Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Người về người đi, hoàng hôn một lối!” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần Phục Sinh  năm A 16/4/2017

“Người về người đi, hoàng hôn một lối!”

“Đường một đưòng hai chiều đưa vào tối.
Trời cao và gió đầy
Hàng cây cùng ghế dài
Nào ai lẻ bóng? Nào ai thành đôi?”
(Y Vân – Đại Lộ Hoàng Hôn)

57106600

(Giacôbê 5: 10-11)

Gọi đó là “Đại-lộ hoàng-hôn” sao? Bạn có hát những câu như thế, chắc chỉ muốn nói rằng: đời người, có nhiều lối đi. Những lối/đường để đi, còn tuỳ đường/lối mình quyết chọn. Kết quả, rồi thì hoặc bạn sẽ  “lẻ bóng” hoặc “thành đôi lứa”, cũng thế thôi.

Nhìn vào nhà Đạo để xem xét những chuyện nổi cộm vừa mới xảy ra qua việc nhận/đón Mình Chúa ở Tiệc Thánh Thể lâu nay vẫn là đầu đề câu chuyện chia-phôi, lẻ bóng rất đôi ngả. Một ngả, khá cứng-cỏi như luật phụng-vụ hoặc Giáo-luật. Còn ngả kia, là lập-trường khá xứng-hợp về mục-vụ do Đức Phanxicô đưa ra.

Trước khi cùng đấng bậc “lờ mờ” ở Sydney phân-tích ý-chủ của Đức Giáo Hoàng, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể, nói về “Hai con hổ” để rồi sẽ thấy đời mình và đời người cũng có những điều mới lạ, như người kể từng nhận-định. Truyện đây, là truyện kể nhẹ mỗi thế này:

“Có hai con hổ, một con ở trong chuồng, một con nơi hoang-dã với núi rừng trùng-điệp.Hai con hổ đều cho rằng hoàn-cảnh bản thân mình không tốt, đôi bên đều ngưỡng mộ đối phương, thế là chúng quyết-định san/đổi cho nhau thân-phận của mỗi con. Lúc đầu, cả hai con đều vô cùng vui-thích, nhưng không lâu sau đó, cả hai con đều chết cả: một con vì đói mà chết, còn con kia vì u-sầu mà chết tốt, cũng như thế.”

Và lời bàn của người kể, lại như sau: “Có những lúc, mọi người đều nhắm mắt làm ngơ đối với hạnh-phúc của chính bản thân mình, rồi cứ để mắt chú ý đến hạnh-phúc của người khác. Thật ra thì, những gì ta đang có, lại chính là những điều khiến người khác phải ngưỡng-vọng. “Đời người là như thế. Nhiều chuyện xảy ra theo cách ta không thể ngờ trước được. Cứ đọc các truyện kể đại loại như thế này, rồi suy-nghĩ để tự nhắc nhở mình, thôi.” (theo Tiểu Thiên/cmoney)  

Nghe truyện rồi, nay thấy giống như nhạc-bản trích ở trên, có những lời lẽ rất như sau:

“Đời mình là con tàu qua nhiều lối.
Mà thăng trầm như trùng dương nổi sóng.
Trời mây một lớp thành
Biển khơi một nỗi niềm,
Bàn tay còn trắng,
Lòng không tình thương.
Gió băng gối mộng,
Sương trắng chăn mơ.
Gió khua ngõ hồn,
Mưa ướt tâm tư.
Biết ai tâm sự?
Ghế lạnh lùng chờ.
Những chiều vàng mờ.
Đại lộ hoàng hôn, hồn hoa ngập nắng.
Thời gian thường vô tình theo đời sống.
Ngày xanh thì khuất dần.
Chiều rơi nhuộm tóc vàng.
Mà trong lòng thấy còn thiếu tình thương.”
(Y Vân – bđd)

Con tàu đời người lại vẫn trải qua nhiều lối rất thăng trầm như trùng dương nổi song. Vâng. Chính đó là một triết-thuyết rất chí tình. Triết-thuyết đây, lại là lý lẽ mang tính triết-học ở đời người gồm nhiều học-thuyết dân-gian lẫn bác-học. Học, thứ triết-lý uyên-bác cho mình và cho đời, cũng tốt thôi.

“Đại lộ hoàng hôn, hồn hoa ngập nắng.Thời gian thường vô tình theo đời sống.” Vâng. Đúng đấy. Nếu đứng từ góc cạnh hoặc tầm nhìn rất đạo của ta mang nhiều đường lối sống trong đời đi vào đời mà sống đúng đường lối lễ-giáo, đạo-hạnh/lành thánh có nghi-thức/thói quen mang nhiều ý-nghĩa khá để đời.

Và, nay trong Đạo làm người của con người, lại thấy có cái gì đó tựa như câu hát tiếp: “Ngày xanh thì khuất dần. Chiều rơi nhuộm tóc vàng. Mà trong lòng thấy còn thiếu tình thương.”

Vâng. Dựa vào câu hỏi/đáp của người trong Đạo rất sống đạo, nay lại thấy xảy ra một vài thắc mắc cũng khá khó, những bảo rằng:

“Thưa Linh mục. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong Tông-thư Amoris Laetitia có bảo rằng: Tiệc Thánh Thể “không phải là phần thưởng cho người tốt lành, nhưng là môn thuốc cực mạnh và là chất dinh-dưỡng dành cho kẻ yếu mềm.” Ngài nói thế, phải chăng có ý nhắn-nhủ rằng việc Hiệp Thông Rước Lễ đã tha-thứ cho các lỗi tội, cả đến tội trọng mình mắc phải. Môn thần-dược được ban cho những ai đang ở vào tình-trạng mắc tội trọng/chết người, chăng?”

Người đi Đạo và giữ đạo lâu nay vấn sống vui vẻ, giờ lại nghe phán quyết có tính-cách hỗ-trợ kẻ yếu mềm, kể cũng hay hay. Tuy nhiên, hay hay hoặc tốt đẹp cỡ đi nữa, hãy cứ để đấng bậc “lờ mờ” ở Sydney luận-bàn ra sao, thế nào, rồi hãy tính. Bàn luận của đức ngài đặc-biệt như sau:

“Văn-bản mà anh/chị vừa rút tỉa là đoạn trích từ lời chú thích số 351 ở thông-tư do Đức Giáo Hoàng viết vào độ trước, ngang qua Tông-thư khác mang tên là “Evangelii Gaudium” (tức: Niềm vui Tin Mừng) phát-hành vào năm 2013, ở đoạn 47. Điều ngài nói, là truyền-thống giáo-huấn của Hội-thánh bấy lâu nay. Hiệp-thông Rước lễ là môn thuốc cực mạnh có khả-năng tha-thứ mọi lỗi/tội nào không phải là tội trọng.

Hai đoạn viết trong Tông-thư “Evangelii Gaudium”, là ý-tưởng do Đức Phanxicô rút từ sách các Giáo-phụ viết trước đây. Một, của thánh Ambrôsiô từng nói: “Tôi phải rước Chúa vào lòng suốt đời tôi, để được tha thứ hết mọi tội. Giả như tôi cứ liên-hồi phạm tội suốt như thế, tôi cần tìm ra thuốc chữa, mới được.” (X. De Sacramento, IV 6, 28) Đoạn trích thứ hai cũng rút từ văn-bản nói trên, đã từng viết: “Ai ăn Manna từ trời đổ xuống thảy đều chết tốt, còn ai đón nhận Mình Chúa vào lòng sẽ được thứ tha hết mọi tội.” (IV, 5, 24)

Có Giáo-phụ khác là thánh Cyrillô thành Alexandria lại cũng bảo: những ai tìm cách xa lánh việc Hiệp thông Rước lễ vì thấy mình không xứng đáng, nên đã nói: “Tôi tự xét thấy mình không xứng đáng để làm thế. Với những người nói những câu như thế, thì tôi bảo: cho đến khi nào anh/chị mới mình xứng đáng đây?

Phải chăng đó là lúc anh/chị ra trình-diện trước mặt Đức Kitô? Và giả như tội lỗi của anh/chị cản-ngăn không cho anh/chị đến gần Ngài, và anh/chị chẳng bao giờ thôi không còn sa ngã –bởi, như lời Thánh vịnh có câu rằng: con người biết gì về các tội mình phạm? – và anh/chị sẽ ra sao nếu không tham-gia trở nên lành thánh Chúa ban cho sự sống đời đời?” (Xem In Joh. Evang. IV, 2)

Năm 1905, Toà Thánh La Mã có trích sắc lệnh “Sacra Triđentina”, qua đó có khuyên mọi người hãy đón nhận Mình Chúa mỗi ngày và dạy rằng: Việc Hiệp thông Rước Lễ không là phần thưởng cho nhân-đức ta có, nhưng đúng hơn, là phương-thuốc chữa-lành mọi tội. Sắc-lệnh này, lại đã bảo rằng việc thường xuyên rước Chúa vào lòng nhằm mục đích “giúp tín-hữu kết-hợp với Chúa ngang qua các Bí-tích, và nhờ đó có được sức mạnh chống-trả mọi thứ đam-mê xác thịt để rửa sạch con người mình khỏi bị các vết nhơ tội lỗi mắc phạm hằng ngày; như thế, mới tránh được các tội nặng do sự yếu mềm con người thường mắc phải.

Có người hỏi rằng: việc Hiệp thông Rước lễ có tha hết mọi tội trọng cùng tội nhẹ không? Câu trả lời , là: Không! Bởi, việc tha tội trọng là nhờ Bí tích Thanh-tẩy. Trường-hợp kẻ mắc tội là người lớn, thì cần đến Bí-tích Hoá-giải mới được tha. Thế nên, ta không thể nhờ việc Hiệp thông Rước Chúa mà tha ban cho những người đang ở trong tình-trạng vướng/mắc tội trọng, được.

Sách Giáo Lý Hội thánh Công-giáo có dạy rằng: Không thể nhờ vào việc ban phát Mình Chúa để tha thứ các tội trọng mà con người từng mắc phải; đó là kết-quả của Bí tích Hoá giải. Mình Chúa đích-thực là Bí-tích dành cho những ai ở trong trạng-thái kết-hợp hài-hoà với Giáo-hội.” (X. GLHTCG đoạn 1395).

Và, Sách Giáo Lý Hội thánh cùng với giáo-huấn của các thánh Giáo-phụ thời trước lại đã dạy: “Việc Hiệp thông Rước Chúa sẽ tha hết các tội nhẹ ta mắc phải và bổ sức để ta tránh tình-trạng mắc tội trọng. Chính vì lý-do này mà Tiệc Thánh Thể không thể kết-hợp ta với Đức Kitô mà đồng thời lại không tẩy sạch các tội ta phạm trước đó, cũng như gìn giữ ta khỏi mọi tội lỗi ta vướng mắc trong tương-lai.” (X. GLHTCG đoạn 1393, thư 1 Corinthô 11: 26)

Các giáo-huấn đây là những điều khiến ta được giải-khuây rất nhiều. Mọi người, ai cũng có lúc phạm tội. Và, điều làm ta phấn-khởi hơn cả là biết rằng: ta không cần và dĩ nhiên là không được phép xa rời việc rước Chúa chỉ vì ta từng mắc phải nhiều tội nhẹ. Thành thử, Hiệp-thông Rước Chúa, cũng giống như các hành-vi tốt đẹp khác, đã thứ-tha các tội lỗi ấy và giúp ta tăng-trưởng trong tình-yêu của Chúa và yêu thương người đồng-loại. Và như thế, ta được củng-cố thêm sức mạnh để không còn sa-ngã hoặc mắc phạm tội trọng nào nữa. Thế nên, ta phải hiệp thông rước lễ càng thường xuyên càng tốt.” (X. Lm John Flader, Receiving the Lord in the Eucharist helps us to become truly free, The Catholic Weekly 25/12/2016 Question Time, tr. 32)

Nói theo bài bản, sách vở hoặc luật-lệ thì như thế. Nhưng Đức Phanxicô vẫn có lý khi ngài, đứng trên cương vị của đấng bậc chí cao trong Hội-thánh làm mục-vụ. Thành ra, vấn-đề đặt ra cho mỗi người và mọi người, là: nếu ta cứ cứng ngắc tuân-thủ luật lệ của Hội thánh hoặc uyển-chuyển vâng nghe lời đấng bậc chăn dắt mình, trong Giáo hội đây?

Có lẽ cũng là điều hay và nên làm, là: cùng nhau quay về với Lời khuyên của đấng thánh-hiền mà Giáo-hội lâu nay lại coi là “Lời Chúa”, rất như sau:

“Vậy đây là điều tôi nói với anh em,
và có Chúa chứng giám,
tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa,
vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ.
Tâm trí họ đã ra tối tăm,
họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban,
vì lòng chai dạ đá khiến họ trở nên dốt nát.
Họ đã mất ý thức nên đã buông thả,
sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ.
Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu;
ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Ngài,
đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu.
Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa,
là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối,
anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,
và phải mặc lấy con người mới,
là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa
để thật sự sống công chính và thánh thiện.”
(Êphêsô 4: 17-24)

Thật tình mà nói, “sự sống công-chính và thánh-thiện” mới đúng là mục-tiêu sống-động của người đi Đạo và sống đạo làm người. Sống công-chính/thánh-thiện trong cả cuộc đời bình-dị chứ không chỉ thực-hiện việc Hiệp-thông Rước Chúa vào lòng mà thôi.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là: làm sao ta có thể gọi cuộc sống của ai đó là sống công-chính/thánh-thiện? Câu trả lời đây, thật cũng khó. Khó, là bởi mỗi người mỗi ý. Mội vị một lập-trường. Và lập-trường người nào cũng hay cũng tốt hết. Duy, có áp-dụng vào cuộc sống thường-nhật được hay không, đó mới phải.

Để có thể thu-thập và sống thực lập-trường thánh-thiện, bần đạo vừa “chộp” được quan-điểm/lập-trường của một thàn-học-gia tên tuổi, từng viết như sau:

“Nếu hỏi rằng: đối với tôi, lành-thánh/hạnh-đạo là gì? Thì tôi sẽ nhanh chóng trả lời: Đó là lòng muốn/ý-định của Thiên-Chúa chuyển đến với con người trần-tục. Ta có bổn-phận phải đi tìm những gì tốt lành/hạnh đạo cả trong cuộc sống. Ta phải trải-nghiệm mà sống sao cho lành thánh/hạnh-đạo.

Lành thánh, và ý-thức biết rõ Thiên Chúa hiện-diện một cách nhưng-không và tuyệt-đối. Đó, là sự chính-trực toàn-vẹn của con người, nhưng được cất nhắc đưa vào tình-trạng thâm-giao với Thiên Chúa. Nói thế, tôi không có ý bảo rằng việc sống thực Đạo Chúa và trở-thành con người thực-thụ là chuyện tương-đồng bởi lẽ ta không thể trở-thành con người mà lại không có tương-quan sinh-động với Thiên Chúa, được.

Thế nhưng, sự lành thánh/hạnh-đạo là bản-chất nhân-đạo của người trần-tục được cất-nhắc đem vào với sự sống thần-thiêng của Thiên-Chúa. Lành-thánh và đời sống thần-thiêng hoặc đời sống có huệ-lộc cũng cùng một thứ. Đời sống thần-thiêng giả-định trước và đảm-trách sự sống có đạo-đức, thế nhưng sự thần-thiêng lại hơn cả luân-thường đạo- đức và đời sống Kitô-hữu không hề bị giảm-thiểu thành đời sống có luân-thường đạo-đức, tức là mấu chốt đời sống của tín-hữu Đức Kitô.” (X. Edward Schillebeeckx, I Am a Happy Theologian, SCM Press Ltd 1994, tr. 60)

Nhận-định thế rồi, nay ta quay về với lời vàng đấng thánh từng bảo ban hết mọi người lành-thánh/hạnh-đạo, cho ra người:

“Thưa anh chị em,
nếu có người nào trong anh chị em lạc xa chân lý
và có ai đưa người ấy trở về,
thì anh chị em hãy biết rằng:
kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về,
thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết
và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.”
(Giacôbê 5: 19-20)

Ấy đó, cũng là một lời khuyên lành-thánh của bậc hiền-nhân hạnh-đạo. Lại cũng có những lời chân-tình của người thường trong đời vẫn kể cho nhau nghe các tình-huống có thực trong cuộc đời người, bằng truyện kể rất dễ nghe và dễ thực hiện, như sau:

“Một ngày kia, có đại-gia trung-niên tướng mạo xấu xí, dẫn theo một kiều-nữ đến một cửa hàng chuyên buôn bán những chiếc túi xách hàng hiệu cao-cấp.

Ông ta đã chọn một túi xách trị giá đến 18.000 USD cho cô gái. Khi trả tiền, người đàn ông lấy ra cuốn chi phiếu, chẳng ngần ngại điền số tiền tương ứng vào một tờ chi phiếu, nhân viên cửa hàng có phần khó xử. Người đàn ông nhìn thấu tâm tư của cô nhân viên, nên hết sức bình tĩnh nói với người bán hàng: “Tôi cảm thấy dường như cô đang lo sợ đây là một tờ chi phiếu khống, phải không?

Hôm nay lại là Thứ Bảy, ngân hàng không mở cửa. Thôi thì tôi đề nghị cô hãy giữ tờ chi phiếu và cả cái túi xách này lại. Đợi đến đầu tuần tới, sau khi đổi được tiền rồi, thì xin cô hãy gửi túi xách này đến nhà của vị tiểu thư xinh đẹp này, cô thấy như vậy có được không?”

Cô nhân viên cửa hàng nghe xong hoàn toàn yên tâm, vui vẻ chấp nhận lời đề nghị này, lại còn hào hứng cam đoan rằng chi phí gửi túi xách sẽ do cửa hàng này đảm nhiệm.

Sáng Thứ Hai, nhân viên cửa hàng đem tấm chi phiếu đến ngân hàng thanh toán, kết quả tờ chi phiếu này quả thật là tờ chi phiếu khống! Người nhân viên vô cùng tức giận, liền gọi điện cho người đàn ông đó, người đàn ông nói với cô rằng: “Chuyện này có gì to tát lắm đâu, tôi và cô cả hai đều không bị tổn thất gì cả.

Hôm Thứ Bảy đó, tôi cuối cùng đã chiếm hữu được cô gái đó rồi! Thật lòng cảm ơn sự hợp tác của cô”.Câu chuyện này nói với chúng ta rằng:Những gì mà chính bản thân ta “nhìn thấy tận mắt” cũng chưa chắc đã là thật.Tham hư vinh thì phải trả một cái giá rất đắt.

Cô kiều nữ kia cho rằng cái túi xách trị giá hàng nghìn USD đó sẽ được giao đến tận cửa nhà vào sáng Thứ Hai, nên tự nhiên cũng đã buông lơi cảnh giác, cho rằng đầu tư như vậy thật là xứng đáng. Cô vốn đã không biết rằng bản thân mình đang chơi trò mạo hiểm, chẳng có gì đảm bảo cho mình sự thật sẽ như thế.

Trên đời này, lắm người vẫn làm những chuyện trái-khuấy khiến người khác không còn tin tưởng một ai khác. Những người như thế, nhất-định không thể là người lành-thánh/hạnh đạo được. Để minh hoạ cho khẳng định này, tưởng cũng nên nghe thêm một truyện khác cũng rất được.

Truyện rằng:
Con cáo nọ phát hiện ra cái chuồng gà ở gần nhà. Nhưng cáo ta vì quá mập, không thể chui lọt qua hàng rào nhà người ta để ăn gà. Thế là, nó nhịn đói suốt ba ngày, cuối cùng cũng lọt vào được. Tuy nhiên, sau khi ăn no nê rồi, chiếc bụng phình to, nên cáo ta lại không thể ra khỏi chuồng gà ấy được, đành phải bắt đầu nhịn đói lại ba ngày mới ra được.

Cuối cùng, nó xót xa than-thở rằng: “Bản thân mình ngoài chuyện nhất thời sướng miệng ra, trên cơ bản hoàn toàn là phí công vô ích”.

Và lời bàn của người kể truyện, vẫn nghĩ rằng: “Đời người không phải cũng như vậy sao. Đến trần truồng mà ra đi cũng trần truồng. Không ai có thể mang theo tài sản và danh vọng mà mình đã vất vả kinh doanh một đời để theo cùng.Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được tuổi trẻ.

Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được mạng sống;Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua lại được hạnh phúc. Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được thời gian.

Cho dù có dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới, nhưng tiền bạc của cả thế giới cũng không mua lại được cuộc đời của bạn.Vậy nên những lúc nên làm việc thì hãy làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi, vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mà mình có được, hãy yêu thương những người mà bạn yêu thương, vui vẻ mà sống trọn từng ngày.

Sống một ngày vui vẻ là sống một ngày, Sống một ngày không vui vẻ cũng là sống một ngày…….Vậy tại sao chúng ta lại không trân quý hết thảy, vui vẻ mà sống trọn một ngày chứ!” (St sưu tầm)

Lời bàn của người kể thật ra cũng có thể áp-dụng vào chủ-đề mà bạn và tôi, ta đang bàn. Giúp người khác sống lành-thánh/hạnh đạo, đâu là chuyện cứ khuyến-khích người khác đi nhà thờ dự Tiệc Thánh, nhưng không được Hiệp thông Rước Chúa nếu đã phạm tội nhẹ hay trọng.

Bởi, nếu thế thì, đâu là ý-nghĩa đích-thực của Tiệc Lòng Mến? Tham-dự Tiệc chay hay mặn mà lại không được tiếp-nhận vào mình Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu biểu-trưng Tiệc Tình-Yêu qua Bánh Thánh và Rượu Thánh, thì có lẽ ở nhà mà sống yêu-thương người chòm xóm, thích hơn chăng?

Câu hỏi của bạn bè thân quen nay gửi đến với bạn đọc trong ngoài Hội-thánh tức nhóm hội của những người cho rằng mình vẫn lành-thánh/hạnh đạo. Và, câu trả lời xin dành để cho bạn và cho tôi, bây giờ và mai sau, khi còn sống hay lúc đã qua một đời người, ở mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những câu hỏi tương-tự
Vẫn chờ câu trả lời

dù không thoả-đáng.

Bài liên quan

Back to top button