Jer. Nguyễn Văn NộiSuy niệm

Thiên Chúa giàu lòng thương xót! | Jer. Nguyễn Văn Nội

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C (11/09/2016)
[Xh 32,7-11.13-14; 1 Tm
1,12-17; Lc 15,1-32]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Trong mấy năm gần đây, ở hải ngoại cũng như ở trong nước, rộ lên một phong trào đạo đức sùng kính Lòng Chúa Thương Xót. Xuất phát điểm của Phong Trào thánh thiện này là ‘mạc khải’ mà Chúa Giê-su đã ban cho Hội Thánh qua Thánh Nữ Faustina Kowalska (1) và sự cổ võ mạnh mẽ của người đứng đầu Hội Thánh Công Giáo toàn cầu là Thánh Gio-an Phao-lô II, vị Giáo Hoàng vĩ đại của thế kỷ XX.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đáng kính của chúng ta đã tiếp nối công trình của Thánh nữ Faustina Kowalski và của Thánh Gio-an Phao-lô II khi đã chọn năm 2016 làm Năm Thánh Lòng Thương Xót để Giáo Hội hoàn vũ cất tiếng ca ngợi Lòng Chúa Thương Xót. Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 24 Thường Niên Năm C hôm nay với bài Phúc Âm Lc 15,1-32 được xem là nền tảng Thánh Kinh của Lòng Chúa Thương Xót.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Xh 32,7-11.13-14): Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe. 7 Ngày ấy Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. 8 Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: “Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.” 9 Đức Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. 10 Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”

11 Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt Đức Chúa Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? 13 Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” 14 Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Tm 1,12-17): Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi. 12 Anh em thân mến, tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. 13 Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. 14 Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. 15 Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. 16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời. 17 Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 15,1-32): Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn trở lại. 1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?

5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? 9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói:  “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất. 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:  “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

 21 Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha:  “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

44-Cn24Tn-4x3

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

3.1.1 Bài đọc 1 (Xh 32,7-11.13-14) là một trích đoạn của Sách Xuất Hành kể lại sự nổi giận và dự tính tiêu diệt dân Ít-ra-en của Thiên Chúa trước sự cứng lòng và hành động phản bội của những người này và sự can thiệp hữu hiệu của ông Mô-sê khi ông nhắc lại với Thiên Chúa lời Người đã hứa với các tổ phụ là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en.

– Qua đoạn Sách Xuất Hành trên (32,7-11.13-14) chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng rất trung tín với lời hứa và rất yêu thương dân Ít-ra-en nói riêng và loài  người nói chung. Thiên Chúa không muốn một con người nào bị trừng phạt, bị tiêu diệt vì tội lỗi và sự phản bội mà người ấy đáng chịu. Chúng ta cũng thấy ông Mô-sê là người có “thần thế” như thế nào trước mặt Thiên Chúa, khi lời cầu xin và năn nỉ của ông đã làm cho Thiên Chúa nguôi lòng trong cơn thịnh nộ.

3.1.2 Bài đọc 2 (1 Tm 1,12-17) là bức thư tuyệt vời mà Thánh Phao-lô viết cho ông Ti-mô-thê, một cộng sự thân cận của ngài, về hồng ân vĩ đại của Lòng Chúa Thương Xót. Từ một kẻ bắt đạo, Thánh Phao-lô chẳng những không bị Chúa trừng phạt mà còn được thứ tha, cứu vớt và được giao phó sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Thánh Phao-lô nhận thức sâu sắc lý do tại sao Thiên Chúa đã hành động như vậy là để Lòng Chúa Thương Xót nổi bật hơn, hầu đem lại niềm hy vọng cho tất cả mọi tội nhân.

– Trong đoạn thư gửi ông Ti-mô-thê trên (1 Tm 1,12-17) của Thánh Phao-lô Tông đồ, chúng ta thấy rõ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vĩ đại như thế nào và cách hành động của Người diệu kỳ như thế nào trong cuộc đời của Thánh Phao-lô.  Tình thương và quyền năng của Thiên Chúa đã biến “thù nghịch” thành “nghĩa thiết”, biến “đáng bị trừng phạt” thành “đáng được thưởng công”.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 15,1-32) là ba dụ ngôn về Lòng Chúa Thương Xót đối với tội nhân tức đối với hết mọi người chúng ta (vì có ai trong chúng ta không là tội nhân?). Đó là dụ ngôn người chủ chiên tìm lại được con chiên lạc; người phụ nữ tìm lại được đồng quan (tiền) bị mất và người cha tìm lại được đứa con trai đi hoang nay trở về. Ba dụ ngôn trên diễn tả ba niềm vui: niềm vui của việc tìm lại được con/ cái/người đã mất và là hình bóng của niềm vui trên trời khi có một tội nhân thống hối trở về!

– Qua Bài Phúc Âm theo Thánh Lu-ca trên (15,1-32) chúng ta có một khám phá đầy đủ và có sức thuyết phục nhất về Thiên Chúa Cha và về chính Chúa Giê-su Ki-tô:

(a) Thiên Chúa Cha là Đấng đầy Lòng Xót Thương, không muốn một tội nhân nào phải hư mất, trái lại Người tìm kiếm hết mọi người có tội để thứ tha và phục hồi tư cách và phẩm giá là con Thiên Chúa cho họ:  “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!”

(b) Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người và làm bạn với phường tội lỗi là để cứu vớt mọi người có tội, bằng cách mạc khải Lòng Cha Thương Xót và vạch đường chỉ lối cho tội nhân biết cách trở về với Cha. Đó là ăn năn sám hối và quay trở về như người con hoang đàng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa     

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót và thứ tha. Người không muốn một tội nhân nào phải chết. Trái lại Người muốn mọi tội nhân ăn năn sám hối để tìm lại sự sống trong mối tương quan thân tình với Người.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

Suy nghĩ một chút chúng ta sẽ thấy sứ điệp của Lời Chúa hôm có hai áp dụng:

* Cậy trông và đón nhận Lòng Chúa Thương Xót: Càng thánh thiện người Ki-tô hữu càng ý thức tình trạng yếu đuối, tội lỗi của mình và càng cảm thấy nhu cầu cần được Thiên Chúa xót thương và thứ tha. Ba bài đọc Lời Chúa hôm nay đủ sức thuyết phục mỗi người, dù tội lỗi yếu đuối đến đâu, vững lòng cậy trông và đón nhận Lòng Chúa Thương Xót!

* Quảng bá và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót với mọi người: Trong đời sống gia đình, cộng đoàn và xã hội, chúng ta được giao phó sứ mạng quảng bá và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót với mọi người, nhất là với những người bé mọn, mang đầy mặc cảm tội lỗi và bị nỗi tuyệt vọng đè nặng. Cách quảng bá và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót tốt nhất là gần gũi, chia sẻ, cảm thông với những người ấy để giúp họ cảm nhận được Lòng Chúa Xót Thuơng vô bờ vô bến.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó.»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân tộc còn sống trong lầm lạc và ngược lại Thánh Ý Thiên Chúa để các dân tộc ấy biết từ bỏ ngẫu thần mà chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 «Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa biết noi gương bắt chước Chúa Giê-su Ki-tô mà đón tiếp và gần gũi với hết mọi người, nhất là với những người cần được yêu thương và chữa lành.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 «Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi giáo dân lớn bé già trẻ đều quan tâm cứu giúp những người lầm lạc, yếu đuối và lìa xa cộng đoàn.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 «Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người tội lỗi, yếu đuối, xa Chúa lâu năm họ tìm lại Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót mà quay trở về. Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Sàigòn ngày 31/08/2016

Ghi chú

(1) Thánh Nữ Faustina Kowalska sinh ngày 25/8/1905 tại Glogowiec, qua đời ngày 5/10/1938 tại Cracovia (Ba Lan) và được phong thánh ngày 30/4/2000.

Một trong những lời Thánh Nữ Faustina Kowalska nhận được từ Chúa Giê-su là: “Vào lúc 3 giờ chiều, hãy khẩn cầu Lòng Thương Xót của Cha cho các tội nhân cách riêng, và nếu có thể trong giây lát, con hãy trầm mình vào cuộc khổ nạn của Cha, đặc biệt lúc Cha bị bỏ rơi trong lúc hấp hối. Ðây là giờ điểm của Lòng Thương Xót vĩ đại nhất đối với thế giới… Trong giờ này, Cha sẽ chẳng từ chối bất cứ ai điều gì với các linh hồn kêu van Cha nhân danh cuộc khổ nạn của Cha.”

Muốn biết thêm về Thánh Nữ Faustina Kowalska và về Sứ Điệp Lòng Thương Xót, xin mời quý vị vào thanhlinh.net/Phòng Thương Xót.

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button