Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

NƠI THANH VẮNG | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.6,30-34)
****
NƠI THANH VẮNG

30 Khi ấy các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.
32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn dắt.Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

________________

SUY NIỆM

NƠI THANH VẮNG

Sự tĩnh lặng nội tâm

Thật khó mà suy tư nếu không có một không gian thanh vắng. Một không gian thanh vắng giúp ta xua đi tất cả những ồn ào xao động của cảnh đời bon chen. Ở đó, ta nghe rõ được tiếng lòng ta, ta nghe được cuộc độc thoại chính mình, nói với chính mình.

Dừng chân đứng lại trời, non, nước.
Một mảnh tình riêng ta với ta. (BHTQ) 

Bình tâm 

Nhờ “nơi thanh vắng”, sự tĩnh lặng không gian, ta dễ có sự tĩnh lặng tâm hồn. Sự bình tâm trở lại sau những xao động của việc làm, của một ngày sống.

Có câu: “Không ai giương buồm ra khơi khi biển đang bão tố”. Đời thường có giông tố nổi lên, những cơn bão lòng có khi bùng phát, có khi âm ỉ, tìm về nơi thanh vắng để ta bình tâm trở lại. Đó là khởi đầu của sự bình an tâm hồn.

Hồi tâm

Sự bình tâm đưa ta đến giờ phút hồi tâm. Hồi tâm để nhìn lại những suy nghĩ và việc làm của mình. Hồi tâm là phút dừng chân nghỉ ngơi của tâm hồn để nhìn lại đoạn đường đã đi qua.

Chúa Giêsu bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc.6,31).

Cuộc sống ngày nay vội vã quá ! Có bao giờ chúng ta sống chậm lại để cuộc sống chu đáo hơn không ? Ta vẫn thường hay chuyền miệng nhau câu nói “Dục tốc bất đạt”. – “Vô dục tốc, vô kiến tiểu lợi: Dục tốc tắc bất đạt, kiến tiểu lợi tắc đại sự bất thành.” Chớ muốn mau, chớ thấy lợi nhỏ: Muốn mau thì không đạt, thấy lợi nhỏ thì việc lớn không thành. (Khổng Tử). Cuộc sống vội vã, vội vã… giây phút nào dừng lại để kịp nhận ra những sai sót, làm lỗi, lệch hướng của đời ta. Từ đó, ta biết sám hối, ăn năn, đổi mới cuộc sống.

Nhìn vào xã hội hôm nay, tội ác số lượng ngày một nhiều, mức nghiêm trọng ngày một tăng, sức lây lan của nó ngày một rộng…

Vụ án giết cả gia đình 6 người của Nguyễn Hải Dương là một thí dụ.

“Liên quan đến vụ giết 6 người rúng động tại Bình Phước như chúng tôi đã thông tin, qua nhiều ngày bị bắt giam và lấy lại bình tĩnh, 2 nghi can gồm: Nguyễn Hải Dương (SN 1991, quê An Giang) và Vũ Văn Tiến (SN 1991, quê Bình Phước, cùng tạm trú huyện Hóc Môn), đã khai báo rành mạch. Đến nay, qua lời khai của 2 nghi can này, vụ án giết 6 người gây chấn động dư luận xã hội đã rõ ràng”. (Internet).

Đây có thể là một trường hợp cá biệt, nhưng xã hội ngày nay có vô số tội ác mà ta khó có thể tin đó là sự thật!

Cách sống con người quá vội vã. Không có thời gian dừng lại. Cứ chạy, cứ chạy, cứ chạy… Làm gì còn giây phút nào để nhìn lại, để hồi tâm… Đời người không có giây phút hồi tâm, chuyện “đời” còn không thành nói gì chuyện “đạo”, Cái “công” còn không đạt nói gì cái “đức”.

Một văn sĩ Ấn Độ, tên là Mukedi, một hôm hỏi thầy giáo cũ của mình, là một tu sĩ dòng Bênarét: “Thưa thầy, thời gian còn ở Mỹ châu, con có quen biết một người tên là Uyn-sân. Ông ấy ôm ấp một lý tưởng và đã viết ra thành 14 khoản, rồi ra sức phổ biến lý tưởng ấy, nhưng vô hiệu, không mang lại kết quả gì, xin thầy chỉ giáo cho con biết tại sao ông ta thất bại?” Vị tu sĩ hỏi: “Con người 14 khoản ấy có biết yên lặng và suy nghĩ mỗi năm một khoản không? Ông ta có kiểm điểm thường xuyên để rút ưu khuyết điểm đem lại cho mỗi khoản một nguồn sống không?” Mukedi thưa: “Thưa thầy con không tin như vậy”. Tức thì mặt vị tu sĩ xuất thần, sáng lên và nói lớn: “Thảo nào, thảo nào, thất bại là ở đó”. (Internet).

Nơi thanh vắng

Có thơ rằng: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao” (NK).
Đời biết ai dại biết ai khôn. “Khôn nghề cờ bạc là khôn dại. Dại chốn văn chương ấy dại khôn” (TX).  

Hạng khôn ngoan chưa hẳn đã thông hiểu, kẻ mọn hèn chưa hẳn đã ngu ngơ. 

“Lạy Cha là Chúa Trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ấy với hạng khôn ngoan thông thái, mà đã mạc khải ra cho những kẻ bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha.” (Mt 11: 25t).

Ở nơi thanh vắng, ta nghe tiếng lòng mình. Ta nghe tiếng nói từ sâu thẳm lòng ta. Ta nghe tiếng Chúa thì thào với ta. Ngọt ngào và tha thiết. Êm ái và nhẹ nhàng.

Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của ta thì nhẹ nhàng“. (Mt.11:29-30).

Đó là phút giây gặp gỡ Chúa, trò chuyện với Chúa. Ta tâm sự với Chúa và chắc chắn Ngài lắng nghe lời ta cũng như ta lắng nghe tiếng Ngài. Đó là giờ phút cầu nguyện. Đó là giờ phút ta nhận thêm sức sống mới để ta tiếp tục cuộc hành trình đời ta.

Gặp gỡ Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con(Tv 43:4).

Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trong giờ phút cầu nguyện, do đó, không phải chỉ là “nơi thanh vắng của không gian”, nó còn là “nơi thanh vắng của cõi lòng”. Giữa bộn bề cuộc sống, ta vẫn có thể dành cho Chúa giây phút thiêng liêng tĩnh lặng, để nhận được tín hiệu tình yêu của Thiên Chúa, để giữ tấm lòng trong veo không vướng bận những thứ phù hoa dành cho Thiên Chúa. Như ta từng mượn hình ảnh hoa sen để nhắn nhủ cho mình một triết lý sống: “Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng lại chen ngụy vàng. Nhụy vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chúng ta đã không từng dùng nước hoa để làm thơm thân xác ta sao. Ta không yêu thích hương thơm cho tâm hồn ta sao. Tâm hồn không tanh hôi chỉ có được từ tình yêu của Chúa, từ cuộc gặp gỡ Chúa, từ nguồn vui bên Chúa.

Vì chính khi “gặp gỡ Thiên Chúa, nguồn vui của lòng ta”, cũng chính là lúc ta không còn bơ vơ như “đàn chiên không người chăn dắt” (Mc.6,34), nhưng ta được Chúa “chạnh lòng thương dạy dỗ ta nhiều điều” (Mc.6,34). Ta được hưởng no đầy hạnh phúc ngay chính hiện tại và mai sau trong sự chăm sóc dắt dìu của Ngài để đến bờ bến hạnh phúc đích thực đời đời.

Ta sẽ chăn dắt chúng trên các miền núi Israel, dọc theo các bờ suối, và trong những miền có dân cư. Ta sẽ thả chúng ăn trên những ngọn núi cao Israel, chúng nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta; chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. (Ez.34,11-16).

Lạy Chúa,

Xin lắng nghe lời con cầu
mọi lúc mọi nơi
trong suốt đời con…

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

___________________
Nếu bạn muốn xem bài suy niệm khác, mời bạn vào đây:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/682-cn-16-tn-b-nhu-dan-chien-khong-nguoi-chan-dat

 

 

Bài liên quan

Back to top button