“Ngày ấy khi Xuân ra đời,” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện phiếm đọc vào Chúa Nhật 15 Thường Niên năm C
Trần Ngọc Mười Hai | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi.”
(Nhạc Ngoại quốc – Lời Việt: Phạm Duy – Khúc Hát Thanh Xuân)
(1 Ti 1: 8-11)
Xuân ra đời, không chỉ có mỗi ngày ấy. Lũ chim vui, có lứa đôi yêu nhau rồi, có thể cả vào lúc ấy, hôm nay và ngày mai. Tình yêu hay hạnh phúc thứ nào tốt đẹp và cần thiết hơn? Câu trả lời, sẽ hạ hồi phân giải. Nhưng, trước khi những giải và phân, ta cứ ngồi xuống mà nghe thêm câu hát tiếp, rất để đời, nổi trôi cũng không kém:
“Nhạc lắng hương xuân bồi hồi,
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi.
Nói với nhau, yêu nhau rồi,
Một ngày còn mới tươi môi.”
(Nhạc Ngoại quốc: One day when we were young)
Tình yêu hay hạnh phúc, thứ nào hay hơn ư? Này đây, một nhận định của ai đó, ký tên Lê Thuỷ viết như sau:
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân điều này chưa. Tôi nghĩ rằng đôi lần trong cuộc đời bạn sẽ phải nghĩ đến, bạn chọn yêu hay chọn được hạnh phúc.
Yêu và hạnh phúc là hai định nghĩa hoàn toàn khác biệt, yêu không có nghĩa là sẽ được hạnh phúc, và hạnh phúc cũng không có nghĩa là tình yêu. Sự so sánh này như người ta vẫn hay so sánh tình và tiền vậy, nhưng sự so sánh này quá rạch ròi, và trong bài viết này tôi không đề cập, vì tôi đang đề cập đến cảm xúc của con người, nó dễ dàng nhầm lẫn khiến ta hiểu lầm vài thứ.
Nếu bạn là một người đang yêu, và bạn được hạnh phúc suốt quãng thời gian sau này thì đó là điều tuyệt vời vô cùng, một điều kì diệu trong cuộc sống của bạn. Nhưng mảy may bạn không được cả 2 thứ đó, vậy bạn sẽ phải cân nhắc kĩ càng, vì cuộc đời đôi khi chỉ có vài lần cơ hội, một lần tuổi trẻ, một đời người, hoặc một lần lựa chọn sẽ không có sự quay đầu hay hối tiếc.
Nếu là tôi trước đây, khi tôi 18, đôi mươi, hoặc đến tận 25-26 tuổi, tôi vẫn tuyên thệ trung thành với bản thân rằng tôi chọn yêu thay vì chọn hạnh phúc. Vì tôi tin rằng, chỉ có tình yêu mới đủ làm tôi hạnh phúc và tự tạo ra hạnh phúc (đại loại là làm chủ hạnh phúc). Đúng là tôi hạnh phúc thật, hạnh phúc ngắn ngủi nhưng kèm theo cả khổ đau song hành. Tôi hạnh phúc chừng nào thì càng khổ đau chừng ấy. Và tôi nhận ra, người yêu tôi chưa chắc mang cho tôi hạnh phúc, và người tôi yêu, tôi chưa chắc mang cho họ hạnh phúc. Vẫn đôi lần họ bảo tôi làm họ tổn thương thay vì làm cho họ hạnh phúc. Tôi bất lực nhìn tình yêu ra đi vuột khỏi tay mình mà không thể cứu vãn.
Bạn biết rằng trên đời này không có gì là mãi mãi, trong đó có tình yêu. Tình yêu dễ vỡ, mong manh và theo sẽ nhạt dần với những sóng gió của thời gian đem đến, muốn giữ cũng không thể giữ vì bạn không thể lường hết được điều gì sẽ xảy đến với bạn. Tôi cũng đã từng tin vào tình yêu là một điều gì đó vĩnh cửu là bất diệt. Và tôi tin vào tình yêu đó, tin vào bản thân mình, vẫn tin vào câu suốt đời suốt kiếp. Ngày đó, tôi thật ngây thơ và trong trẻo. Cô bạn ngày ấy vẫn nói với tôi rằng, tình yêu một ngày nào đó sẽ hết, không phải hôm nay thì cũng là ngày mai, và chỉ để lại những kỉ niệm lẫn khoảng trống với những tiếc nuối trống rỗng, ngoài ra chẳng còn gì hết, muốn quay lại thì đã muộn. Nên đừng bao giờ lựa chọn tình yêu khi bản thân thấy không cảm thấy hạnh phúc trong hiện tại khi đã hi sinh qua nhiều.
Cuối cùng tình yêu hết thật, cũng không hẳn là hết mà nó đã không như còn như mong muốn, không còn như ban đầu, cảm xúc biến đổi dần theo thời gian, và tôi biết tôi không hạnh phúc dù tôi vẫn yêu rất nhiều. Tôi vẫn lựa chọn tình yêu, nhưng sau đó một thời gian sau, tôi bắt đầu lưỡng lự, vì cơ hội không có nhiều lần. Tôi tự hỏi mình, tôi muốn yêu hay muốn cuộc đời hạnh phúc. Tôi bắt đầu suy nghĩ đến điều này.
Tôi không hạnh phúc khi yêu, nhưng người cho tôi hạnh phúc tôi thấy thật yên ổn. Thấy cuộc đời thật nhẹ nhàng, thật bình yên. Và cuối cùng tôi chọn hạnh phúc. Tôi chọn người đàn ông cho tôi một cuộc sống tinh thần êm đềm và an tâm, và tôi thấy mình hạnh phúc.
Bên cạnh người tôi yêu, tôi thấy đau khổ, dằn vặt, mệt mỏi. Khi mất tình yêu, thì chắc chắn bạn sẽ rơi vào một trạng thái đau khổ và trống trải của sự cô đơn. Tôi thấy mình chọn đúng.
Cách đây 4 năm, một người bạn thân nhất của tôi đã lựa chọn một người đàn ông là cô ấy thấy yên tâm và tin tưởng thay vì chọn người mình yêu mà làm cho cô ấy luôn sống trong đau khổ lẫn bất an. Cuối cùng cô ấy có hạnh phúc hay không tôi không biết, nhưng 4 năm sau, cô ấy khuyên tôi rằng: HÃY LẤY NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀM CHO MÀY HẠNH PHÚC. Và bây giờ, tôi thấy hạnh phúc khi đi cùng con đường với cô ấy. Thoát khỏi sự sầu não đeo bám hằng mấy năm trời khi chọn yêu.
Tôi không khuyên những người đã yêu, đang yêu chọn cái gì, tôi chỉ kể ra những câu chuyện về tôi để bạn có thể lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời. VÌ BẠN SỐNG LÀ SỐNG CHO CẢ CUỘC ĐỜI, KHÔNG PHẢI SỐNG TRONG MỘT KHOẢNh KHẮC NÀO ĐẤY. TÌNH YÊU CHỈ LÀ MỘT KHOẢNH KHẮC. RỒI SẼ QUA ĐI. BẠN VẪN PHẢI TIẾP TỤC CUỘC SỐNG ĐẰNG SAU ĐÓ. MÀ CUỘC SỐNG KHÔNG CHỈ CÓ TÌNH YÊU.
HẠNH PHÚC MỚI LÀ THỨ BẠN ĐEO ĐUỔI CẢ CUỘC ĐỜI.
KHÔNG CÓ TÌNH YÊU, BẠN VẪN SỐNG ĐƯỢC, NHƯNG KHÔNG CÓ NHỮNG THỨ KHÁC, TÌNH YÊU SẼ KHÔNG TỒN TẠI ĐƯỢC. VÀ KHI ĐÓ, CUỘC ĐỜI BẠN CHỈ CÒN LÀ BẤT HẠNH.
Có thể bây giờ bạn không nhận ra chân lý này, bạn bác bỏ nó (như tôi từng bác bỏ) thì một ngày bạn sẽ ngộ ra được điều này một ngày nào đó khi bạn đi qua tình yêu.
CÒN BẠN, BẠN SẼ CHỌN GÌ?.”(Lê Thuỷ)
Chọn hạnh phúc như người viết ở trên ư? Đã chắc gì việc ấy thích-hợp với mọi người. Thôi thì, trước khi quyết định chọn-lựa, bạn và tôi ta cứ thử xem lời ca ta vừa hát, nói gì đây:
“Rồi nắm tay cùng nói vui,
Những câu êm êm không rời vai.
Rồi lả lơi, hình dáng ai,
Khuất xa biến vào nẻo khơi.
Từ đó khi xuân tái hồi,
Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi.
Nhớ tới câu thương yêu người,
Một ngày tuổi mới đôi mươi.”
(Nhạc ngoại quốc – bđd)
Vâng. Chính đó mới là trọng-tâm một quyết-định. Quyết chọn hạnh-phúc hay tình-yêu, cũng là chọn niềm vui cho đời mình. Đó là chọn và lựa của người đời hay nghệ-sĩ ở ngoài đời, cốt để vui. Thế còn nhà Đạo thì sao? Nhà Đạo chọn gì cho đời mình? Phải chăng người người chỉ chọn sống đời đi Đạo không bằng sống Đạo trong đời, mà chỉ loanh quanh chuyện nhà thờ nhà thánh suốt Chúa nhật, một ngày vui?
Thôi thì, ta thử đi vào chuyện hỏi/đáp giữa nhà Đạo và người đời sau đây. Hỏi, là hỏi rằng:
“Thưa cha.
Con có một số bạn bè/người thân đã không còn đều đặn đi lễ mỗi Chúa Nhật nữa rồi. Có người nói, họ quá bận rộn với đủ mọi công việc, có người còn phải lo cho con cái chơi thể thao với thể-dục, có người lại nói phải làm suốt 7 ngày, thì giờ đâu mà nhà thờ nhà thánh. Các câu trả lời này, khiến con thấy bất-bình, bởi khi xưa bạn bè của con đều là những người luôn sống tốt đạo đẹp đời, không khi nào bỏ bê chuyện nhà thờ hết. Vậy theo cha, con phải làm sao để giúp các vị này đây?
Lại một lần nữa, câu hỏi của người đi Đạo thời nay vốn dĩ thực-tế, khôn-ngoan và cẩn-trọng. Thế nhưng, hỏi ai không hỏi, lại đi hỏi đấng bậc chuyên-chăm chuyện giáo-luật với phụng-vụ nhà thờ, thì đương nhiên câu trả lời, rày sẽ như sau:
“Anh/chị vừa nêu lên câu hỏi đi thẳng vào vấn-đề ngày càng quen-thuộc đáng cho mọi người ưu-tư, quan-ngại.
Theo nghiên-cứu/khảo sát thực-hiện năm 2011, thì: chỉ mỗi 12.2% người Công giáo Úc “đi lễ” ít nhất 3 lần một tháng. Cách đây 50 năm, tỷ-lệ những người này lên đến 60%. Xem thế thì, đây không là tình-huống lành mạnh chút nào hết. Cuối cùng ra, thì Thiên-Chúa là khởi-đầu và cùng-đích của ta, Ngài đã tạo-dựng nên vũ-trụ này từ cõi hư-không. Ngài tạo-dựng ta theo ảnh-hình của Ngài, giống Ngài đến độ Ngài vẫn thương-yêu ta rất mực đến độ trở-thành người phàm rồi chết trên thập-giá hầu cứu-rỗi ta và Ngài vẫn dành chỗ cho ta trên Thiên-quốc. Ta không thể sống không có Ngài. Và, chắc chắn ta cũng không muốn chết mà không có Ngài và với Ngài…
Vấn-đề con người ngày nay để Thánh-lễ Chúa Nhật luột mất khỏi cuộc sống thường nhật của mình, thường kéo theo sự thể là họ cũng để luột mất Thiên-Chúa ra ngoài cuộc của chính họ. Và, cuộc sống mà không có Thiên-Chúa, thật rất buồn.
Thật sự, Thiên-Chúa mang ánh-sáng, hy-vọng, niềm vui, tình thương-yêu và sự chín-chắn ta vẫn tìm và cần đến. Và, khi ta có con có cháu nhất là vào lúc chúng đi học ở trường Công-giáo, chúng sẽ thấy sự mâu-thuẫn giữa những điều chúng học được ở trường với lối sống ở nhà. Giả như bậc mẹ cha không có lòng hướng về chuyện đi lễ nữa, thì các vị ấy cũng phải nghĩ đến chuyện tốt của cháu con. Đưa con cháu đến nhà thờ dự thánh-lễ mỗi Chúa nhật như Ngày của Chúa là nơi cả gia-đình cùng nhau coi việc lễ lạy là chuyện ưu-tiên, thì đó là cách tốt đẹp để giúp chúng thấm-nhuần đặc-tính tín-thác, hy-vọng và thương-yêu đối với Chúa là Đấng cung-cấp nền-tảng trên đó ta xây-dựng cuộc sống của chúng.
Ở đây, cũng nên nhớ Lời Chúa nói với các tông-đồ khi các thánh ngủ vùi ở vường Ghét-sê-ma-ni rằng: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” Cũng thế, ta không thể bỏ ra chỉ một giờ đồng-hồ một tuần cho Chúa khi Ngài trông nom/bảo-vệ ta và chúc lành cho ta suốt ngày 24 tiếng và suốt bảy ngày trong tuần sao? Những người trở về đi lễ thường-xuyên ngày Chúa Nhật sau một thời gian-vắng mặt ở nhà thờ, đều đặt giá-trị của việc đưa Chúa trở về với tháng ngày thời-gian có Chúa chăm sóc cho đời mình, là điều tốt.
Trờ về để đi lễ, mọi người sẽ lại được nghe Lời Chúa qua các bài đọc, được nghe lời cố-vấn hữu-ích từ các bài giảng và được cầu nguyện cho các ý-chỉ của mình, đặc-biệt hơn, lại được rước Đức Kitô và giờ hiệp-thông rước lễ, nữa. Vậy nên, hãy làm mọi việc ta có thể làm được để giúp đỡ bạn bè người thân trải-nghiệm niềm vui ấy, đặc-biệt vào năm thánh Từ-Bi 2016 này.
Thật ra, nếu muốn, ta vẫn có thể làm cho thánh-lễ trở-thành việc hài-hoà thích-hợp với công việc, thể-thao, thư-giãn của ta vào mọi lúc để đi lễ vào tối Thứ Bẩy hoặc ngày Chúa Nhật, nếu thấy cần. Có như thế, ta sẽ làm được việc khác-biệt, rất lớn-lao.” (X. Lm John Flader, Faith, hope and love of God – and keeping the Lord’s Day holy, Question Time, The Catholic Weekly 01/5/2016 t. 18)
Nói cho cùng, thì: có đi nhà thờ suốt mọi ngày hay chỉ mỗi Chúa Nhật cách quãng trong tháng hoặc trong năm cũng chỉ để chứng-tỏ niềm tin, hy-vọng và lòng thương-yêu vẫn còn đó nơi người Đạo Chúa chốn dương-gian, phàm trần. Tin, yêu và hy-vọng như Đức Thày linh mục-Dòng người Úc, từng quả-quyết hôm nào ở Sydney như sau:
“Xin thêm đôi ý tưởng, để bảo rằng: Phúc Âm không kể cho ta biết là cuối cùng thì đá-tảng-lấp-mồ của Đức Giêsu khi xưa đã lăn về đâu? Phải chăng, đá tảng lấp mồ ấy đã và đang lăn vào hộp Cẩm Nang Thần-học của ta và của người chứ?
Cuối cùng thì, ta có thể trở về với vấn-đề đặt ra cách rất thực, tức: về với tình Thương-yêu của Thiên-Chúa vẫn đề ra với các mẩu vụn cuộc đời của ta, tức: của chính ta, mà thôi.” (X. Lm Kevin O’Shea, Ơn Cứu Chuộc Nơi Ngài Chan Chứa, nxb Phương Đông 2015, tr.152)
Nói cho cùng, là nói những lời dù mạnh-bạo nhưng thích-hợp với thời-đại, với con người ở thời này, nay ra thế.
Nói cho cùng, thì có nói nhiều cũng chẳng thể nào đổi-thay được chiều-hướng trong đó mỗi người và mọi người vẫn cứ thế. Cứ, để mình trôi theo cơn lũ cuộc đời rất phàm-trần.
Nói cho cùng, còn là nói và thực-hiện đúng chủ-trương của mình và của người. Dù, người có “đi Đạo” theo kiểu xưa cũ hay rất mới, cũng vẫn là chọn-lựa tư riêng của người và của mình, trong cõi đời thực-tế nhiễu-nhương đầy cảm-nghiệm.
Nói cho cùng, sống đời nhiều đổi-thay còn là sống cùng và sống với không chỉ mỗi người đồng Đạo, đồng thuyền mà thôi, nhưng cả với người khác Đạo và khác thuyền nữa.
Nói cho cùng, thì sống là thực-hiện những điều mình ước/muốn trong tình-huống rất thực, của đời ở đây, rất bây giờ.
Nói gì thì nói, hãy cứ nói và làm như đấng bậc hiền lành trong Đạo, ngoài từng hướng-dẫn hoặc nhủ-khuyên như thày trò nhà Đạo khi xưa còn khuyến-dụ, như sau:
“Chúng ta biết rằng Lề Luật là tốt,
nếu người ta sử dụng cho đúng cách.
Thật vậy,
Lề Luật có đó,
không phải cho người công chính,
mà là cho hạng người sống ngoài lề luật
và bất phục tùng,
vô luân và tội lỗi,
phạm thánh phạm thượng,
giết cha giết mẹ, sát nhân,
dâm dật, kê gian,
buôn người, nói dối, bội thề,
và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh.
Đó là giáo lý phù hợp với Tin Mừng
đã được giao phó cho tôi,
Tin Mừng về vinh quang của Thiên Chúa chí tôn.”
(1 Timôtê 1: 8-11)
Nói gì thì nói, hãy cứ nói theo nhạc-điệu có âm có vận, như lời thơ hoặc âm-nhạc vẫn hát rằng:
“Nhạc lắng hương xuân bồi hồi,
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi.
Nói với nhau, yêu nhau rồi,
Một ngày còn mới tươi môi.”
(Nhạc Ngoại quốc: One day when we were young)
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn lắng nghe
Hương Xuân bồi hồi
Để tiếng hát lên ngôi
nói với nhau yêu nhau rồi
một ngày còn mãi tươi môi
rất của Chúa.