Café đenQuán ven đường

Thành phố Milano với Nhà Thờ Chánh Tòa Marie Nascenti

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên

Một du khách chỉ viếng thăm một thành phố lớn như Milano trong hai ngày thì không thể hiểu biết nhiều hơn “những điều trông thấy” được ghi ra dưới đây nhằm mục đích thông tin chia sẻ với bạn bè thân quen.   

I. Thành phố Milano.

Chúng ta có thể gọi thành phố Milano là Milan theo Anh Ngữ.
Vì là một thành phố lớn trên đất Ý, nên gọi Milano, nghe có vẻ Ý hơn.

Milano là thủ đô của vùng Bắc Ý, cũng được gọi là Lombardy, trong tiếng Anh và Lombardia trong tiếng Ý. Lombardia có gốc Latin Longobardus hay Langobardus, dịch nôm na là người có râu dài, long beard. Thời thượng Trung Cỗ, tức khoảng thế kỷ thứ sáu, toàn lãnh thỗ Bắc Ý bây giờ  do một bộ tộc người Đức được mang danh là người có râu dài hùng cứ. Từ đó có tên vùng Lombardia.

image005
Khu thương mãi, nhà cao tầng

Vùng Bắc Ý Lombardia có nhiều đối núi và đồng bằng bao gồm diện tích khoảng 24 ngàn Kílomét vuông với dân số khoảng 10 triệu dân. Theo những thông số cung cấp từ Bách Khoa Tự Điển, Milano được đế quốc la Mã chiếm cứ từ năm 222 trước công nguyên. Sau đó cũng được thay chủ đổi ngôi nhiều lần, từ người Tây Ban Nha, sang người Áo, và cả Nả phá Luân, vua nước Pháp cũng chọn Milano làm thủ phủ ở Ý cho riêng Ông dưới thời Ông chiếm cứ Milano.

Hiện tại dân số nội thành Milano khoảng 1.4 triệu. Tính cả vùng phụ cận, dân cư lên đến hơn bốn triệu. Nếu tính về dân cư, Milano, thành phố thứ hai ở đất Ý sau Rôma. Nhưng nếu tính về kinh tế và mức tăng trưởng mậu địch, Milano đứng hàng đầu ở Ý và thành phố phồn thịnh thứ 10 so với toàn Âu Châu. Có những minh chứng rõ ràng:

Có rất nhiều cao ốc, trụ sở thương mãi, dịch vụ ngân hàng cao đến 231 mét. Khu thương mãi quốc tế có nét na ná như New York hay Chicago của Mỹ. Tôi cũng không biết hết Rôma để so sánh với Milano, nhưng thấy có điểm dị biệt: Roma, cỗ kính, nhiều nhà thờ và di tích lịch sử, nhưng chật chội và xem chừng sinh hoạt kinh tế không bằng Milano. Milano thật sự có kinh tế phồn thịnh và giá sinh hoạt rất cao. Nếu đi taxi từ phi trường Milano Malpensa vô trung tâm thành phố cũng mất 95 Euro. Một bữa ăn trưa đơn giản: một dĩa spaghetti với một chai nước cũng mất 30 Euro.

image010
Lâu đài Storza xây từ thế kỷ 15

Có rất nhiều trung tâm mua sắm sang trọng và tấp nập khách hàng như trung tâm thương mãi Vittorio Emmanuele II, vị vua đầu tiên sau khi nước Ý thống nhất năm 1849. Milano cũng là nơi nỗi bậc về thời trang và thể thao. Đặc biệt những triễn lãm của danh hoạ Leonardo da Vinci. Đặc biệt có nơi triễn lãm bức tranh bữa tiệc ly của Chúa Giêsu và các tồng đồ do Leonardo da Vince sáng tác. Tôi dùng từ “sáng tác” vì có những nhân vật hay chi tiết không có trong tường thuật của các Phúc Âm… nhưng lại là một tuyệt tác mà cả thế giới ngưỡng mộ.

laudai
Lâu đài, dinh thự của lãnh chúa và đồng thời cũng là chiến luỹ chống kẻ thù: Tường dày 7 mét với giao thông hào và 4 tháp canh bốn góc.

Có một nơi thu hút du khách rất nhiều là lâu đài Castello Sforzesco tiếng Ý hay Storza Castle, tiếng Anh. Lâu đài được xây vào thế kỷ thứ 15 do sáng kiến của công tước Francesco Storza của thành phố Milan thời đó. Lâu đài nguyên thuỷ mỗi chiều dài 200 mét, có tường thành cao và dày 7 mét và bốn tháp cao ở bốn góc. Thật sự đây là một thành luỹ của một lãnh Chúa hùng cứ ở vùng đất Âu Châu thời Trung Cổ. Lâu đài vừa là dinh thự của lãnh Chúa nhưng cũng là đồn luỹ để bảo vệ lãnh chúa và gia đình. Chúng ta cứ quan sát xem coi lâu đài kiên vững đến chừng nào: Tháp cao ở bốn góc, tường dày tới 7 mét…ngoài tường thành là hầm hố sâu hàng chục mét và rộng hơn 10 mét. Bên trong lâu đài, nhiều chỗ dành cho quân lính ẩn trú bào vệ lãnh Chúa. Thật không dễ cho một đạo quân dù đông hàng ngàn người có thể chọc thủng hàng phòng thủ kiên vững nầy.

Ngày nay, lâu đài không còn ai chiếm cứ, nhưng dành làm bảo tàng viện, phòng triễn lãm….Người ta cũng nới rộng lâu đài thành công viên lớn, chiều dài, dài đến hàng 1 kilômét. Người dân thoải mái ra vào, tản bộ, chạy bộ hay trình diễn văn nghệ…Thật hữu ích cho người dân.

image014
Những chiếc xe gọi là “Citysightseeing” tạm gọi là “một vòng thành phố”
image016
Riêng tôi, tôi thích di chuyển bằng xe đạp mướn…

image012

Ngoài những đền đài, những điều đáng xem coi thưởng thức, thành phố Milan có một tổ chức giao thông rất thực tế cho người dân và du khách. Ngoài những phương tiện thông thường như taxi, xe bus, xe Metro, tức xe điện chạy dưới lòng đất, người ta còn thấy nhiều và thật nhiều những xe tram, tức loại xe lửa chạy bằng điện theo những đường sắt… Người ta cũng có thể ngắm thành phố một cách thoải mái và nhanh nhờ những chiếc xe gọi là “Citysightseeing” tạm gọi là “một vòng thành phố”. Riêng tôi, tôi thích di chuyển bằng xe đạp mướn hay bằng xe điện ngầm… ít tốn kém mà còn cho thêm hiểu biết thông dụng. Ngày nay ai cũng có Iphone với Google map… rất tiện dụng. Hơn nữa, người Âu Châu cách chung có lòng tốt là hay giúp đỡ và chỉ đường… Chúng ta cứ hỏi họ… một nhân viên cảnh sát, một người bán hàng… họ tận tình hướng dẫn. Ngôn ngữ tiếng Anh cần thiết và hữu dụng cho hầu hết các nước trên thế giới.

Một đặc trưng hè phố ở Ý, cách chung ở những thành phố lớn như Rôma và Milan là quán ăn vĩa hè. Vì chỗ nơi rất hạn chế, nên những nhà hàng nầy lấn ra ngoài, chiếm vĩa hè một cách hợp pháp. Không phải chỉ thêm một hai bàn ăn với vài cái ghế, nhưng có che lều và chiếm nhiều bàn ghế hơn cả bên trong nhà hàng. Cách chung, thoáng mát và thoải mái cho thực khách.

image019
Nhà hàng ngoài vĩa hè

II. Nhà thờ chánh toà “SINH NHẬT ĐỨC MẸ” ở Milan

Công trường DUOMO, rất rộng lớn bao gồm: Nhà thờ chánh toà Milan và nhà thờ được bao vây bởi nhiều khu mua sắm nỗi tiếng, thứ nhất là khu thương mãi Vittorio Emmanuele II.

image007
Khu mua sắm Vittorio Emmanuele

Nhà thờ chánh toà Milan là một kỳ công kiến trúc đáng khâm phục. Nhà thờ bắt đầu xây dựng từ năm 1386 và kéo dài trong suốt gần sáu thế kỷ, cho đến ngày tạm hoàn tất, đầu thế kỷ thứ 19. Nhà thờ kiến trúc theo kiểu Gothic, tức những đường vòm không tròn liền lạc mà gảy khúc ở chóp đỉnh. Theo những thông tin từ Bách Khoa tự điển thì:

image021

– Nhà thờ dài 157 m làm bằng đá cẩm thạch trắng.

– Kiến trúc sư: Leonardo da Vinci, Donato Bramante, Giulio Romano….và 65 kiến trúc sư khác tiếp nối trong suốt gần 600 năm.

image024
Cột to cao bên trong nhà thờ

– Chiều cao từ đất lên đỉnh tháp nơi có tượng Madonnina – Madonna – tượng Đức Mẹ (tượng cao 4.16 mét)  là 108.50 mét

– Vòm nhà thờ cao 65.6 mét.

– Có tất cả 135 tháp cao nhỏ lớn với 3400 bức tượng

– Diện tích của mái cao nhà thờ là 8000 mét vuông. Người ta cho biết rằng: từ mái cao nhà thờ chánh toà, người ta có thể ngắm dãy núi Alps của Thuỵ Sĩ cũng như tất cả quang cảnh trong thành phố Milan.

Nhà thờ chánh toà Milan là nhà thờ lớn nhất nước Ý và đứng hàng nhà thờ lớn thứ năm trên thế giới. (Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô và Phaolô ở Roma lớn hơn nhà thờ chánh toà Milan, nhưng nó thuộc nước Vatican chứ không phải nước Ý). Bên trong nhà thờ, tôi đếm được 4 hàng cột to, mỗi hàng 10 cột, cộng với 6 cột cho mỗi gian phụ. Tất cả có đến 50 cột to cao cũng làm bằng đá cẩm thạch có đường gân, phải đến 4 hay năm người ôm. Ở mỗi đầu cột rời, có 8 tượng cũng bằng đá trắng…. Nếu tình tất cả phải có đến 3800 tượng từ trên tháp cao cho đến bên trong nhà thờ và bàn thờ. Tên của vô số những tượng nầy cũng như lai lịch chắc phải in thành một quyển sách khá dày.

Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh ở nhà thờ chánh toà Milan.

image028
Đức Hồng Y Angelo Scola, TGM Milan

Phục Sinh, đại lễ của Giáo Hội Công Giáo, đã được cử hành một cách thật long trọng do Đức Hồng Y Angelo Scola, tổng Giám Mục Milan. Tôi đoán có chừng 4000 giáo dân tham dự thánh lễ Chúa Nhật nầy. Điều đáng chú ý là nhà thờ chánh toà Milan có kinh sĩ đoàn, tức những linh mục, trong phẩm phục đỏ rất oai vệ giống như các Giám Mục, nhưng chuyên trách chủ sự những giờ kinh thần vụ thật long trọng trong nhà thờ chánh toà. Những Kinh sĩ nầy thường được tuyển chọn từ những người có tiếng tốt và hát hay. Những giờ kinh do kinh sĩ nhà thờ chủ sự thường xảy ra trước những thánh lễ đại trào.

image026
Kinh Sĩ Nhà Thờ Chánh Toà Milan

III. Suy tư cá nhân: Chúa Giêsu chết trơ thân trên thánh giá, kiệt tác của tình thương và kỳ công của Thiên Chúa.

Tôi muốn nói đến tượng Chúa chuộc tội nằm trơ thân giữa lòng nhà thờ chánh toà Milan, nguy nga đồ sộ hôm Thứ Bảy Tuần Thánh – Ngày để tang Chúa. Trước nhà thờ chánh toà Milan và chung quanh khu vực Duomo đầy nghẹt du khách và người mua sắm. Người ta vui như trảy hội. Người ta đến thăm nhà thờ chánh toà Milan, ngưỡng mộ một kỳ công của nhân loại, một kiệt tác của kiến trúc.

image032

Có một kiệt tác của tình thương, một kỳ công của Thiên Chúa đang ở giữa lòng nhà thờ: Chúa Giêsu chết treo trơ thân trần truồng trên thánh giá. Thật vậy, cái chết của Chúa Giêsu là một kiệt tác của tình thương vì không ai yêu người khác cho bằng chết cho người mình yêu. Cái chết của Chúa Giêsu là một kỳ công của Thiên Chúa. Nó là kỳ công cứu chuộc gắn liền với kỳ công sáng tạo. Chúa ban cho tạo vật hiện hữu và hiện hữu nầy có ý nghĩa cứu độ, tức hiện hữu để được hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đau khổ lắm! Không biết Ngài có thắc mắc gì không? “Tại sao tôi phải đau khổ, tại sao tôi phải chết nhục nhã thế nầy… tại sao?” Không một lời giải thích lý do! Chỉ có chấp nhận và phó thác. Tôi và các bạn nhiều khi muốn la lớn tiếng yêu cầu giải thích lý do: tại sao tôi phải nhận chịu đau khổ và bất công nầy….. Tại sao? Im lặng! Không có giải thích.

Tôi im lặng cúi hôn thánh giá! Chúa Giêsu im lặng nhận chịu đau khổ không có giải thích. Kiệt tác của tình thương! Kỳ công của Thiên Chúa: Chết trơ thân im lặng.

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên

Bài liên quan

Back to top button