Chút suy tưVăn - Nghệ

Từ câu chuyện Hai Quả Táo | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

Từ câu chuyện Hai Quả Táo

“Khi mẹ hỏi xin một quả táo, cô bé ngay lập tức cắn quả bên tay trái, rồi tới bên tay phải”.

Ảnh minh họa: Livehappy.

Một cô bé đang cầm trên tay hai quả táo chín, đỏ mọng và thơm phức.

Mẹ của bé bước vào, mỉm cười và nhẹ nhàng nói với con: “Con yêu, con có thể cho mẹ một quả táo của con được không?”.

Cô bé nhìn mẹ vài giây, rồi bất ngờ đưa quả táo bên trái lên miệng cắn một miếng; xong tới quả táo bên phải.

Người mẹ “đứng hình” khi chứng kiến hành động của con. Nụ cười trên khuôn mặt cô dường như “đóng băng”. Dù vậy, cô vẫn cố gắng để không thể hiện sự thất vọng của mình ra bên ngoài. Nhưng…

Bé gái liền đưa quả táo vừa cắn về phía mẹ và nói: “Đây là của mẹ. Quả táo này ngọt hơn”.

 (Sưu tầm từ INTERNET)
_____________

Chút Suy Tư

Chia Sẻ Với Lòng Đơn Sơ Chân Thật

1. Cái nhìn bề ngoài

Cuộc sống ngày nay thường vội vàng quá !

Người ta vội vàng phàn xét, vội vàng nhận định, vội vàng kết luận. Vì vội vàng nên những gì vừa thấy, vừa nghe, được xem như thể là đầy đủ ý nghĩa mà thường tình ai cũng cho là như vậy.

Cô bé nhìn mẹ vài giây, rồi bất ngờ đưa quả táo bên trái lên miệng cắn một miếng; xong tới quả táo bên phải”. (trích truyện).

– Cô bé tham ăn quá phải không ? .
– Chứ còn gì nữa !

Mẹ cô bé cũng thấy như vậy !

Người mẹ “đứng hình” khi chứng kiến hành động của con. Nụ cười trên khuôn mặt cô dường như “đóng băng”.(trích truyện)

2. Từ đáy tâm hồn

Tiếng nói tâm hồn thường rất chậm. Bởi vì nó sâu lắng. Không phải hời hợt bề ngoài. Có câu “Dục tốc bất đạt”. Chuyện làm bề ngoài còn không nên vội vã huống chi là chuyện tâm hồn. Những gì từ tâm tư, bao giờ cũng cần chậm lại. Để trầm ngâm suy nghĩ. Im lặng suy tư.

Người mẹ đứng trước hành động có vẻ tham ăn của con, và có vẻ hỗn nữa, lớn chuyện hơn là không có hiếu, đã kềm chế thứ phản xạ vội vã theo bản năng. Người mẹ đã có suy nghĩ không đẹp về con mình rồi đấy chứ, nhưng bà kềm chế không lên tiếng. Sự im lặng nhẫn nhục là tiếng nói sâu lắng của tâm hồn. Sự vội vã phán xét là tiếng nói nông cạn của bờ môi.

Dù vậy, cô vẫn cố gắng để không thể hiện sự thất vọng của mình ra bên ngoài.(trích truyện).

Chỉ có tiếng nói sâu lắng trong tâm hồn mới tìm thấy niềm vui cao đẹp của tâm hồn.

Hãy thử tưởng tượng người mẹ vội vàng nói lên sự thất vọng về  hành động của con mình, trước khi cô bé  hoàn tất cách thử hương vị hai trái táo để chọn trái táo nào cho mẹ, niềm vui của hai mẹ con sẽ không còn đẹp như vậy đâu.

Bé gái liền đưa quả táo vừa cắn về phía mẹ và nói: “Đây là của mẹ. Quả táo này ngọt hơn”. (trích truyện).

Đến đây ta có thể hình dung được hình ảnh người mẹ ôm con vào lòng và có thể nước mắt trào dâng niềm hạnh phúc.

3. Từ câu chuyện Hai Quả Táo

Những hạnh phúc tương tự như thế sẽ làm đẹp cuộc đời biết bao.

Đây là của mẹ. Quả táo này ngọt hơn”. (trích truyện).

Thật đơn sơ và chân thật !

Không chỉ là tình yêu của đứa con dành cho mẹ ở đây, cũng không chỉ là hai quả táo, đi xa hơn, ta nghĩ về sự nhường nhịn, sự lựa chọn của con tim biết yêu thương, đối với người lớn tuổi, với người tàn tật, những người bất hạnh, những kẻ khốn cùng…  

Có thể đó đây trong bước lãng du, ta bắt gặp những tấm lòng như cô bé trong câu truyện hôm nay. Có thể nó mang màu sắc khác nhưng  không kém phần cảm động và đầy ắp yêu thương.

Thí dụ trên chuyến xe đò một người nói với bà cụ: “Ghế này ngồi êm hơn nè ông cụ !”. Hay ai đó nhường ghế cho một phụ nữ đang mang thai : “Chỗ ngồi này an toàn hơn đây này, bà bầu !”.

Nơi công cộng nào đó người ta đang xếp hàng : “Ông già lên phía trước đi, tôi không gấp đâu !”

“Đây là của mẹ. Quả táo này ngọt hơn”

Vâng, cuộc sống cần có sự chia sẻ và tình yêu nào cũng cần có sự hy sinh.

MAI NHẬT THI

 

Bài liên quan

Back to top button