Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

NGƯỜI CHA NHÂN HẬU – MỤC TỬ NHÂN LÀNH | NVT

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH B
(Ga. 10,11-18)
****
NGƯỜI CHA NHÂN HẬU – MỤC TỬ NHÂN LÀNH | NVT

   (11) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (12) Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, (13) vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. (14) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, (15) như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

(16) Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. (17) Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. (18) Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

______________

SUY NIỆM

Từ “Người Cha Nhân Hậu”…

Chúa Giêsu xuống thế làm người để loan báo Tin Mừng cho nhân loại vể Tình Yêu Thiên Chúa, và hình ảnh minh họa cụ thể dễ hiểu nhất đó là hình ảnh “Người Cha Nhân Hậu”. Minh họa cho chân lý Thiên Chúa là Người Cha Nhân Hậu là câu chuyện dụ ngôn nổi tiếng về “Đứa con trai hoang đàng” mà Chúa Giêsu giảng dạy, (cũng thường gọi Người Cha Nhân Hậu), một câu chuyện mà dù bất cứ ai, có niềm tin tôn giáo hay không, trong hay ngoài Kitô Giáo, khi nghe, đều không ngăn được niềm cảm xúc dâng tràn về tấm lòng Người Cha Giàu Lòng Thương Xót. Biết bao nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ, điêu khắc gia, phim ảnh… đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao được múc nguồn cảm hứng từ câu chuyện “Đứa con trai hoang đàng”.

Chúng ta cùng  đọc lại dụ ngôn này:

Dụ ngôn người cha nhân hậu (Luca 15,1-32)

11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

21 Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. .. 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

Trong câu chuyện này, chúng ta nhận ra được:

sự yếu đuối của con người.

Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (Lc. 15,12…).

Sự sám hối của con người (dù sự sám hối ấy chưa thật sự đầy đủ ý nghĩa).

Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. (Lc.15,17…)

sự tha thứ của Thiên Chúa – “Người Cha Nhân Hậu ”Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. (Lc.15,22…)

sự bảo vệ của Thiên Chúa – “Người Cha Nhân Hậu”.

“Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc.15,31…),

niềm hạnh phúc trọn đầy.

Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu. (Lc.15,22).

Ta có thể rút ra bài học từ Người Cha Nhân Hậu.

“ Con người yếu đuối – sám hối – được tha thứ – được bảo vệ – hạnh phúc bên Chúa”.

Đó là con đường của Tình Yêu Thiên Chúa  dành cho nhân loại.

Đó cũng chính là chương Trình Cứu Rỗi của Thiên Chúa.

… Đến “Mục Tử Nhân Lành”.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài không ngừng nói cho nhân loại biết về Người Cha Nhân Hậu, về Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Đó là nguồn cậy trông, là nguồn sống đích thực của con người. Và, chính vì thế, lời cầu nguyện duy nhất trọn đầy dâng lên Thiên Chúa là lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha mà chính Chúa Giê su đã dạy:

“Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'”. (Lc.11,1-13).

Lời nguyện đẹp lòng Chúa Cha nhất, là lời cầu nguyện từ niềm tin vào Chúa Giêsu – “nhờ Người, với Người và trong Người” – vì Chúa Giê su, Đấng  luôn đẹp lòng Chúa Cha.

“Ðây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. (Mc.9,1-9).

Thế nên, hình ảnh Chúa Giê su – Vị Mục Tử Nhân Lành – cho ta thấu hiểu trọn đầy hình ảnh Chúa Cha, Người Cha Nhân Hậu, như chính Chúa Giê su khẳng định: “Ta và Cha là một” (Ga.10, 30), từ đó – “nhờ Người với Người và trong Người” – ta nhận ra Thiên Chúa trong cuộc đời, nhận ra Thiên Chúa là lẽ sống đời ta, nhận ra Thiên Chúa là cùng đích đời ta.

Ðức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha. Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? (Ga.14,1-12).

Chúa Giê su: Mục Tử Nhân Lành, Ngài kêu gọi con người sám hối, để được tha thứ, được bảo vệ, và hưởng hạnh phúc trọn đầy.

Ta có thể nhận ra những điều ấy qua giáo huấn của Ngài và chính cuộc đời của Ngài, thí dụ:

sám hối.

“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17).

Được tha thứ

“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm không biết”(Lc 22,34)

Được bảo vệ

Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7)

Dẫn đưa con người đến bến bờ hạnh phúc.

Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga.10,10).

Ở đây, ta cũng có thể rút ra bài học từ vị Mục Tử Nhân Lành:

“ Con người yếu đuối – sám hối – được tha thứ – được bảo vệ – hạnh phúc bên Chúa”.

Tất cả không phải nằm trên những trang giấy Thánh Kinh, nhưng đã thành hiện thực nơi Đức Kitô Phục Sinh.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga.3,16).

“Người Cha Nhân Hậu” – “Vị Mục Tử Nhân Lành” là một.“Ta và Cha là một” (Ga.10, 30), là Lòng Chúa Thương Xót. là Tình Yêu Thiên Chúa bao la đến muôn đời.

Lạy Chúa,

Con vững tin vào Tình Yêu Thiên Chúa. Amen.  

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

________________

Bạn có thể đọc thêm bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/636-chua-nhat-chua-chien-lanh-trai-tim-muc-tu

 

 

Bài liên quan

Back to top button