Café đenQuán ven đường

Trở lại đạo, tòng giáo | Từ vựng Công giáo | Lm Stêphanô Huỳnh Trụ

Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Ngọc Tuyết.
______________

Chủ đề Đại Hội Giới Trẻ Thế giới lần thứ 28 (tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil, từ ngày 23-28/7/2013) đã được Đức Giáo tông vinh hưu Bênêđictô chọn từ câu Phúc Âm: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19).

“Trở thành môn đệ”, có người nói là “trở lại đạo”, nhưng cũng có người không đồng ý với cách nói ấy, cho rằng: “Nói là người ngoại trở lại đạothì vừa sai vừa xúc phạm[1]. Vậy, chúng ta thử xem cách nói “trở lại đạo” nên được hiểu theo nghĩa nào?

1. Nghĩa của trở, lại, đạo.

1.1. Nghĩa của trở.

Trở ở đây là tiếng Nôm, có nhiều chữ: 㨋,呂,與,踷,阻,𠭤,𧿨,𨔾,𪠭,𪩁, những chữ 呂 (lữ: xương sống), 阻 (trở: ngăn cản), 與 (dữ: cho) giống chữ Hán, dễ gây ngộ nhận. Trở nghĩa là: (đt.) (1) Đổi chiều hướng: trở về, trở mình, trở chứng; (2) Lật lọng (đang tử tế bỗng phản lại thái độ): tráo trở, trở mặt. (pt.) (3) Mang bầu: có trở, ăn trở (người có mang hay thèm thức ăn chua). Nếu là chữ Hán thì có nghĩa khác: (đt.) (1) Cấm cản: lan trở; trở kích (đánh chặn); (2) Can ngăn: khuyến trở; (3) (Đường) khó đi lại, thiếu an ninh: hiểm trở.

Trong cụm từ “trở lại đạo”, chữ “trở” là chữ 呂 hoặc chữ 𠭤 được dùng theo nghĩa là đổi chiều hướng.

1.2. Nghĩa của lại.

Ngày nay dùng chữ Quốc ngữ, khi dùng chữ “lại”, phải hiểu nghĩa của nó tuỳ theo ngữ cảnh. Nhưng thời xưa dùng tiếng Nôm, mỗi nghĩa có một chữ khác nhau:

– Lại (又 – theo nghĩa Nôm) dùng theo nghĩa chữ Hán, không phải theo âm (又 chữ Hán đọc là hựu). Chữ này nghĩa là: (đt.) (1) Lại một lần nữa: sống lại; (2) Sức lực đã hồi phục: lại người, lại sức; (lnt.) (3) Phải nói thêm: lại còn; vả lại. (dt.) (4) Đôi tân hôn về thăm nhà gái: lễ lại mặt.

– Lại (賴,赖 – chữ Hán) (đt.) (1) Cậy nhờ: lại; (2) Ở lì: lại trước bất tẩu (nằm lì không chịu đi), lại sàng (ngủ nướng ở giường); (3) Quên lời, phủi sạch: lại trái (vỗ nợ), lại trương (vỗ nợ; nuốt lời); (4) Đổ tội (tiếng bình dân): hoàn lại biệt nhân (còn đổ cho kẻ khác), giá sự toàn lại ngã (chuyện này tôi xin chịu hết trách nhiệm). (dt.) (5) Tệ xấu (tiếng bình dân): chân bất lại (không tệ lắm); (6) Vô liêm sỉ: lại bì (tiếng bình dân); (7) Họ Lại.

– Lại (籟,籁 – chữ Hán) (dt.) (1) Sáo thời cổ; (2) Tiếng động: vạn lại câu tịch (muôn tiếng động đều im hết).

– Lại (癩,癞 – chữ Hán) (dt.) (1) Bệnh cùi hủi; (2) Giống như hủi: lại cáp mô (con cóc); lại bì cẩu (chó ghẻ; thứ đáng tởm gớm).

– Lại (吏 – chữ Hán) nghĩa là (dt.) Công chức xưa: quan lại; lại bộ thượng thư.

– Lại (徠,吏 – tiếng Nôm) nghĩa là: (đt) (1) Đi tới, trở lại, một lần nữa[2]: lại đây! (đi tới đây!), nói đi nói lại (nói nhiều lần, học đi học lại nhiều lần; nói trả treo, không nhịn); (2) Sức phản: chống lại.

Trong cụm từ “trở lại đạo”, chữ “lại” là chữ 吏, được dùng theo nghĩa là trở lại: trở về, đi về chỗ cũ[3].

1.3. Nghĩa của đạo.

Trong bài “Hiền sĩ, đạo sĩ” [4], chúng tôi đã giải nghĩa chữ này, nay trích lại và bổ sung thêm. Đạo có 8 chữ Hán 道,導,导,稻,盜,翿,蹈,纛, trong thuật từ đạo sĩ là chữ 道, nghĩa là: (dt.) (1) Đường: sơn đạo (đường núi); (2) Chân lý: “Đạo dã giả, bất khả tu du ly giả[5] (Chân lý là điều không thể xa lìa dù một giây lát); (3) Tư tưởng: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi[6] (Tư tưởng của tôi, tôi sẽ làm đến cùng); (4) Phương pháp: “Dĩ kỳ nhân chi đạo, hoàn trị kỳ nhân chi thân” (Dùng phương pháp của người ấy để trị người ấy: “Gậy ông đập lưng ông”) (5) Kỹ nghệ; (6) Ý hướng: “Đạo bất đồng, bất tương vi mưu[7] (Ý hướng khác nhau, không thể làm chung với nhau); (7) Chủ thuyết Lão Tử: Đạo giáo; (8) Đạo sĩ: bần đạo; (9) Đơn vị hành chánh thời xưa, tương đương cấp tỉnh: nhà Đường chia thiên hạ làm mười đạo; (10) Quan chức của triều Thanh: binh bị đạo; (11) Mê tín: hội đạo môn (các hội kín); (12) Họ Đạo. (lt.) (13) Từ giúp đếm các vật dài hay lâu: nhất đạo hà (một con sông). (đt.) (14) Nói: thường ngôn đạo (câu thường nói); (15) (văn) Chỉ dẫn, dùng như chữ đạo 導 (bộ thốn寸). Trong tiếng Việt, đạo cũng có nghĩa là Công giáo, như: “đi đạo”, “Anh muốn theo đạo không?”, “bổn đạo” tuy hàm hồ, nhưng ai cũng hiểu.

2. Tìm hiểu từ nguyên.

Thuật từ Công giáo “trở lại” dịch từ tiếng Latinh là convertere (do tiếp đầu ngữ con: cùng nhau; hoàn toàn + vertere: quay lại; chuyển hướng; La ngữ phổ thông là convertire[8]: quay vòng tròn) nghĩa đen là hoàn toàn chuyển hướng, quay lại hoàn toàn, thay đổi, biến đổi. Nguyên thuỷ từ này có ý nghĩa tôn giáo[9].

Trong Cựu Ước, động từ Hipri shuv (בוש) quay lại, thay đổi (to turn, to return) được dùng để diễn đạt ý nghĩa hoán cải, sám hối (Is 6,10, Tv 51,13).

Trong Tân Ước, có ba động từ Hy Lạp:

(1) Epistrepho (được dùng 36 lần): diễn tả hành động trở về, trở lại, quay trở lại theo nghĩa đổi hướng vật lý, thân xác[10] (16 lần) hoặc diễn tả việc hoán cải, trở lại, trở về, quay về theo nghĩa đổi hướng tinh thần, tâm hồn (hướng về Chúa…)[11] (20 lần).

(2) Metamelomai (được dùng 6 lần): chỉ sự thay đổi tư tưởng, chẳng hạn như có ý hối tiếc hay thậm chí hối hận vì tội, nhưng không nhất thiết có sự thay đổi nội tâm. Chữ này được dùng trong trường hợp chỉ sự hối hận của Giuđa Iscariot (Mt 27, 3); Và

(3) Metanoeo (được dùng 34 lần): chỉ sự thay đổi tư tưởng và chủ đích do kết quả của việc nhận thức.

Ở dạng danh từ: Sự trở lại (Latinh: conversio[12]: sự quay lại, lật ngược lại; khúc quanh, sự thay đổi; Hy Lạp: epistrophēn chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở Cv 15, 3[13]metanoia được dùng 24 lần trong Tân Ước: chỉ sự thay đổi (meta) của tư tưởng và tâm hồn (nous). Từ này ám chỉ sự sám hối thực sự, một sự thay đổi tư tưởng, chủ đích và đời sống theo những đòi hỏi của việc tha tội. Tóm lại: Trong Thánh Kinh, “conversio, sự trở lại” ám chỉ sự thay đổi trong phạm vi tôn giáo hay luân lý; một cảm nghiệm sống, một sự quay về với Thiên Chúa do ân sủng, đón nhận Phúc Âm. Về sau, khái niệm “trở lại” cũng được dùng để chỉ một sự thay đổi trong cuộc sống bằng cách gia nhập vào một dòng tu (nguồn gốc chữ convers, thầy trợ sĩ)[14].

Trong Anh ngữ ngày nay người ta dùng chữ convert (đt.) với ý nghĩa là: (1) Thay đổi tôn giáo, thay đổi đảng phái. (2) Chuyển đổi (hay biến đổi, thay đổi) bản tính, mục đích, hay chức năng của một cái gì: chuyển chì thành vàng; biến khách sạn thành nhà tù; chuyển từ nô lệ thành người làm thuê. (3) Hoán đổi từ hệ thống (hay chương trình, chính sách) này sang hệ thống (hay chương trình, chính sách) khác: đổi điện thế từ 220 sang 110V, hoán đổi tiền tệ. Và conversion (dt.) có nghĩa là: Người đã thay đổi tín ngưỡng, hay đảng phái chính trị, hay tư tưởng[15]. Nhưng trong Giáo Hội, các thuật từ này dùng để chỉ việc biến chuyển hay thay đổi tình trạng tội lỗi sang tình trạng ăn năn, từ đời sống hờ hững sang đời sống nhiệt thành, từ chỗ không tin sang chỗ tin, từ một đạo ngoài Kitô giáo sang Kitô giáo. Sau Công đồng Vaticanô II, người ta không dùng từ này để chỉ một Kitô hữu ngoài Công giáo trở thành người Công giáo, nhưng dùng kiểu nói: “Hiệp thông trọn vẹn hơn với Hội Thánh”[16].

Hình: Phần giảng giải Kinh Lạy Cha bằng chữ Nôm của Cha G. Maÿorica, SJ.

3. “Trở lại” trong tiếng Việt.

Thuật từ “trở lại” theo nghĩa là “trở lại cùng Đức Chúa Trời”, “trở lại nhận biết Đức Chúa Giêsu Kirixitô”, “trở lại cùng Thánh I-ghê-rê-xa[17]“, “trở lại chịu đạo”, “trở lại đạo”… là những thuật từ rất quen thuộc, được sử dụng từ rất sớm trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Thật vậy, chúng ta có thế thấy:

1) Quyển sách giáo lý đầu tiên cho người Việt (An Nam) phải kể là THIÊN CHÚA THÁNH GIÁO KHẢI MÔNG[18] do Cha G. Maÿorica, SJ., viết tay bằng tiếng Nôm năm 1623, phần giảng giải Kinh Lạy Cha, có ghi:

Nếu mà ta cho thiên hạ biết Đức Chúa Trời và trọng, sao chẳng xin cùng người ta mà xin Đức Chúa Trời làm chi?

– Rằng sức người ta một mình chẳng được biết cùng khen Đức Chúa Trời, vì sự ấy xin bề trên cho kẻ chẳng có đạo cùng kẻ có tội trở lại cùng Đức Chúa Trời (呂吏共德主𡗶) thì mới khen cho nên.

2) Kế đến là tác phẩm đầu tiên bằng Quốc ngữ được in ấn tại Roma năm 1651, tức là quyển PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY của Cha Đắc Lộ:

Cho nên ai nấy chịu được phép rất thánh lời cầu này, mà ăn năn tội cực trọng ấy, trở lại cùng Đức Chúa trời (ad Deum converti), như thật nhiều lắm có trở lại (ut vere plurimi sunt conversi), thì có đợi nó bốn mươi năm, cho nó ăn năn tội[19].

3) Trong cuốn BẢN KINH TỤNG ĐỘC TOÀN NIÊN (hay TOÀN NIÊN QUYỂN) là sách kinh bằng tiếng Nôm, in bản gỗ cổ nhất, năm 1865, cũng có nhiều chỗ, chẳng hạn:

“Xin Chúa tôi cứ lòng nhân từ Chúa tôi hay thương vô cùng, ban ơn soi sáng cho kẻ ấy trở lại nhận biết Đức Chúa Giê-su Ki-ri-xi-tô, là Đấng Chúa tôi đã sai xuống thế làm người” (Đoạn thứ tám) và: “Xin Đức Chúa Trời ban ơn cho Thánh I-ghê-rê-xa càng ngày càng nhiều người trở lại chịu đạo”… “Xin Đức Chúa Trời cứu lấy nó cho khỏi các sự rối, lại được trở lại cùng Thánh I-ghê-rê-xa” (Đoạn thứ mười bốn)[20]

4) Cụm từ “trở lại cùng Chúa” đã có trong quyển TỰ VỊ LATINH ANNAM xuất bản năm 1868:[21]

Trang 63 trong tự vị của J. Thiriet, 1868.

5) Năm 1898, J. F. M. Genibrel, đã dịch “Se convertir à là religion du Seigneur du ciel” là “Trở lại đạo Chúa Trời” [22] còn P. G. Vallot thì dịch “Conversion à la foi: Sự lở (trở) lại đạo; Se convertir: lở (trở) lại đi đạo” [23]

Trang 889 trong từ điển của J. F. M. Génibrel
và trang 67 trong từ điển của P. G. Vallot, 1898.

6) Loạt bài kể lại gốc tích mỗi họ trong “các sở” địa phận Nam kỳ, gồm hơn 150 bài đăng rải rác trong các số của tạp chí “Nam Kỳ địa phận” từ năm 1917 đến năm 1922, trong đó thuật lại rất nhiều trường hợp “trở lại đạo”, chẳng hạn: “Đốc phủ Ca khi còn làm Hương Thân, đã trở lại đạo tại Hạnh Thông Tây và Cha Phước (Puginier) đã rửa tội cho người cùng bà con người. “ (1917, tr. 647). “Lối năm 1888,…. Những tá điền của bà Ngọc tại Bình Quân cũng đều theo gương mấy người ở Bình Cư mà xin trở lại đạo “ (năm 1918, tr. 503).

7) Cho đến ngày nay, các từ điển Công giáo và Tin Lành như NGỮ VỰNG THẦN HỌC của Mục sư Phạm Xuân Tín (Thánh Kinh Thần Học viện Nha Trang, 1973, tr. 25); TỪ ĐIỂN THẦN HỌC TÍN LÝ ANH-VIỆT của Lm. Vũ Kim Chính, SJ. (Đài loan, 1995, tr. 69-70); TỪ VỰNG TRIẾT THẦN CĂN BẢN ANH-VIỆT của các Lm. Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh. (Paris, 1996, tr. 384); TỪ ĐIỂN THẦN HỌC BỎ TÚI của Lm. Ngô Tường Dzũng (Texas, USA, 1998, tr. 48 và 66); TỪ VỰNG TRIẾT HỌC của ĐCV Vinh Thanh (tr. 42-43); TỪ ĐIỀN CÔNG GIÁO ANH-VIỆT của Nguyễn Đình Diễn (nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2002)… đều dịch: Conversion (dt.): Trở lại, hoán cải, hối cải, quy chính; Convert (dt.): Người trở lại.

THUẬT NGỮ THẦN HỌC ANH-VIỆT của Học viện Đa Minh Gò Vấp (TP. HCM, 2003) còn ghi thêm: Trong lịch sử, từ này (conversion) dùng để chỉ việc thay đổi tôn giáo, “trở lại đạo”.

4. Tại sao “trở lại”?

4.1 Có người cho rằng thuật từ ‘trở lại’ nên được dùng để nói về dân Do Thái, chứ không phải dân ngoại. Vì dân Do Thái trước kia đã được Chúa chọn làm dân riêng của Chúa, nay nếu họ tin và chịu phép Rửa để vào Hội Thánh thì mới gọi là “trở lại” làm dân Thiên Chúa.

Thực ra, dù là Do Thái hay dân ngoại đón nhận phép Rửa, các tông đồ cũng đều gọi đó là việc “trở lại”, dưới đây là vài ví dụ[24]:

– Với dân ngoại tại Lystra, Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó.” (Cv 14,15).

– Tại Phoenicê và Samaria: “Các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng.” (Cv 15,3).

– Diễn từ của Thánh Giacôbê tại Công đồng Giêrusalem: “Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa.” (Cv 15,19).

– “Anh em biết gia đình Stêphana: họ là những người đầu tiên trở lại đạo tại xứ Achaia và đã dấn thân phục vụ dân thánh.” (1 Cr 16,15).

4.2

Cũng có người nghĩ rằng: Trước nay tôi chưa bao giờ là người Công giáo, nay tôi mới lãnh phép Rửa để gia nhập đạo Công giáo, thì phải nói là tôi mới “vào đạo”, “nhập đạo”, “theo đạo (tòng giáo)”, hoặc nếu trước đây tôi theo một tôn giáo khác, nay chuyển qua đạo Công giáo, thì gọi là tôi mới “cải đạo”, chứ tại sao gọi là “trở lại”.

Điều đó hoàn toàn đúng theo cách nghĩ của anh chị em lương dân. Nhưng theo Giáo lý Công giáo, mọi người sinh ra đều là con cái Chúa, là anh em với nhau. Tội nguyên tổ đã cắt đứt giây liên hệ thân tình với Chúa, đặt nhân loại vào tình trạng thất sủng, đánh mất ơn nghĩa với Chúa. Nhờ bí tích Rửa Tội, ta được sinh lại vào đời sống mới trong Chúa Kitô, trở lại làm con Thiên Chúa và con Hội Thánh. Được hồi phục lại tình trạng ơn nghĩa với Chúa như vốn có từ thuở ban đầu.

Cái “thuở ban đầu” ấy là lúc con người chưa phạm tội… Lúc ấy, dĩ nhiên tôi và anh chưa hiện hữu trên thế gian này, nhưng thực ra chúng ta đã hiện hữu trong ý định sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa Ba Ngôi rồi.[25] Như Thánh Phaolô đã nói: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1, 4). Thánh Fulgence còn nói: “Hãy tin chắc chớ hoài nghi, hết mọi người Thiên Chúa đã lựa chọn, làm dụng cụ tình thương của Ngài đều được Ngài tiền định làm con Ngài trước khi tạo dựng vũ trụ”. Đó là ý nghĩa của câu hát: “Từ ngàn xưa Cha đã yêu con… “ (Từ ngàn xưa, Lm. Kim Long). Vì lý do đó mà từ xưa đến nay, Giáo Hội vẫn dùng thuật từ “trở lại đạo” để nói về những ai đã được Chúa tuyển chọn, ban đức tin để họ “nhận biết… “, “nhận thức… “, “ghét bỏ”… và “chuyển hướng, quay trở lại” theo đúng con đường mà Ngài đã tiền định cho họ[26].

Chối bỏ việc “trở lại” theo nghĩa “trở lại đạo” cũng là chối bỏ việc “tiền định” theo nghĩa mà Công đồng Trento đã định tín.

Nếu hiểu “trở lại đạo” như trên thì không có gì sai hay xúc phạm đến anh chị em lương dân cả.Và mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Có thể nói “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” không gì khác hơn là “giúp cho muôn dân trở lại đạo”.

5. Kết luận.

Từ ngữ nhà đạo không thể chỉ hiểu theo mặt chữ, mà cần được tìm đến tận gốc của nó, mới có thể hiểu được ý nghĩa chân thật của từ ngữ. Do đó, các giáo viên lý cần lưu ý khi giúp các dự tòng và những người tìm hiểu đức tin Công giáo: Có những từ ngữ mới nghe thì tưởng là đơn giản, dễ hiểu, nhưng để hiểu cho đúng thì cần phải được trình bày, giải thích cặn kẻ.

Theo chúng tôi, khi giới thiệu đức tin cho anh chị em ngoài Công giáo, có những điểm tín lý đòi hỏi phải hết sức tế nhị trong cách trình bày. Ví dụ vấn đề ơn cứu độ thực hiện nơi người ngoài Kitô giáo và nơi các tôn giáo khác (công thức của Thánh Cyprianô: “Extra ecclesiam nulla salus”). Trong đời sống đức tin cũng vậy, có lẽ hơn bao giờ hết, chúng ta cần học hỏi tinh thần loan báo Phúc Âm theo cung cách của Đức Giáo tông Phanxicô hiện nay, nghĩa là “không cần đề cập tới vấn đề này, nếu không phải là những chuyện tích cực làm cho người trẻ tiến bước. Ngoài ra, giới trẻ biết rất rõ đâu là lập trường của Giáo Hội.”[27]

____________________

[1] http://gpcantho.com/ArticlesDetails.aspx?ArticlesID=2113

[2] Huình Tịnh Paulus Của, ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ, Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895. nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1974.

[3] Huình Tịnh Paulus Của, sđd: 吏 Lại: Trở lại: “Trở lui, trở về, thối hồi, đi về chỗ cũ; day trở, trở bề khác, day phía nào đã để khi trước.” (Tome I, tr. 528); 阻 Trở:  Trở lại: “Lộn lại, day lại; đi về.” (Tome II, tr. 486).

[4] x. về nghĩa chữ đạo ở các trang 227, 429, 475.

[5] TRUNG DUNG, Chương 1.

[6] LUẬN NGỮ, 4, 15.

[7] LUẬN NGỮ, Vệ Linh Công.

[8] Tiếng Anh là convert (đt.), từ này có vào khoảng năm 1300, phát xuất từ tiếng Pháp cổ là convertir, phát xuất từ convertere của tiếng Latinh.

[9] x. http://dictionary.reference.com/browse/con

[10] Bản Phổ Thông dùng chữ reverto (Mt 10,13; 12,44; 24,18; Mc 13,16; Lc 2,39; 8,55; 17,31; Cv 15,36; 2 Pr 2,22) và converto (Mc 5,30; 8,33; Ga 21,20; Cv 9,40; 16,18; Kh 1,12).

[11] Bản Phổ Thông dùng chữ converto (Mt 13,15; Mc 4,12; Lc 1,16.17; 17,4; 22,32; Cv 3,19; 9,35; 11,21; 14,15; 15,19; 26,18.20; 28,27; 2 Cr 3,16; Gl 4,9; 1Th 1,9; 1 Pr 2,25; Jac 5,19.20).

[12] Tiếng Anh là conversion (dt.) từ này được sử dụng vào khoảng giữa tk. 14, nguyên thuỷ có ý nghĩa tôn giáo, phát xuất từ tiếng Pháp là conversion, phát xuất từ tiếng Latinh conversionem (ở dạng danh cách là conversio).

[13] Bản Phổ Thông dùng chữ conversio các bản Anh ngữ thì dùng chữ conversion.

[14] x. Lm. Hồng Phúc, CSsR, ĐIỂN NGỮ ĐỨC TIN CÔNG GIÁO, 1996: Trở lại.

[15] Theo từ điển Babylon và WordNet 2.0.

[16] x. John A. Hardon, SJ., POCKET CATHOLIC DICTIONARY, Image Books, New York, 1985.

[17] “Thánh I-ghê-rê-xa” hay “I-ghê-rê-gia” là từ cổ, phiên âm của chữ Igréja (Tây Ban Nha), nghĩa là Ecclesia (Latinh), Hội Thánh hay Giáo Hội.

[18] Giêrônimô Maÿorica, SJ., THIÊN CHÚA THÁNH GIÁO KHẢI MÔNG (天主聖教啓蒙), Bản viết tay bằng tiếng Nôm, năm 1623, tr. 98/249.

[19] Bản văn sao lục từ: Alexandre de Rhodes, SJ., PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY CHO KẺ MUỐN CHỊU PHÉP RỬA TỘI MÀ VÀO ĐẠO THÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI (CATHECHISMVS PRO IIS QUI VOLUNT SUSCIPERE BAPTISMUM IN OCTO DIES DIVISUS), Roma, 1651 (Ngày thứ bảy, tr. 258). Trên đây trích từ quyển GIÁO-SĨ ĐẮC-LỘ VÀ TÁC PHẨM QUỐC-NGỮ ĐẦU TIÊN của Nguyễn Khắc Xuyên & Phạm Đình Khiêm,  nxb. Tinh Việt Văn Đoàn, Saigon, 1961. Trang 181 (bản văn đã được ấn hành theo lối viết hiện đại).

[20] Trích dẫn từ cuốn BẢN KINH TỤNG ĐỘC TOÀN NIÊN do Lm. Nguyễn Hưng biên tập và xuất bản năm 2007, tr. 123/301 và 138-139/285-286.

[21] Julien Thiriet, DICTIONNARIUM LATINO-ANNAMMITICUM (TỰ VỊ LATINH ANNAM), Ex typis Missionis, 1868. Trang 63.

[22] J. F. M. Génibrel, DICTIONNAIRE ANNAMITE FRANÇAISE (quen gọi là ĐẠI VIỆT QUỐC ÂM HÁN TỰ PHÁP THÍCH TẬP THÀNH), Mission à Tân Định, Sài Gòn, 1898. Trang 889.

[23] P.G. Vallot, DICTIONNAIRE FRANCO-TONKINOIS ILLUSTRE (TỪ ĐIỂN PHÁP-BẮC KỲ CÓ MINH HOẠ), F.H. Schneider, Imprimeur-Éditeur, Hanoi, 1898, tr. 67.

[24] KINH THÁNH, bản dịch của Nhóm PDCGKPV (ấn bản năm 2011).

[25] Công đồng Trentô tuyên bố : “Có tiền định của Thiên Chúa (The Predestination of God). Đó là một tín điều rất xác thực và là một mầu nhiệm khôn dò” (D. 805,825,827).

[26] Chúng tôi đã có dịp bàn về quan niệm “sám hối” theo Kitô giáo trong bài “Sám hối” (trang 455). Quan niệm ấy bao gồm: (1) Sự nhận biết đích thực về hành vi và tình trạng phạm tội của chính mình. (2) Nhận thức về lòng thương xót của Chúa nơi Đức Kitô. (3) Thật lòng ghét bỏ mọi tội lỗi (Tv 119, 128; G 42,5-6; 2 Cr 7,10) và quay về với Chúa; Và (4) Kiên trì cố gắng theo đuổi một cuộc sống thánh thiện theo đường lối Chúa bằng cách tuân giữ các giới răn của Người.

[27] x. bài “Năm huyền thoại về Đức Phanxicô” của Vũ Văn An trên http://www.vietcatholic.org/News/Html/113328.htm.

Bài liên quan

Back to top button