Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Tình yêu Chúa chan hòa mặt đất | NVT

      SUY NIỆM TIN MỪNG      
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH C
(Ga.13,31-33a.34-35)
****

TÌNH YÊU CHÚA CHAN HÒA MẶT ĐẤT

(31) Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc ly, Ðức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người, (32) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

(33) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. (34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (35) Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”.

___________

31 When he had left, Jesus said, “Now is the Son of Man glorified, and God is glorified in him. 32 (If God is glorified in him,) God will also glorify him in himself, and he will glorify him at once.

33 My children, I will be with you only a little while longer. 34 I give you a new commandment: love one another. As I have loved you, so you also should love one another. 35 This is how all will know that you are my disciples, if you have love for one another.”
___________

SUY NIỆM

TÌNH YÊU CHÚA CHAN HÒA MẶT ĐẤT

1. Khi Tình Yêu lên tiếng…

… “Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen. Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một khúc tân ca, rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng. Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực. Tình Yêu Chúa chan hòa mặt đất. Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời. Một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú. (Thánh Vịnh 33,1-9).

Nhịp điệu và lời ca Thánh Vịnh 33 nghe rộn ràng và tràn ngập hân hoan từ niềm vui tình yêu Chúa chan hòa mặt đất”.

Cho dẫu thế nào đi nữa, Tình Yêu Chúa không bao giờ dừng lại, vì sức sống của vũ trụ này không thể tồn tại khi không có nguồn sống từ Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì mãi mãi trường tồn, Tình Yêu Thiên Chúa là suối nguồn bất tận. Tình Yêu Thiên Chúa luôn luôn tuôn đổ trào tràn…

Cho dẫu thế nào đi nữa, “Bài ca Tình Yêu Thiên Chúa” không bao giờ kết thúc. Cũng như chuyện tình Thập Giá luôn ở điểm khởi đầu, luôn luôn mới, luôn luôn đẹp, luôn luôn dạt dào cho nhân loại, vì nhân loại.

Trước đây có một bản nhạc rất nổi tiếng, tên Histoire D’un Amour. (được dịch ra nhiều thứ tiếng). Bài hát có đoạn:

Chuyện tình tôi là chuyện mà ai cũng biết
Tôi biết rằng ai đã yêu thì cũng làm thế thôi,

Nhưng dù hời hợt hay sâu sắc
Thì đấy cũng là bài ca sẽ không kết thúc bao giờ.

Mon histoire c’est l’histoire qu’on connait
Ceux qui s’aiment jouent la même je le sais


Et tragique ou bien profonde
C’est la seule chanson du monde qui ne finira jamais
.

Cho dẫu thế nào đi nữa, Thiên Chúa cũng đã không bỏ rơi nhân loại, chuyện tình của Ngài đối với nhân loại sẽ không kết thúc, vì Thập Giá không thể vô nghĩa.

“Phêrô, con là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thày và không quyền lực  nào có thể thắng nổi.” (Mt.16, 18)

Nhưng dù hời hợt hay sâu sắc
Thì đấy cũng là bài ca sẽ không kết thúc bao giờ.

Dù nhân loại yếu đuối, hay nồng nàn
Thì bài ca Tình Yêu Thiên Chúa vẫn vô tận.

Dù thế nào đi nữa, bóng Thánh Giá vẫn phủ trên toàn thế giới.

Nếu không có Ngài, lạy Đức Chúa Giê-su Ki-tô dấu ái của lòng con, con sẽ cảm thấy mình là loài thọ sinh bị vứt bỏ. (Thánh Gregorio Nazianzieno. 330-390)

2. Nỗi buồn còn đó…

Bài học về yêu thương của Thiên Chúa không nằm ở pho sách trăm kinh vạn quyển dày đặc chữ nghĩa rối rắm phức tạp, mà nằm ở Thập Giá, một biểu tượng tình yêu cụ thể và rõ rệt mà mọi người đều hiểu được.

“Tôi khát!” (Ga19,28).

Thế giới vẫn còn đó nỗi buồn… Chia rẽ, nát vụn, thù hận, chiến tranh…

Con người cạn dần nội tâm, chạy theo những cách hưởng thụ xa hoa, lạnh lùng với tiếng kêu thất thanh từ niềm đau và bất hạnh của đồng loại. nuông chiều theo thị hiếu thấp kém, và ngã theo những lối sống lệch lạc…

Tình yêu con người nhạt dần đối với Thiên Chúa, đồng loại, và cả chính mình. Trong tình yêu, luôn có sự kính trọng. Con người mất dần sự kính trọng bản thân, khi buông xuôi theo bản năng và tìm mọi cách bơm vào những ảo ảnh một thứ giá trị thế tục nhất thời biến đổi chóng qua theo với thời gian.

Không có Tình Yêu Đích Thực, Tình Yêu từ suối nguồn Thiên Chúa, làm nền tảng, thế giới mất điểm tựa, đi dần đến phân rã và tan nát…

Trong khi Thiên Chúa khát khao Tình Thương ở con người, thì con người khát vọng thống trị. Khi con người nuôi khát vọng thống trị nhau thì không thể phục vụ nhau. Thống trị không thể đi chung với phục vụ.

“Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị họ, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân… Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ hầu bàn, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ gì? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người hầu bàn (Lc. 22:25-27).

Không phục vụ thì không còn tình yêu.

Không còn tình yêu thì bóng tối thống trị.

3. Tình yêu Chúa chan hòa mặt đất

Tình Yêu Chúa chan hòa mặt đất. (Thánh Vịnh 33,1-9).

Và Ngài muốn con người nhận ra Tin Mừng ấy, Tin Mừng con người luôn được Chúa yêu thương.

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc.16,15).

Ta suy nghĩ về “Câu chuyện bức họa chân dung Einstein”:

(Ảnh: Albert Einstein và câu nói nổi tiếng của ông: Đừng cố trở thành một người thành công, mà hãy gắng trở thành một người có giá trị)

Nhà bác học vĩ đại nhất thế giới trong thế kỷ 20 là Einstein, cha đẻ của học thuyết tương đối, nổi tiếng là người khiêm tốn. Đặc biệt ông rất không thích người ta phỏng vấn để viết bài hoặc chụp ảnh, vẽ tranh chân dung để quảng bá. Vì thế ông luôn từ chối việc tiếp kiến các phóng viên và các họa sĩ.

Nhưng có một lần, ông không những không từ chối mà còn vui vẻ và rất nhiệt tình ngồi cho họa sĩ vẽ chân dung của mình.

Hôm đó, thư ký của Einstein thông báo có một họa sĩ xin được vẽ chân dung của ông.

– “Không!” Einstein cương quyết cự tuyệt, Tôi không có thời gian và tôi cũng không muốn!”. Einstein vẫn trả lời như mọi khi.

Một lúc sau, một người ăn mặc xuềnh xoàng tay cầm cặp giấy vẽ, đẩy người thư ký ra một bên, cố tiến lại trước mặt Einstein, nói với giọng thống thiết:

– “Người nhà tôi đang bị đói mấy ngày nay rồi. Tôi rất cần phải vẽ được bức chân dung của ngài. Tôi đang rất cần kiếm được một khoản tiền kha khá nhờ bức vẽ này!”.

– “Thế à! Đây lại là một vấn đề khác rồi. Tôi sẽ ngồi ngay tại đây. Anh có thể tiến hành vẽ ngay bây giờ!”. Nói xong, Einstein vuốt lại nếp áo, vui vẻ ngồi làm mẫu theo yêu cầu của họa sĩ.

Nếu hai đồng bạc của bà góa được Chúa khen ngợi là rất lớn (Mc 12,44), thì hành động của Einstein chắc chắn cũng được Chúa đánh giá là rất quí.

Có những việc xem ra rất cỏn con nhưng nó trở thành trọng đại vì nó được thực hiện với một tình yêu chân thật, với tất cả tấm lòng.

Tình yêu chân thật giúp con người biết quan tâm đến nhau. Quan tâm đến nhau vì nghĩa đệ huynh, cùng là con cái Chúa.

Ta vẫn thường so sánh ví von “Trái Đất là Mái Nhà Chung”. Tiếc thay, mái nhà chung ấy đang chứa quá nhiều bom đạn (nếu không muốn nói  là “kho đạn”). Mái nhà chung ấy có an toàn không khi thiếu Tình Thương?

Nỗi buồn còn đó… nhưng niềm hy vọng cũng còn đây…

Tình Yêu Chúa vẫn chan hòa đó đây qua những con tim còn nối liền nhịp đập với Tình Yêu Thiên Chúa. Để những ai thao thức chuyện “bình an dưới thế” biết tự hỏi “ta góp phần thế nào cho một thế giới yêu thương”, để Tình Yêu Chúa luôn chan hòa mặt đất. Và, như thế, cũng có nghĩa là Tin Mừng được loan báo khắp nơi.

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
anh em được sống vui vầy bên nhau. (Tv.132,1)

Đó chính là hạnh phúc được xum họp trong Nhà Chúa, ngay trên cuộc đời này, và trong cõi vĩnh hằng mai sau.

Lạy Chúa,

Tình yêu Chúa chan hòa mặt đất
Con xin luôn ghi khắc vào tim.
Cho mọi người chung một nỗi niềm
Vinh danh Chúa và yêu thương nhau mãi. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Back to top button