mt.2,1-12)
****
VÌ SAO CỦA NGƯỜI

 

(1) Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, (2) và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.(4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: (6) ‘Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”

(7) Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10)  Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

______________

SUY NIỆM

VÌ SAO CỦA NGƯỜI

Ở quê tôi, vào một ngày lễ lớn của một tôn giáo địa phương, tín đồ đã trang trí khu vực hành lễ nhiều cờ hoa đèn màu rực rỡ, trong đó, có nhiều ngôi sao muôn màu muôn vẻ với ánh đèn bên trong sáng rực. Nhiều người qua lại nói với nhau: “Nhìn mấy ngôi sao sáng, làm nhớ đến ngày lễ Giáng Sinh”.

Thật vậy, ngày nay, không ai xa lạ gì với lễ Giáng Sinh, và trong muôn sắc màu của ngày Đại Lễ gần như của tất cả cộng đồng nhân loại này, hình ảnh “vì sao sáng” xuất hiện khắp nơi và trở nên quá quen thuộc, đến nỗi, có thể nói, khó có thể nói mừng lễ Giáng Sinh mà không có trang hoàng những ngôi sao sáng. Hay nói ngược lại, những ngôi sao sáng báo tin Mùa Giáng Sinh đã đến.

Ai đã biết câu chuyện về những người từ Phương Đông theo “ánh sao lạ” tìm đến Bê Lem để kính thờ Thiên Chúa Giáng Sinh, càng nghe xao xuyến lòng mình khi nhìn ngôi sao rực rỡ điểm trang đó đây khắp mọi phố phường làng xóm khi Giáng Sinh về.

Vì sao Ba Vua.

Nhiều bản dịch Kinh Thánh ngày nay gọi những người theo ánh sao lạ từ Phương Đông đến Giê-ru-sa-lem bằng nhiều tên khác nhau, như “những đạo sĩ” (Lm. Nguyễn Thế Thuấn), nhà chiêm tinh (PVCGK), wise men – or astrologers; Gk magi (The NRSV Bible; Christian Community Bible), mages (La Bible de Jerusalem).

Ở đây, xin được gọi theo kiểu xưa, là “Ba Vua” cho tiện. Vì ở đây, mục đích là suy niệm để sống Lời Chúa chứ không phải nghiên cứu Kinh Thánh. Vả lại, cũng có nhiều văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… vẫn dùng tên gọi “Ba Vua” trong biến cố lễ “Hiển Linh” này, thí dụ gần đây có một bản nhạc đạo khá nổi tiếng tên “Ba Vua lên đường” của Thông Vi Vu, tên thật tác giả là Đức Giám Mục Nhạc sĩ Vũ Duy Thống, được ban Tam Ca Phương Đông trình bày trong DVD Rộn Rã Noel phát hành ngày 19.12.2008.

Từ câu chuyện “Ba vua” trong Kinh Thánh, có nhiều câu chuyện Ba Vua “ngoài đời” được thêu dệt thêm rất thi vị, gởi gấm trong đó nhiều ý nghĩa sâu xa, có khi rất cảm động.

Cuộc hành trình tìm kiếm Chúa của Ba Vua

Trong bài này, chúng ta suy niệm về cuộc hành trình tiềm kiếm Chúa của mọi người, mọi dân, mọi Nước, mà Ba Vua là đại diện điển hình trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.

“Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”

Có thể thấy trọn vẹn ý nghĩa chính trong câu chuyện nơi đây.

Chúng tôi : Những người từ Phương Đông.
Đã thấy : Đã nhận ra sau khi bỏ ra nhiều bao công sức tìm tòi, khám phá.
Vì sao của Người: Tin vào Ánh Sáng Chúa Ki-tô soi đường mở lối.
Đến : Có “đi” mới có “đến”. Trải qua một cuộc hành trình xa xăm, gian khổ để đến tận nơi mong muốn.

Bái lạy : Đây không phải một chuyến đi du lịch, hay tìm thỏa mãn một hiểu biết mập mờ mà sự tò mò lôi cuốn tính hiếu kỳ bước vào cuộc phiêu lưu. Nhưng là một chuyến đi có mục đích hẳn hoi, thiêng liêng, mà đỉnh cao là niềm vui được gặp Thiên Chúa Giáng Sinh và “thờ lạy” Người.

Trong cuộc hành trình của Ba Vua, phải vượt qua biết bao những gian khổ: nắng gió sa mạc, cái lạnh về đêm, sự hoang vắng. Có những lúc ánh sao khuất mất làm lạc phương hướng, dò đường, hỏi thăm, lạc lỏng…

Trong sa mạc bao la cũng chắng khác gì trên biển cả mênh mông. Bảo táp sa mạc và bảo táp trong lòng.

Cuộc hình trình nhiều trắc trở, nhưng Ba Vua đã vượt qua. Tìm gặp được Chúa Hài Nhi ở Bê Lem như dân Do Thái đã vượt qua sa mạc để vào được miền Đất Hứa.

Của lễ của Ba Vua tiến dâng Chúa Hài Đồng, là của lễ của niềm tin yêu Hạnh Phúc.

Như Mẹ Tê-rê-sa Calcutta đã nói: “Món quà kèm theo sự hy sinh, mới là món quà thật”.

Có thể chúng ta tìm thấy nhiều ý nghĩa trong những lễ vật của Ba Vua tiến dâng Chúa Hài Nhi. Nhưng chính cuộc hành trình gian khổ, mới làm cho những lễ vật ấy thành những lễ vật chân thành.

Những vì sao cho nhau

Chúa đã dùng những ánh sao để soi lối dẫn đường cho chư dân muôn nước tìm về Thiên Chúa.

Chúa cũng dùng mỗi người chúng ta như những ánh sao dẫn đường cho nhiều người tìm về với Chúa, nhận ra Chúa, nhận ra lẽ phải, tìm ra lẽ sống, tìm được hạnh phúc đích thực của đời người, nếu cuộc đời chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa, thuộc về Thiên Chúa.

Hãy là ánh sao cho nhau trong sa mạc cuộc đời. Những vì sao chuyên chở Ánh Sáng Chúa Ki-tô đến cho nhau.

Lạy Chúa,

Xin cho con qua sa mạc gian nan thanh luyện để về miền Đất Hứa.

Xin cho con qua sa mạc mênh mông xa xăm từ Phương Đông để tìm về Hang Đá Chúa Hài Đồng.

Xin cho con qua sa mạc cuộc đời về Vương Quốc Tình Yêu của Thiên Chúa.

Xin Vì sao của Người chiếu soi mãi mãi cuộc hành trình của đời con. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng.

__________________

Bạn có thể xem thêm bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/578-le-hien-linh-vi-sao-nao-cho-doi-ta

 

 

Bài liên quan

Back to top button