Chưa được phân loạiGX An LongTâm tình bạn trẻ

Chuyến đi và Lời Nguyện Cầu | Tâm Tình Bạn Trẻ | Thái Trân

Tâm Tình Bạn Trẻ

CHUYẾN ĐI VÀ LỜI NGUYỆN CẦU

Người thiếu nữ tuổi mười sáu trong bộ giáp và áo choàng đỏ, tóc dài đến gần thắt lưng, mái tóc buộc nửa đầu với hai lọn tóc luồn thành vòng, lên lưng ngựa trong sự điềm tĩnh mà dứt khoát. Một người nữ tu tuổi đã cao – đối với người thiếu nữ đã như một người bà trong những ngày vừa qua – bước nhanh để tiễn cô. Đứng dưới chân ngựa, bà ngước nhìn lên và trao cho cô một chuỗi mân côi. Người thiếu nữ hôn lên tay bà, nở một nụ cười nhẹ tạm biệt bà và phi ngựa lên đường.

Hình ảnh trên là một trong những phân đoạn trong phần đầu của bộ phim ngắn truyền hình Joan of Arc gồm hai phần của Canada năm 1999 về thánh nữ Jeanne d’Arc (tiếng Anh: St. Joan of Arc), một trong chín vị Thánh bảo trợ của nước Pháp, người đã ra đi ở tuổi mười chín vào năm 1431. Lễ kính thánh Jeanne d’Arc (30/5) là một trong những quốc lễ của Pháp. 

Hình ảnh người nữ tu như một người bà trao cho thánh Jeanne d’Arc chuỗi thánh là trao điều tốt đẹp nhất bà dành cho người thiếu nữ trước mắt, là sự mong cầu cô bình an vô sự trên mọi chặng đường và những cuộc chiến chinh. Tương tự vậy, mỗi lần tôi chuẩn bị lên xe rời quê để đến trường đại học cách nhà năm mươi cây số và hai chuyến phà, bà ngoại tôi đều gói ghém đưa một sấp tiền gồm những tờ năm ngàn đồng cho tôi. Số tiền tuy không lớn nhưng đó là tất cả những gì tốt đẹp nhất bà dành cho cháu mỗi lần cháu đi xa. Tuy nhiên, đó đã là hình ảnh của mười lăm tháng trước.

Hơn hai mươi năm, tôi đã sống với bà dưới một mái nhà. Xong kì kiến tập sư phạm ba tuần (đại học năm ba), tôi trở về thì không thấy bà đâu nữa …

Ở nhà, nơi nào cũng có hình bóng của bà. Mỗi lần đi qua chiếc giường nơi căn phòng của bà, bao trùm lên tôi là sự trống trải và hụt hẫng. Bao nhiêu năm chiếc giường đó vẫn là nơi bà nằm mỗi buổi tối. Giờ đây, bà không thấy đâu, căn phòng hoàn toàn chỉ còn lại chiếc giường trống rỗng và vắng lạnh. Kể từ khi bà đi, cửa sổ phòng bà cũng trở nên vô hồn. Ở gian nhà kế bên, chiếc võng vẫn thường đung đưa vì có bà nay cũng gieo vào lòng tôi sự bần thần mong nhớ. Suốt hơn hai tháng hè sau năm ba đại học, có những lần tôi bước vào căn buồng của bà với nụ cười tươi vui nhưng ngay sau đó nụ cười liền vụt tắt. Vì định thần lại giờ bà đang ở với cậu hai, tôi tự hỏi không biết bây giờ bà thế nào.

Chiếc xe ô tô chín chỗ được thuê chở tôi và mẹ khởi hành từ 4 giờ 15 phút sáng, tiến vào miền đất đỏ thì đã gần 12 giờ trưa. Sau một hồi băng qua con đường nhựa dài, lòng đường vừa đủ cho xe chúng tôi, chiếc xe cũng đến nơi thuận lợi nhờ anh tài xế theo chỉ dẫn của Google Map tìm đến vị trí nhà của cậu hai mà anh họ – con của cậu đã gửi vị trí cho tôi. Trước sân nhà, hàng phượng vĩ đỏ rực điểm xuyết phía dưới là hoa leo hoàng thảo. Trước nhà, cậu út, anh chị họ của tôi đang đợi mẹ và tôi, có thêm hai đứa cháu nhỏ. Bước vào nhà, một hình ảnh tôi không tin vào mắt mình là bà tôi nằm trên giường, người gầy thóp, da khô và vàng. Mẹ đến bên bà, hỏi một cách tha thiết: “Má ơi, con nè má. Má biết con không?”. Bà không trả lời vì đang yếu không nói chuyện được. Tôi đến nắm tay bà: “Ngoại ơi, con nè. Con sắp ra trường rồi. Con đi dạy rồi ngoại”. Bà không đáp lại nhưng một dòng nước mắt lăn dài trên gò má gầy hỏm. Tôi nghẹn lại và không thể nói gì thêm nữa.

Hình ảnh thực tế

Hơn hai mươi năm trước, một người bà bồng bế, nâng niu một cháu bé. Giờ đây, cũng là hai bà cháu, nhưng là cháu đỡ và nâng bà quanh chiếc giường. Đút bà muỗng nước uống chẳng là gì so với bao nhiêu năm bà bón từng thìa cơm. Mười lăm năm trước, có hai bà cháu ở nhà, ba mẹ có việc phải đi xa. Chiều hôm ấy, người bà đút từng muỗng cơm cho cháu bé lớp Một cho đến khi bà ngồi tựa lưng vào thành giường và nhắm nghiền mắt. Vâng, đó chính là bà ngoại tôi và tôi. Hơn mười lăm năm đã trôi qua nhưng hình ảnh bà gắng sức đút cho tôi hai muỗng cơm cuối cùng – dù lúc đó bà đã có dấu hiệu kiệt sức – vẫn in sâu vào tâm trí tôi. Sau đó, bà được chuẩn đoán bệnh tai biến mạch máu não. Chỉ vài tháng trước đó, bà vẫn rất vui thích và rôm rả khen ngợi mỗi lần tôi tập thể dục vì kể từ khi học lớp Một, tôi được học môn Thể dục ở trường và khi ở nhà tôi thường tập lại những động tác thầy đã dạy. Cho đến mãi sau này, tôi vẫn tự hỏi tại sao bà rất vui mừng mỗi lần tôi thực hiện những động tác của bài thể dục. Có lẽ vì bà thấy cháu khỏe mạnh và hoạt bát, trong những động tác có sự ngây ngô của một đứa bé lớp Một nhưng toát lên nét lanh lợi và dễ thương của cháu gái bé bỏng mà bà đã nuôi nấng hơn sáu năm trời. Một năm đầu khi phát bệnh, bà chỉ nằm trên giường, mọi ăn uống và vệ sinh của bà đều do mẹ, các cậu mợ và dì tôi chăm sóc. Khi ấy, mỗi lần thấy gối bà nằm bị lệch, tôi cố gắng nâng đầu bà dậy và chỉnh gối lại cho bà nhưng không đủ sức vì lúc đó tôi chỉ là đứa bé học lớp Một. Thời gian trôi cho đến khi tôi học hết lớp Bốn, bà dần hồi phục và khỏe lại. Mỗi buổi chiều thứ bảy, bà vẫn đến nhà thờ tham dự thánh lễ như trước kia. Hầu hết mọi sinh hoạt của bà dần trở lại bình thường, chỉ có điều bà phải uống thuốc mỗi ngày nên việc ăn uống của bà, mẹ tôi rất sát sao. Mặt khác, bà ít nói và đôi mắt đã kém hơn trước. Tuy nhiên, ba mẹ và tôi rất vui mừng vì thấy bà dần khỏe mạnh trở lại. Bao nhiêu năm qua bà đã phục hồi và sống khỏe mạnh, thế nhưng hiện tại bà chỉ nằm trên giường và uống sữa thay cơm, giờ đây tôi không còn là một đứa bé lớp Một mà đã đủ sức để nâng và đỡ bà. Tuy nhiên, đó không phải là niềm tự hào mà là cảm giác se thắt và chua xót trong lòng. Kể từ khi lên đại học, tôi đã nhận ra một điều: thời gian là cuộc đuổi bắt không cân sức giữa sự già yếu của các bậc sinh thành và sự trưởng thành của tôi. Trải qua những biến cố cuộc đời, tôi đã thôi không còn ca thán “tại sao ba mẹ sinh mình ra quá muộn”. Vì nếu đã được sinh ra trong cuộc đời này thì đó đã là một niềm hạnh phúc. Thay vì cứ mãi tiếc nuối và sử dụng từ “giá như”, sẽ tốt hơn nếu ta lấy những nghịch cảnh làm động lực để phấn đấu, nỗ lực và không bao giờ cho phép bản thân khuất phục trước những khó khăn thử thách. Henry Ford đã có một câu nói nổi tiếng: “Khi mọi thứ dường như đều chống lại bạn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh ngược gió, không phải theo chiều gió” (When everything seems to be going against you, remember that the airplane takes off against the wind, not with it).

Ở nhà cậu, ngay từ lần đỡ bà dậy đầu tiên, tôi phát hiện bà đeo chuỗi mân côi trên cổ. Đó là vòng chuỗi mà ngay từ tấm bé, tôi đã thường mân mê và bắt chước bà lần hạt mặc dù lúc đó tôi chỉ là một đứa bé lên ba hoặc lên bốn, chưa biết lần chuỗi mân côi là gì. Sau này bẵng đi mấy năm trời – khoảng từ những năm cấp hai đến khi tôi học lớp 11 – vòng chuỗi đó lạc mất, chính tôi đã tìm thấy và trao lại cho bà. Nhận lại chuỗi mân côi đó, bà rất mừng. Không phải vì bà không có chuỗi khác mà vòng chuỗi này có lẽ đã gắn bó với bà ngay cả trước khi tôi ra đời, vì kể từ khi biết nói và có thể ghi nhớ, tôi đã thấy bà nâng niu và sử dụng chuỗi ấy mỗi khi lần hạt. Chuỗi được kết từ những tràng hạt nhỏ màu đen bằng cẩm thạch hình đa giác đều, ở trung tâm là một thập giá bằng đồng màu bạc có hình Chúa Cứu thế. Đến nay thập giá ấy đã có những vết mòn của thời gian, tuy nhiên hình ảnh vị Cứu thế trên thập tự vẫn rõ nét. Trong kí ức của tôi, những hình ảnh về bà đa số là hình ảnh bà ngồi lặng yên trên võng lần hạt, miệng nhẩm nhẹ những lời kinh, âm thầm và lặng lẽ nhưng bình dị và trìu mến vô cùng. Trước đây, tôi đã được kể lại rằng hễ cứ chiều đến, bà ngoại đều bế tôi đến trước cổng nhà thờ, trước tượng đài Đức Mẹ bên nhà thờ cũ (đầu những năm 2000) và quanh quẩn ở đó để đút tôi ăn cơm. Những hoài niệm về tuổi thơ vô cùng đẹp bên bà cứ nối tiếp nhau hiện lên trong đầu tôi, giờ đây nhìn bà gầy gò nằm trên giường, uống từng muỗng sữa và thuốc (được hòa vào nước), tôi nghẹn ngào, những giọt nước nóng rơi xuống mặn bờ môi.

Tiếng mưa rơi kéo tôi về với thực tại. Đây là lần đầu tiên tôi đến miền Đông. Giữa một cánh rừng bát ngát bên bờ hồ Trị An, trời mưa lớn nhưng sự ấm áp của gia đình nhà cậu như an ủi tôi phần nào. Mưa lớn đến gần giờ thánh lễ thì tạnh. Chiều thứ bảy, thánh lễ được cử hành từ 18 giờ 30 phút. Mợ hai chở tôi trên con đường đất đỏ ướt mưa. Đi trước là xe của anh út (con trai út của cậu mợ, anh bằng tuổi tôi) chở một bé sáu tuổi là con gái nhỏ của chị tư (một trong những người con của cậu mợ), phía sau là anh chị tư chở con gái lớn (bé vừa học xong lớp Bốn).

(Hình ảnh: giáo điểm Suối Tượng – xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai)

Đến nhà nguyện giáo điểm Suối Tượng, trước mắt tôi là một ngôi nhà nguyện khiêm tốn nhưng cung thánh rất đỗi tươm tất và khang trang. Cơn mưa lớn dai dẳng từ chiều không làm chùn chân bà con giáo dân chạy đến cùng Chúa. Bốn dãy ghế với mỗi dãy khoảng mười lăm hàng được lấp đầy bởi giáo dân đến tham dự thánh lễ trong sự trang nghiêm và lòng sốt mến. Tiếng hát của ca đoàn vực dậy tinh thần tôi sau những suy nghĩ miên man và trăn trở về bà. Hôm ấy là ngày các bạn trẻ ở giáo xứ Trà Cổ đến giáo điểm Suối Tượng để tham gia chương trình sa mạc hè. Chính sự năng động, tươi trẻ trong phục vụ và cống hiến của các bạn tại một giáo điểm vùng sâu vùng xa như tiếp thêm động lực cho tôi, đồng thời khiến tôi ý thức về tuổi trẻ của mình và vững tin vào Chúa. Tan lễ, tôi cùng anh út và cháu nhỏ nán lại sân nhà nguyện để ngắm nhìn cảnh quang. Bên trái trước nhà nguyện là cầu thang cao với lối đi nhỏ dẫn lên nhà xứ. Nhìn cháu bé sáu tuổi bước lên những bậc thang, tôi thầm nghĩ cuộc đời thật giống như những nấc thang: ở nơi xuất phát một đứa bé ra đời được bà và ba mẹ nâng niu và che chở, theo thời gian người bước lên từng bậc thang dần lớn, khi con cháu dần khôn lớn và trưởng thành thì các bậc sinh thành dần già yếu. Dù biết đó là nguyên tắc bất di bất dịch trong cuộc đời, tôi vẫn nguyện cầu bà sớm khỏe trở lại để tôi còn cơ hội đền đáp ân tình. Nhìn tượng Thánh tâm trên cao, tôi thầm nguyện cầu: “Lạy Chúa, xin Người đoái thương nhìn đến cuộc đời bà con đã sống góa bụa từ lúc mới ngoài ba mươi, cả cuộc đời bà đã hết lòng vì con vì cháu. Hai mươi mấy năm cuộc đời, con vẫn chưa làm gì được cho bà. Xin Người cho bà sống khỏe mạnh thêm nhiều năm nữa để con còn có cơ hội báo hiếu mang đến cho bà nhiều nụ cười”.

Sáng hôm sau, ở trung tâm y tế huyện, tôi đẩy xe lăn đưa bà vào phòng. Khi đã làm xong thủ tục nhập viện, bà nằm trên giường trong phòng bệnh, được khám và truyền dịch. Thấy mẹ và cậu mợ cũng đã yên vị, tôi đến bên nắm tay bà và nói: “Ngoại ơi, con về. Ngoại ráng khỏe để về với con”.  Bà ngước nhìn tôi – dù đôi mắt đã đục và yếu – nhưng vẫn cố đáp lại “ừm”. Tôi cố gắng nở nụ cười tạm biệt bà rồi bước ra về. Trên quãng đường trở về An Long, tôi nhận ra không gì quý hơn tình cảm gia đình, người thân, cộng đồng và niềm tin sắc son trong tay Chúa.

Giáo xứ An Long

Thái Trân

Bài liên quan

Back to top button