Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Tâm trạng cô đơn: Nguyên do của nhiều bất hạnh

by phanxico.vn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2019/07/2-tam-trang-co-don-nguyen-do-cua-nhieu-bat-hanh.jpg
Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser

Tâm trạng cô đơn, nếu không hiểu được, có thể là nguyên do của nhiều bất hạnh và áp lực không giải thích được.

Hiện hữu nhân tính không phải là một điều đơn giản. Tâm hồn của chúng ta là chiếc vạc với đủ loại cảm xúc: thao thức, trống rỗng, hoài niệm, khát khao, xa lánh, hoang tưởng, cô đơn. Khi các sự kiện của cuộc sống khuấy chiếc vạc lên, các cảm giác này nổi lên bề mặt, và chúng ta sẽ thấy mình bị đẩy, bị kéo đi theo nhiều hướng cùng một lúc. Nếu không hiểu được thực sự nó là gì, kết quả sẽ là hỗn độn và áp lực đau đớn. Và nó dễ dàng dẫn đến nhiều bất hạnh không thể giải nghĩa được khi chúng ta tự hỏi vì sao chúng ta quá bồn chồn và chia rẽ, vì sao chúng ta không đơn giản yên ổn dừng chân và thư giãn. Tại sao tâm trí và tâm hồn chúng ta phải quá phức tạp và bồn chồn? Thông thường, chúng ta lo lắng về điều này mà không có một câu trả lời chính đáng hỗ trợ. Thường thì sự lo lắng này khơi lên nhiều hoài nghi đối với chính mình khi chúng ta tự hỏi liệu mình có phải là một kẻ thèm khát tình yêu, ham muốn tình dục quá mức, bán hoang tưởng, và bất bình thường. Một nhận thức đúng đắn về những gì cô đơn tô vẽ lên tâm hồn con người sẽ giúp chúng ta nhiều trong việc hiểu được rằng những xung năng thao thức bên trong này có lẽ chỉ đơn giản muốn nói rằng, chúng ta tồn tại cách cảm thức và chúng ta là một con người với nhân tính không thể thay đổi được!

Cô đơn có thể hủy hoại hoàn toàn nhân cách của chúng ta.

Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy nỗi cô đơn nguy hiểm đến dường nào. Những mối nguy vốn có trong cô đơn có thể tóm gọn lại như sau, rốt cùng, nếu không được nhận thức và được sử dụng cách đúng đắn, cô đơn có thể hủy diệt nhân cách chúng ta.

Tôi sẽ làm sáng tỏ điều này qua ví dụ trích từ tác giả thế kỷ mười sáu, thánh Gioan Thánh Giá.

Trong bài luận trứ danh của ngài, Lên đỉnh Carmel (The Ascent of Mount Carmel), thánh Gioan đã vạch ra kiểu mẫu của sự hủy hoại con người.7  Ngài liên kết nó với điều mà ngài gọi là “nhạy cảm thất thường”, một cụm từ có thể chuyển dịch khôn khéo thành “cô đơn đi đến quá khích.” Thánh Gioan nói rằng bất cứ khi nào tính nhạy cảm trở nên thất thường (tâm trạng cô đơn của chúng ta hoạt động mà không được kiểm tra), thì chúng ta đang đứng trong mối nguy hủy hoại các nét chính của nhân cách. Có năm nấc thang tan rã trong tiến trình tự hủy hoại.

1-. Chúng ta trở nên “Chán chường và Mệt mỏi” 

Nếu chúng ta không hiểu và không nắm bắt được nỗi cô đơn của mình, chắc chắn nó sẽ không thương xót đẩy chúng ta vào tình trạng lộn xộn của hành động khi chúng ta tìm cách lấp đầy các đòi hỏi của cô đơn. Và thường là, tất thảy đều xảy ra chính xác như vậy. Khi cố để xoa dịu sự náo động của thèm khát, chúng ta nhảy từ việc này qua việc khác. Chúng ta lao mình vào một thứ không bao giờ kết thúc và bất mãn lượn quanh tiệc tùng, dạ hội, bia rượu, những cuộc đối thoại tâm linh (và nếu chúng ta có điều kiện thì chúng ta dùng đến cả biện pháp điều trị tâm lý), chúng ta cố gắng để lấp đầy lỗ hổng nội tâm, một lỗ hổng không thể lấp đầy, và cố để thỏa mãn cơn đói khát không thể thỏa mãn được.

Quá thường xuyên, chúng ta thậm chí không biết được điều chúng ta muốn, hay thực sự là không chính xác nhận ra được chúng ta đang tìm kiếm cái gì. Chúng ta đơn giản làm những gì đến một cách tự nhiên! Và cái gì đến tự nhiên, đó là trạng thái bồn chồn đẩy chúng ta vào mớ hỗn độn của những hành động căng thẳng. Chúng ta nói chuyện, chúng ta uống, chúng ta làm việc, làm tình, nhưng chúng ta không thấy thỏa mãn, khi mà nỗi đau tâm hệ lôi kéo chúng ta như thế này, bỏ mặc chúng ta trong một tình trạng không có bình an và ngơi nghỉ, đó là lúc chúng ta liều lĩnh kiếm tìm một ai đó hay một điều gì đó mang lại cho chúng ta cảm giác trọn vẹn.

Chúng ta trở nên giống như nhân vật phản diện trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus, người bị các thần linh kết án phải lăn một khối đá ngược dốc mãi mãi. Ngay khi ông lăn đến đỉnh, khối đá lăn xuống chân núi, và Sisyphus bất hạnh phải chạy xuống chân núi để lăn nó lên trở lại. Hình ảnh này là một điều chán nản, một “chán chường và mệt mỏi.” Dạng mưu cầu thất bại này là điều mà thánh Gioan Thánh Giá đã nói về xu hướng mà sự cô đơn điều khiển chúng ta, nếu chúng ta không nắm bắt được nó cho đúng đắn. 

2- Chúng ta trở nên “Thống khổ và Ưu phiền”

Nếu chúng ta không nắm vững được tâm trạng cô đơn ở giai đoạn đầu tiên, thì chúng ta cũng như Sisyphus, kết cục là bị cưỡng bách phải thực hiện một hành động vô ích và mệt mỏi. Cuối cùng điều xảy đến là mệt mỏi từ việc quá chán nản sẽ trở nên một nỗi đau mãi mãi, giống như chiếc răng sâu của tâm thần. Tâm trạng chán chường mà chúng ta trải nghiệm không còn đến từng cơn và không còn chữa trị được bằng một giấc ngủ đêm hay một ngày nghỉ dưỡng. Đúng hơn, nó trở thành một chán chường mà nỗi đau của nó triền miên không dứt, lan tràn đến từng đốt tủy của chúng ta. Và nếu tâm trạng cô đơn vẫn không được xem xét lại, thì sớm muộn, nỗi đau sẽ gây nên nguy hại thực sự của nó. 

3- Chúng ta trở nên “U ám và Mù tối”

Điều này, thánh Gioan ngụ ý rằng nỗi đau mà chúng ta cảm nhận sẽ từ từ bắt đầu phủ mây đen trên trí tuệ và nhận thức. Như chúng ta biết, bất cứ nỗi đau hay đam mê dữ dội nào cũng tô màu lên lối suy nghĩ của chúng ta. Ví dụ như, ham muốn và giận ghét có thể làm cho chúng ta nhìn mọi thứ từ một quan điểm khác hẳn lúc chúng ta bình thường. Tâm trạng cô đơn quá đáng cuối cùng sẽ gây nên điều tương tự như vậy. Nó sẽ làm rối loạn nhận thức và nhận định của chúng ta, làm cho chúng ta trở nên duy lý, yếm thế và nhìn mọi thứ không còn rõ ràng.

Điều này rõ ràng và dễ dàng dẫn đưa chúng ta đến mức thứ tư.

4- Chúng ta trở nên “Nhơ uế và Biến chất.”

Điều tác động ở mức độ này là diện mạo thẩm mỹ của chúng ta. Một khi nhận thức và phán định của chúng ta bị suy yếu, thì chẳng bao lâu, chúng ta không còn là một người đẹp đẽ nữa. Một con người luôn mãi lý luận, sống trong yếm thế, liên tục than phiền, nhận định không công minh, và nhìn thế giới cách tiêu cực, méo mó, một con người như vậy không phải là một con người đẹp đẽ. Và rồi, đây là mức độ mà tâm trạng cô đơn, nếu không được xem xét lại, cuối cùng sẽ điều khiển chúng ta. Và với tiềm lực của nó, thậm chí mó có thể đưa chúng ta xa đến…

5- Chúng ta trở nên “Yếu đuối và Lãnh đạm.”

Điều này, thánh Gioan muốn nói đến sự tự do và năng lực ý chí của chúng ta, đến khả năng những gì chúng ta muốn và hành động đúng theo bản thân mình. Ngài nói rằng nếu tiến trình sa đọa này không được xem xét lại từ bốn mức độ đầu, thì cuối cùng sự tự do và nhân cách của chúng ta sẽ suy yếu vô cùng, và có thể bị hủy hoại hoàn toàn. Điều xảy đến là kết cục chúng ta thực hiện những hành động không liên quan gì đến cái tôi của chính chúng ta. Ví dụ như, không một ai thức dậy trong cống nước sau cơn say, không một ai nhảy cầu, không một ai xa lánh bạn bè với thái độ chua cay,  nhạo báng thực sự họ muốn làm như vậy. Chúng ta làm những điều này chỉ khi chúng ta không còn có thể làm bất kỳ điều gì khác, chỉ khi chúng ta đã ở điểm tận cùng của một diễn tiến cướp đi sự tự do để là chính mình và là những gì mình muốn. Chúng ta làm những điều này khi ý chí của chúng ta, vì một lý do nào đó, không thể cho chúng ta bày tỏ bản thân như con người thật của chính mình.

Vì thế, chúng ta nhìn ra nỗi cô đơn này, nếu không được xem xét lại, cuối cùng có thể hủy hoại tự do của chúng ta. Khi điều này xảy đến, nhân cách chúng ta bị hủy diệt hoàn toàn, và cũng từ đó chúng ta không thể điều khiển được chính con người của mình.

Từ điều này, cũng như từ những ví dụ khác, chúng ta nhìn ra được rằng tâm trạng cô đơn có tiềm năng nguy hiểm đến như thế nào. Tuy nhiên, mối nguy còn lớn hơn nếu chúng ta không chịu chấp nhận các vấn đề này phát xuất từ nỗi cô đơn và đặc biệt khi chúng ta thiếu thành thật để chấp nhận mình thực sự cô đơn, chấp nhận không phải mọi thứ đều tốt đẹp, và mãnh lực bùng nổ đó ngự trị không xa trong lòng chúng ta. Khi đó thay vì đùa giỡn với chính mình và với người khác, khoác cho nỗi đau thực sự của mình một lớp mặt nạ, thì chúng ta thực sự đang từ từ tạo cho mình một áp lực mạnh mẽ bên trong, cuối cùng nó sẽ hoạt động ra bên ngoài, và khi không còn chống đỡ nỗi, nó sẽ làm cho chúng ta suy sụp, hay bi thảm thay, sẽ từ từ làm mệt mỏi bản thân, làm xấu đi các khuynh hướng của mình, làm mất đi nét đẹp, và hủy diệt tự do của chúng ta.

Tâm trạng cô đơn không phải là môt mãnh lực mà chúng ta có thể không quan tâm đến nó. Vì thế, điều quan trọng vô cùng là chúng ta phải tìm cách để hiểu được nó để tìm ra nguồn cội của nó, ý nghĩa của nó và cách để chúng ta có thể giải quyết nỗi cô đơn cho hiệu quả.

J.B. Thái Hòa dịch

 

Bài liên quan

Back to top button