Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Sống và sinh nhiều hoa trái | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH B
(Ga. 15,1-8)
****
SỐNG VÀ SINH NHIỀU HOA TRÁI

(1) “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (2) Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (3) Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. (4) Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

(5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (8) Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

SUY NIỆM

SỐNG VÀ SINH NHIỀU HOA TRÁI

1. SỐNG.

Nỗi buồn lớn nhất của con người: Sự Chết.

Nhà nguyện bằng xương

Đó là một nhà thờ ở Bồ Đào Nha. Cấu trúc bên trong hoàn toàn bằng xương người. Bạn tin hay không thì đó cũng vẫn là một nơi thờ phượng. Đó là nhà nguyện Capela dos Ossos (tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là Nhà Nguyện Bằng Xương), tọa lạc gần Nhà thờ Thánh Phanxicô ở TP Evora, từ thế kỷ XVI. Nhà nguyện này làm bằng xương của 5.000 tu sĩ.

Quyết định làm nhà nguyện bằng xương là ý tưởng “lạ”, nhưng có nguyên nhân của nó. Thế kỷ XVI, TP Evora có khoảng 43 nghĩa trang chiếm mất nhiều đất. Khi người ta quyết định bỏ các nghĩa trang, thi hài của 5.000 tu sĩ được khai quật. Thế là người ta quyết định dùng xương của các tu sĩ để xây dựng Capela dos Ossos. Tuy nhiên, người ta muốn xương được nhìn thấy để nhắc nhở cái chết, chính vì vậy mà nhà nguyện này có một đặc điểm độc đáo.

Tại cửa nhà nguyện ghi: “Nos ossos que aqui estamos, pelos vossos esperamos”, nghĩa là: “Xương chúng ta ở đây, vì chúng ta chờ đợi xương của mình”. Một lời nhắc nhở hiển nhiên về cái chết của mình vào một ngày nào đó. Điều này thật ý nghĩa trước khi chúng ta bước vào trong để cầu nguyện.

Bên trong, các bức tường là hằng ngàn khúc xương và sọ được sắp xếp rất nghệ thuật. Đặc biệt là thi hài của một phụ nữ và một đứa trẻ treo lơ lửng trên tường. Không ai biết tại sao họ có trong nhà nguyện này. Người ta cho rằng một người đàn ông thế lực đã nguyền rủa họ. Khi họ không được chôn trong các nghĩa địa, thi hài họ được đưa vào nhà nguyện này. Thân xác họ không phân hủy, thế mới lạ. Điều này cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

Nơi có nhiều xương người nhất là Sedlec Ossuary, ở Cộng hòa Séc. Một “thánh địa” khác thường đã dùng các bức họa để trang trí, nơi này có khoảng 40.000 tới 70.000 xương người.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ OddityCentral.com).

Thật sự cái chết luôn là một sự thật hiển nhiên và là một mầu nhiệm mà con người mọi thời đại luôn phải suy ngẫm. Câu chuyện về  “nhà nguyện bằng xương” trên, làm chúng ta nhớ lại mẫu chuyện ngắn trong Cổ học Tinh hoa sau đây:

Tại chùa Tô Châu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung tu hành đắc đạo.

Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ ba tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy, cười nói rằng:

“Người chế ra cái này dùng để làm gì?”

Nhà sư nói: “Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ, người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quí, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì. Như ta đây mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trông thâm tâm ta được yên ổn mà muôn nghìn sự tư lự đều lâng lâng sạch như không. Cái quan tài con này đủ thay lời huấn, lời giới của bậc nghiêm sư bài trâm , bài minh treo bên chỗ ngồi vậy”.

Rõ ràng khi con người suy ngẫm về cái chết là để con người tìm về con đường sống. Vì sao tất cả mọi thành đạt của con người đều trở thành cát bụi? Vì sao những bộ óc vĩ đại kia lại không thể tạo cho mình thêm một vài giây phút sống mỏng manh theo ý mình muốn? Tại sao con người có thể làm nên những chuyện “đội đá vá trời” mà không thể trì hoãn thêm vài nhịp tim để trọn vẹn lời trăn trối cuối cùng?

Con người không thể tự mình sống mà không có nguồn sống từ Thiên Chúa.

Nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống. Ngài không muốn con người phải chết.

“Còn về vấn đề kẻ chết chỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao ? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào ? Người phán : Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của Y-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống. các ông lầm to !”. (Mc.12,24).

Khát vọng lớn nhất của con người : Sự sống.

Hình ảnh cây nho

Với nông dân vùng Palestine thời đó. Cây nho là tài sản quí giá nhất. J.P.Charlier cảnh giác: “Để có một ý niệm về cây nho ở Israel và trong những vùng phụ cận nắng cháy, chiêm ngắm những vườn nho vùng Bourgogne hay Bordeaux chẳng ích lợi gì. Những gốc nho ôn đới chẳng có gì giống với gốc nho vùng Palestine vốn lớn như cổ thụ xum xuê cành lá chứ không phải là những thân nho được cắt tỉa kỹ lưỡng và nhỏ xíu. Phải biết rằng cả một thang lầu trong đền thờ thần Diana ở Ephêsô tạc từ một gốc nho duy nhất mang về từ đảo Chypre. Nếu không nhớ đến vẻ oai nghi hùng tráng đó, sẽ không tài nào hiểu nổi một thành ngữ rất thông dụng trong Thánh Kinh “nghỉ dưới gốc nho” (1V 4,25; Mk 4,4). “Đức Giêsu ở giữa dân Người” (“Đọc Thánh Kinh” số 78, trang 54). (Xem Chú giải Fiches Dominicales, bài 21 trong phần Sưu Tầm).

Cây nho cho chúng ta hình ảnh về cội nguồn sự sống. Cội nguồn ấy từ Thiên Chúa. Nên sức sống từ cội nguồn ấy mãnh liệt. Và không gì tồn tại nếu xa rời Thiên Chúa. Đức Giê-su là sự sống, “Thầy là Đường, là Sự thật, và là Sự Sống, vì Ngài là Con Thiên Chúa – Ngài là Thiên Chúa, “Cha Ta và Ta là một” (Ga 10,30). Sự sống chỉ tồn tại khi liên kết chặt chẽ với Ngài. Sự sống con người “chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”. Lìa khỏi Ngài, không còn sự sống. Thật dễ hiểu và đơn giản như hình ảnh cành cây lìa thân cây vậy, vì nó không thể được no thỏa nhựa sống từ gốc rễ, từ cội nguồn của nó.

“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.(Ga.15,1).

2. VÀ SINH HOA TRÁI.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga.15,5).

Đâu là ánh sáng chiếu soi cho cuộc đời tối tăm này?

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv. 118,115).

Biết bao cuộc đời đã đi qua thật vô nghĩa. Và Thế giới ngày nay đang xây trên nền cát với  lối sống tục hóa mỏng manh và đen tối. Bơm đạn nhiều hơn thực phẩm, tom góp nhiều hơn chia sẻ, chăm sóc thể xác nhiều hơn tâm hồn, phân rã nhiều hơn liên kết, thù hận nhiều hơn tình thương…

Có một xu hướng duy đời (laiciste) mạnh mẽ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người và xã hội, toan tính kiến tạo một ”thiên đường” không có Thiên Chúa. Nhưng kinh nghiệm dạy rằng một thế giới không có Thiên Chúa là “một hỏa ngục” trong đó trổi vượt những ích kỷ, chia rẽ trong các gia đình, oán thù giữa cá nhân và các dân tộc, thiếu tình thương, niềm vui và hy vọng. (Sứ điệp Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI gửi các bạn trẻ thế giới nhân dịp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXVI tại Madrid, 2011).

  “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bảo táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”. (Mt.7,21-24).

Đâu là những gốc rễ của chúng ta?

Đâu là những gốc rễ của chúng ta? – Chắc chắn đó là cha mẹ, gia đình và nền văn hóa của đất nước chúng ta, họp thành một khía cạnh rất quan trọng trong căn tính của chúng ta. Kinh Thánh tỏ cho thấy một khía cạnh khác nữa. Ngôn sứ Giêrêmia viết: “Phúc cho người tín thác nơi Chúa, Chúa là niềm tin của họ. Họ giống một cây trồng bên dòng nước, rễ lan ra hướng về dòng nước: cây không sợ chi khi mùa nóng nực tới, lá cây vẫn xanh tươi; trong năm hạn hán, cây không lo sợ và không ngừng sinh hoa kết trái” (Gr 17,7-8).

(Sứ điệp Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI gửi các bạn trẻ thế giới nhân dịp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XXVI tại Madrid, 2011).

Đâu là những gốc rễ của chúng ta?

Là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cho chúng ta Sống và Sinh Nhiều Hoa Trái.

Lạy Chúa,

Xin Chúa luôn ở cùng con,
con ở cùng Chúa,
vì,  “Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai,
vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống” ( Ga 6, 68).
Để đời con được
“Sống và Sinh Nhiều Hoa Trái” Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
__________________

Bạn có thể xem thêm bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/639-chua-nhat-5-psb-neu-khong-co-thay

 

Bài liên quan

Back to top button