Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Con đường không mấy ai đi | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN C
(Lc.14,25-33)
***** 

CON ĐƯỜNG KHÔNG MẤY AI ĐI
(Vác thập giá theo Thầy)

            25  Khi ấy có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: 26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. 28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30 “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

_________________

SUY NIỆM

CON ĐƯỜNG KHÔNG MẤY AI ĐI

            Có một câu chuyện vui kể rằng:

            Có một vị sư ở Ấn Độ cống hiến cuộc đời mình cho Thượng Đế, như điều mà tất cả những người xuất gia cần phải làm. Ông chỉ có một cái khố che thân. Và ông chỉ có một cái nồi đựng nước, và cũng dùng nó để nấu ăn hoặc đựng sữa v.v…

Rồi có chuyện xảy ra là cái nắp nồi bị vỡ . Nhưng vị sư không mua nắp mới , mà chỉ dùng một góc của miếng khố để che cái nồi. Mỗi lần ngồi xuống , ông phải ngồi gần cái nồi. Thấy vậy một người đến hỏi: “Sao thầy không mua cái nắp mới?”. Vị sư đáp: “Tôi đã thề rằng bất cứ vật gì có tại đây , tôi sẽ không bao giờ sắm thêm , và chỉ dùng những gì tôi có.”

Người kia nói: “Nhưng sao thầy lại ngoan cố như vậy ? Một cái nắp thì có vấn đề gì đâu . Sao không mua luôn cái nồi mới ?”. Vị sư nói: “Không! Không! Hôm nay thêm cái này , mai lại thêm cái nọ , rồi cái kia . Giống như nhà sư …” Rồi ông kể câu chuyện về một vị sư . Đây là câu chuyện có thật , như sau :

            Có một vị sư ở Ấn Độ. Ông này thường hay đi khất thực để xin những thứ cần dùng. Ông có một cái khố che ở chỗ mà ông nghĩ cần phải che [Mọi người cười]. Nhưng không vấn đề gì , ông rất mãn nguyện. Mỗi ngày ông đi ra ngoài khất thực. Ông xin ăn cho đến khi có đủ thức ăn, rồi đi ngồi thiền , thật là tuyệt vời! Và ông có một túp lều nhỏ.

Vấn đề là ông chỉ có hai cái khố: một cái bỏ giặt và một cái để mặc. Cho nên, thỉnh thoảng lúc đi ra ngoài , ông phơi cái khố kia trên nóc lều cho khô. Và rồi có một con chuột hay cắn cái khố rách tả tơi. Nên ông phải đi ra ngoài xin một mảnh vải khác. Chuyện xảy ra nhiều lần như vậy.

Vị sư không biết phải làm sao. Rồi những người láng giềng khuyên ông: “Thầy không thể đi xin vải mãi . Sao thầy không nuôi một con mèo để bắt chuột. Như vậy sẽ không có vấn đề gì nữa. Nếu không, ai cúng dường vải cho thầy mãi được ?”

Sau nhiều lần đi xin, ông nói: “Được! Làm như vậy cũng tốt!”. Thế là ông nuôi một con mèo, có người cho ông một con mèo. Rồi, bây giờ con mèo ở đó. Nhưng ông lại thêm phiền phức. Ông phải đi ra ngoài xin sữa cho mèo. Sau đó một người tốt bụng đến nói với ông: “Thầy không thể đi ra ngoài xin sữa và thức ăn cho mèo hoài được. Chỉ cần nuôi một con bò [Sư Phụ và mọi người cười]. Chúng tôi không ngại cúng dường sữa cho thầy , nhưng cũng phải cúng dường thêm sữa cho thầy nuôi mèo nữa thì hơi quá đáng. Chúng tôi cho cũng không sao , nhưng đâu phải người nào cũng vậy. Họ sẽ không biếu thầy mỗi ngày. Rồi thầy lại phải hy sinh sữa của thầy để nuôi mèo. Cho nên , thầy hãy nuôi một con bò. Chúng tôi có bò có thể cúng dường thầy. Như vậy có sữa cho thầy dùng nữa, rất tiện. Rồi bò cũng có nước lấy từ sữa để thầy dùng vào việc nấu nướng, mọi chuyện rất tiện lợi.”

Thế là họ chuẩn bị sẵn sàng một con bò cho ông. Bên Ấn Độ , quý vị có thể tìm một con bò thật dễ dàng . Chúng đi lang thang, quý vị có thể lấy một con. Một số là bò vô chủ, bò vô gia cư!

Sau khi suy nghĩ kỹ càng, vị sư nhận con bò . Bây giờ ông phải vắt sữa bò và làm tất cả những chuyện này. Ông lại phải đi ra ngoài xin cỏ khô cho bò. Vì là một nhà sư , nên ông không biết phải làm cách nào khác. Nơi ông sống là vùng Hy Mã Lạp Sơn, không có nhiều cỏ. Ông phải đi xin cỏ khô và xây chuồng cho bò ở.

Cho đến giờ, mọi chuyện cũng còn tốt! Nhưng rồi một người khác đến khuyên ông: “Thầy không thể cứ đi xin cỏ mãi. Ai mà cho bò của thầy cỏ khô hoài được? Chúng tôi cúng dường thức ăn cho thầy , nhưng không bắt buộc phải nuôi cả bò , mèo của thầy nữa. Vậy thầy hãy mướn người làm, hay kiếm một cô vợ, lập gia đình.”

Bây giờ nhà sư sắp sửa có vấn đề nghiêm trọng. Bởi vì ông không biết làm sao khai khẩn đất đai. Do đó, một người khuyên ông: “Thầy có thể nuôi người làm, như là một anh nông phu, hay kết hôn với một nông dân để thầy có thể khai khẩn ruộng đất. Đất đai chung quanh đây rất nhiều, khắp mọi nơi; thầy có thể khai khẩn, và có đủ cỏ cho bò ăn. Và thầy cũng sẽ có đủ bắp, lúa mì và mọi thứ để dùng.”

Bây giờ nhà sư càng lúc càng nghiêm trọng. Cho nên, ông lập gia đình. Và sau đó, ông và bà vợ khai khẩn một nông trại. Rồi họ có con và phải chăm sóc cho đàn con, rồi phải tìm thầy dạy học cho con, vân vân. Công việc làm ăn mỗi ngày càng lớn .

Rồi một hôm vị sư phụ của nhà sư này trở về. Ngài cứ hỏi thăm về một ông sư , lẽ ra đang sống trong túp lều tranh bên cạnh dòng sông ba năm trước. Nhưng không ai biết có một vị thầy tu như vậy . Cho nên sư phụ ông tiếp tục đi hỏi, và đến nông trại của vị sư .

Sau khi biết tất cả mọi chuyện xảy ra chỉ vì một cái khố, thêm một miếng vải nữa. Nếu ông ta chỉ có một mảnh thôi và mặc mảnh đó thì đã không có vấn đề. Nhưng ông có hai mảnh – một cái để mặc và một cái bỏ giặt – và đó là lý do tại sao có vấn đề. Cho nên chuyện này đã xảy ra, và đây là câu chuyện có thật .

Vị sư này rất hối hận sau khi sư phụ của ông trở lại. Nhưng sư phụ ông không muốn ở nơi đó. Ngài nói: “Thầy đã bảo con phải lo tu hành , đâu có bảo con nuôi bò, chó, mèo, vợ và con cái.”Ông ta lại có cả một nông trại, phải mướn nhiều người làm ruộng, bởi vì cây trái mọc lên, và rồi cứ tiếp tục phát triển trở thành một trang trại.

            Trước đây ông đã bỏ tất cả mọi chuyện ở đời để đi xuất gia, để buông bỏ thế gian , chỉ có những nhu cầu tối thiểu cần cho cuộc sống. Nhưng cuối cùng ông lại trở nên giàu có: một ông chủ đồn điền với nhiều trâu bò, một bà vợ, con cái và những nhân công. Mỗi ngày càng phát triển lớn hơn. Càng ngày ông bận rộn đếm tiền và xem xét thu hoạch mùa màng, không còn thì giờ để ngồi thiền nữa. Tất cả đã chấm dứt. Công việc xuất gia kết thúc, và ông có công việc khác!

            Lần đầu tiên tôi đọc được câu chuyện này, là một dị bản tương tự nhưng ngắn gọn hơn. Không có phần mở đầu của ông sư “kể chuyện”. Tôi chọn đăng nguyên văn câu chuyện này để bạn đọc thưởng thức trọn vẹn ý nghĩa vừa khôi hài vừa tinh tế của nó. Theo phần mở đầu câu chuyện, người kể khẳng định là câu chuyện có thật. Điều đó có thể nhiều người không khỏi hoài nghi. Nhưng dù câu chuyện đó có thật hay không, chúng ta vẫn có thể gạn lọc và nhận ra trong câu chuyện này một bài học thật khôi hài nhưng không kém phần lý thú, đặc biệt là điều kiện từ bỏ của người “đi tu”.

TỪ BỎ

            Không có một tôn giáo nào mà đối với người “đi tu” lại không đòi hỏi sự từ bỏ. “Từ bỏ” những ràng buộc cuộc đời để tìm cõi thanh tịnh tâm linh. Người Á đông rất quen và am hiểu điều kiện “từ bỏ” đó qua những cách nói như “xuất gia”; “phủi bụi trần”; “xuống tóc quy y”…

            Không chỉ phạm vi tôn giáo, khi người đời muốn đạt được lý tưởng nào đó mà mình nhắm tới, đều phải biết những gì mình cần từ bỏ. “Từ bỏ” là một quy luật tiến thân không thể né tránh.

            Lý tưởng càng cao, con người càng phải từ bỏ nhiều. Lý tưởng càng quý sự từ bỏ càng quyết liệt.

            Được là người có Đức Tin vào Thiên Chúa là một Hồng Ân Thiên Chúa thương ban. Được theo Chúa Giê-su Ki-tô là điều vô cùng hạnh phúc. Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy. Quả thật, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua Chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy; muốn nghe điều anh em nghe, mà không được nghe”. (Lc.10,24).

            Theo ai, là sống bên người đó, sống như người đó, đồng hành với người đó, chết sống với người đó. Chúa Giê-su đã từ bỏ tất cả những gì riêng tư. Ngài sống trọn vẹn cho sứ mệnh của Ngài. Nên cuộc đời trần thế của Ngài là một cuộc lữ hành không có hành trang, không gì ràng buộc, để đến điểm hẹn trên đồi Can-vê theo như chương trình cứu độ đã định. “Thầy trò còn đang đi trên đường, thì có kẻ thưa Người rằng: ‘Thưa  Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo’. Người trả lời: ‘Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu’” (Lc.9,57).

            Đối với Chúa Giê-su, chỉ có duy nhất một con đường: con đường Thập Giá. Chỉ có duy nhất một sự lựa chọn: vâng theo Thánh ý Chúa Cha. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”(Lc.14.26).

Thế nào là “từ bỏ” ?

         Ca dao Việt Nam có câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”. Á đông trong dân gian có Đạo Ông Bà. Trong “Mười điều răn Đức Chúa Trời”, điều thứ tư là “thảo kính cha mẹ”. Trong khi Chúa Giê-su đòi hỏi khi theo Ngài phải “dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em”, điều ấy có mâu thuẫn với đạo lý làm người không?

            Hãy nhìn vào chính cuộc đời Chúa Ki-tô. Ngài đã nói với cha mẹ Ngài khi ông bà tìm Ngài ở Giê-ru-sa-lem khi Ngài còn tuổi niên thiếu: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”(Lc.2,49). Nhưng, Chúa Giê-su vẫn trở về sống bên cha mẹ thời ẩn dật ở Na-gia-rét, trong mái ấm gia đình với trọn lòng hiếu thảo: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-gia-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc.2,51-52).

           Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu vẫn hằng gần gũi Mẹ mình:

Ở Tiệc cưới Ca-na. “Ngày thứ ba, có tiệc cưới Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Chúa Giê-su” (Ga.2,11).

Ở nhiều nơi Chúa đi qua. “Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày” (Ga.2,12).

Những lần Mẹ đến thăm “Chúa Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người” (Mt.12,46).

Nhất là giờ phút sau hết trên Thập Giá, thật cảm động khi Chúa Giê-su trăn trối gởi gắm Mẹ cho Gio-an. “Thưa Bà, đây là con Bà” (Ga.19,26).

            Từ bỏ, như vậy, không có nghĩa là đoạn tuyệt, nhưng là nâng sự quan hệ gia đình lên mức độ cao cả hơn. Thoát sự ràng buộc gia đình nhỏ bé để sống trong gia đình của Chúa Giêsu, để thuộc về đại gia đình Thiên Chúa. “ ‘Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?’ Rồi người giơ tay chỉ các môn đệ, và nói: ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi’”. (Mt.12,48).

            Chúa Giêsu rất yêu thương cha mẹ, nhưng Ngài còn có bổn phận với Cha Ngài – Đức Chúa Cha –  “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”(Lc.2,49). Và khi Chúa Giê-su thốt lên trên Thập Giá: “mọi sự đã hoàn tất”, thì chính lúc ấy, đang có sự hiện diện của mẹ mình ở đó.

            Người xưa thường nói: “quân pháp bất vị thân”. Vua quan, cán bộ, chức quyền, làm việc chỉ biết nhắm tới lợi ích gia đình riêng. “vinh thân phì gia”. Vây cánh, bao che, tư lợi hẹp hòi, thì có thể nào sống cho lý tưởng cao cả “vì dân vì nước phục vụ” được không?Đời đã thế, đạo còn đòi hỏi cao hơn nữa, cứ suy ra, ắt hiểu! Biết bao người trở nên giàu có, mang về nhiều tiền của cho cha mẹ. anh em, dòng họ, nhờ chiếc áo nhà tu.

            Từ bỏ” cha mẹ, anh chị… không phải là mất gốc”, mà là tìm về nguồn gốc đích thực của con người: tìm về thánh ý Chúa, nhận ra Thiên Chúa, để tuyên xưng Thiên Chúa là “Cha”.

            Từ bỏ “mạng sống” cũng vậy. Từ bỏ mạng sống không phải là tìm đến cái chết như những con thiêu thân, nhưng biết gìn giữ mạng sống và sống một cuộc đời có ý nghĩa. Sống một cuộc đời có ý nghĩa là sống theo ánh sáng Tin Mừng. Là sống trung thành với Đức Tin. Sống theo Thánh ý Chúa.

            Một viên sĩ quan SS Liên Xô bước vào phòng của một linh mục, rút súng ngắn ra, lên đạn, chìa nòng súng vào đầu của linh mục và ra lệnh: – “Ở đây chỉ có riêng tôi và ông, tôi hứa sẽ giữ kín chuyện này, hãy thú nhận đi, những điều ông rao giảng về Giêsu chỉ là nói láo! Ông rao giảng chỉ vì lợi ích riêng tư chứ thật ra lòng ông không hề tin. Tôi sẽ tha mạng cho ông, nếu ông thành thật nhìn nhận rằng ông không tin!”. Vị linh mục trả lời: – “Tôi tin”. Ví nòng súng sát vào thái dương linh mục, tên sĩ quan hằn học: – “Đừng ngu xuẩn! Hãy nói thật đi. Ông không tin vào Giêsu phải không?”. Vị linh mục vẫn bình thản trả lời: – “Tôi tin”. Tên sĩ quan ấn mạnh nòng súng vào đầu của vị linh mục một lần nữa: – “Cơ hội lần cuối, không thì hối hận! Nói đi, ông không hề tin vào Giêsu!”. Vị linh mục nhìn thẳng vào mắt của tên sĩ quan, và ôn tồn nói: “Xin lỗi, tôi không thể dối lòng mình: tôi tin Giê-su!”.
            Tên sĩ quan buông rơi súng xuống, ôm linh mục và òa khóc: – “Thưa cha, con là người Công Giáo, con đã lạc đường. Vâng, cám ơn cha, xin tha thứ cho con, con cũng tin Giêsu!”.

BƯỚC ĐƯỜNG THEO CHÚA

            Trong quyển “Bước tiếp con đường chẳng mấy ai đi” (Further along the road less travelled), M.Scotte Peck, M.D. đã viết:

            “Lần nọ, giữa đám đông có một người – lại cũng là một ông thầy luật! – tách ra, tiến đến với Ngài. Và ông ta hỏi: ‘Này, thưa thầy Giêsu, thầy đang cố gắng dạy điều gì vậy? Tôi không muốn nghe những bài giảng dài như kiểu bài giảng trên núi. Xin vui lòng tóm tắt cho tôi sứ điệp của thầy chỉ trong một hai câu cô đọng thôi’. Và Đức Giêsu đã đáp ứng yêu cầu của ông ta: Ngài đưa ra hai câu cô đọng đến nỗi quyện lại thành một. Ngài nói: ‘Hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Và hãy yêu thương anh em ngươi như chính mình’.

            Đó là bản chất của một Ki tô hữu. Thật tiếc, phần đông người ta không hiểu nỗi khổ đau ẩn đàng sau những lời ấy. Yêu mến Thiên Chúa với hết lòng, hết linh hồn và hết sức, điều đó có nghĩa là trao phó trọn con người mình cho Ngài. Việc trao phó bản thân mình cho Thiên Chúa là một tiến trình lâu dàicam go. Nhiều năm sau khi trở thành một Kitô hữu, tôi vẫn nhận ra mình chưa hoàn thành tiến trình ấy gì cả!”

            Đúng thế, “việc trao phó bản thân mình cho Thiên Chúa là một tiến trình lâu dài và cam go”. Đó chính là con đường chẳng mấy ai đicon đường Thập Giá. Người ta không trao phó trọn con người mình cho Ngài, vì người ta còn muốn giữ lại điều gì đó cho riêng bản thân mình. Người ta chưa thật sự từ bỏ!

            Từ bỏ bao giờ cũng phải hy sinh. Hy sinh dứt khoát phải có tình yêu. Yêu mới dám hy sinh. Hy sinh mới từ bỏ được. Ta nhớ lại Chúa Giêsu hỏi Phêrô 3 lần: –“Con có yêu mến Thầy không?”. Tình yêu quyết định tất cả. Vì tình yêu Chúa Giêsu, ta tiến bước. Chấp nhận những bước thăng trầm, có nụ cười và nước mắt, có vinh quang và ô nhục.

             Trong “Sứ điệp lao tù”, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ 14 bước theo Chúa Giêsunhư sau:

            Bước lang thang  ra chuồng bò ở Bê-lem.
            Bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai Cập.
            Bước bồn chồn trở về Na-gia-rét.
            Bước phấn khởi lên đền thánh với mẹ cha.
            Bước vất vả suốt 30 năm lao động.
            Bước yêu thương ba năm rao giảng tin mừng.
            Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc.
            Bước xót xa vào Giê-ru-sa-lem đầm đìa nước mắt.
            Bước cô đơn ra trước tòa không một người thân.
            Bước ê chề vác Thánh Giá lên đồi tử nạn.
            Bước thất bại chết chôn mề kẻ khác, không tiền không bạc, không manh áo, không bạn hữu.
            Bước khải hoàn sống lại, hãy vững lòng Thầy đã thắng thế gian.
            Bước khổng lồ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng
            Bước liều mạng lăn xả vào thử thách, chấp nhận mọi hậu quả, vì Chúa đã dạy con liều mạng.

            Chúng ta có thể nhận ra thái độ từ bỏvác thập giá theo Thầy Giêsu của mình trên từng đoạn đường trong cuộc hành trình theo Chúa. Và chúng ta cũng nhìn lại xem, đã có những đoạn đường nào mình đã chùn bước?

            Những bước đi của cuộc đời luôn có những bổn phận và trách nhiệm nặng nề. Áp lực từ nhiều phía. Có những lúc ta cảm thấy bơ vơ. Đè nặng lòng ta một khối sầu lo tưởng chừng vô vọng. Ta chới với giữa dòng đời. Ta lạc lỏng giữa đường trần. Ta cô độc giữa rừng người xung quanh ta. Ta lẻ loi giữa rừng người quen thân nhưng xa lạ!

            Đường theo Chúa không hấp dẫn theo kiểu lòng ta hằng mơ ước. Sẽ có nhiều lúc như Chúa Giêsu ở vườn Giết-sê-ma-ni. Nước mắt sẽ rơi và con tim rỉ máu. Ta buồn đau từ đáy lòng mình! Ta phải chiến đấu thật nhiều để có thể chấp nhận tiếp tục bước theo con đường của Chúa.

            Vâng, nếu không có ơn Chúa, chúng ta không thể!

            Lạy Mẹ Maria,

            Xin giúp con biết noi gương Mẹ,
            Theo Chúa đến cùng,
            Đến đỉnh Tình Yêu:
            Can-va-ri-ô.  Amen.

                                                          Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

_____________________

BÀI ĐỌC THÊM

Chỉ một mình Ngài

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button