Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ NIỀM TIN | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(Lc.9,23-26)
***

 CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ NIỀM TIN

23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”
______________

SUY NIỆM

CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ NIỀM TIN
I. Những đặc điểm của cuộc chiến đấu tử đạo

Hằng năm, đến ngày kỷ niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhiều nơi, người Công Giáo có những buổi “diễn nguyện”, nhạc cảnh, làm kịch… dàn dựng lại một số câu chuyện lịch sử về cái chết anh hùng của một số vị  thánh Tử Đạo, để suy niệm và nung nấu niềm tin cho nhau, nhất là cho những thế hệ trẻ, trong đời sống đạo hôm nay.

Nói theo cách nói của thánh Phao-lô, đó là một cuộc thi đấu cao đẹp, để “giữ vững niềm tin”. (2Tm.4,7).

Đây, thật sự là một cuộc “chiến đấu”, vì có hai bên, có một cuộc giao tranh, có thắng có bại, có hy sinh, có đổ máu, có chiếm đoạt, có bảo vệ…

Thế nhưng, cuộc chiến đấu này lại có nhiều điểm đặc biệt khác hơn những cuộc chiến đấu thường thấy ở trần gian, có thể kể ra đây một số đặc điểm để cùng suy ngẫm.

  1. Một cuộc chiến không cân sức. Trong khi bên này đông đảo binh lính, vũ khí, quyền lực, hung hãn…thì bên kia chỉ có bàn tay trắng – trong tay không một tấc thép – mà chỉ có những lời nói về yêu thương và chân lý. Trong khi bên này gào thét, tố cáo, đe dọa, bạo lực bằng đủ thứ  cực hình rợn rùng nhất… thì bên kia nhịn nhục, im lặng, chịu đựng…

    Những kẻ bắt đạo càn quét, say máu, tìm mọi thứ cực hình man rợ nhất để giết hại, hành hạ, tiêu diệt Ki-tô Giáo, còn những người Ki-tô hữu thì cam chịu, lẫn tránh, hoặc sẵn sàng đổ máu hy sinh không hề chống cự…

  2. Một cuộc chiến chỉ để bảo vệ.Trong khi bên này luôn ở thế công, thì bên kia luôn ở thế thủ. Trong khi bên này luôn tìm cách chiếm đoạt, phá hủy, thì bên kia chỉ tìm cách gìn giữ, bảo vệ.

    Những kẻ bắt đạo nhắm đến mục đích cuối cùng là hủy diệt niềm tin Ki-tô Giáo, người Ki-tô giáo sẵn sàng đổ xương máu chỉ có mục đích duy nhất là bảo vệ, gìn giữ niềm tin của mình.

  3. Một cuộc chiến không có sự trả thù.

Trong khi bên này thì truy nã, thù ghét, giết chóc, gây đau thương tang tóc cho đối phương một cách cuồng dại, thì bên kia lãnh nhận mọi nỗi đau thương một cách bình thản, và không bao giờ tìm cách trả thù.

Những kẻ chống phá đạo không ngừng thù ghét và tìm cách loại trừ người Ki-tô hữu vì những lý do lợi lộc trần tục từ những việc làm nào đó của họ đi ngược lại tiếng nói Chân lý và tình thương của Ki-tô Giáo. Trong  khi người Ki-tô hữu dù bị thiệt thòi một cách bất công lại luôn luôn tha thứ.

  1. Một cuộc chiến mà  sự chiến thắng là sự hy sinh.

Trong khi bên này dư đầy sức mạnh đè bẹp đối phương nhưng lòng lại ngỡ ngàng, bất an, bồn chồn, khó hiểu, thì bên kia tuy thân xác gục ngã trong đau đớn nhưng tinh thần lại hiên ngang, và con tim reo mừng  chiến thắng.

Trong những kẻ bắt đạo, không ít người đã ngạc nhiên, thầm cảm phục lòng dũng cảm khi đối diện với những con người có chí khí và một niềm tin mãnh liệt. Còn những Ki-tô hữu đã mất mạng vì giữ vững niềm tin, đã reo mừng chiến thắng. Ở đây, không có sự lựa chọn trung dung, chỉ có “sống” hay “chết”, “bỏ đức tin” hay là “gìn giữ đức tin”. Khi ấy, “thắng” chính là “cái chết”, chính là “sự hy sinh”.

II. cuộc chiến đấu gìn giữ niềm tin hôm nay

Trong xã hội ngày nay, không còn những cuộc bắt đạo đẫm máu có luật lệ, có chính sách, có tổ chức công khai như xưa nữa, nhưng vẫn còn đó biết bao cách thức phá hoại niềm tin Ki-tô hữu rất tinh xảo và cực kỳ nguy hiểm.

Không có những án tử hình cho những kẻ theo đuổi niềm tin Ki-tô Giáo, nhưng có những thứ bẫy rập, những thứ thuốc độc ngấm ngầm, gây thương tích, làm suy yếu, nhắm đến mục đích làm suy yếu Giáo Hội và làm tiêu tan niềm tin của Ki-tô hữu một cách dần mòn….

Thánh Phao-lô vào cuối đời đã viết :

Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện. (2Tm.4,6-8).

Cuộc chiến đấu nào mà không đổ xương máu. Cuộc chiến đấu nào mà không có hy sinh. Cuộc chiến đấu nào mà không có gian khổ.

Có những gian khổ còn hơn cả đổ xương máu. Có những hy sinh còn hơn cả cái chết. Cũng giống như những hình phạt bắt đạo xưa kia, nhiều hình phạt nhắm đến việc hành hạ những người trung thành với niềm tin trong nỗi đau đớn kéo dài chứ không muốn cho cái chết đến mau chóng.

Sự hy sinh mạng sống để giữ gìn niềm tin của các thánh tử đạo là tấm gương sáng chói ngàn đời cho muôn thế hệ, để cho ta quyết tâm chiến đấu, nhận ra  từ đó tình yêu của các thánh tử đạo dành cho Thiên Chúa.

Chỉ với một tình yêu như thếyêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu”(Ga 15,13). ta mới có thể chiến đấu bảo vệ niềm tin trong xã hội hôm nay, với những thử thách to lớn không kém gì thời bắt đạo, những mưu mô thâm độc của bóng tối cùng với những lợi lộc cực kỳ quyến rũ của thế gian, đòi hỏi Ki-tô hữu những hy sinh anh dũng, những ý thức trách nhiệm và bổn phận nặng nề, và lòng cương quyết giữ vững niềm tin không gì lay chuyển.

Tử đạo hôm nay, không còn là cái chết thể xác, nhưng là cái chết những dục vọng trần thế, sự dữ, trong lòng ta.

Vẫn là cuộc chiến giữ gìn niềm tin đầy cam go trong bước đường trần thế này.

Như lời thánh Phao-lô khuyên hết lòng:

Vậy hãy đứng vững:
lưng thắt đai là chân lý,
mình mặc áo giáp là sự công chính, 
chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an;
hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin,
nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần.
Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ
và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. (Eph.6,14-17).

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa,
Xin ban cho con thêm sức mạnh,
để con có thể thực thi những lời khuyên của thánh Phao-lô,
để cuối cùng – lòng được thanh thản như thánh Phao-lô –
khi nhìn lại cuộc chiến đấu trong cuộc đời
để mãi mãi con trung thành với niềm tin yêu vào Thiên Chúa.

“Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp,
“đã chạy hết chặng đường,
“đã giữ vững niềm tin.(2Tm.4,7)”.

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
______________

Nếu bạn muốn xem bài suy niệm khác xin mời vào địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/747-le-cac-thanh-tu-dao-vn-tuyet-dinh-tinh-yeu

Nếu bạn chưa xem video này, mời bạn vào xem:

Bài liên quan

Back to top button