Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Lễ Ki-tô Vua : Tình Yêu Lên Ngôi | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN C

LỄ KI-TÔ VUA
(Lc.23,35-43)
***** 

TÌNH YÊU LÊN NGÔI

            35 Khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” 36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” 38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” 40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” 42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su:  “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” 43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

____________

SUY NIỆM

TÌNH YÊU LÊN NGÔI

1. Thật đẹp như một chuyện cổ tích :

            Vào giữa tháng 10 năm 2010, có một bản tin thật sự làm xôn xao thế giới, nó bao trùm toàn cầu một bầu khí đoàn kết, đượm đầy yêu thương và hạnh phúc. Đó là vụ giải cứu 33 thợ mỏ ở Chilê.

            Vào lúc 10g38 phút sáng ngày 14 tháng 10, tổng thống Chilê Sabastian Pinera đậy nấp hố giải cứu, sau khi toàn bộ 33 thợ mỏ và các công nhân cứu hộ được đưa lên mặt đất.

            Sau 22 giờ làm việc, cuộc giải cứu thành công mỹ mãn, trên cả mong đợi. Bầu khí trên mặt đất dường như vỡ òa sau khi trưởng nhóm thợ mỏ, anh Azua, là người cuối cùng lên mặt đất sau 69 ngày kẹt dưới lòng đất ở độ sâu 700m.

            Trên những trang mạng, có rất nhiều ý kiến, tâm tư, cảm xúc về sự kiện này. Cũng có rất nhiều câu hỏi, bài học được rút ra từ đó.

            Xin trích dẫn một vài ý kiến sau đây:

            “Nếu mọi quốc gia trên thế giới đều có những nỗ lực phi thường đối với người dân của mình như Chilê, thì nhân loại sẽ không còn cảnh nghèo đói. Tuyệt vời Chilê ! Hãy noi gương Chilê !”. (Nguyễn Văn Bảo. Tuoitre online)

            “Thật xúc động và khâm phục, khâm phục nghị lực từng thợ mỏ, gia đình họ, người dân Chilê, đất nước Chilê, và nhất là tổng thống nước này, trông ông thật nhân hậu” (Huong. Tuoitre online).

            “Tôi thật sự cảm động về những thông tin và hình ảnh cuộc giải cứu các thợ mỏ. Đất nước Chilê thật đoàn kết, từ ngài Tổng Thống cho tới người dân thường cùng nhau góp sức để cứu hộ. Mong rằng đất nước Việt Nam mình cũng thể hiện tình đoàn kết như vậy nhé” (Phạm Thị Loan. Tuoitre online)

            Ý kiến của bạn này làm tôi liên tưởng đến miền trung ruột thịt. Lễ hội ngàn năm Thăng Long hoành tráng khi cơn lũ hung thần tàn phá miền trung tan nát. Tôi tự hỏi, không biết ngài tổng thống Chilê có thể đứng xem pháo hoa cùng quần thần văn võ hay không nếu một phần đất nước Chilê quặn đau trong tang tóc như kiểu miền trung Việt Nam?

            Ở quê tôi, có hai nhà liền ranh. Nhà ông này có đám cưới con trai út. Vì là út, nên đây là đám cưới lần cuối cho con cái, coi như khỏe rồi, ông quyết định đám cưới phải “lớn nhất từ trước đến nay”. Ông cho sắp nhỏ mướn dàn nhạc sống về cho rôm rả. Trưa ngày áp lễ, đứa con trai của ông bạn hàng xóm bị tai nạn xe chết. Một bên đám cưới “hoành tráng”, và một bên đám tang thật tức tưởi đau thương ! Ông chủ tiệc cưới quyết định dẹp dàn nhạc, đơn giản buổi lễ tới mức tối đa, ông dành nhiều thời gian có mặt bên đám tang để an ủi ông bạn hàng xóm của mình. Không có dấu hiệu gì cho thấy ông cho đó là chuyện xui rủi cho mình, ngược lại, đó là dịp để đức lại con cháu. Thấy nghĩa cử của ông, người bạn già chòm xóm chắc cũng vơi đi đau khổ phần nào. Thật đẹp làm sao tình bạn của người nông dân quê mùa chất phác. Nhờ hình ảnh đại lễ nghìn năm Thăng Long và cơn Hồng Thủy miền trung xảy ra cùng một lúc tôi mới nhớ lại câu chuyện này !

            Trên khắp thế giới không có một cơ quan truyền thông lớn nào, không có một tờ báo có uy tín nào mà không nói đến cuộc giải cứu lịch sử 33 người thợ mỏ này. Trên Internet ngập đầy hình ảnh, bài vở, ý kiến về sự kiện này. Nó không còn là chuyện của Chilê. Vì nó mang ý nghĩa nhân bản và khát vọng thật sự của con người. Đó là khát vọng được sống, sống đoàn tụ, sống hạnh phúc, và sống trong sự đùm bọc lẫn nhau của cả nhân loại.

            Đó là khát vọng Yêu Thương. Khát vọng – là vì con người còn rất thiếu !

            Nên khi con người có được những tấm gương về tình người, về sự xả thân vì đồng loại, về sự yêu thương đến quên mình, về sự góp phần tạo lập hòa bình, thì lập tức, nó trở thành một sự kiện khắc sâu vào tim óc của nhân loại.

            Nhưng, thật ngao ngán thay, một ngày trên thế giới hôm nay, có mấy khi nghe được tin vui. Khi những giá trị tinh thần lụn bại, của cải vật chất được đề cao, thì con người càng sống cho riêng mình, và ngoảnh mặt trước những đau thương của đồng loại.

2. Tình Yêu Lên Ngôi.

           Đức Giêsu Kitô, vua vũ trụ, Đấng đã chứng minh cho nhân loại về sự sống và hạnh phúc chỉ tồn tại trong Yêu Thương.

            Con người cứ chế tạo bom đạn, tranh giành cấu xé nhau để đạt được những ưu thế vật chất, nhưng con người không thể đạt được cái hạnh phúc mà con người tự vẽ ra theo ý riêng mình – thứ hạnh phúc ngoài Thiên Chúa. Hóa ra, hạnh phúc con người theo đuổi chỉ là thứ “trái cấm” không bao giờ làm cho con người no thỏa, ngược lại, đó là con đường đi đến hủy diệt.

            Con người thấy gì trong thế giới nhiều thành quả khoa học và giàu có hôm nay ? – Sự phân rã, hoài nghi, hận thù, khủng bố, bắt cóc, tranh giành, vũ khí, bạo lực, sa đọa… Những kỳ công con người làm được, có thể trong khoảnh khắc thôi, sẽ đổ nát tan hoang vì thù hận. Như đã thấy ở Nagazaki, Hirosima, ở Nhật. Tòa nhà WTO ở Mỹ…

            Thế nên, trong sâu thẳm con tim của nhân loại, vẫn là khát vọng yêu thương. Ngày mẹ Têrêsa qua đời, hằng triệu người đã tiển đưa Mẹ với tất cả lòng tôn kính, vì ai cũng nhận ra một điều, thế giới rất cần những con người như Mẹ. Những tờ báo uy tín, không riêng gì báo Đạo, đã chạy những hàng tít lớn trong ngày Mẹ về cõi vĩnh hằng: “Một trái tim vĩ đại đã ngừng đập”, “Mẹ Têrêsa – Vị Thánh giữa đời thường”…

            Đơn giản, vì Mẹ đã thực thi giới luật yêu thương trong Vương Quốc Tình Yêu của Vua Giêsu Kitô ngay tại trần thế.

            Anh Mario Sepulveda, người thợ mỏ thứ hai được đưa lên mặt đất tâm sự: “Tôi đã ở với Chúa và quỷ dữ, và Chúa đã cứu tôi”. Trong không gian chật hẹp và đen tối dưới lòng đất 700m, quả đó là một thứ địa ngục đáng sợ. Những người thợ mỏ phải yêu thương nhau, phải có kỷ luật vì mình và vì nhau. Cùng với sự yêu thương của những người có trách nhiệm, họ mới được cứu sống. Tình Thương đã cứu họ. Thiên Chúa là Tình Yêu. Vâng, “Chúa đã cứu anh.”

            Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu Kitô đã tổng kết những điều Ngài giảng dạy trong một giới luật duy nhất dành cho Vương Quốc của Ngài: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga.13,34). Tình yêu ấy mãnh liệt và trở thành hiện thực chứ không phải là lời nói suông thường thấy ở vua chúa trần gian. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga.15,13). Và điều đó đã trở thành hiện thực trên Thập Giá.

            Đức Giêsu Kitô, Ngài thật sự là vua. Ngài là Thiên Chúa, Ngài là Tình Thương. Chỉ có triều đại Tình Thương mới bất tận. Ngài là Thiên Chúa, Vua Trời Đất, xuống thế làm người để dạy cho công dân của Ngài biết sống yêu thương. “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”. (Lc.1,30-33).

            Mẫu gương yêu thương ấy là chính hiến tế của Ngài trên Thập Giá dâng lên Chúa Cha. “Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên Thập Giá: ‘Giêsu Na-da-rét, Vua dân Do Thái”.(Ga.19,19).

            Và Đức Giêsu luôn khao khát thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, hoàn thành công trình mà Thiên Chúa đã giao phó cho Ngài, đem nhân loại về với Thiên Chúa trong Vương Quốc Tình Yêu Trời Mới Đất Mới của Ngài. “Sau đó, Đức Giêsu biết mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ‘Tôi khát’”. (Ga.19.28).

            Vòng tay Ngài dang rộng ôm cả thế giới, ôm cả vũ hoàn, vòng tay yêu thương từ hiến tế tình yêu. Vòng tay ấy che chở con người, bảo vệ con người, giải cứu con người, không phải bằng những chỉ thị, bằng phù phép, mà bằng chính mạng sống của Ngài, bằng giá máu cứu độ của Thiên Chúa.

            Khi con người chưa nhận ra cội nguồn Tình Yêu là Thiên Chúa, và biết sống cho nhau và vì nhau như Thiên Chúa đã yêu thương con người, thì con người sẽ mãi mãi sống trong sự khát khao vô tận, vì sẽ không có gì đong đầy được tâm hồn con người ngoài Chân Lý Tình Thương.

            Vâng, chỉ có Tình Thương, con người mới đáng tự hào. Xây dựng được một thế giới yêu thương, đó mới là ý nghĩa mọi việc làm của nhân loại. Đó chính là Vương Quốc Tình Yêu của Thiên Chúa. “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl.1,13).

            Lạy Cha chúng con ở trên trời,
            Chúng con nguyện danh Cha cả sáng,
            Nước Cha trị đến,
            Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

                                                                                Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

_____________
BÀI ĐỌC THÊM

1. Giê-su: Vua Tình Yêu

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button