“Ngày ấy em như hoa sen” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 3 mùa Vọng năm B 17/12/2017
“Ngày ấy em như hoa sen,”
“mang nhiều giáng hiền những khi chiều lên
Ngày ấy em như sương trong,
nép trên bông hồng, mượt trên cánh nhung.”
(Anh Bằng/Trần Ngọc Sơn – Hạnh Phúc Lang Thang)
(Công vụ 1: 6-8)
Giả như ta chuyển ý bài hát ở trên sang thành tư-tưởng của nhà Đạo, thì sẽ thấy câu tiếp diễn tả rất như sau:
“Ngày ấy em như cung tơ,
cho đời thẫn thờ, cho tôi dệt mơ
Đường khuya tay đan ngón tay,
ước cho đời ước mơ dài.
Nhưng năm tháng vô tình, mà lòng người cũng vô tình,
rồi màu úa thay màu xanh
Người yêu xa bến mộng, đò xưa đã sang sông,
giòng đời trôi mênh mông.
Dáng xưa nay xa rồi, đường khuya mưa rơi rơi.
Phố xưa quên một người, bàn chân gieo đơn côi.
Gió mang theo cơn lạnh, về rót lệ trên môi.
Ngày ấy yêu em say mê, tôi nào nghĩ gì đến câu từ ly.
Tình ái không xanh như thơ, đến chung hơi thở,
rồi trôi rất xa
Hạnh phúc lang thang như mây, cho hồn héo gầy,
khi ta còn đây
Từng đêm qua trong giấc mơ,
vẫn mong chờ có em về.
(Anh Bằng/Trần Ngọc Sơn – bđd)
Nói theo kiểu nhà Đạo hôm nay, thì bần đạo đây lại nghĩ thế này: từ lâu lắm, bần đạo cứ giữ đạo theo kiểu con trẻ. Tức là: đem nguyên si những gì mình suy nghĩ về Đạo đi vào cuộc sống rất thời thượng, mà chẳng lý gì đến thời thượng/thời hạ gì ráo trọi.
Nói xa nói gần chi bằng ta cứ nói thiệt, rằng: xưa và nay, người nhà Đạo mình giống như bần đạo bầy tôi đây, lúc nào cũng suy tính tình trạng đi Đạo theo số lượng, mà thôi. Cứ xét theo con số như thế, ắt hẳn tôi và bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên khi đọc giòng chảy thống-kê ghi ở tuần báo Đạo Sydney, như sau:
“Khảo sát/nghiên-cứu mới về cuộc sống của Giáo-hội Công-giáo Úc vừa qua cho thấy: đang có sự gia-tăng đáng kể về số lượng cư-dân đa văn-hoá, nữ-giới có học-lực cao so với dân-cư bình-thường ở các quận/huyện trên toàn nước Úc.
Khảo-sát trên cho thấy: 43% người Công giáo tham-dự Tiệc Thánh là những những người đến từ nước ngoài. Thống-kê năm 2006 cho biết con số những người này gồm 34% tổng dân-số ở Úc. Và, tính bình-quân thì 37% số người đến từ các nước không thường-xuyên nói tiếng Anh. Con số nói trên lại cao hơn số người dân Úc tính theo trung-bình; và có khoảng 22% số người có quốc-tịch Úc đều sinh hạ tại các nước không nói tiếng Anh.
5 năm một lần, chính-phủ Úc thực-hiện thống-kê trên toàn quốc và thực-hiện khảo-sát với nhiều giáo-phái khác nhau, trong đó có: Công-giáo, Anh-giáo và Thệ-Phản ngõ hầu lập nên bức tranh cho thấy con số những người còn đi nhà thờ dự lễ.
Tuần qua, sở Thông-kê Úc có đưa ra kết quả khảo-sát thực-hiện vào năm 2016. Kết quả cho thấy rõ: số người Công-giáo hiện còn hành Đạo trên khắp nước. Tổng số 30% người Công giáo Úc nói hai thứ tiếng khác nhau tại nhà, là: tiếng Anh và tiếng nước ngoài. Bản khảo sát, còn cho thấy: chỉ 3% số người được hỏi, trả-lời là: họ nói chỉ một thứ tiếng không phải là Anh-ngữ tại nhà, mà thôi.
Người thực-hiện cuộc khảo sát ở đây, là Ts Ruth Powell có cho biết: tổng số những người thuộc tầng-lớp sắc-tộc đa-văn-hoá vẫn đi nhà thờ ở Úc nay gia-tăng đáng kể, dù các giáo-phái ở đây gồm toàn tín-hữu không nói tiếng Anh chưa diễn-tả hết sự thật trong khảo sát.
Ts Powell còn cho biết: “So với nước khác, Úc có tỷ-lệ giáo-xứ đa văn-hoá, cũng rất cao. Trong khi đó, số phụ-nữ đi nhà thờ dự Tiệc Thánh thường đông hơn nam-giới, với tỷ-lệ là 62% trên tổng số giáo-dân. Con số này, không làm Tiến sĩ Powell ngạc-nhiên chút nào, do có sự thể là: “nữ-giới vẫn tiếp-tục là những người mộ-đạo hơn ai hết. Đó là chuyện lâu nay ai cũng thấy rõ so với các tôn-giáo khác nhau trên thế-giới.
Nhiều giả-thuyết cho thấy lý do của sự-kiện này, là do nhiều yếu-tố can-dự. Tuy nhiên, nhiều chứng cớ lại cũng cho thấy: hầu hết đều do yếu-tố xã-hội và văn-hoá mà ra, như: truyền-thống tôn-giáo và nơi làm việc là những yếu-tố có vai-trò quan-trọng, trong chuyện này.
Ngoài ra, hầu hết người Công giáo đi nhà thờ dự lễ thường là các vị cao-niên, chứ không phải giới trẻ. Đặc biệt hơn, các vị ở vào độ tuổi từ 50 đến 69, là những người hay đi lễ thường xuyên nhất (tức: 36% số người dự lễ trên tổng-thể); trong khi đó, giới trẻ ở độ tuổi 15-29 là nhóm người ít đi lễ nhất, có tỷ lệ chỉ gồm 9%, thôi.
Mức-độ học-thức rõ ràng chiếm ưu-thế hơn, so với người Úc bình thường với tỷ-lệ 36% số người đi lễ, so với tỷ lệ 26% dân số trên toàn nước Úc. Khảo-sát trên, còn cho thấy 45% người đi lễ đều là những người có công ăn việc làm, chỉ mỗi 8% số người nói trên, là những người suốt ngày lo nội trợ ở nhà và 14% là số người cao niên đã hưu trí.
Có được con số trên, người thực-hiện thống-kê phải bỏ ra mất hơn một năm trời mới hội đủ. Thống kê 2016 ở Úc cho biết: chỉ độ 250,000 người đi nhà thờ chịu điền đơn khảo-sát trên toàn nước Úc, tức: hơn 3,000 nhà thờ địa-phương thuộc 20 giáo-phái khác nhau. Để kết luận, Khảo-sát trên được lập là cho cá-nhân địa-phận và tổng-giáo-phận, trong các tuần vừa qua, mà thôi.” (Xem Genevieve Conway, Catholic stats reveal much, The Catholic Weekly 18/11/2017 tr. 2)
Thống kê về số người đi Đạo, chắc cũng không nói nhiều về thái-độ hoặc quan-niệm của người thời nay về nhiều thứ. Chí ít là chuyện danh xưng/tên gọi các đấng bậc của người mình. Một vấn-đề mà ít người dám đề-cập, vì sợ “đụng hàng”. Tuy nhiên, có đấng bậc nọ ắt vẫn còn trẻ, nên mới dám dám đặt vấn đề sau đây:
“Sáng sớm mùa Đông ở Canada, tuyết vẫn còn phủ trắng cao đến mắt cá chân, trên lối đi. Bà Catherine, bà bếp Cha Sở bước chầm chậm và cẩn thận quay về nhà xứ sau Thánh Lễ buổi sáng. Vừa đặt chân lên bậc thềm nhà xứ, thấy tôi đang quét tuyết, bà vui vẻ chào tôi và bảo:”
-Peter, mang cây chổi quét tuyết tới đây!”
Tôi tươi cười tiến đến gần bà với cây chổi quét tuyết đu đưa trên tay, chưa đón ra ý bà muốn nhờ tôi chuyện gì. Bà Catherine tự nhiên kéo váy đầm cao lên một chút và chìa đôi giày bám đầy tuyết, thản nhiên bảo tôi:
– Lấy chổi phủi giùm tuyết bám giày, để tôi đi vào không làm dơ thảm nhà xứ!”
Nụ cười vụt tắt trên môi. Tôi không nghĩ là mình không hiểu tiếng Anh. Rõ ràng quá mà: Lấy chổi phủi sạch tuyết bám giày bà đầm Catherine. Tôi cúi mặt chần chừ. Bà Catherine vẫn giữ cao váy đầm, giơ đôi giày bám đầy tuyết, thúc giục:
– Phủi giùm mau đi để tôi còn kịp vào chuẩn-bị cà-phê sáng cho Đức Ông Robert!”
Im lặng và cẩn thận, tôi cầm chổi, nhẹ nhàng phủi tuyết bám giày bà Catherine, từng chiếc một. Bà cười mãn nguyện, cám ơn tôi và nhanh nhẹn đẩy cửa bước vào nhà xứ.
Cửa chính nhà xứ đóng ‘rầm’ một tiếng, chận đứng ánh mắt buồn của tôi đang dõi theo bà Catherine. Tôi xấu hổ, cúi xuống đưa mắt nhìn lại chính mình, lần dò xuống tận chân. Dù khoác chiếc áo Mùa Đông để ra ngoài trời quét tuyết, nhưng bên trong tôi vẫn đàng-hoàng nghiêm-túc với tu-phục của linh mục, nghĩa là: vẫn áo sơ-mi dài tay màu đen, cổ côn trắng hẳn-hoi, quần đen ủi thẳng nếp, giày da mùa Đông loại đắt tiền cổ cao, có đế dày.
Tôi học và chịu chức linh-mục ở Canada, với dáng vẻ phong-thái lịch-lãm không kém người da trắng. Nếu hoàn-cảnh đất nước cho phép, tôi về lại quê nhà, chắc sẽ được đánh-giá cao, không thua các linh-mục được du-học ngày xưa. Tôi nghĩ vậy.
Cái nhục “phủi tuyết bám giày bà đầm” len vào trong máu, bốc cao tận đỉnh đầu. Ném chổi quét tuyết trả lại góc tường nhà xứ. Lặng lẽ, tôi trở lại phòng làm việc, đóng cửa khá mạnh tay, để toàn thân rơi phịch nặng-nề trên chiếc ghế bành làm việc. Tại sao bà Catherine không gọi tôi là CHA? Vì tôi mới làm linh-mục và còn làm phó cho Đức Ông Robert chăng? Tại sao bà Catherine dám bảo một linh-mục phủi tuyết bám giày bà? Bà là bà đầm da trắng, còn tôi là tên tóc đen, da vàng đến từ một nước nghèo chăng? Da màu phải phục-vụ da trắng hay người nghèo phải phủi tuyết bám giày người giàu chăng? Nhiều câu hỏi tương-tự quanh đi quẩn lại trong tôi.
Cái nhục của một linh-mục đã phải phủi tuyết bám giày bà đầm được tô đậm nét. Lòng tự-ái dân-tộc, niềm tự-hào nòi-giống rực lửa trong tôi. Tôi mạnh dạn, hung-hăng đứng lên, định đi tìm bà Catherine và Đức Ông Robert để làm lớn chuyện, cho ra lẽ. Bà Catherine phải xin lỗi tôi về chuyện đã không gọi tôi là Cha và dám bảo một ông Cha phủi tuyết bám giày bà. Gọi một linh mục bằng tên, thiếu lòng đạo-đức rõ-ràng. Bảo một linh-mục phủi tuyết bám giày, thiếu lòng kính-trọng chức thánh không thể chối cãi.
Cái đứng dậy quyết-liệt, cái vung tay tức-giận làm văng cây Thánh Giá trên bàn làm việc xuống sàn nhà. Ảnh Chúa Chuộc tội từ lâu vẫn đứng vô-tri trên bàn làm việc, ngay trước mặt tôi, rất kề-cận, nhưng nhiều khi tôi đã không thấy, hay thấy như một thứ trang-trí tôn-giáo cần-thiết trong phòng làm việc của một linh-mục.
Tôi bước đến, chậm rãi cúi nhặt ảnh Thánh Giá lên. Chúa nằm úp mặt trên sàn thảm, một cánh tay gảy lìa thân. Chúa trông thảm-hại hơn bình-thường. Cánh tay gãy lìa còn toòng teng nhờ đinh đóng chặt. Im-lặng nhìn Thánh Giá, cố ráp cánh tay gãy của tượng Chúa vào thân, đặt trở lại trên bàn làm việc.
Tôi quay lại ghế ngồi, ánh mắt vẫn không rời Thánh Giá. Tủi-nhục và thảm-hại của Thánh Giá làm cái tủi-nhục phủi tuyết bám giày bà đầm lắng xuống dần. Ý-nghĩa về chức linh-mục của Chúa Giêsu dâng cao, lấn chiếm tôi.
Ánh mắt vẫn không rời tượng Chúa Giêsu chết treo trên Thánh Giá. Ngài là Linh-Mục Thượng-Tế, đang giang tay tế-lễ trên Thánh Giá. Chính Ngài lập Bí-Tích Truyền Chức Thánh để thông-ban cho tôi chức linh-mục của Ngài. Không ai gọi Ngài là CHA cả, nhưng gọi là Chúa và là Thầy (Gioan 13:13).
Vậy tiếng CHA dùng để gọi các linh-mục, tiếng ĐỨC CHA dành để gọi các Giám-Mục, tiếng ĐỨC THÁNH CHA dùng để gọi Giáo-Hoàng La Mã đến từ đâu? Không đến trực-tiếp từ Chúa. Chính Chúa đã có lần dạy các Tông-Đồ là ‘đừng tôn xưng ai dưới đất là Cha, vì chúng con chỉ một Cha duy-nhất trên trời” (Matt. 23:9).
Nói thế, Chúa không có ý chỉ-thị rõ ràng rằng ‘đừng gọi các linh-mục Công-Giáo là Cha’ như người Tin-Lành suy-diễn nhằm chỉ-trích linh-mục Công-Giáo. Chúa đã khiển-trách môn-đệ mình vì chuyện ‘tranh chức’ đòi làm lớn, ngồi chỗ nhất giống như người Biệt-Phái và dạy họ rằng “Ai muốn làm lớn phải làm đầy tớ anh em mình.” (Matt.20:24-27), cũng như đừng bao giờ tự tôn mình lên ngang hàng với Chúa, vì chúng ta chỉ có một Chúa, người Cha duy-nhất trên Trời.
Tiếng “CHA” dành cho linh-mục, “ĐỨC CHA” dành cho Giám-Mục hay ĐỨC THÁNH CHA, dành cho Giáo-Hoàng được xử-dụng trên toàn thế-giới, đến từ truyền-thống của Giáo-Hội nhằm tỏ lòng kính-trọng và ngưỡng-mộ những người có chức thánh linh-mục. Từ việc tin Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, là Linh-Mục Thượng-Tế, Kitô-hữu đem lòng mộ mến, kính-trọng Linh-mục, Giám-Mục và Giáo Hoàng. Họ được coi như những người thông-phần với chức Linh-Mục của Chúa Kitô, như những người hy-sinh và hiến-tế đời mình cho phần rỗi nhân-loại.
Phaolô nói khá nhiều về chức linh-mục thượng-phẩm của Chúa Kitô (Thư Do Thái 4: 14- 5: 1-10) cũng như về vai-trò trung-gian giữa Trời và Đất đã ảnh-hưởng sâu-đậm nơi những kẻ tin. Người tin Chúa Kitô được dạy để đồng-hoá linh-mục với Chúa Kitô. Linh-mục là hiện-thân của Chúa Kitô, là một Chúa Kitô khác, là người CHA tinh thần, người CHA chăm sóc phần hồn cho các tín hữu, người tái sinh chúng ta qua bí tích rửa tội.
Cũng rất có thể nó đến từ cách xưng-hô kính-trọng dành cho những bô lão, những bậc đứng tuổi, đáng kính trong Giáo-Hội thời sơ-khai. Từ “Presbyteroi”, nguyên-ngữ Hy-Lạp có nghĩa là người đứng tuổi, bậc đáng kính, được dùng để chỉ linh-mục ngay từ buổi đầu.
Bà Catherine thiếu lòng kính trọng thánh chức linh mục vì đã không gọi tôi, một linh mục là CHA. Tôi thấy mình thiếu lý-chứng để kết-án bà. Người Tây Phương đặt tên để gọi. Họ thích được gọi đích danh. Một linh mục biết nhiều tên của nhiều người và gọi đúng tên, bất luận già trẻ lớn bé, sẽ được giáo-dân quí mến đặc biệt. Khi được gọi đúng tên, người Tây Phương cảm thấy mình thực sự được quan-tâm. Người Á Đông, đặc biệt Việt Nam mình, đặt tên để tránh gọi tên hay đặt tên để giấu tên. Gọi tên ‘cúng cơm’ một người lớn, chuyện bất kính, không thể chấp nhận được.
Người mình thường xưng-hô bằng ngôi thứ: Bác Ba, Cô Chín, Cậu Út thay cho tên. Trong những xứ đạo người Bắc, chủ-tịch Hội Đồng Giáo Xứ được gọi là Ông Chánh hay Chánh Trương. Giáo lý viên dạy kinh bổn được gọi là Bà Quản hay Quản Giáo. Người xướng kinh trong nhà thờ được gọi là Ông Trùm. Người chăm sóc việc nhà thờ, nhà Cha được gọi là Ông Bõ.
Việc tránh gọi tên đi đến kết quả: không còn ai biết tên thật của nhau. Cách nào đó đã thiếu quan tâm đến cá nhân, đến hữu thể mà chỉ chú trọng đến ngôi thứ, chức vụ hay địa vị là cái tùy thể, tháp gắn vào hữu-thể.
Năm 1974 tôi biết rõ một thiếu tá quận trưởng mất chức vì dám gọi vị Giám Mục Công Giáo là “Ông Đạo”. Ai cũng cho là đáng đời, vì làm tới quận trưởng mà không biết gọi Giám Mục là Đức Cha. Cũng là những kết án không hợp lý và bất lợi: Một quận trưởng không Công Giáo, làm sao biết được cách xưng hô kiểu Công Giáo? Người ngoài Công Giáo và nếu chịu ảnh hưởng Khổng Giáo chút ít, khó có thể gọi một ai khác ngoài cha đẻ của họ ở nhà là cha. Vị quận trưởng bị cất chức nầy có nhận ra lỗi “ăn nói vô đạo” của mình không?
Không! Ông ta đâu có lỗi để nhận ra. Nhưng trên thực tế, ông ta đã nhận một bất công. Gánh chịu bất công dễ đưa lòng người tới oán hận. Phải thú nhận rằng trong quá khứ, chúng ta, do hoàn cảnh đưa đẩy, đã sống theo kiểu “làm cha thiên hạ” hay “lấy thịt đè người”.
Chúng ta đòi người khác cho cái mà họ không có và không buộc phải cho. Chúng ta nghĩ thế nào, dễ hay khó, tự nhiên hay bất thường khi nghe một cụ già bảy mươi tuổi, trong tiếp xúc xã giao thường ngày, gọi một linh mục trẻ mới ba mươi tuổi là cha và xưng là con?
Bà Catherine đã gần bảy mươi tuổi, sấp xỉ tuổi mẹ tôi ở quê nhà. Chưa một lần xác định bằng lời, nhưng xem chừng bà thay Mẹ tôi chăm sóc cho tôi trong mấy tháng qua: Bà nấu cơm cho tôi, giặt giũ cho tôi, bà pha chế những món ăn hoà hợp giữa khẩu vị Tây-Ta cho tôi vừa miệng.
Bà hay dò hỏi xem Mẹ tôi làm gì cho tôi khi tôi đau ốm hay khi tôi buồn. Bà nhắc tôi đi ngủ sớm và dâng thánh lễ chậm rải, sốt sắng. Bà thương chỉ bảo cho tôi phát âm từng chữ tiếng Anh cho đúng giọng và chính xác. Bà cũng hay nhờ tôi khuân vác hay di chuyển những vật nặng trong nhà xứ giống như Mẹ tôi ở nhà vậy.
Chuyện bà gọi tôi bằng tên cũng là chuyện tự nhiên như Mẹ gọi con. Có bà mẹ nào, trong sinh hoạt thường nhật, gọi con mình làm linh mục là cha bao giờ? Chuyện bà nhờ tôi phủi tuyết bám giày sáng nay, trong trí bà, có thể không như chuyện giáo dân nhờ linh mục, nhưng là chuyện mẹ nhờ con. Thật đơn giản!
Hơn bao giờ hết, tôi thấy mình thật cận kề với Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang đặt trước mặt tôi, trên bàn làm việc. Chúa Kitô, linh mục thượng phẩm, đang giang tay, hiến tế chính thân mình trên Thánh Giá. Tôi, một linh mục, một Chúa Kitô khác, tôi giang tay dâng lễ hàng ngày trên bàn thờ. Tay giang, nhưng không dâng hiến, không ban phát, không cho đi, nhưng đòi hỏi: đòi được kính trọng đặc biệt, đòi được gọi bằng CHA mới thoả lòng. Tôi làm linh mục, một Chúa Kitô khác, nhưng đôi khi tôi thật khác Đức Kitô: Chúa Kitô, đến để phục vụ, còn tôi, tôi sôi máu tức giận khi phải phục vụ.
Tôi đứng lên, tìm bà Catherine trò chuyện. Bà đang ở nhà bếp chuẩn bị cơm trưa. Tôi vui vẻ đến gần hỏi xem bà có cần tôi giúp chuyện chi không. Bà Catherine vui vẻ nhờ tôi chuẩn bị Salad và cà chua. Tôi vừa làm giúp bà vừa hát nho nhỏ trong miệng. Bà Catherine đến gần, ngọt giọng bảo tôi: “Peter, you look so happy today!” Lại cũng Peter suông! Nhưng tôi lại yêu nó. Tôi mỉm cười đắc ý trả lời: “Yes, Mom, I deeply realize that I am a priest forever!”
Chữ “linh mục” tôi nhấn mạnh và kéo dài. Suốt năm tháng qua, từ ngày chịu chức, tôi đã làm CHA và buồn vì không được gọi là Cha. Hôm nay, tôi mới thực sự làm linh mục, làm người được chia sẻ chức linh mục với Chúa Kitô, Đấng đến giang tay tế chính thân mình cho phần rỗi của những người con.
Bà Catherine ơi! Cám ơn bà thật nhiều! Bà đã không kêu tôi bằng Cha, nhưng bằng tên và đã nhờ tôi phủi tuyết bám giày bà. Bà không thật sự thiếu lòng kính trọng tôi, hay coi thường chức linh mục trong tôi. Nhưng bà cho tôi cơ hội nếm và sống ý nghĩa chức linh mục.
Linh mục, kẻ giang tay để tế lễ, để dâng hiến, để cho đi, để ban phát và phục vụ như một Đức Kitô khác. Bà thật sự giúp tôi khước từ ước vọng làm CHA hay thích được gọi là CHA theo ý nghĩa muốn được nâng cấp, mang tính ích kỷ thu gom của mình.
Linh mục, người Cha tinh thần hay cha linh hồn, người sinh cho Chúa nhiều con cái qua bí tích Rửa Tội, nhưng nhiều khi được gọi CHA làm tôi dễ thấy mình cao cả và quên đi vai trò hy sinh, giang tay cứu độ mà Đức Kitô, Linh Mục Thượng phẩm đã chọn gọi tơi để thi hành.” (Lm. Phêrô Trần).
“Giang tay cứu độ”, còn là động thái của Đức Chúa, Đấng từng có lời khẳng-định như sau:
“Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó
hỏi Người rằng:
“Thưa Thầy,
có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”
Người đáp:
“Anh em không cần biết thời giờ
và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt,
nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần
khi Ngài ngự xuống trên anh em.
Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy
tại Giêrusalem,
trong khắp các miền Giuđê, Samari
và cho đến tận cùng trái đất.”
(Cv 1: 6-8)
Dĩ nhiên, không cần nói ai cũng thừa hiểu rằng “Chiếc áo dòng không làm nên thày tu”, danh xưng/tên gọi không nói hết được thực-chất của câu chuyện mình muốn nói, nhiều hơn thế.
Hôm nay đây, bần đạo bầy tôi cũng muốn “nói nhiều hơn thế”, nhưng “lực bất tòng tâm”, nay tuổi già sức yếu, không còn khả-năng để nói nhiều, nói mãi, nói dài dài những điều khô-khan, chẳng nên nói.
Quyết thế rồi, nay xin nhắn nhủ bạn và tôi, ta kết thúc bài phiếm “loạn” lai ra ba sợi ở đây, cho đỡ rách việc.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những quyết tâm không đơn giản
khó hiện thực.