Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Chuyện tình tôi như muôn ngàn những chuyện tình xa xưa” | Chuyện phiếm đạo/đời

Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 19 mùa thường niên C 07.8.2016

Chuyện tình tôi
như muôn ngàn những chuyện tình xa xưa”

Lời thở than kia
như hình bóng của niềm mộng mơ.
Một ngày vui
trong bao ngày khóc thương,
Còn gần nhau đã nghe lòng nhớ mong.
được nhìn nhau trong giây nào khác…
(Nhạc Pháp: Histoire d’un amour –
Lời Việt: Nguyễn Đình Toàn: Tình Thiên Thu)

(Rôma 8: 20-23)

Đúng thế đấy, bạn ạ! Đã là tình, thì đương nhiên tình ấy phải là “Tình thiên thu”. Với những: “lời thở than”, “nhớ mong”, “được gần nhau”, “nhìn nhau”, “trong giây nào khác”…

Vâng. Quả như thế đấy, bạn của tôi ơi! Tình thiên thu, lại sẽ như “hình bóng của niềm mộng mơ”. Là, “ngày vui trong bao ngày khóc thương”, trong đó còn có lời lẽ như lửa đốt nóng ra, “chẳng làm ai bỏng”, hệt như ca-từ còn tiếp-tục những lời ca đầy ý-lực sau đây:

“Lửa tình-yêu ta nhưng lửa mát chẳng làm bỏng ai,
Tình là còn mơ khi còn thức chẳng cần ngủ say.
Tình là cây cao vươn mình đứng lên,
Nhựa đời căng trong da mềm ái ân.
Đợi ngày dâng về tới sau …này!”
(Lời Việt: Nguyễn Đình Toàn – Tình thiên thu)

Hễ nói đến “tình yêu”, “tình-tự và tình cảm dành cho nhau, đều là thứ tình thiên-thu đầy những lửa. Nhưng là thứ “lửa” làm mát rượi lòng người. Mát, cả hai người lẫn nhiều người người đang được lửa “tình yêu” thiêu-đốt nhưng không cháy bỏng. Chính thứ tình-thiên-thu này đã và đang giải-quyết được tình-trạng đau ốm, bệnh-tật như phát-giác mới đây của ngài David R. Hawkins vị tiến-sĩ y-khoa và tâm-lý-học từng bộc lộ như sau:

“Có thể bạn chưa tin nhưng nghiên cứu mới tại Mỹ cho thấy điều mà tế bào ung thư sợ nhất không phải là hóa trị hay bất kỳ loại thuốc trị ung thư nào.

Sau khoảng thời gian tiếp xúc với nhiều bệnh nhân từ nhiều quốc gia trên thế giới, Tiến sĩ David Hawkins – một bác sĩ rất nổi tiếng tại Mỹ cho biết, chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân là ông biết người đó vì sao bị bệnh. Bởi trên cơ thể người bệnh không xuất hiện chữ “yêu”, thay vào đó là “khổ, hận, phiền muộn”.

Điều này có thể khiến nhiều người trong chúng ta không tin nhưng đây là kết luận hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học. Sau 20 năm nghiên cứu về cơ và vận động học, tiến sĩ Hawkins đã phát hiện ra “ý nghĩa của thang bậc chỉ số rung động trong cơ thể con người từ 1 đến 1000”. Tần số rung động chính là từ trường mà mọi người thường hay nói.

Theo đó, những người có suy nghĩ tiêu cực thường rất hay bị bệnh. Đó là những người có chỉ số rung động dưới 200.

Rất nhiều người bị bệnh vì không được yêu, ở họ chỉ thấy nỗi khổ và phiền muộn. Phát hiện mới tại Mỹ cho thấy điều mà tế bào ung thư sợ nhất chính là “tình yêu”. Từ góc độ y học ông cho rằng, ý niệm có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe con người. TS Hawkins đã từng làm bệnh án cho hàng triệu người, các chủng loại người khác nhau trên toàn thế giới, tất cả đều cho một đáp án giống nhau.

Chỉ cần tần số rung động thấp hơn 200 là người đó sẽ bị bệnh. Trên 200 sẽ không bị bệnh, những suy nghĩ có tần số rung động trên 200 gồm có:

– quan tâm đến người khác,

– giàu lòng từ bi, nhân ái, hướng thiện,

– bao dung, độ lượng, v.v.

Đây đều là những đức tính có tần số rung động rất cao, đạt đến mức 400 – 500.

– Mặt khác, người có tính căm ghét, phẫn nộ, hay chỉ trích, trách móc, đố kị, đòi hỏi người khác, luôn tư lợi cá nhân, ích kỷ, không màng đến cảm nhận của người khác sẽ có tần số rung động rất thấp. Tần số rung động thấp là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như ung thư, tim v.v.

Lý giải cho điều này, tiến sĩ Hawkins cho biết những người hay oán giận, chỉ trích, hận thù người khác, tần số của họ chỉ là 30, 40. Trong quá trình trách móc người khác sẽ làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của họ vì thế tần số rung động sẽ giảm thấp hơn 200, những người này có nguy cơ bị mắc rất nhiều loại bệnh.

Chỉ số rung động cao nhất là 1000, thấp nhất là 1. Tiến sĩ Hawkins cho biết trong cuộc đời của mình, ông chưa gặp ai có tần số rung động đạt ở mức cao nhất, 1000. Những người mà ông ấn tượng nhất cũng chỉ đạt mức 700. Năng lượng trong cơ thể họ rất dồi dào. Khi những người này xuất hiện, họ sẽ làm ảnh hưởng đến từ trường của cả khu vực xung quanh.

Nghiên cứu về chỉ số rung động của tiến sĩ David R.Hawkins.

Lấy ví dụ, như khi Mẹ Têrêsa Calcutta lên nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, thì không khí cả hội trường rất tốt, tần số rung động rất cao, từ trường của bà làm cho cả hội trường đều cảm nhận được năng lượng tràn ngập sự tốt đẹp và cảm động từ bà.

Khi người có năng lượng cao xuất hiện, từ trường của họ sẽ làm cho vạn vật trở lên tốt đẹp hơn. Còn với người có suy nghĩ tiêu cực, không chỉ làm tổn hại chính họ mà còn làm cho từ trường xung quanh cũng bị xấu đi.

Một trường hợp cụ thể nhất về tác động của tình yêu với các tế bào ung thư chính là nghệ sỹ chơi đàn Violoncelle Sean của Nhật Bản. Khi bị bệnh ung thư, ông đã không ngừng chiến đấu với bệnh tật nhưng xem ra tình trạng ngày một nặng hơn.

Cuối cùng, ông quyết định thay đổi tâm trạng và chuyển sang yêu từng tế bào ung thư trong cơ thể mình. Ông lạc quan với cuộc sống, mọi việc ông đều luôn thấy vui vẻ và biết ơn các tế bào ung thư. Ông thấy cảm giác này rất tuyệt. Sau đó, ông đã quyết định yêu mọi thứ trong cuộc sống, bao gồm cả mỗi con người và mỗi sự việc.

Kết quả hết sức bất ngờ và nằm ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người, toàn bộ các tế bào ung thư đã không còn nữa. Sau này, ông trở thành bác sĩ trị liệu nổi tiếng tại Nhật Bản. Đây chính là bản chất của cuộc sống: Tình Yêu.

Các nhà khoa học cho biết, căn nguyên của bệnh tật là do trong cơ thể người bệnh thiếu tình yêu thương. Bệnh tật bị đẩy lùi một cách vô điều kiện là nhờ ‘yêu và được yêu’. (Nhật Mỹ sưu tầm)

Nói như thế, tức bảo rằng: sống cuộc đời người nhiều lúc cứ tưởng rằng khó khăn, cần hiểu biết rất nhiều triết-thuyết mới làm nên; nhưng, thực sự thì chỉ cần “sống trước đã, triết-lý sau” là thành-công thôi.

Đàng khác, nếu đem tư-tưởng của Ts David R Dawkins vào thực-tế cuộc đời đi Đạo, hẳn là ta sẽ gặp sự trùng-hợp với lập-trường “cố hữu” của Đức Phanxicô, vừa qua, như sau:

“Sau ngày xảy ra vụ xe tải cán và bắn chết 84 người tham-dự ngày Quốc Khánh Pháp ở Nice, truyền-thông Âu Mỹ có chạy tít bài bình-luận thời-sự như sau:

Cuộc tấn-công ngày Quốc Khánh Pháp lại đã dấy lên cuộc tranh-luận về khủng-bố và tôn-giáo.

Các nhà lãnh-đạo tôn-giáo trên khắp thế-giới đều lên án cuộc khủng-bố này và bày-tỏ sự đoàn-kết liên-đới với Pháp sau khi số người chết vì bị xe tải xông vào đám đông cán và bắn chết 84 vào ngày Quốc Khánh Pháp 14/7/2016. Trong số các nhà lãnh đạo nói ở đây, có Đức Phanxicô của Đạo Công-giáo La Mã cùng với lãnh-tụ Hồi-giáo trong đó có Đạo-trưởng Shawqi Allarm đều quả-quyết đạo Hồi và Công-giáo đều bác-bỏ chủ-trương khủng-bố.

Đức Phanxicô đã bày-tỏ sự kinh-tởm đối với vụ tấn công trên. Ngài nói:

“Chúng tôi mạnh mẽ lên án bất cứ hành-động bạo-tàn, hờn-căm và mọi hình-thức khủng-bố cách rồ-dại chống lại nền hoà-bình. Phát-ngôn-viên Toà thánh là Lm Federico Lombardi có nói: Thay mặt Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng tôi muốn bày-tỏ tình đoàn kết thắt chặt với các nạn-nhận đang đau-khổ và toàn thể dân chúng Pháp Quốc ngày hôm ấy lẽ đáng phải là ngày lễ lớn để mọi người được vui.”

Tổng Giám Mục Canterbury Justin Welby cũng nói với truyền-thông báo chí và phê-phán sự giết-hại tàn-bào này, khi ông nói: “Trong lúc toàn dân nước Pháp vui vẻ mừng ngày lễ trong tự-do, thì những con người đầy ác-tâm đã giết chết thường dân vô tội một cách dã man. Chúng ta hãy cùng khóc với các nạn-nhân của thảm-hoạ này và hãy cùng nhau đứng lên mà cầu nguyện cho Nice.

Trong khi đó, Tổng Giám Mục Westminster, Hồng y Vincent Nichols cũng viết trên trang Twitter, rằng: “Lời nguyện-cầu từ tâm can tôi xin được gửi đến tất cả các nạn-nhân đã bỏ mạng hoặc bị thương-tật trong vụ tấn-kích thảm-khốc ở Nice. Cũng xin cầu cho gia-đình nạn-nhân và toàn-thể dân-chúng Pháp vào giai-đoạn đau buồn và mất mát này.” (X. Bản tin National Catholic Review 15/7/2016)

Những tâm-tình của các lãnh-đạo trong Đạo/ngoài đời thì như thế. Nhưng, ở tư-thế bàn dân thiên-hạ ở dưới trướng, lại có câu hỏi bảo rằng: “phải chăng sự bình-an/hoà hoãn” chỉ xảy ra trên báo chí/sách vở hoặc trong đầu trong óc các vị lãnh-đạo mà thôi? Phải chăng các nhà lãnh-đạo chủ-trương cuộc sống lý-tưởng, chứ không sống thực-tế như bà con ở dưới trướng, không?

Để có câu trả lời thoả-đáng cho câu hỏi khá gay-go, xin mời bạn mời tôi, ta đi vào thực-tế cuộc đời mà người viết ở dưới nhận-định về cái-gọi-là “5 chuyện lạ ở Nhật-Bản, sau đây:  

“Dường như người Nhật-Bản rất thấm-nhuần và áp-dụng giáo-lý đạo Phật trong cuộc sống hằng ngày, cho nên họ quí-trọng xem con người đều bình đẳng vì cùng có Phật-tánh như nhau, chứ không dựa vào dáng vẻ giàu nghèo bên ngoài, thường-xuyên làm chuyện có lợi-ích cho người khác, cũng như không trộm cắp, hại người, để được nghiệp-quả tốt.

Chuyện thứ nhất: Trung thực

Ở Nhật, bạn khó có cơ-hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các bác tài sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng-dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”.

Sự trung thực của người Nhật in đậm nét ở những “mini shop không người bán” tại Osaka. Nhiều vùng ở Nhật không có nông-dân. Ban ngày họ vẫn đến công-sở, ngoài giờ làm họ trồng-trọt thêm. Sau khi thu-hoạch, họ đóng gói sản-phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm-yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ-nhàng và đơn-giản. Các con đường mua sắm, các đại siêu-thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka… cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ, túi xách.

Quầy thanh-toán cũng không đặt ngay cổng ra vào. Người Nhật tự-hào khẳng-định động-từ “ăn cắp vặt” gần như đã biến mất trong từ-điển. Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự-động trừ thuế, giảm 5 – 10% khi biết bạn là khách nước ngoài.                  

Chuyện thứ hai: Không ồn-ào chốn công-cộng

Nguyên-tắc không gây tiếng ồn được áp-dụng triệt-để tại Nhật. Tất cả đường cao tốc đều phải xây-dựng hàng rào cách-âm, để nhà dân không bị ảnh-hưởng bởi xe lưu-thông trên đường. Osaka bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn 1 hòn đảo nhân-tạo để làm sân-bay rộng hơn 500ha ngay trên biển. Lý-do đơn-giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.

Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa khuyến-mãi, cũng không cửa hàng nào được đặt máy phát tiếng ồn. Tuyệt-đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng-cáo và thu hút người mua thì cách duy-nhất là thuê một nhân-viên dùng loa tay, quảng-cáo với từng khách.                

Chuyện thứ ba: Nhân-bản

Vì sao trên các cánh-đồng ở Nhật, luôn còn một góc còn nguyên, không thu-hoạch? Không ai bảo ai, các nông-dân Nhật-Bản không bao giờ gặt hái toàn-bộ nông-sản nhưng họ luôn để phần 5 – 10% sản-lượng cho chim muông, loài thú sống tự nhiên.                 

Chuyện thứ tư: Bình-đẳng

Mọi trẻ đều được dạy về bình-đẳng. Không có tình-trạng phân-biệt giàu/nghèo ngay từ nhỏ, Tất cả trẻ em đều được khuyến-khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa, thì xe đưa đón của trường là chọn-lựa duy-nhất. Trường không chấp-nhận cho phụ-huynh đưa con đến lớp bằng xe hơi.                  

Việc mặc đồng phục “suit” màu đen từ người quét đường đến tất cả các nhân-viên, quan chức, cho thấy một nước Nhật không khoảng cách. Những ngày tuyết phủ trắng xoá nước Nhật, từ trên cao nhìn xuống, các công-dân Nhật trông như các chấm đen nhỏ di-chuyển nhanh trên đường. Tất cả là một nước Nhật chung ý-chí, chung tinh-thần lao-động.

Văn-hóa “xếp hàng” thấm đẫm vào nếp sinh-hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất cứ ưu tiên nào dành cho ai hết. Sẽ không có gì ngạc-nhiên nếu một ngày ở Nhật, bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình lại chính là Thủ-tướng.

Chuyện thứ 5: Nội-trợ là một nghề.

Ở Nhật, hàng tháng chính-phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ-nữ ở nhà làm nội trợ, nhưng vẫn được hưởng các tiêu-chuẩn y như người đi làm. Về già, vẫn hưởng đầy-đủ lương-hưu.                 

Độc-đáo hơn nữa, là nhiều công-ty áp-dụng chính-sách: lương của chồng sẽ nhập thẳng vào tài-khoản của vợ. Vai-trò người phụ-nữ trong gia-đình, vì thế luôn được đề-cao, tôn-trọng.” (Trích điện-thư trên mạng bạn bè gửi cho nhau, rất nhiều lần).

Tình-yêu cao cả và bao-dung là như thế, tức: cũng đem lại hạnh-phúc đến độ thế. Vậy mà, con người đôi khi lại đã quên nên mới gây nhiều tang thương như cuộc khủng-bố xảy ra ở Nice, nước Pháp hôm 14/7/2016. Và, cũng do từ tình-yêu mà người Nhật đã lập nên những “chuyện lạ” kỷ-lục được nêu ra ở trên. Và, cũng là tình-yêu đã khẳng-định về cuộc sống hài-hoà.

Biết thế rồi, đến đây tưởng cũng nên đi vào vườn hoa Thượng-Uyển gồm những lời chân-phương, thân-tình của bậc thánh-hiền khi xưa từng khuyên-nhủ, rất như sau:

“Muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo,
không phải vì chúng muốn,
nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy;
tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy
là có ngày cũng sẽ được giải-thoát,
không phải lệ-thuộc vào cảnh hư nát,
mà được cùng với con cái Thiên-Chúa
chung hưởng tự-do và vinh-quang.”
(Rôma 8: 20-23)

Nói cho cùng, cuộc sống thực-tế của người đời trong đời người, nếu biết sống có tình-yêu chân-phương, giản-dị, không trèo cao, không tham-vọng, rồi ra cũng được hưởng vinh-quang, phúc-hạnh cho mình và cho người.

Nói cho cùng, nếu bạn và tôi đồng-thuận nguyên-tắc trên, ta hãy hiên-ngang hướng đầu về phía trước mà hát những câu ca tuyệt-vời, đầy yêu-thương, sau đây:

“Ai đã từng yêu nhau đều biết:
Có chi đâu, những âu-sầu,
Thế nhưng, lòng nhiều khi đã chết.
Lúc duyên may đã khởi-đầu,
với những giờ cuộn trong tình thắm thiết,
phút ly-biệt lời chưa đành nói:
với những chiều quạnh-hiu buồn chất-ngất.
Sớm xôn-xao nghe tim rạt-rào
Dù thời-gian trôi qua lòng
Mãi tình sầu chẳng nguôi.
Đời nào ai yêu ai chẳng có một lần đổi thay,
Lệ tình tuôn như song chẳng hết đâu.
Còn làm cho bao nhiêu người đớn đau.
Và thành muôn lời hát ru nhau.
Chuyện tình tôi xôn xao trong gió…”
(Lời Việt: Nguyễn Đình Toàn – Tình thiên thu)

Thế đó, là khẳng định về cuộc sống có tình-yêu rất chân-phương, chân-tình, ở mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai
Lại vẫn nghĩ
Về mối tình đẹp
rất thiên thu
ở trong Đạo lẫn ngoài đời.

Bài liên quan

Back to top button