Tokyo 2017 | Tuyến Vũ
Tuyến Vũ
Cuối tháng 11-2017, chúng tôi gồm 3 gia đình của anh em chúng tôi có dịp đi Tokyo một tuần. Hôm qua có người bạn gọi điện thoại hỏi rằng: có bài viết gì về chuyến du lịch vừa rồi không? Thật tình mà nói tôi không có nhiều ấn tượng lắm với chuyến đi vừa qua. Không phải vì chuyến đi không thú vị, nhưng vì không tìm hiểu được chính xác những phong tục, tập quán, văn hóa và lịch sử của những nơi chúng tôi đã đi qua nên không dám khua môi múa mép, kẻo có người đọc am hiểu hơn về Tokyo lại cho rằng tôi giống như con cóc ngồi đáy giếng, nhìn lên thấy bầu trời chỉ to bằng miệng giếng. Thôi thì dù sao đi một đàng học một sàng khôn, cũng mở mắt ra được chút nào thì chia sẻ với bạn đọc chút đó cho vui cửa vui nhà. Những điều này chỉ là những cảm nhận của riêng tôi, nó có thể đúng mà nó cũng có thể không đúng với thực tế ở Nhật nên bạn đọc chỉ nên xem đây là những điều để tham khảo mà thôi nhé.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Tokyo đó là: một thành phố nhộp nhịp với lối sống có vẻ như là hối hả, bận rộn. Người đi như chạy, bước đi vội vã, không chú ý đến người và khung cảnh chung quanh. Đa số sử dụng những phương tiện giao thông công cộng : xe điện, xe bus, một số ít taxi. Hệ thống xe lửa điện, subway của Tokyo chắc là phức tạp nhất thế giới thì phải. Đến mỗi trạm trung chuyển từ tuyến đường này sang tuyến đường khác người đông như kiến bị động ổ, mọi người túa ra và nhanh chóng đi vào những đường hầm khác nhau để đón những chuyến tàu điện tỏa ra các hướng.
Bản đồ subway ở Tokyo
Bản đồ subway ở Tokyo
Ga xe điện subway
Khách bộ hành
Khách bộ hành
Trên toa xe, dù đông người nhưng rất yên lặng. Người Nhật hầu như chỉ làm các việc sau trên xe điện, tôi kể theo thứ tự của đa phần mà tôi quan sát được:
1-Sử dụng điện thoại để text, nghe nhạc hoặc chơi game (nhưng không nói chuyện trên điện thoại vì như thế là không lịch sự, có bảng nhắc nhở việc này trên xe điện bằng Nhật ngữ và Anh ngữ) vì thế xe điện ở Tokyo tuy đông người nhưng rất yên tĩnh. Sóng điện thoại ở Tokyo rất tốt, dù chúng tôi đi xuống mấy tầng hầm sâu của xe điện chúng tôi vẫn có sóng điện thoại để truy cập google map theo dõi tuyến đường đi.
2- Đọc sách
3- Ngủ
4- Phần còn lại thì không làm gì cả nhưng cũng sẽ không nhìn và quan sát chung quanh họ ( theo một người Việt đang sống và làm việc ở Nhật cho biết thì ở Nhật nếu nhìn vào mặt người lạ là một điều thất lễ, một điều không lịch sự).
Chỉ khi xe điện ngừng ở mỗi trạm thì mới thấy họ kín đáo quan sát chung quanh để kịp thời nhường chỗ cho người đi xuống hay đi lên toa xe. Nếu bạn không nhường thì họ sẽ im lặng và chen ra chứ không nói “excuse me or pardon me” như ở Mỹ. Có thể những thành phố lớn ở Mỹ họ cũng như thế nhưng vì tôi chưa đi xe điện ở New York, Chicago … nên không biết người Mỹ họ xử sự như thế nào. Một điều khác của người Nhật là khách bộ hành đa phần là ăn mặc các mầu tối. Đàn ông đa số mặc veston, đàn bà thì nhiều kiểu cọ hơn nhưng vẫn là những gam màu tối: Đen, xám, nâu, vàng nhạt. Nếu đi trên phố mà thấy quần áo màu sắc rực rỡ thì đa phần đó là du khách nước ngoài. Trong 7 ngày ngao du trên xe điện ở Tokyo tôi chỉ gặp duy nhất một cô gái Á châu mặc một chiếc váy màu vàng tươi, có thể cô gái ấy cũng là du khách như chúng tôi.
Một điều thú vị khác là khi đi thang cuốn (escalator) ở Tokyo thì chú ý nếu mình đứng một chỗ thì đứng sát phía tay trái, chừa phía tay phải trống cho những người họ muốn đi nhanh kiểu như passing lane trên xa lộ (ở Nhật giao thông đi lề bên trái giống như ở Châu Âu, Châu Úc).
Một ngạc nhiên khác đối với tôi đó là thùng rác công cộng ở Tokyo. Trên đường phố Tokyo không thấy thùng rác công cộng, các tủ máy bán nước giải khát rất nhiều nhưng mua uống xong thì làm ơn đem chai, lon về nhà mà liệng vào thùng rác ở nhà. Kể cả nhà vệ sinh công cộng cũng không hề có thùng rác. Giấy vệ sinh thì bỏ xuống bồn cầu, sau đó rửa tay có air dryer thì tốt còn không có thì ráng chịu, muốn làm sao thì làm, chính phủ Nhật không chịu trách nhiệm chuyện đó.
Bồn cầu công cộng ở Tokyo
Bồn cầu ở Nhật đều dùng nước để làm vệ sinh cho thân chủ sau khi đại tiện hoặc tiểu tiện, tuy vậy cũng có để giấy vệ sinh để thêm sự chọn lựa cho có vẻ dân chủ. Ác một nỗi là bảng hướng dẫn sử dụng của hệ thống nước rửa vệ sinh toàn bằng tiếng Nhật nên nhìn vào cứ như một đám rừng tre với dây leo mọc chằng chịt chẳng biết đường đâu mà lần. Thôi thì cứ vẫn như cũ, dùng giấy vệ sinh cho nó chắc ăn.
Thật ra quí vị có thể dùng google translated apps để chụp hình chữ viết tiếng Nhật rồi dịch sang tiếng Việt hay bất cứ ngôn ngữ nào khác cũng được nhưng hơi mất thời gian một chút. Đi xe điện rất cần làm việc này vì nhiều ga chỉ để tiếng Nhật không có tiếng Anh.
Ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người Nhật thật đáng khâm phục. Mặc dù không có thùng rác công cộng nhưng đường phố Tokyo rất sạch sẽ, thi thoảng mới gặp một vài mẩu rác nhỏ hoặc tàn thuốc lá. (trên đường phố Tokyo thường bắt gặp dấu hiệu sơn trên đường : cấm hút thuốc khi đi bộ “smoking while walking is prohibited” hoặc “smoking on the street is prohibited”) Những người hút thuốc lá thường mang theo hộp nhỏ để đựng tàn thuốc lá hoặc hút thuốc nơi dành riêng cho họ.
Cấm hút thuốc trên đường phố
Chúng tôi đi nhiều nơi thắng cảnh và hai địa điểm hội chợ (festival) ở Tokyo, những nơi đây du khách vẫn không được cung cấp thùng rác công cộng. Ở festival thì có duy nhất một khu thu rác với khoảng 4 -5 người làm việc, bạn đem rác tới họ sẽ hướng dẫn bạn bỏ rác theo từng loại : chai và lon, rác đốt được, các loại foam v…v. Bạn thử tưởng tượng là với gần 10 triệu người ở trung tâm Tokyo và hơn 20 triệu người khác ở trong 23 quận huyện chung quanh mà họ quăng rác lộn xộn thì cần bao nhiêu nhân công vệ sinh để dọn dẹp đống rác ấy? (dân số trong vùng Tokyo và khu vực 23 quận huyện chung quanh là 36 triệu người chiếm 25% dân số của Nhật) Với diện tích là 13,555.65 km2, có nghĩa là 2600 người/km2, mật độ dân số Tokyo thuộc loại cao nhất thế giới hơn cả New York vì vậy mọi thứ ở Tokyo đều nhỏ.
Nhà nhỏ, đường phố nhỏ, quán ăn uống nhỏ, chung cư thì lại lớn và nhiều…một lần chúng tôi vào một quán ăn để ăn mì, quán có chừng 15 chỗ ngồi thôi, chúng tôi kiếm chỗ ngồi và an vị để chờ người phục vụ đến để gọi món ăn nhưng chẳng thấy ai nói năng gì cả, đang lúng túng chưa biết kiểu cách ở nhà hàng này như thế nào thì các cháu con của đứa em tôi đến và hỏi đã order đồ ăn chưa? Hóa ra là phía sau lưng chúng tôi có một máy để order các món ăn và trả tiền xong máy sẽ in ra phiếu, đồng thời nhà bếp sẽ có order để làm món ăn, cầm phiếu kiếm chỗ ngồi, phục vụ sẽ đến lấy phiếu và mang thức ăn ra. Chẳng ai nói với ai câu nào, thực khách người Nhật vào nhanh chóng order vì có vẻ như đã quen thuộc với thực đơn trong máy, order xong vào chỗ ngồi nhanh chóng ăn và ra về, làm như tứ khoái của người Nhật không có từ ĂN thì phải?
Bảng trưng bày các món ăn và giá biểu ở một tiệm ăn ở Tokyo
Phần ăn nầy giá 550 yen (khoảng 5.50 USD)
Phần ăn nầy giá 600 yen
Nói về ẩm thực còn gọi là Nhất Khoái trong Tứ Khoái của dân Việt Nam ta thì ở Nhật đi đâu bạn cũng gặp quán mì, mì đủ loại, mì misho , mì udon, mì ramen…vv đúng là quê hương của nhà phát minh mì sợi…rất nhiều món mì có nêm nếm rong biển nên không ăn quen thì có vị tanh tanh, do đó tôi không thích lắm. Một món nữa rất thịnh hành ở Tokyo là món cà ri, tôi cứ tưởng người Ấn Độ mới hảo món cà ri ngờ đâu người Nhật cũng ưng món này ra phết, món ăn có cà ri thì vô vàn, cả bánh mì cũng có nhân cà ri. Sushi cũng thế, bạn có thể dễ dàng tìm được một quán sushi ở mọi ngã đường, góc phố. Giá cả các món ăn so với Hoa Kỳ thì cũng tương đương. Tôi có hỏi thăm một người Việt ở Tokyo lâu năm rằng lương tối thiểu của một công nhân ở Tokyo là bao nhiêu thì được cho biết là khoảng 900-1000yen/giờ (9-10dollard/giờ) do vậy tôi nghĩ mức sinh hoạt ở Tokyo so với thành phố nhỏ của Hoa kỳ nơi tôi ở chắc cũng tương đương, ngoại trừ tiền mướn nhà ở Tokyo chắc là cao hơn vì đất ít mà người thì đông.
Ăn mì trên phố ở Tokyo
Tô mì 500 yen
Bảng giá của một quán sushi
Bánh bao 100 yen bán ở các cửa hàng ở Tokyo
Tiện thể xin nhắc đến một việc tôi gặp trên đường đi viếng một ngôi đền ở ngoại ô Tokyo gọi là Takaosan. Sau khi tham quan, trên đường đi xuống cầu thang cũng khá dài, chúng tôi bắt gặp một em bé chừng 3 tuổi đang thận trọng một mình bước xuống từng bậc thang. Tôi đi chậm lại để quan sát thì không thấy có phụ huynh đi theo em bé, khi đến cuối cầu thang thì mới thấy mẹ của em bé đang đứng phía dưới chờ em đi xuống. Nếu là một bà mẹ Việt Nam thì có lẽ sẽ có 3 trường hợp sảy ra : một là sẽ nắm lấy tay bé và dắt xuống bậc thang, hai là đi sát bên em bé để đề phòng em bị té và ba là ẵm nó lên và đi xuống cầu thang cho nhanh và yên tâm. Người mẹ Nhật đã can đảm và nhẫn nại chọn giải pháp thứ tư đầy mạo hiểm để tập cho em bé sự tự tin, sự thận trọng vì biết là sẽ không có sự che chở nào nếu bị té. Trong những ngày đi lang thang trong công viên hoặc những điểm du lịch tôi đã thấy nhiều em bé vừa chập chững biết đi được cha mẹ bé cho tự do tập đi có nghĩa là tự đi, tự té, tự đứng dậy và tự đi tiếp. Còn trên xe điện thì những học sinh từ 6-10 tuổi đi vài trạm xe điện rồi đi bộ thêm vài khoảng đường nữa đề về nhà là chuyện không hiếm gặp ở Tokyo. Một thành phố yên bình vì thế cha mẹ yên tâm để con tự lập, tự tin hội nhập vào cuộc sống trong xã hội từ khi còn rất nhỏ. Có những em bé học sinh rất nhỏ tuổi khi thấy chúng tôi bước lên xe đã vội đứng lên nhường chỗ ngồi cho chúng tôi. Vâng, nhờ sự giáo dục như thế, sau này lớn lên khi em đi đến những quốc gia khác nếu có người hỏi em “are you Japanese?” chắc chắn em sẽ kiêu hãnh mà trả lời rằng “yes I am” không như một số dân tộc Á Châu khác khi được hỏi quốc tịch của mình thì phải e thẹn mà xác nhận “yes I am” nhỏ đến nỗi bạn phải hết sức lắng tai mới nghe được.
Người Nhật có những cái hay, nhưng có vẻ họ sống rất vị kỷ. Ngày rời Tokyo, tôi muốn gọi taxi để ra phi trường nhưng không biết gọi như thế nào. Tôi bèn đi ra đường cầm theo điện thoại với google translated apps mở sẵn sàng, dự định khi gặp người đi đường tôi sẽ dùng apps để nói tiếng Nhật với họ. Hơn mười người đi qua và tôi lên tiếng hỏi nhưng không một người dừng lại trả lời. Có thể họ đang gấp, có thể họ không hiểu tiếng Anh nên ngại giao tiếp, có thể tôi không có thái độ thích hợp khi hỏi họ, nói tóm lại là tôi không nhận được sự giúp đỡ nào của rất nhiều người trên con phố nhộn nhịp đó. Nếu là ở Mỹ thì tôi nghĩ rằng người đầu tiên tôi hỏi sẽ tận tình hướng dẫn và giúp đỡ tôi để kiếm một chiếc taxi. Đó là điểm khác biệt trong cuộc sống ở xã hội Nhật và ở Hoa Kỳ. Ở đâu quen đó, dù Tokyo có yên bình và sạch sẽ tôi cũng xin chọn USA làm quê hương thứ hai của tôi.
Minnesota tháng 12-2017
Tuyến Vũ
Một số quang cảnh ở Tokyo
SKY TREE cao 634m, cao nhất Japan
Công viên Hamarikuu
Tokyo nhìn từ observation deck trên SKY TREE ở độ cao 350m
Đám cưới tại một ngôi đền ở Tokyo
Hàng cây bạch quả vàng rực thu hút du khách
Một ngôi chùa ở Tokyo
Một ngôi chùa ở Tokyo
Một ngôi chùa ở Tokyo
Một ngôi chùa ở Tokyo
Nhà thờ Chánh Tòa St Mary ở Tokyo
Nhà thờ Chánh Tòa St Mary ở Tokyo
Nhà thờ Chánh Tòa St Mary ở Tokyo
Một đường phố Tokyo
Một đường phố Tokyo về đêm
Núi Phú Sĩ (Fuji Mount)
Torii gate một biểu tượng của các ngôi đền Shinto ở Nhật