Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Đường Về Đỉnh Vinh Quang | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A
(Mt.17,1-9)
****
ĐƯỜNG VỀ ĐỈNH VINH QUANG

 

1 Khi ấy Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. 2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. 4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” 8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi. 9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

SUY NIỆM

Đây là một câu chuyện xưa có tên “Người kế vị”, nội dung như thế này :

            Ở ngôi chùa kia có vị cao tăng với nhiều đồ đệ đông đến hàng trăm người. Cũng như mọi người bình thường, vị cao tăng biết rõ ràng quy luật “sinh, tử” của Tạo Hóa là không có ngoại lệ. Nay tuổi cao, sức yếu, vị cao tăng muốn tìm một người kế vị mình. Ngặt nỗi, người kế vị chỉ có một, còn đồ đệ thì rất nhiều. Vị cao tăng nghĩ là một kế và tiến hành lựa chọn người kế vị.

            Cứ khoảng vài ba ngày, vị cao tăng tự đem giấu một món đồ vật và phàn nàn với đồ đệ rằng nơi đây có trộm cắp.

            Ít lâu sau, vị cao tăng bỗng la lên: Trộm ! Trộm ! Có kẻ trộm !

            Nghe tiếng thầy kêu, dù đang ngon giấc, các đồ đệ đều bật dậy, vội chạy tới. A là một đồ đệ rất siêng năng, nhanh nhẹn, tháo vát, luôn quí trọng thầy, thương yêu sẵn sàng giúp đỡ bạn, có uy tín vào bậc nhất trong các đồ đệ của vị cao tăng. A chạy đến trước tiên, hy vọng sẽ giúp thầy tìm bắt kẻ trộm, bảo vệ tài sản.

            Thấy A, vị cao tăng vội túm lấy áo của A và nói lớn : Bắt được kẻ trộm rồi.

            Trước đông đảo các môn đệ, vị cao tăng tuyên bố :

            A là kẻ trộm vừa bắt được và đuổi A đi.

            Bị thầy đuổi, không một lời thanh minh, không một lời oán thán, A nhẫn nhục ra đi.

            Ba ngày sau, A trở lại Chùa, quỳ trước vị cao tăng và nói : “Thưa thầy, con ngộ (giác ngộ – nhận thức) được rồi”.

            Vị cao tăng đỡ A dậy, trong lòng cảm thấy rất vui vì đã lựa chọn được người kế vị xứng đáng đúng như lòng muốn.

ĐƯỜNG VỀ ĐỈNH VINH QUANG.

(ảnh: núi Tabor)

         “Vinh quang trên đỉnh núi” hôm nay, mà truyền thuyết cho là núi Ta-bo, duy nhất chỉ xảy ra một lần cho đến khi Chúa Ki-tô hoàn tất Chương trình Cứu Độ.

Đức Giê-su biến hình rực rỡ cùng với sự xuất hiện của hai nhân vật Cựu Ước, cho thấy tính cách xác thật và chắc chắn của cuộc hành trình mà Đức Giê-su sẽ thực hiện trên trần thế : Con đường Thương Khó và Phục Sinh.

            Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bổng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-lia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. (Lc.9,29-31).

Trong cuộc biến hình này, có hình ảnh Đức Giê-su vinh quang, và ẩn chứa hình ảnh Đức Giê-su chịu ô nhục : cuộc xuất hành mà Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.

Trong thoáng chốc, Phê-rô – luôn là đại diện cho các môn đệ – “nhận biết” được Đức Ki-tô vinh quang, vì Người là con Thiên Chúa, như ông từng tuyên xưng “Thầy là Đức Ki-tô, con Thiên Chúa hằng sống”, nhưng ông không thể “nhận biết” được Đức Ki-tô ô nhục, mà ngay sau cuộc biến hình này, Đức Ki-tô sẽ bước vào con đường đó: con đường Thập Giá.

            Xin Chúa thương, đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy ! (Mt.16,22).

03 Đức Ki-tô biến hình trước mặt những môn đệ gần gũi Chúa nhất, để các ông vững tin vào Đức Ki-tô, vào Chân Lý, vào con đường mà các ông đang đi. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Niềm tin vào Chúa Giê-su có đó, nhưng bước đi vững vàng trong cuộc hành trình Đức Tin không luôn luôn dễ dàng. Mỗi người phải biến đổi để trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô trong cái chết của Người” (Pl.3,10).

Sự biến đổi ấy đòi hỏi mọi người phải “thông phần những đau khổ của Người”, bằng sự sám hối, sự điều chỉnh, sự hoán cải sâu xa cuộc đời mình.

Không trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô trong cái chết của Người, thì không thể “đồng hình dồng dạng với Người” trong vinh quang được.

(ảnh: Nhà thờ trên núi Tabor)


NHỮNG THỬ THÁCH

           Trước đông đảo các môn đệ, vị cao tăng tuyên bố :
            A là kẻ trộm vừa bắt được và đuổi A đi.
            Bị thầy đuổi, không một lời thanh minh, không một lời oán thán, A nhẫn nhục ra đi.
Ba ngày sau, A trở lại Chùa, quỳ trước vị cao tăng và nói : “Thưa thầy, con ngộ (giác ngộ – nhận thức) được rồi”.
            Vị cao tăng đỡ A dậy, trong lòng cảm thấy rất vui vì đã lựa chọn được người kế vị xứng đáng đúng như lòng muốn.

            Điều gì đã diễn ra trong lòng của đồ đệ A ? Đó là những giờ phút độc thoại, chiến đấu, lắng nghe nội tâm, đối diện với chính mình.
            Một vị “chân tu”, không thể nào hành động vô lý như vậy. Thế thì, đằng sau hành động bất thường này, thầy có ý dạy điều gì ? Đồ đệ A phải nâng tâm hồn lên để suy gẫm được điều đó, để ngộ được điều đó. Nếu không, lòng tự ái bùng lên, danh dự bị thương tổn, đồ đệ A không thể nhận ra tình thương của thầy mình. Có thể tất cả đã đổ vỡ !
 

Phê-rô và các môn đệ đã biết Chúa là ai. Thiên Chúa không thể phản bội. Lời Ngài không sai, dù một chấm, một phẩy. Hình ảnh Chúa Giê-su biến hình khẳng định cho các môn đệ sự vinh quang mà Thiên Chúa hứa ban là chắc chắn.

            Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Chúa làm. (Tv.144, 13).

Đó là sự xác tín căn bản. Đó là Đức Tin của chúng ta. Từ sự xác tín đó, niềm tin đó, chúng ta tiến bước theo Chúa. Phó thác trong hy vọng và hạnh phúc.

            Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi những chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho những kẻ được Người kêu gọi trong Đức Giê-su Ki-tô. (Pl.3,13-14).

Để tiến bước mạnh mẽ, để “lao mình về phía trước”, để “chạy thẳng tới đích”, đòi hỏi sự chiến đấu nội tâm anh dũng, đè bẹp “cái tôi” hẹp hòi, “chết đi con người cũ”, đó là thập giá của đời ta”.

Nếu con người chỉ suy nghĩ và hành động theo ý riêng, theo bản năng, theo dục vọng, theo khát vọng thấp hèn, hạn hẹp, nhất thời, trước mắt, con người không thể bước vào lối hẹp, không thể đi vào con đường Thập Giá ! Điều ấy, đồng nghĩa với việc con người thuộc về thế giới của Sa-tan.

            “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người !” (Mt.16,23).

Không phải chúng ta đòi hỏi có một Thiên Chúa như lòng chúng ta mong ước, mà chúng ta muốn được trở nên một con người như lòng Thiên Chúa mong ước.

Vì sự sống là từ Thiên Chúa.

Nên con người phải được biến đổi, và biến đổi hoàn hảo đến mức hoàn toàn thuộc về Chúa, là của Chúa, là chính Chúa hiện diện trong ta.

            Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Ki-tô sống trong tôi. (Gl.2,20).

Sự biến đổi này, không phải chỉ là “nhận biết” Thiên Chúa, “ngộ” được Thiên Chúa, mà biến đổi thành chính Thiên Chúa, “thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (2Pr.1,4).

            Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở nên như Người (Thánh Irénée).

Sự biến đổi ấy, cuối cùng chính là Phục Sinh cùng Đức Ki-tô. Được về miền Sáng láng và vinh hiển, vinh quang và vinh dự cùng với Ngài cho đến muôn đời.

            Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Ðấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền (1Pr.2,9)

THỰC TẾ HÔM NAY

            Chúa Giê-su đã biến hình sáng láng trên núi. Những môn đệ thân yêu của Chúa Giê-su đã chứng kiến giây phút vinh quang của Chúa Giê-su. Giây phút mà ngay lúc đó, sẽ không có gì có thể lay chuyển niềm tin của các môn đệ.

            Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người ! (Mt.17,5).

            Nhưng Chúa Giê-su đã đưa các môn đệ xuống núi. Ánh vinh quang đã tắt, cuộc sống đời thường đã trở lại trước mắt. “Đỉnh vinh quang” không một sớm một chiều mà có được để tận hưởng dài lâu. Đường Đến Đỉnh Vinh Quang còn nhiều chông gai thử thách. Người đi còn gặp nhiều gian khổ. Có những người bỏ cuộc. Có những người lạc hướng. Có những người chọn bến bờ khác.

            Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói : “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?” (Ga.6,60).

            Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với người nữa. (Ga.6,66).

            Phải biến đổi con người mình tận gốc rễ để đến bến bờ sự sống vĩnh hằng. Phải biến đổi đến mức tự hủy diệt mình đi mới “sống lại” một cuộc đời mới, sự sống mới.

             Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga.12,23-28).

Lạy Chúa,

            Xin cho con luôn biết cố gắng vươn lên,
            từng giây phút đổi thay đời mình,
            đến gần sự thiện hảo hơn,
            để con được hưởng vinh quang đời đời,
            trong Tình Yêu của Chúa. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
(Bài này đăng lại từ suy niệm
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY A 2011)
_______________
Nếu bạn muốn xem bài có liên quan, xin vào địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/498-chua-nhat-18-thuong-nien-a-duc-tin-dan-den-vinh-quang

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button