Cảm nghĩ buổi họp mặt Ccs Thánh Minh Vĩnh Long lần thứ 23 và buổi giao lưu với Ccs Thánh Giuse Sài Gòn
FX. Vũ Quốc Tịch
Click vào ảnh xem bản phóng lớn
Xe khởi hành lúc 6 giờ 00 sáng – Thứ Bảy, ngày 11.7.2020 tại TTMV. TGP. Sài Gòn 6 bis Tôn Đức Thắng – Phường Bến Nghé – Quận 1 đến Tiểu Chủng viện Thánh Minh Vĩnh Long, số 88. Trưng Nữ Vương – P1 – Thành phố Vĩnh Long lúc 8 giờ 30.
8 giờ 45: TBĐD CCS gặp anh em.
9 giờ 00: Cha Tôma Vũ Kim Long (Dòng Don Bosco) chia sẻ về ơn gọi. Ơn gọi thánh hiến và ơn gọi đời đôi bạn cũng không khác nhau là mấy. Chúa trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén để kinh doanh sinh lời. Nén bạc là những hồng ân, những khả năng cho từng người, có người làm linh mục, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thầy giáo, nông dân… Ai biết dùng khả năng và cơ may sẽ thành công. Đó là một mầu nhiệm. Có người tu 1 năm, 2 năm, 5 năm… dù ra cũng không có gì mặc cảm cả. Điều quan trọng là ta có làm hết sức mình theo khả năng của ta chưa.
Đúng như câu trả lời của Đức Giám Mục Phêrô Huỳnh Văn Hai, giám mục Chính Tòa Giáo phận Vĩnh Long nói với Võ Hữu Bông khi Bông ghé sát vào tai Đức giám mục hỏi riêng ngài trước lúc dùng cơm trưa: “Làm sao trong lúc khó khăn, thử thách mà Đức Cha vẫn theo đuổi được ơn gọi?”. Ngài chỉ trả lời ngắn gọn: “Suốt cuộc đời tôi, không bao giờ tôi có ý nghĩ trở về (thế gian)”.
Một câu hỏi khác Cha Vũ Kim Long đặt ra cho anh em chủng sinh: “Người mẹ và vú nuôi đứa bé khác nhau ra sao?” Câu trả lời tuy đơn giản nhưng cũng rất thâm thúy. Phần đông anh em đều có suy nghĩ tình yêu của người mẹ đối với con phải cao hơn tình yêu của người vú nuôi. Nhưng phân tích sâu hơn thì vú nuôi là một nghề nghiệp, họ làm công việc đó chỉ vì kiếm tiền để sống, công việc này không kéo dài mãi, nhưng tới một giai đoạn nào đó sẽ hết. Còn ở người mẹ tình yêu thương là cái quan trọng nhất. Yêu từ khi đứa bé chưa rời lòng mẹ, rồi bồng bế trên tay, nhấc lên hôn hít, mớm đút cho con ăn. Khi trẻ lớn lên nó vẫn là nguồn tình cảm yêu thương của mẹ nó. Mẹ thì thương con suốt đời khi trưởng thành, lấy vợ, đi xa… vẫn nhớ vẫn thương yêu.
Nhưng tình yêu của Thiên Chúa còn cao hơn thế! Dù thế nào thì Thiên Chúa vẫn yêu thương tôi. Tôi có bất tài, Chúa vẫn yêu tôi. Tôi có xấu xí, Chúa vẫn thương tôi. Chúa lo liệu mọi thứ cho tôi. Tôi không phải băn khoăn lo lắng, vì “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm, gìn giữ cả rồi cả rồi. Vậy anh em đừng sợ”.
Trường hợp Môsê trước khi được gọi, Chúa cũng đã sắp đặt sẵn cho ông. Dân Israen thời ấy làm nô lệ bên Ai-Cập và tuy họ làm việc vất vả nhưng họ sanh con đẻ cái đông đúc, Vua Ai-Cập sợ nên truyền giết tất các bé trai Israen mới sinh. Có một bà Lêvi sinh một con trai. Thấy đứa bé dễ thương quá, bà giấu nó 3 tháng trời vì sợ người Ai-Cập giết. Khi không thể giấu lâu hơn được nữa, bà lấy một cái thúng cói bỏ đứa bé vào, rồi đặt cái thúng trong đám sậy ở bờ sông Nin.
Bà sai chị đứa bé đứng ở đàng xa để xem chuyện gì sẽ xảy ra cho em nó.
Lúc đó, nàng công chúa của Pharaô đang tắm dưới sông. Nàng thấy cái thúng động đậy ở giữa đám lau sậy, thì sai đầy tớ tới xem. Mở thúng ra, nàng thấy một bé trai đang khóc. Nàng động lòng thương và nói: “Đứa bé này là một trong những đứa trẻ người Hípri.”
Chị đứa bé đứng trên bờ sông thưa với công chúa: “Bà có muốn con đi gọi cho bà một vú nuôi người Hípri, để nuôi đứa bé cho bà không?” Công chúa Pharaô trả lời: “Cứ đi đi!” Người con gái liền đi gọi mẹ đứa bé. Công chúa Pharaô bảo bà ấy: “Chị đem đứa bé này về nuôi cho tôi. Tôi sẽ trả công cho chị.” Người đàn bà mang ngay đứa bé về nuôi. Khi đứa bé lớn lên, bà đưa nó đến cho công chúa của Pharaô. Nàng coi nó như con mình và đặt tên là Môsê; nghĩa là được vớt lên khỏi nước.” Và trở nên một thành viên của Hoàng gia Ai Cập. Về sau ông được Thiên Chúa giao sứ mạng dẫn dắt dân tộc Do Thái khỏi ách nô lệ, băng qua Biển Đỏ, tiến vào Đất Hứa.
Ơn gọi không đến với mọi người theo cùng một cách giống nhau. Ơn gọi có tính đặc thù cho mỗi người. Đồng thời ơn gọi tu trì hay ơn ngoài đời lập gia đình không đàng nào hơn đàng nào. Không có nhất nhì. Từ đời đời trong ý định của Chúa, Chúa đã nhắm gọi ai làm việc gì sau này. Ơn gọi dần dần nảy nở trong thời gian, cho tới một lúc thuận tiện, Chúa làm cháy bùng lên và Người đem họ vào nơi Người muốn. Như thế, Ơn gọi nào cũng thật đẹp và dễ thương, vì nó phát xuất từ tình yêu Chúa, và sự đáp trả phát xuất từ tình yêu con người.
Tiếp đến là phần giao lưu của anh em cựu chủng sinh. Có 4 người trong lớp đàn em đi tu vào các năm 1996, 1997, 1998, 1999… có những chia sẻ trải nghiệm rất hay và nhiều cảm xúc sâu lắng sau khi rời chủng viện. Em ra năm 1999 cho biết: “Những kỷ niệm sống trong chủng viện luôn ẩn hiện biết bao điều hay ngay cả trong giấc ngủ của em, nó đẹp lắm, lung linh lắm! Gia đình em đều theo đạo Phật, chắc có lẽ khi nhìn vào cách sống đúng, sống tốt và sống đẹp mà em đã được hấp thụ trong môi trường chủng viện ngày xưa. Nay đã nảy nở, ảnh hưởng và có sức chi phối sâu xa đến cuộc sống người xung quanh. Điển hình là thân phụ của em đã vừa kịp trở lại đạo trước khi chết. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời em. Mong năm sao có dịp họp mặt thì đừng quên những đứa em út này, dù ở xa cũng phải trở về báo cáo lại những nén bạc Chúa trao Chúa gởi nay đã sinh lời ra sao? Rồi cùng chung niềm vui với mọi người để dâng lời cảm tạ tri ân: “Lạy Chúa, mọi công việc Chúa giao, nay con đã hoàn thành, hoàn thành cách xuất sắc. Amen.
Vũ Quốc Tịch 503
Vài hình ảnh đáng nhớ
Đây là gian cung thánh của ngôi nhà nguyện Tiểu chủng viện Thánh Minh – Vĩnh Long.
Chụp hình lưu niệm với ĐGM Phêrô Huỳnh văn Hai
Chụp hình lưu niệm với Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, nguyên là vụ trưởng đặc trách các nước Đông Nam Á thuộc Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Đức ông đóng góp nhiều công sức quan trọng trong tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Vatican.
Chụp hình lưu niệm với Ban đại diện Chủng viện Thánh Minh Vĩnh Long.
Bữa ăn trưa thân mật và ấm áp với quý Đức Cha, Đức Ông và các cha cùng toàn thể các cựu chủng sinh Vĩnh Long.