“Một chuyện nhỏ trên đường”
Đối với tôi, đống thức ăn thừa đổ tung tóe ra đường kia không khiến tôi nhờm gớm bằng thái độ của người đàn ông cầm volant chiếc xe mang biển số 51G kia.
Một vụ va chạm. Ông chú nhà quê luống cuống thảm hại với chiếc xe máy nát đổ kềnh, cái xô nhựa dơ dáy lăn lóc trơ trẽn giữa mặt đường. Đống thức ăn thừa xin được của quán ăn nào đó đổ tóe sống sượng giữa mặt lộ, tênh hênh phơi bày cái thực tế cuộc sống bần cùng bệ rạc của người nghèo giữa thành phố xa hoa này.
Gã cầm lái chiếc xe hơi lom khom tỉ mẩn cạy khượi miếng trầy nào đó đầu xe và la lối nạt nộ vào mặt lão nhà quê còn đang hoảng lọan vì cú tông suýt chết, càng hoảng tợn vì viễn cảnh phải bồi thường vệt trầy nào đó trên chiếc xe sang trọng bóng bẩy kia.
Gã đàn ông to con đầu trọc mặc áo trắng lốp kia vẫn hùng hổ hung hãn, nửa như một tay giang hồ máu mặt bị cướp địa bàn, nửa như bà thím xót của. Mặc kệ cả giao lộ tắc ứ xung quanh vụ lộn xộn, tay trắng lốp vẫn quát mắng cật lực và ông chú nhà quê vẫn loay hoay lúng túng như con chuột bị sập bẫy, thiếu điều quỳ xuống. thi thoảng ú ớ chống chế lập tức bị gã trắng lốp nạt át đi.
Một cô gái đi xe máy nhảy vào cuộc đôi co, mà đúng hơn là cuộc độc thoại hung hãn của gã trắng lốp. Một người đàn bà ăn vận như lối mấy thím công quyền chuyên nhận trả hồ sơ trên phường bước ra khỏi xe hơi lao vào cuộc.
Từ trên lầu, tôi lẳng lặng ngắm người đàn ông nhà quê đang bị dọa nạt té tát vẫn đang bối rối ngó đống thức ăn thừa dơ dáy lênh láng mặt đường. Có lẽ đó là thứ thức ăn duy nhất lão xin được để nuôi một con heo cũng khốn khổ không kém gì chủ nó bây giờ.
Giữa hai người đàn ông đó, không biết nỗi xót của nào lớn hơn.
Cô gái xe máy bắt đầu làm dữ. Gã trắng lốp và bà thím cán bộ phường quay qua đối đầu với cô gái. Trong khi đó, món sashimi của bữa trưa chực trào qua cuống họng tôi khi nhìn lão nhà quê tranh thủ dựng xe và dùng tay hốt lại từng vốc trong cái bãi nhầy nhụa kia trút vội trở lại vô cái thùng nhựa cài sau xe trong ánh nhìn nhờm tởm của những người trên đường.
Cái bãi vật chất sền sệt nọ trông thật kinh hoàng. Thật khó dám nghĩ chỉ vài giờ trước từng là tấm là món bày biện dụ dỗ cái sự thòm thèm vị giác. Nó trông như thể vừa đi qua non nửa quy trình tiêu hóa rồi lại trồi ngược từ một nội tạng trệu trạo khổng lồ nào đó. Người ta luôn kinh tởm chính thứ sản phẩm dở dang hay trọn vẹn của quá trình tiêu dưỡng của chính thứ mà họ hồ hởi ăn vào.
Như cái sự bần cùng đến ghê mắt của ông chú nhà quê kia, một sản phẩm hiển nhiên của quy trình tiêu thực đào thải từ bộ ruột khổng lồ của cơ thể thành phố. Người ta biết về nó, ý thức về sự tồn tại nghiễm nhiên của cái đói nghèo nọ, nhưng để ngắm nghía nó sống sượng trơ trẽn lênh láng giữa mặt đại lộ trung tâm như kia lại là chuyện khác.
Mặc kệ. Hai bàn tay đen thui nguều ngòao vọc sâu vào bãi nhầy nhụa đã chẳng còn rõ màu., cố hốt cho đầy từng đống từng bãi đầy giữa hai bàn tay tưng tiu chả kém gì gã trắng lốp tưng tiu miếng trầy trịa trên chiếc xe hơi. Thứ nước canh nào đó ứa ra kẽ tay, tràn tới tận khuỷu.
Mặc, lão nhà quê vẫn ra sức bụm bụm hốt hốt như tranh thủ khi không ai lưu tâm tới lão. Mặc kệ cả ái cơn rùng mình ghê tởm lây lan cho đám đồng loại tươm tất hơn đang chĩa những đôi mắt sau khẩu trang và kiếng xe hơi mục kích từng hành động gớm guốc của lão.
Có lẽ người ta quen rồi. Có lẽ khi kẻ giàu học cách lờ đi cái khốn cùng tận mạt của sự nghèo thì chính bản thân người nghèo cũng tiến hóa và học lờ đi chính mình.
Trên cao, hàng cổ thụ bị cưa mé của đường Tôn Đức Thắng không che nổi cái nắng giữa trưa đang trút xuống đám thức ăn, đám cãi nhau, và cả đám hiếu kỳ.
Tiếng còi xe bực dọc tứ bề…
Khi tôi xuống đến nơi, họ đã giải tán. Ông chú nhà quê đã hốt lại được lưng thùng đồ ăn thừa và loay hoay đạp máy cái xác xe nát.
Chiếc xác xe rên hừ hừ rồi ì ra, bất động. Tôi tiến lại gần hỏi xem ông chú nọ có bị làm sao không.
Bằng một giọng Bắc quê rặt, phân bua:
– Đấy, cô xem, ai đời ngang ngược quá thể. cô kia dọa gọi công an đến. Tôi sợ lắm, họ chỉ bênh nhau chứ ai bênh mình nghèo, phiền ra…
Mùi chua tới buồn nôn phả ra từ cái thùng nhựa đựng thứ đồ thừa và cả từ bộ quần áo lao động nhếch nhác của ông chú nhà quê.
Tôi rút bừa tờ 500 dúi vào túi áo ông chú ” thôi chú coi xe cộ có sao sửa đi. Có cái chân chạy mà nó hỏng nữa thì khốn khổ”
Ông chú dứt khoát dúi trả lại, một tay cầm tờ giấy bạc, một tay túm chặt cánh tay tôi đang định cố dúi lại số tiền.
Trong một khoảnh khắc, tích tắc thôi, tôi dông cứng cả người khi nhớ ra cũng chính bàn tay ấy, bàn tay đang khẩn thiết bấu chặt vào tay áo tôi đấy, cũng là bàn tay vừa cào hốt lại mớ thức ăn thừa nhão nhoét kinh khiếp kia trên mặt đường.
Tôi đã diện chiếc áo dài tơ tôi quý nhất sáng nay để quay MV cho một người em.
Chiếc áo dài nhiều kỷ niệm và là chiếc áo bạn thích tôi mặc nhất. Nó may bằng lụa màu trắng ngà, mỏng tang được tôi tưng tiu hấp và ướp hương thơm phức mỗi khi đem ra mặc dù chỉ một lần.
Tôi thoáng rùng mình định rẫy ra khỏi cái nắm tay của ông chú nhà quê, chợt tôi ngửng lên và nhìn vào khuôn mặt đen nhẻm khắc khổ kia, với sự yếm thế của kẻ nghèo tận đáy chuyên bị bắt nạt, đang tự tại nhưng dứt khoát xua trả tờ giấy bạc lại cho tôi.
Cái công chính, lương thiện và tự tôn của kẻ nghèo ấy đẹp như một chiếc thánh giá.
Bạn ơi, tôi xin lỗi để chiếc áo bạn yêu thích bị lấm bẩn hôm nay. Tôi sẽ lại giặt nó sạch tinh tươm và ướp hương cho nó.
Nhưng có những cái đẹp mà không cảnh bần cùng nào làm ô lấm được.
Cũng như không có chiếc xe thơm tho và chiếc áo trắng lốp nào tẩy xóa khỏa lấp được thứ mùi khắm lặm thô lậu của hạng bần nông hay phường lưu manh.
Ngày hôm nay tôi cũng nhìn thấy nhiều, và cũng nghiệm được nhiều.”
[nguồn : nhà báo Trác Thúy Miêu – aka @Phuong Vu]
THEO nguoiduatin.vn